Họa sĩ Hùng Lân: Đưa Hesman tìm lại ký ức tuổi thơ

Thứ Bảy, 23/03/2019, 08:48
Cha đẻ của bộ truyện tranh huyền thoại “Dũng sĩ Hesman” sắp ra mắt tập 160 như một món quà tri ân bạn đọc. Thông tin này khiến nhiều người háo hức. Bởi 25 năm trôi qua, đứa con tinh thần của ông đã trở thành ký ức tuổi thơ đẹp đẽ mà thế hệ 8X, 9X không bao giờ quên...


“Dũng sĩ Hesman” của họa sĩ Nguyễn Hùng Lân ra đời năm 1993. Bốn năm sau đó, bộ truyện gồm 159 tập này khiến lũ trẻ khắp mọi miền đất nước mất ăn mất ngủ theo đúng nghĩa đen. Đứa nhịn ăn sáng, dành dụm tiền mua cho được cuốn truyện. Đứa trốn giờ ngủ trưa, thức chong mắt ban đêm tranh thủ đọc để còn kịp trả lại tụi bạn hoặc anh chị. Ở thành phố còn mua được truyện, riêng lũ trẻ ở nông thôn thì tranh nhau chầu chực ở tiệm để thuê cuốn truyện cũ mèm. Giá thuê đọc tại chỗ là 300 đồng, mang về nhà là 500 đồng.

Anh Lê Trung Tín (sinh năm 1987), người sưu tập gần như trọn bộ “Dũng sĩ Hesman” cho biết, nhắc tới Hesman, lũ con trai thế hệ 8X, 9X gần như đứa nào cũng biết, cũng đọc. Bắt gặp bìa cuốn truyện cũ, đứa nào cũng rưng rưng. Kỷ niệm tuổi thơ lại ùa về. Nhiều khi vì chầu chực cả buổi mà bị đứa khác thuê trước, bọn trẻ đánh nhau chí chóe.

Hồi còn nhỏ, Trung Tín ở phố, nên cứ chiều thứ 3, anh và lũ bạn lại ra nhà sách chầu chực chuyến xe từ TP Hồ Chí Minh về giao truyện. Nhiều khi xe đến trễ, đám trẻ tiu nghỉu ra về cho kịp giờ cơm, không thì bị ba mẹ đánh đòn xoắn đít.

Họa sĩ Hùng Lân giới thiệu tập 160 “Dũng sĩ Hesman – Người về từ cõi chết”.

Bây giờ, để tìm lại ký ức tuổi thơ, nhiều người không ngừng tìm kiếm, sưu tập cho trọn 159 tập. Giá sưu tập từ vài triệu giờ đã lên đến 30, 40 triệu mà vẫn chưa ai sưu tập nổi trọn bộ. Nhằm góp phần giúp đỡ họ, một nhóm bạn trẻ đã xin ý kiến họa sĩ Hùng Lân để lập dự án “Hesman - The legend reborn” (Hesman – Huyền thoại tái sinh) và in lại bộ truyện, làm mô hình robot Hesman.

Thập niên 90 của thế kỷ trước, truyện tranh khan hiếm. Đối thủ đáng gờm của “Dũng sĩ Hesman” chỉ có truyện "Đô-rê-mon". Nhưng khác hoàn toàn "Đô-rê-mon", “Dũng sĩ Hesman” là bộ truyện hiếm hoi (nếu không muốn nói là duy nhất) khai thác đề tài siêu nhân, robot thời điểm ấy. Những khái niệm như robot khổng lồ, robot sinh học, nguồn điện chết, sóng siêu âm, từ trường... cũng rất lạ lẫm.

Ngoài các nhân vật có cái tên ngoại quốc như Gát Cô, Kíp, Hesman... thì truyện còn có nhân vật Việt Nam mang tên Huy Hùng. Cuộc đối đầu của Hesman và các bạn với những thế lực xấu xa, thù địch trong không gian vũ trụ lôi cuốn bạn đọc nhỏ tuổi. Hesman gieo vào lòng các bé trai ước mơ được làm siêu nhân, được làm người hùng diệt ác, trừ gian, đem lại bình yên cho loài người. Nếu so sánh thì Hesman không khác gì motif phim “Siêu nhân Gao” Nhật Bản mà trẻ em bây giờ say mê. 

