Hầu đồng cuộc giao tiếp của hai thế giới!?

Thứ Năm, 16/07/2020, 17:54
Cách nay gần một thế kỷ, nhà thơ trào phúng Tú Xương đã có bài thơ "Lên đồng" đầy sự mỉa mai thế này: "Khen ai khéo vẽ sự lên đồng/ Một lúc lên ngay sáu bảy ông/ Sát quỷ, ông dùng thanh kiếm...gỗ/ Ra oai, bà giắt cái...khăn hồng/ Cô giương tay ấn, tan tành núi/ Cậu chỉ ngọn cờ cạn dốc sông/ Đồng giỏi sao đồng không giúp nước?/ Hay là đồng sợ súng thần công?".


Sáu câu đầu miêu tả sinh động cảnh "lên đồng". Con người: sáu bảy ông. Hành động: "sát quỷ" (giết quỷ), "ra oai". Phương tiện: "thanh kiếm gỗ", "cái khăn hồng". Một sự mâu thuẫn, tương phản trời vực (kiếm gỗ mà giết được quỷ)!. "Ghê gớm" hơn là sự tương phản giữa hành động (giương tay ấn; chỉ ngọn cờ) và hiệu quả (tan tành núi, cạn dốc sông). Hai câu cuối bật ra đã lột trần sự thật với thái độ mỉa mai, giễu nhại: Giỏi thật thì đi giúp nước! Với cái nhìn của Tú Xương thì "lên đồng" chỉ là sự lừa bịp đáng cười!

Một cảnh "hầu đồng".

Nhưng tại sao hôm nay "Hầu đồng" lại "lên ngôi"? Là vì "Hầu đồng" luôn đi trên đường biên, một bên là nghệ thuật, một bên là mê tín. Nó được thế giới công nhận, khẳng định vì đó là loại hình nghệ thuật truyền thống đậm bản sắc Việt. 

Cái gốc của hầu đồng là đời sống văn hóa đã có từ hàng ngàn năm. Cái gốc ấy đã nối sợi rễ tâm linh đến với thời hiện đại rồi trổ ra một cây "Hầu đồng" khác, dù sống dưới bóng cây nghệ thuật nhưng không vì thế mà chịu cớm nắng, còi cọc. Bởi nó được khá nhiều người chăm tưới nước mê tín, cả tin, hão huyền.

Lên đồng (hầu đồng, hầu bóng, đồng bóng) vốn là một nghi thức thờ Đạo Mẫu rồi tín ngưỡng Tứ Phủ, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần. Đó là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các "thanh đồng" (nam giới gọi là "cậu", nữ giới gọi là "cô/bà đồng"). Các vị thần, ma quỷ, vong có thể nhập hồn vào người trần để phán truyền tốt, xấu, chữa bệnh, ban phúc... Được sự "giúp sức" của thần linh các "đồng" còn có thể đi trên than hồng, xiên lình (xuyên dùi nhọn nung đỏ qua hai má),…

Âm nhạc là thành phần cơ bản làm rõ nhất giá trị đặc trưng của "Hầu đồng". Cung văn tấu nhạc và các bài hát thường là hát chầu văn ca ngợi thần thánh. Nhịp điệu nhạc và lời mới đầu thong thả, tăng dần rồi nhanh mạnh, giục giã, hối hả đưa dần con người ta vào một thế giới khác. Góp phần đắc lực điều này là trang trí sao cho thật lộng lẫy, mới lạ để "thỉnh" thần linh "nhập đồng". 

Xong hát thờ là đến hát hầu. Thanh đồng bắt đầu lảo đảo, ra hiệu phủ vải đỏ trùm đầu. Khi thanh đồng hất khăn thì bắt đầu quá trình "nhập"...

"Nhập đồng" tức hiện tượng "thánh" nhập vào "thanh đồng", tức có sự chủ động, tính toán. Lại có hiện tượng "ốp đồng", thì bất ngờ, bị động tức "thánh" nhập vào người bất kỳ nào đó.

