Trống vắng đời sống văn hóa các dân tộc ít người trong phim Việt?!

Thứ Sáu, 19/04/2019, 16:27
Vấn đề đưa văn hóa Việt vào điện ảnh không phải là mới. Nhiều bộ phim thuộc thế hệ đầu tiên của điện ảnh Việt Nam khai thác rất nhiều những chất liệu văn hóa sẵn có, đơn cử như phim “Bẽ bàng” (1935) được chuyển thể từ vở cải lương nổi tiếng “Nửa đời hương phấn”.


Và rồi, phải đến 84 năm sau, mới có sự manh nha tiếp nối trở lại trải qua một quãng thời gian văn hóa dân tộc có phần thua thế trên màn ảnh bạc, lại có một làn sóng những bộ phim mang đậm tính Việt xuất hiện trong một - hai năm nay, như: “Cô Ba Sài Gòn”, “Song Lang”, “Đảo của dân ngụ cư” v.v...

Tuy vậy, theo nhận định của cả công chúng và giới chuyên gia, nền điện ảnh Việt Nam vẫn chưa phát huy được toàn bộ tiềm năng văn hóa dân tộc. Những phim ra rạp hay chiếu trên truyền hình trong thời gian qua vẫn còn mang rất nhiều nét văn hóa ngoại lai, hay thậm chí là làm lại từ tác phẩm nước ngoài. Vì thế, quá nhiều việc chúng ta cần làm để xây dựng một nền điện ảnh mà khán giả nước ngoài chỉ cần xem qua cũng có thể nhận ra đó là phim thuần Việt, thấm đẫm hồn Việt. 

Việt Nam là một quốc gia rất may mắn khi có đến 54 dân tộc anh em cùng sum vầy đắp đổi hai chiều chia sẻ yêu thương cho nhau trên mảnh đất mang dáng hình chữ S. Một ai đó trong số chúng ta có thể dành cả đời để đi từ Bắc chí Nam, ấy thế nhưng người ta vẫn không thể khám phá cho bằng hết một cách tường tận những nét văn hóa độc đáo của từng dân tộc, chứ chưa nói đến các nghệ sỹ, những con người có nhiệm vụ đi hết chiều dài cuộc sống để tìm ra cái đẹp. Cuộc sống của những người Mông, Tày, Êđê, Giarai, Chăm, Khơme v.v... là một kho tàng vô giá để điện ảnh Việt Nam khai thác.

Một cảnh trong phim “Vợ chồng A Phủ”.

 Lịch sử điện ảnh Việt Nam không thiếu những tác phẩm xuất sắc về đề tài dân tộc ít người. Những phim như “Vợ chồng A Phủ”, “Đất nước đứng lên”, “Chuyện của Pao” v.v… đều đã gặt hái được nhiều thành công cả trong và ngoài nước. Các tác phẩm này đã mở ra một ô cửa sổ cho khán giả nhìn vào đời sống, tâm tư, tính cách, văn hóa… của  cư dân các dân tộc ít người vừa khác lạ mà cũng vừa gần gũi, từ đó thể hiện tinh thần phát triển “hòa hợp trong đa dạng” mang tính thuần Việt.

Nhưng thật tiếc, số tác phẩm điện ảnh như trên cho đến nay thật sự cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Trong vòng hai mươi năm trở lại đây, phần nhiều các bộ phim về dân tộc ít người chịu chung một kịch bản: Sau nhiều năm lao động cực nhọc để lên ý tưởng, nghiên cứu, xin tài trợ và quay phim… cuối cùng thì tác phẩm cũng được ra rạp. Bộ phim nhận được sự đánh giá rất cao của giới phê bình trong nước và quốc tế, thậm chí có thể đoạt được nhiều giải thưởng danh giá. Thế nhưng khán giả lại tỏ ra thờ ơ với phim về dân tộc thiểu số.

Vấn đề mấu chốt ở đây là lợi nhuận. Làm phim về chủ đề văn hóa các dân tộc ít người thuần túy thì rất khó thu hút được khán giả. Trong khi đó, công đoạn lên ý tưởng, nghiên cứu và quay phim của những tác phẩm này lại vừa dài, vừa tốn kém.