Thật ra, khởi nguồn bộ truyện huyền thoại này cũng từ phim hoạt hình siêu nhân “Voltron” của Nhật. Nhà xuất bản Mỹ Thuật đưa cho Hùng Lân cuốn băng video “Voltron” và mong muốn ông phóng tác thành truyện tranh. Ông vẽ và cẩn thận đề trên bìa: “Hùng Lân phóng tác từ phim hoạt hình Voltron”. Nhà xuất bản thấy nếu để tên “Voltron” thì bạn đọc nhỏ tuổi sẽ khó phát âm nên đề nghị đổi tên thành Hesman. Cái tên này cũng bao gồm hàm ý: He is man (Anh ấy là con người), nhằm nói tới chàng robot có suy nghĩ, hành động đầy tính người.

Tuy nhiên, bắt đầu từ tập 5 trở đi, ông chế ra nhiều nhân vật và tình tiết mới không có trong nguyên tác. Từ tập 100, ông thay hình đổi dạng nhân vật. Nhờ vậy, Hesman mang dáng dấp khác xa với Voltron và mang dấu ấn riêng của họa sĩ Hùng Lân. Cũng từ tập 100 trở đi, số lượng bản in tăng khủng khiếp: hơn 100 nghìn bản một tập.

Lúc đầu, ông chỉ nghĩ vẽ đến 20 tập là xong. Ai ngờ bộ truyện ngày càng bán chạy như tôm tươi. Nhà xuất bản đề nghị ông vẽ tiếp, vẽ tiếp, cứ thế cho đến 159 tập. Có lúc số lượng bản in chạm đến mức 180.000 bản/tập. Từ nhuận bút vài trăm ngàn, Hùng Lân nhận đến 3 triệu đồng một tập. Thời điểm ấy, đây là số tiền lớn.

Ít ai ngờ rằng để có được 159 tập truyện tranh “Dũng sĩ Hesman” cuốn hút bạn đọc, người họa sĩ ấy mất đến bốn năm trời làm việc “muốn điên cái đầu” và “không chết là may” (chữ của Hùng Lân). “Chúng ta biết mỗi tuần truyện ra một tập mới. Và tôi cũng chỉ có một tuần để hoàn thành một cuốn truyện 72 trang từ lên kịch bản, làm bìa và vẽ nội dung bằng tay.

Trong tuần, tôi chỉ có nửa ngày để nghỉ ngơi, nhưng thật ra lúc ấy cũng phải lo suy nghĩ, hình dung tập tiếp theo sẽ có nội dung thế nào. Việc phân cảnh kịch bản và vẽ khung mất một ngày rưỡi. Bìa thì mất nửa ngày. Vậy là tôi còn bốn ngày rưỡi để vẽ 72 trang, trung bình ngày phải vẽ 17 trang. Vì một mình tôi làm nên áp lực công việc rất kinh khủng. Thỉnh thoảng vợ con phụ giúp ở khâu tô đen, vẽ quần áo. Tuần nào mình cũng vắt chân lên cổ.

Đi đám cưới, đám tiệc hay việc nhà này kia đều phó mặc hết cho vợ con. Tôi vẽ thủ công ròng rã suốt 4 năm như vậy. May mà mình không đau ốm gì. Giờ nghĩ lại, tôi cũng ngạc nhiên: mình làm cật lực không khác gì siêu nhân!”. Nghe họa sĩ Hùng Lân kể, các họa sĩ trẻ bây giờ phải lắc đầu lè lưỡi, phục sát đất khả năng làm việc của ông.

Điều khiến các họa sĩ trẻ bây giờ thán phục người họa sĩ tài hoa ấy còn ở chỗ ông sáng tác “Dũng sĩ Hesman” tại vùng nông trường Bình Ba xa xôi hẻo lánh thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nông trường không có điện, chỉ chong đèn dầu mỗi đêm. Thông tin liên lạc cũng không phổ biến như bây giờ. Mỗi lần lấy bản thảo hay cần trao đổi gì, biên tập viên trên TP Hồ Chí Minh phải lặn lội xuống tận nhà ông.