Trong "Thượng kinh ký sự", Hải thượng Lê Hữu Trác trước khi lên Kinh cũng đi "bói đồng": "Bấy giờ Thánh mẫu đang nhập vào cô đồng. Cô ta đang ngồi lắc lư và đang nói. Có người bảo tôi: - Thánh mẫu linh thiêng lắm, báo ứng không sai điều nào. Cụ lần này lên Kinh có muốn cầu gì thì lại mà cầu".

Trong "Truyện tinh chuột" (Thánh Tông di thảo) kể chuyện nhập đồng để tìm sự thật. Có con chuột già thành tinh hóa thành người chồng ăn nằm thường xuyên với người vợ. Thương, tin "chồng" nói rằng vì nhớ mà chuyển về trọ học gần nhà nên hàng đêm lén bố mẹ gặp vợ. Chuyện vỡ lở. Khi người chồng thật trở về thì không ai nhận ra đâu là thật đâu là giả. Mọi người đành thắp hương xin Đổng Thiên Vương phán xét. 

Thiên Vương bèn nhập vào "con đồng" và nói: "Ma này là giống tinh chuột đấy. Chuột già lâu năm ăn nhiều tinh khí của các vật thành giống quỷ quái này. Lửa không hại được, phù chú không trù được. Thứ ma này thay hình đổi dạng trăm vẻ, biến hóa giỏi nhất xưa nay... Bèn lấy hương thư phù vào hai đạo bùa, sai dán vào lưng hai người ấy. Dẫu ma muốn chạy thoát cũng không được nữa...". Quả nhiên lúc sau con chuột phải hiện nguyên hình. 

Kể ra thì "phong thủy" gần với "khoa học" hơn là chuyện "nhập đồng" có phần hoang đường, mê tín, nhưng vì để cho sự kiện trở nên ly kỳ hấp dẫn thì truyện truyền kỳ, chí quái vẫn để cho "nhập đồng" thắng thế. 

Truyện "Việc tai dị" kể ông quan Nhữ Đình Toản ghét chuyện bói toán ma quỷ nhưng tin chuyện phong thủy mà kiên quyết dời chùa Phổ Niên lấy chỗ chôn "mả" để được "phát vương". Thế là trong buổi "Hầu đồng" Long thần phải "nhập" vào "miệng đồng" để "tranh biện" quyết liệt. Thế là người âm và người dương "tranh luận" với nhau, cuối cùng, vì là "thần" nên Long thần thắng. Người dương "đuối lý" mà chịu phải giữ nguyên chùa.

"Nguyên tắc" chung là "thần", là "ma" phải nhập vào người dương (thanh đồng) để nói chuyện với người dương gian. Cho đến tận hôm nay "nguyên tắc" này vẫn giữ nguyên. Ai đã từng chứng kiến các buổi "lên đồng" đều thấy có sự "nhập" vào người đang sống để cung cấp thông tin cần thiết (thật/giả thế nào thì không thể kiểm chứng!?). "Đồng" không "nhập" được thì buổi "lên đồng" đó thất bại. Thành ra tất cả đều muốn có/được đồng "nhập". Người cầu (xin) thích. Chủ giá đồng thích. Người xem càng thích vì thỏa chí hiếu kỳ, tò mò...Thế nên có trường hợp "đồng" phải tìm người để "nhập". 

Truyện "Quan sang cõi âm" kể nhân vật tên Đan Hồ cư sỹ đang sống ở làng, mà làng thì có "vị thần rất thiêng thường ứng vào người để nói chuyện". Đan Hồ vốn không tin chuyện thần thánh nên hôm đó làng tổ chức "lên đồng" ông đứng từ xa mà nhìn với vẻ bàng quan, tự thị. "Đồng" trông thấy, rẽ đám đông mà đến mời nói chuyện với thái độ rất khiêm cung. Đan Hồ thăm dò, thử thách. Chuyện gì "đồng" cũng nói đúng cả! Từ đó Đan Hồ có thái độ khác hẳn...

Một không gian "hầu đồng".