Trong bối cảnh chi đầu tư cho phim điện ảnh ngày càng tăng, và một bộ phim lỗ cũng có thể “kéo sụp” một hãng phim, thật chẳng lạ gì khi các nhà biên kịch, đạo diễn sẽ tập trung ưu tiên những tác phẩm giải trí thuần túy, dễ kéo khán giả đến rạp. Họa hoằn lắm họ mới có tiền tài trợ từ Chính phủ hay các tổ chức để thực hiện một bộ phim về một dân tộc ít người nào đó.

Mà ngay cả khi có được tiền tài trợ, không phải lúc nào sản phẩm làm ra cũng sẽ xuất sắc. Nền điện ảnh Việt Nam đang trải qua một cuộc khủng hoảng thiếu kịch bản chất lượng. Vì các nhà biên kịch đang tự “đóng khung” trí tưởng tượng của mình nên kịch bản của họ đều thiếu vắng tính văn học. Rất nhiều bộ phim ngày nay thậm chí không có nổi một chi tiết biểu trưng cho toàn bộ tác phẩm.

Nhìn ra thế giới, ta sẽ tìm thấy những ví dụ phản biện góc nhìn “làm phim là vì tiền”. Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Cả chính quyền lẫn giới điện ảnh Trung Quốc đều có ý thức xây dựng hình ảnh quốc gia trong các tác phẩm. Ngay cả thể loại phim cung đấu đã hơn 10 năm nay “làm mưa làm gió” trên màn ảnh nhỏ với “Diên Hy công lược”, “Hậu cung Như Ý truyện” và “Hậu cung Chân Hoàn truyện”… mới đây cũng bị giới nghệ sỹ tẩy chay và Tổng cục Điện ảnh Trung Quốc cấm trình chiếu do bóp méo sự kiện, nhân vật lịch sử.

Mảng phim điện ảnh đã vậy. Còn phim truyền hình Việt với vấn đề văn hóa các dân tộc ít người thì sao? Sự thật thì rất khó để tìm được một bộ phim truyền hình Việt Nam thực sự đi sâu khai thác được văn hóa của các dân tộc thiểu số, chứ chưa nói gì đến việc thành công, đạt tỷ suất người xem cao. Hầu hết các phim như “Đằng sau tội ác”, “Khoả nước sông Quy”, “Người đợi ở Pờ Sa”, “Đàn trời”, “Đi về phía mặt trời” hay như “Lặng yên dưới vực sâu” v.v… rốt cuộc cũng chỉ mới dừng lại ở việc “điểm mặt, chỉ tên” một số chi tiết bề ngoài mà không phản ánh một cách có chiều sâu những hiện tượng, biến đổi, vấn đề đang hằng ngày diễn ra trong đời sống văn hóa các dân tộc ít người.

Thế nên, có vẻ như một bộ phim mà để tâm dành mấy cảnh cho quần áo thổ cẩm, chợ phiên, hay món thắng cố… cùng lời thoại ngô nghê, kiểu như: “ầy dà”, “phải đi hết hai con dao quăng mới tới được cái bản đó đấy mày à”,  “mày nói thế là tao không ưng cái bụng đâu à” v.v… xem ra đã là một sự "ưu ái" lắm rồi và nó được nghiễm nhiên coi như một tác phẩm phản ánh “chân thực” đời sống văn hóa của một dân tộc (ít người) nào đó.

Ngoài lý do về tài chính như đã nói ở trên, việc phim truyền hình không phản ánh được đúng đối tượng của mình còn nằm trong một hiện tượng lớn hơn, đó là sự xa rời của giới nghệ sĩ với đời sống nhân dân. Trong những năm tháng chống Pháp, chống Mỹ, các nghệ sĩ sẵn sàng hăm hở đi thâm nhập thực tế với tinh thần “ba cùng” để được sống cuộc sống của đối tượng sáng tác. Tiếc thay, quá khứ đó nay đã trở nên rất xa lạ.

