Giải thưởng Cánh diều 2018: Cuộc đua khó đoán

Thứ Hai, 15/04/2019, 08:16
Đến hẹn lại lên, giải thưởng "Cánh diều 2018" - giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam - sẽ diễn ra vào tối 12/4 tại Nhà hát Quân đội, Thành phố Hồ Chí Minh.


Với một thị trường điện ảnh đang phát triển như hiện nay, giải thưởng luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả và giới chuyên môn. Tuy nhiên, để giải thưởng công bằng, chính xác, xứng đáng với sự kỳ vọng của nhiều người vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Nhiều năm trở lại đây, những ngày tháng 3, tháng 4 luôn diễn ra nhiều sự kiện của ngành điện ảnh. Từ cách đây 10 năm, ngày 15 /3 (ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh năm 1953), được quyết định chọn là ngày Điện ảnh Việt Nam.

Năm nay, để kỷ niệm 10 năm ngày truyền thống của ngành điện ảnh Việt Nam, bên cạnh giải thưởng Cánh diều, Hội Điện ảnh Việt Nam còn tổ chức một loạt hoạt động ý nghĩa như về nguồn, chiếu phim kỷ niệm. Ngoài ra, một hoạt động khá thú vị là làm phim ngắn tôn vinh các nghệ sĩ có cống hiến xuất sắc cho nền điện ảnh dân tộc cách mạng Việt Nam là cố NSND, đạo diễn Phạm Khắc và nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn. Những hoạt động này nhằm tôn vinh sự đóng góp quý báu và to lớn của các nghệ sĩ đi trước cho nền điện ảnh nước nhà.

“Nơi ta không thuộc về” là bộ phim duy nhất của Hãng phim Nhà nước tham gia giải thưởng Cánh diều 2018.

Hàng năm, vào thời điểm này, một sự kiện quan trọng, luôn được khán giả và những người làm điện ảnh mong đợi đó là giải thưởng Cánh diều vàng. Đây là giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam với tiêu chí: "Đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực" trong vòng một năm. Năm nay, lễ trao giải "Cánh diều 2018" sẽ được tổ chức tại Nhà hát Quân đội (khu vực phía Nam), Thành phố Hồ Chí Minh vào tối 12 /4 /2019.

Trước khi giải thưởng diễn ra, các bộ phim đã được chiếu miễn phí cho khán giả tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội từ 5/4 đến 10/4. Mỗi suất chiếu bao gồm 1 phim tài liệu và 1 phim truyện điện ảnh. Các phim truyện được chiếu bao gồm "Người bất tử", "100 ngày bên em", "Song Lang", "Siêu sao siêu ngố", "Tháng năm rực rỡ", "Nơi ta không thuộc về".

Các phim tài liệu gồm "Chuyện từ hạt muối", "Nỗi niềm sông Ba", "Ông Tây nước mắm", "Người lính già", "Cây trồng biến đổi gien". Trong khuôn khổ giải thưởng Cánh diều năm nay cũng có thêm  một hoạt động có tính chuyên môn như tọa đàm "Thực trạng Điện ảnh Việt Nam hiện nay" với sự tham gia của nhiều đạo diễn, diễn viên nổi tiếng .

Theo thông tin của Hội Điện ảnh Việt Nam, giải thưởng "Cánh diều 2018" nhận được sự tham gia của 142 phim và 2 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh từ hơn 50 đơn vị trên cả nước gửi về dự giải. Trong số 142 phim tranh giải có 14 phim điện ảnh, 13 phim truyền hình, 14 phim hoạt hình, 61 phim tài liệu, 14 phim khoa học và 26 phim ngắn.

Mảng phim truyện nhựa luôn là hạng mục thu hút sự quan tâm nhất của dư luận. Được biết, trong số hơn 40 bộ phim được phát hành trong năm 2018, chỉ có 14 phim dự thi đó là "Mùa viết tình ca", "Hồn papa, da con gái", "Ống kính sát nhân", "100 ngày bên em", "Song lang", "Trạng Quỳnh", "Siêu sao siêu ngố", "Tháng năm rực rỡ", "Người bất tử", "Thạch thảo", "11 niềm hy vọng", "Vu quy đại náo", "Chàng vợ của em", "Nơi ta không thuộc về".

Nếu lấy số phim tham dự Cánh diều so sánh với số phim phát hành trong năm sẽ thấy vẫn còn tình trạng thiếu mặn mà của một số nhà sản xuất phim với giải thưởng Cánh diều. Có nhà sản xuất thì cho rằng, phim của họ không phù hợp để tranh giải nhưng có người thẳng thắn nêu quan điểm làm phim để tìm kiếm doanh thu chứ hơn là ham chinh phục các giải thưởng.

Trong số các phim tham gia tranh giải năm nay, bên cạnh một số phim có được doanh thu mơ ước như "Chàng vợ của em", "Hồn papa, da con gái" lại có phim được giới chuyên môn đánh giá cao như "Song Lang", "Tháng năm rực rỡ", "Người bất tử"... thì vẫn còn những phim chất lượng thuộc hàng trung bình như "11 niềm hy vọng", "Mùa viết tình ca". Nhưng cũng không dễ nhìn ra phim nào là ứng cử viên cho ngôi vị cao nhất vì điện ảnh Việt vẫn rơi vào tình trạng phim được giới chuyên môn đánh giá cao lại chưa khắc thành công nơi phòng vé và ngược lại.