Hiện tượng "ốp đồng" tức "đồng" không nhập vào "thanh đồng" của  một "giá đồng" chuyên nghiệp mà "ốp" vào một ai đó bất kỳ, có thể là quen hay không quen biết với "đương sự", miễn là người đó "đáng tin". "Truyện Thượng thư Vũ Công Đạo" kể về "đồng" nhập vào một bà lão: "Có một bà lão đang ngồi trong đám đông tự nhiên đỏ mặt bốc đồng nhảy ra ngoài nói rằng: Ta là tiên nhân giáng hạ, khoa này đỗ bao nhiêu Tiến sỹ ta đã biết cả rồi. Làng Mộ Trạch văn tinh đang vượng, Đức Ngọc Hoàng đã tuyển sẵn nên ta đến bảo cho các người biết...Lúc yết bảng quả đúng như lời bà lão nói. Những bậc thức giả đều cho là việc gì cũng có tiền định. Việc yết bảng các tiến sỹ ở cửa Thiên đình không phải việc ngoa truyền".

"Ốp đồng" tương tự với "ma nhập". "Ma nhập" thì phải nói giọng của "ma", nói theo "quan niệm" của "ma". Truyện "Con buôn" kể ở làng nọ rất nhiều ma, ma sống chung với người, lẫn vào người nhưng mà "tàng hình". Có lẽ từ "ma xó" (chỉ người biết nhiều thứ, cái gì cũng biết) là xuất phát từ những câu chuyện này! Nhà nọ có con ma thiêng, việc gì tốt xấu sắp đến, "ma thường ứng vào người mà báo trước. Không điều gì sai".

Như vậy môtíp "Lên đồng" trong văn chương là một nét thi pháp huyền thoại hóa, huyền ảo hóa, "lạ hóa". Thực ra, với văn chương "lạ hóa" như một thuộc tính nhưng trong văn học trung đại nó có nhiệm vụ để tạo ra một mô hình thế giới khác nhằm mục đích thuyết giáo đạo lý, đạo đức. Như muốn nói rằng con người phải ăn ở tử tế, nếu làm điều gì thất đức thì sẽ "lên đồng" để thần thánh, ma quỷ vạch tội. Rồi sau này kẻ ác sẽ bị đày xuống "địa ngục"...

Tại sao ở ngày hôm nay vẫn thấy hiện tượng có người là trí thức bậc cao hẳn hoi mà lại trở thành "thanh đồng"? Không chỉ vậy, lại có người gần cuối đời mới dứt vòng tục lụy để mặc áo cà sa ăn chay tu hành cùng nhà Phật. Nhà Phật giải thích đó là do "duyên nghiệp". Tín ngưỡng dân gian gọi là "căn", "căn đồng". Giải thích theo một số sách phương Tây viết về "Tâm linh" có thể gọi đó là sự hô ứng tương giao của trường sinh học. 

Ví như những nhà ngoại cảm trước hết không phải là người bình thường mà phải có dòng sinh học phù hợp với môi trường, công việc... Người đó thường đã trải qua một biến cố cực lớn (chó dại cắn, chết lâm sàng, tai nạn, bi kịch gia đình...) hoặc đơn giản là do "trời phú"... nên tạo ra một "trường sinh học" rất "tâm linh". 

Chịu quy định của "trường" này mà không phải nhà ngoại cảm nào cũng như nhau, có người thiên về "nhập đồng", người có năng lực nói chuyện với "vong", người chỉ "giao tiếp" qua giấc mơ. Nó tương tự như "cơ địa" của người bình thường hợp với thuốc này nên khỏi bệnh còn người kia thì không. Hiểu vậy nên, dù có mê tín, nếu tham gia "Hầu đồng" cũng rất cân nhắc kỹ càng kẻo mất thì giờ, tiền bạc lại không được việc gì.

Tóm lại cần nhìn nhận Hầu đồng như một loại hình văn hóa cổ truyền thiên về giá trị nghệ thuật. Và thực sự nó là nghệ thuật đáng quý, đáng trân trọng, bảo lưu, giữ gìn!

Nguyễn Thanh Tú
.
.