Nhật Bản có chính sách rất bài bản trong việc sử dụng phim để giới thiệu về dân tộc Ainu sống tại cực Bắc nước này.

Một bộ phận rất lớn các nghệ sĩ không còn thích thú với việc thâm nhập thực tế để có được cái cơ may tiếp xúc trực tiếp với đối tượng mình cần sáng tác. Họ bằng lòng với việc ngồi trước máy vi tính trong phòng máy lạnh, “xào xáo” lại những gì hiện có để phục vụ riêng tầng lớp trung lưu thành thị mà họ là thành viên. Khi đó thì không chỉ chuyện tác phẩm về đời sống văn hóa của các dân tộc ít người thiếu tính chân thật, mà việc nền điện ảnh Việt Nam nói chung bị ảnh hưởng từ các yếu tố văn hóa ngoại lai cũng không có gì  là khó hiểu cả.

Có lẽ vì lý do đó cho nên mới  xảy ra một thực trạng đáng buồn là: Với những nghệ sĩ ngày nay nói riêng và người dân thành thị nói chung, những nét văn hóa lạ của nước ngoài  được chuyển tải thông qua các phương tiện như truyền hình và Internet lại có sức cuốn hút lớn hơn rất nhiều so với chính đời sống văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa các dân tộc ít người nói riêng.

Đã có một số ý kiến cho rằng, Việt Nam nên bắt đầu thực hiện những chính sách khuyến khích truyền tải những nét văn hóa dân tộc trong điện ảnh giống như các quốc gia khác đã - đang làm. Chẳng hạn như, tại Hàn Quốc và Thái Lan hiện nay đều có quỹ riêng hỗ trợ chi phí cho các bộ phim nói đến những chủ đề văn hóa như thời trang, ẩm thực, du lịch v.v…

Số tiền hỗ trợ hoàn toàn không là gì cả so với lợi nhuận thu được từ việc bán các sản phẩm nói trên cho khán giả trong và ngoài nước. Ở chiều ngược lại, chính quyền cũng có thể hành động để ngăn chặn những xu hướng làm xấu hình ảnh quốc gia, như trường hợp Trung Quốc đã nói ở trên.

Đây đều là những bước đi cần thiết và cần được thực hiện ngay. Tuy nhiên, chúng mới chỉ là một phần rất nhỏ trong một khung chiến lược tổng thể để tăng độ đại diện của văn hóa dân tộc các dân tộc ít người trong điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung. Đây là một chiến lược cần sự vào cuộc của toàn bộ xã hội, từ Nhà nước, các doanh nghiệp, báo chí, nghệ sĩ, và cả khán giả nữa.  Chìa khóa của vấn đề ở đây là tạo lập được một môi trường mà nhận thức của toàn thể xã hội có cơ hội tự thay đổi. Đó có thể là những việc rất nhỏ thôi, như một tờ báo dành riêng ra một cột phê bình các bộ phim trong nước; hay các biên kịch từ thành phố cộng tác với những nhà văn, nhà thơ, nhà báo tại địa phương để cùng sáng tác kịch bản.

Chúng ta đã - đang làm rất tốt công tác “xóa đói, giảm nghèo” cho bà con các dân tộc ít người. Tuy nhiên, việc tăng chất lượng sống cho người dân không chỉ gói gọn trong việc giúp đỡ bà con thoát nghèo, mà còn là đảm bảo đời sống tinh thần, và cao hơn nữa là tạo điều kiện để họ có thể tự hào và bảo tồn, gìn giữ được nền văn hóa bản sắc của mình.

Điện ảnh nói chung và phim truyền hình nói riêng chắc chắn chiếm một vị trí rất quan trọng trong quá trình này, điều đó chúng ta đều đã biết. Thể hiện được tinh thần cốt cách văn hóa của các dân tộc ít người trong các tác phẩm điện ảnh (và truyền hình) âu cũng là một biện pháp bảo tồn - phát triển bản sắc văn hóa thuần Việt một cách hữu hiệu nhất.

Lê Công Hội
.
.