Một bộ phim tạo được dấu ấn ngay từ khi ra mắt là "Hai Phượng" của đạo diễn Lê Văn Kiệt, "Cua lại vợ bầu" của đạo diễn Nhất Trung, "Lật mặt 3" của Lý Hải không có mặt trong danh sách tham dự. Đây thực sự là điều đáng tiếc khiến cuộc đua tới ngôi vị cao nhất giảm bớt sự gay cấn. Đặc biệt, bộ phim "Nơi ta không thuộc về" của đạo diễn Đặng Thái Huyền vừa mới hoàn thành, chưa chiếu ra mắt đã kịp tranh giải. Đây cũng là phim điện ảnh Nhà nước duy nhất dự thi.

Điều này cũng cho thấy, phim tư nhân vẫn gần như chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường điện ảnh thời gian gần đây. Từ giải thưởng Cánh diều mùa trước, năm nay, Ban tổ chức tiếp tục chấp nhận cho phim remake tranh giải ở tất cả các hạng mục, trừ hạng mục "Kịch bản xuất sắc". Đây cũng là quy định phù hợp và công bằng với các phim khác vì những bộ phim được Việt hóa vốn dĩ là những phim có kịch bản rất tốt.

Một cảnh trong phim “Tháng năm rực rỡ”.

Trong tình trạng hiện nay, dù được đánh giá cao khi chiếu ra rạp nhưng các phim remake vẫn không có cửa ở hạng mục phim xuất sắc nhất. Thay vào đó, các thành phần sáng tạo trong đoàn làm phim như đạo diễn, biên kịch, diễn viên, quay phim sẽ được tham gia tranh giải cá nhân

Ở mảng phim truyền hình, năm 2018 được đánh giá là năm thành công của thể loại này với sự góp mặt của những bộ phim gây sốt trên màn ảnh Việt như "Quỳnh búp bê", "Cả một đời ân oán", "Ngày ấy mình đã yêu", "Gạo nếp gạo tẻ", "Tình khúc bạch dương". Đây đồng thời cũng là những bộ phim có mặt trong đề cử Cánh diều vàng cho hạng mục phim này. Trong số 13 phim truyền hình dự giải thì có 10 phim dài tập với tổng số tập là 326, 3 phim ngắn (90- 100 phút).

Tuy nhiên, điều đáng nói là phim được Việt hóa từ kịch bản nước ngoài cũng chiếm số lượng đáng kể trong số các phim dự giải. "Ngày ấy mình đã yêu", "Gạo nếp gạo tẻ" được làm lại từ phim truyền hình Hàn Quốc, "Cả một đời ân oán" được Việt hóa là kịch bản Đài Loan (Trung Quốc). Dù là phim Việt hóa hay kịch bản trong nước, các phim được đánh giá là khá ngang tài ngang sức trong cuộc đua tới ngôi đầu bảng.

Không thể phủ nhận ý nghĩa cũng như vai trò của giải thưởng Cánh diều ngay từ khi ra đời. Nó là sự đánh giá những cố gắng, nỗ lực của những người làm điện ảnh trong vòng một năm. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, giải thưởng Cánh diều vẫn còn tồn tại nhiều điều đáng bàn hay những tranh cãi phía sau mỗi giải thưởng. Đầu tiên có thể thấy, việc tham gia hay không tham gia giải thưởng Cánh diều tùy thuộc vào nhà sản xuất nên việc vắng bóng những bộ phim được đánh giá cao cũng đồng nghĩa với việc ngay từ đầu, ban giám khảo đã rơi vào tình trạng "so bó đũa chọn cột cờ".

Chính vì thế, ngay cả phim có vinh dự nhận được giải thưởng cao nhất thì có thể chỉ là phim tốt nhất trong số các phim tranh giải chứ chưa chắc đã làm phim hay nhất của điện ảnh Việt trong một năm qua. Chưa kể tới việc, lâu nay điện ảnh Việt vẫn đang có sự khác biệt giữa phim thương mại và phim nghệ thuật. Điều này cũng đã góp phần khiến một số giải thưởng có phần lúng túng trong tiêu chí. Vẫn biết, giải thưởng ở lĩnh vực nghệ thuật rất khó để hài lòng tất cả vì cảm nhận mỗi người khác nhau nhưng những quan điểm chưa đồng tình không phải không có lý.

Gần đây, một số giải thưởng của Cánh diều lại gây tranh cãi trong dư luận. Ví dụ như tại Cánh diều 2017, ở hạng mục diễn viên nam phim truyền hình xuất sắc nhất, nhiều người cho rằng vai diễn của Trương Minh Quốc Thái trong phim "Tử thi lên tiếng" không gây ấn tượng bằng vai ông trùm Phan Quân của NSND Hoàng Dũng trong "Người phán xử" tuy nhiên Cánh diều vàng vẫn thuộc về Quốc Thái. Hay đã từng có tình trạng đạo diễn trả lại giải thưởng vì không đồng tình với cách trao giải của Ban tổ chức...

Một trong những tồn tại khiến giải thưởng Cánh diều chưa có được hiệu ứng lan tỏa đặc biệt vì kinh phí hạn hẹp dẫn đến mọi khâu tổ chức đều phải thu gọn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất làm nên uy tín, tầm vóc ở mỗi giải thưởng chính là chất lượng giải thưởng. Chỉ có sự khách quan, chính xác, công bằng trong chấm giải sẽ là thỏi nam châm thu hút sự hưởng ứng của những người làm nghề.

Khánh Thảo
.
.