Chính vì điều kiện khó khăn, thiếu thốn như vậy nên khi hoàn thành xong bộ truyện, mắt ông bị cận nặng. Ông bảo, có lẽ vì lúc ấy quá vui mừng, sung sướng khi Hesman được đón nhận nồng nhiệt, ông không nỡ chậm trễ, lơ là công việc. Vì ông chậm, bạn đọc nhỏ tuổi mất công ngóng đợi, tội các em.

“Dũng sĩ Hesman” là bộ truyện tranh huyền thoại gắn bó với tuổi thơ thế hệ 8X, 9X.

Ngày đó, ai gọi ông là họa sĩ, ông lại thấy ngường ngượng: “Tôi có học hành trường lớp mỹ thuật gì đâu. Toàn tự mày mò thôi hà”. Là anh công nhân có hoa tay, ông hay vẽ trang trí, biểu ngữ cho các hội diễn của nông trường. Rồi người thân gợi ý ông thử vẽ truyện tranh. Năm 1986, tác phẩm đầu tay “Người đầu tiên lên mặt trăng” của ông được xuất bản.

Và “Dũng sĩ Hesman” là bước ngoặt lớn làm nên tên tuổi người họa sĩ tài hoa này. Ngoài Hesman, họa sĩ Hùng Lân còn nổi tiếng với bộ truyện “Siêu nhân Việt Nam” (52 tập), “X-Men - Những người bạn bí ẩn” (15 tập), “Cô tiên xanh” (140 tập), “Thằng Bờm” (6 tập), “Cổ tích Việt Nam” (24 tập)… Đến nay, số tác phẩm của ông đã lên tới khoảng 700 cuốn đủ mọi thể loại. Những bộ truyện tranh này đều thấm đẫm tinh thần nhân văn, là câu chuyện nhỏ nhưng mang đến nhiều bài học nhẹ nhàng mà quý giá cho thiếu nhi. Đến khi có máy vi tính, ông là người sáng tạo ra các phông chữ như HL Comic, HL Thuphap, VniComic… mà giờ đây giới sáng tác truyện tranh sử dụng phổ biến.

Tháng 3 này, họa sĩ Hùng Lân đã hoàn thành xong tập 160 “Dũng sĩ Hesman – Người về từ cõi chết”. Đây là món quà ông tri ân sự mến mộ, yêu thương của độc giả và cũng coi như cái kết đẹp cho bộ truyện sau 25 năm bị bỏ ngỏ.

Bởi nhiều độc giả thắc mắc, tại sao tác giả lại dừng sáng tác ở tập 159 và để nhân vật Gát Cô chết mà không rõ nguyên do. Họa sĩ Hùng Lân cho hay, khi sáng tác đến tập 159 thì theo yêu cầu của nhà xuất bản, ông phải viết bộ khác, còn bộ “Dũng sĩ Hesman” như thế đã quá dài rồi. Riêng cái chết của Gát Cô sẽ được ông giải thích cặn kẽ ở tập 160 trong lần tái ngộ này.

Ở tuổi 63, lão họa sĩ vẫn miệt mài sáng tác. Ông bảo, tay còn chưa run, mắt còn nhìn thấy thì còn vẽ truyện tranh. Trả lời câu hỏi về dự định hồi sinh và tiếp nối bộ truyện “Dũng sĩ Hesman”, ông tâm sự: “Sau tập 160 như quà kỷ niệm, tôi không định vẽ tiếp “Dũng sĩ Hesman”. Bây giờ thị hiếu bạn đọc đã khác. Truyện này có vẻ không hợp thời nữa. Quan trọng, tôi muốn Hesman chỉ dừng lại ở đó như một tượng đài của truyện tranh Việt Nam, để nó mãi mãi là một huyền thoại rưng rưng của tuổi thơ thế hệ 8X, 9X”.

Mai Quỳnh Nga
.
.