Đời sống nghệ thuật lại thấp thỏm vì COVID-19

Thứ Hai, 31/08/2020, 14:56
Chưa phục hồi được bao lâu sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19 lần đầu tiên, đời sống văn hóa văn nghệ lại tiếp tục lao đao khi dịch bệnh có những diễn biến phức tạp. Từ sân khấu, điện ảnh cho đến ca nhạc, thời trang, xiếc, múa... đều đang tiếp tục rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hẳn chờ dịch bệnh được khống chế. Điều này không chỉ khiến nghệ sĩ không có cơ hội làm nghề, khó khăn trong công cuộc mưu sinh mà đời sống tinh thần của công chúng cũng bị thiệt thòi.


Vở “Cậu đồng” của sân khấu IDECAF vừa khai diễn được 1 tháng phải tạm ngưng vì COVID 19.

Sự quay trở lại của dịch bệnh COVID - 19 trên dải đất hình chữ S đã khiến cho đời sống gặp phải không ít khó khăn. Trong đó, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật lại tiếp tục phải đối mặt với những hệ lụy không mong muốn lần thứ 2. 

Ngay từ khi dịch có diễn biến phức tạp thì một trong những lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng là điện ảnh. Mặc dù lần này, chỉ có một vài địa phương - nơi có nhiều bệnh nhân - mới phải thực hiện lệnh cách ly, phong tỏa, tuy nhiên các rạp chiếu ở những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đều rơi vào tình trạng rạp vắng hoe. 

Mặc dù rạp chiếu các thành phố lớn này vẫn được hoạt động bình thường với yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đầy đủ nhưng số lượng khán giả tới xem phim sụt giảm nghiêm trọng vì tâm lý hạn chế đến nơi đông người để phòng trừ dịch bệnh. 

Vì tình trạng đó nên một số phim Việt đã phải quyết định hoãn ra mắt khán giả. Trong số đó phải kể tới bộ phim "Chồng người ta" (đạo diễn Nguyễn Hữu Tiến) dự kiến ra mắt khán giả vào trung tuần tháng 8 nhưng vì lo lắng dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến lượng khán giả tới rạp nên bộ phim đã ra thông báo dời lịch chiếu. Hiện tại, phía nhà sản xuất phim chưa ấn định thời gian chính xác khi nào ra rạp. Đạo diễn phim cho rằng, để phim quay lại rạp và khán giả đón nhận cũng phải thêm một khoảng thời gian ổn định hơn sau dịch kết thúc. 

Bộ phim "Tiệc trăng máu" đã từng lùi lịch chiếu vì lệnh giãn cách xã hội từ đợt trước cũng lại tiếp tục xin phép dời lịch chiếu. Phía nhà sản xuất cho rằng, quyết định dời lịch chiếu để đợi tới khi tất cả các khán giả cả nước có thể tới rạp xem phim. "Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả" (đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito) ấn định lịch chiếu khá xa: Tết Tân Sửu 2021. Thậm chí, phần 4 của bộ phim được sản xuất trước nhưng còn ra rạp sau cả phần 5. Bộ phim "Ròm" (đạo diễn Trần Thanh Huy) dù đã có lịch chiếu vào 31 -7 cũng đã phải hoãn chiếu vô thời hạn. Hành trình ra rạp đầy lao đao của bộ phim thực sự khiến đạo diễn phim không khỏi đau đầu.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã khiến cho đời sống sân khấu kịch vừa vực dậy lại tiếp tục rơi vào tình trạng lao đao chưa biết tới khi nào. Không có doanh thu biểu diễn, đồng nghĩa với việc diễn viên, người lao động không có thu nhập. Ngay từ đầu tháng 5, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Nhà hát Tuổi trẻ đã lên kế hoạch cho các chương trình biểu diễn nhằm thu hút khán giả đến với sân khấu. 

Nếu như mọi năm, tháng 8 là thời điểm khá sôi động với Nhà hát Tuổi trẻ vì luôn có nhiều hoạt động trong tháng kỷ niệm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Năm nay, nhà hát dự định công diễn vở "Bộ quân phục" cùng một loạt chương trình cho tháng kỷ niệm này. Ngoài ra, Nhà hát cũng bắt tay dựng vở "Trại hoa vàng", chùm kịch ca nhạc chủ đề an toàn giao thông "Đường tắt - mắt duyên". Tuy nhiên, dịch COVID tái bùng phát khiến cho mọi kế hoạch này phải ngừng lại. Vở "Bộ cảnh phục" dù đã được Nhà hát Tuổi trẻ bán hết vé nhưng cũng phải tạm hoãn.

Chương trình Hòa nhạc “Giai điệu Tổ quốc” được thực hiện trong điều kiện không có khán giả.

Đời sống sân khấu kịch ở TP Hồ Chí Minh vốn được biết đến khá sôi động nhưng cũng không tránh được những ảnh hưởng của dịch bệnh. Có lẽ chưa khi nào, sân khấu kịch TP Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng và buồn tẻ đến như vậy. Hoàng loạt sân khấu kịch tại TP Hồ Chí Minh phải đóng cửa khiến những người đứng mũi chịu sào phải gánh những áp lực không nhỏ.

 Từ đầu năm 2020, NSND Hồng Vân, "bà bầu" của sân khấu kịch Phú Nhuận và sân khấu kịch Chợ Lớn đã phải đóng cửa nhiều lần vì dịch bệnh. Thời điểm mở cửa thì khán giả đến xem cũng rất thưa vắng. Nghệ sĩ Hồng Vân và Minh Luân cùng hùn vốn 1 tỷ đồng để mở sân khấu kịch Chợ Lớn ở đường Hồng Bàng (quận 5), mới chỉ biểu diễn được 1 tháng thì phải đóng cửa nên vẫn chưa thu hồi lại vốn. 

Sân khấu Hoàng Thái Thanh của nghệ sĩ Ái Như và Thành Hội cũng phải tạm dừng. Hiện tại sân khấu chỉ phục vụ hết những suất diễn đã được khán giả mua vé từ trước, sau đó sẽ dừng hoạt động. NSƯT Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh cũng phải quyết định tạm ngừng hoạt động sân khấu kịch TKC do mình làm chủ để cùng cộng đồng chống COVID-19. 

Ở một diễn biến khác, sân khấu Idecaf của nghệ sĩ Thành Lộc cũng đã phải hoàn tiền mua vé lại cho người hâm mộ sau khi đóng cửa tạm ngưng diễn. Điều đáng tiếc là vở diễn "Cậu đồng" vừa ra mắt khán giả được 1 tháng và đang tạo được hiệu ứng tích cực với khán giả đã phải tạm biệt công chúng vì dịch bệnh. Bên cạnh nỗi lo lỗ vốn vì tiền thuê mặt bằng vẫn phải trả thì điều lo lắng hơn khi các sân khấu đóng cửa là các nghệ sĩ trẻ không có cơ hội để trau dồi nghề nghiệp và mưu sinh.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh lần này khiến một loạt show ca nhạc diễn tại Đà Nẵng đồng loại phải hủy để chấp hành lệnh giãn cách toàn thành phố. Nhiều ca sĩ như Nam Cường, Minh Quân, Noo Phước Thịnh, Lê Hiếu... đã phải hủy bỏ hết các buổi biểu diễn tại những địa điểm này cho đến hết tháng 8 dù mọi khâu của chương trình đã được chuẩn bị đầy đủ. 

Không chỉ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi mà nhiều tỉnh, thành khác, thậm chí cả Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... cũng rơi vào tình trạng tương tự. Một số chương trình chuyển sang việc thực hiện theo phương thức biểu diễn nhưng không có khán giả, hoặc biểu diễn để thu âm, ghi hình sau đó phát sóng truyền hình. 

Gần đây nhất, live show "Mùa thu cho em" với tiếng hát của ca sĩ Quang Dũng do Vạn Show thực hiện, dự kiến tổ chức vào 8 - 8 tại Nhà hát Galaxy 87 Láng Hạ, Hà Nội đã phải hủy lịch diễn chỉ trước đó vài ngày. 

Một liveshow concert khác của Vạn Show là "Tình ca" (ngày 19 - 9) tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong chuỗi âm nhạc Trịnh Công Sơn cũng phải tạm hoãn. Đạo diễn Vạn Nguyễn cho biết Vạn show đã có kế hoạch từ tháng 8 đến cuối năm sẽ thực hiện khoảng 10 liveshow với các đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô, Nhà hát Bến Thành (TP Hồ Chí Minh)... Tuy nhiên, kế hoạch này có thực hiện được hay không phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình dịch bệnh. 

Việc phải hủy, hoãn show không chỉ gây tốn kém, tổn thất cho nhà sản xuất chương trình, ảnh hưởng tới tâm lý của nghệ sĩ mà cũng sẽ khiến khán giả phải nản lòng vì chờ đợi do đã mua vé.

Bên cạnh sân khấu, điện ảnh, ca nhạc thì xiếc cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch bệnh bởi đây là loại hình nghệ thuật chỉ có thể phát huy được vai trò tốt nhất khi biểu diễn trực tiếp cho khán giả xem tại sân khấu. 

Theo chia sẻ của NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam thì đơn vị đã phải hủy 38 suất diễn. Trong đó Đà Nẵng (7 suất), Thanh Hóa (6 suất), Hạ Long (6 suất), Nghệ An (5 suất), Hà Nội (11 suất). Việc các chương trình phải dừng biểu diễn mang đến thiệt hại không nhỏ đến doanh thu của đơn vị. 

Chỉ riêng tiền in tờ rơi và quảng bá chương trình cho các show này đã lên tới cả trăm triệu đồng. Điều đáng nói là để có được những lịch biểu diễn trên là cả sự nỗ lực khắc phục khó khăn của Ban lãnh đạo đơn vị. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch Covid 19 đã khiến kế hoạch này ngừng lại. Điều này không chỉ gây khó khăn cho đời sống các nghệ sĩ mà còn khiến cho khán giả nhí ở các địa phương trên cả nước cũng mất cơ hội được thưởng thức những tiết mục xiếc chất lượng. 

Cùng cảnh ngộ với các đơn vị nghệ thuật khác, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam có tour diễn ballet "Hồ thiên nga" vào ngày 23- 8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 26 -8 tại Festival Huế 2020 và các ngày 29, 30 - 8 tại Đà Nẵng. Tuy nhiên tour diễn này cũng đã phải dừng lại để tập trung cho công tác phòng chống dịch. Dù trước đó, để có được chuyến lưu diễn này, 150 nghệ sĩ - công nhân viên của nhà hát đã phải tập luyện suốt hơn 2 tháng qua. 

Đời sống văn hóa nghệ thuật chỉ có thể trở lại những nhịp thông thường khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn. Nên dù có những tổn thất không nhỏ nhưng việc hoãn hay lùi những hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng là một cách góp phần khiến đẩy lùi dịch bệnh nhanh hơn.

Khánh Thảo
.
.