Đầu năm nói chuyện về “Đoài”

Thứ Năm, 16/01/2020, 17:33
Lâu rồi người ta không còn nhắc đến thôn Đoài nữa. Phần vì đã có rất nhiều tên hay tên đẹp để đặt cho làng và cũng phần vì cái tên Đoài nghe nó hơi quê, thấy nó hơi buồn bởi “Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông/ Một người chín nhớ mười mong một người”...


1. “Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông/ Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”. Hồi nhỏ, lúc còn sống ở làng, khi nghe câu thơ ấy của nhà thơ Nguyễn Bính trong “Tương tư”, tôi đã mường tượng ra một cái thôn quê có tên là Đoài. Lại nhất là sau khi đọc tiếp câu thơ “Thôn Đoài vào hội hát thâu đêm” thì tôi níu tay bà ngoại năn nỉ bà dẫn đi xem hát. 

Bà ngoại tôi ngừng giã trầu, đưa tay quệt vệt trầu đang rớt ra nơi khóe miệng, tủm tỉm cười: “Hát thì làng nào đến hội mà chẳng hát. Mà bà có biết thôn Đoài như con nói ở đâu đâu”. Cho rằng bà ngoại không muốn cho đi mà nói vậy nên tôi giận bà ngoại lắm. Tôi bỏ ra góc sân, ngồi bệt bên bậc thềm, ngửa mắt nhìn đàn chim én bay ngang trời.

Sau này lớn lên tôi mới ngờ ngợ ra rằng “thôn Đoài” như nhà thơ Nguyễn Bính đã nói chỉ là cách nói “văn hóa” thay cho cách gọi “thôn này thôn kia” nôm na, tức là cách gọi về bất cứ một làng quê nào khác ở vùng quê đồng bằng Bắc bộ. Hình như ông nhà thơ này đã mượn chữ “Đoài” không rõ danh tính, chẳng rõ địa điểm để những câu thơ của mình được “đó đây” hơn. Thôn Đoài đã đi vào thơ ca và đi vào trí nhớ mọi người như thế đó? Và tự nhiên mọi người nghĩ ngay đến một cái thôn nhỏ xinh đẹp êm đềm nào đó ở quanh đâu đây. Thôn Đoài cứ xa cứ gần, cứ thực cứ hư mà tồn tại trong đời sống.

Lâu rồi người ta không còn nhắc đến thôn Đoài nữa. Phần vì đã có rất nhiều tên hay tên đẹp để đặt cho làng và cũng phần vì cái tên Đoài nghe nó hơi quê, thấy nó hơi buồn bởi “Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông/ Một người chín nhớ mười mong một người”.

Phong cảnh xứ Đoài và làng quê Bắc Bộ.

Lâu rồi người ta không còn nhắc đến thôn Đoài nữa. Phần vì như đã nói “định danh thôn Đoài” gắn với cách trở, gắn với chia ly, gắn với những mối tình thầm kín mà day dứt. Ai bảo ông thi sĩ đồng quê Nguyễn Bính đã “tự gieo” nên những muộn phiền đó.

Thực ra “Thôn Đoài” là cách gọi tên một làng quê với bất cứ làng quê nào khác ở đồng bằng và trung du Bắc bộ. Người xưa thường ý nhị, người xưa thường khiêm nhường nên gọi vậy cho nó mộc mạc, cho nó thâm tình.

2. “Xứ Đoài, xứ Bắc, xứ Đông/ Xứ Nam cộng lại ôm thành Thăng Long”. Đến với câu ca dao này thì Đoài đã vượt ra khỏi lũy tre làng. Đoài đã rộng hơn, đã lớn hơn. Theo cách giải thích của các nhà ngôn ngữ học thì câu ca dao này muốn chỉ đến phương hướng. Hay nói theo cách khác là cách gọi về 4 hướng quanh kinh thành Thăng Long. Theo đó thì “Xứ Đoài” là chỉ vùng đất ở phía Tây kinh thành, bên cạnh các Xứ Nam (Trấn Sơn Nam), Xứ Đông (Trấn Đông) và Xứ Bắc (Trấn Kinh Bắc).

Còn nhớ nhà thơ Quang Dũng hồi đầu những năm kháng chiến chống thực dân Pháp đã đau đáu thốt lên “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em đã bao ngày em nhớ thương” khi ông viết bài thơ “Mắt người Sơn Tây” nổi tiếng. Lại cho thấy đây là một cách gọi chỉ vùng miền. Và Xứ Đoài là vùng đất “đổ” từ núi Tản Viên (Ba Vì) xuống đồng bằng bắc bộ. Vùng đất Xứ Đoài men theo bờ hữu sông Hồng và trong lịch sử là vùng đất của người Việt cổ.

Với đặc thù địa chất là đất đá ong nên nhắc tới Xứ Đoài là người ta nghĩ đến “Đá Ong”, một thứ đất mà theo các nhà địa chất học thì đó là thứ đá còn non trộn lẫn với quặng sắt cũng còn rất non. Đá ong xứ Đoài cũng giống như đá ong ở một số địa phương khác, nhưng với Xứ Đoài thì đá ong đã trở nên và trở thành một nét văn hóa đặc trưng. Những ngôi nhà dân, những công trình kiến trúc đình chùa và cả những công trình cầu cống khác ở Xứ Đoài xưa đều được xây dựng bằng đá ong.

3. Vậy thì “Đoài” xuất phát từ đâu và vì sao lại gọi là “Đoài”. Hiện chưa có một nghiên cứu nào nói về sự ra đời và thời điểm ra đời của “Đoài” nhưng có lẽ mọi người biết đến “Đoài” là bởi những câu thơ của thi sĩ Nguyễn Bính, những vần thơ của nhà thơ Quang Dũng. Hay theo cách gọi dân gian mà thân thương trìu mến của người dân vùng phía Tây kinh thành Thăng Long. Có nghĩa có thể hiểu là “Đoài” có mặt trong đời sống xã hội và tồn tại một thời gian khá dài từ đầu thế kỷ hai mươi cho đến nay.

Nếu hiểu là cách chỉ phương hướng thì sao không gọi là “Tây” hay “hướng Tây” cho đỡ phải cất công tìm hiểu. Theo suy nghĩ của người viết bài này thì “Đoài” là cách gọi, cách chỉ phương hướng rất văn hóa và cũng rất tế nhị. Gọi “Thôn Đông thôn Tây” nghe không đẹp lắm, nghe nó cứ nôm na mánh qué thế nào ấy. Gọi “Xứ Nam xứ Tây” cũng vậy, nghe nó xa xa và cũng thấy cắc cớ trong miệng. Có lẽ vì vậy mà người xưa đã “sáng tạo” nên chữ “Đoài” để gọi?

Cũng có thể là do kiêng do nói tránh đi. Ai mà chẳng biết phía Tây là phía mặt trời lặn. Tà dương nghe nó nặng nề, nghe nó không sáng, nghe nó bi ai nên người dân Việt vốn giàu truyền thống văn hóa, giàu lòng trắc ẩn và lại giàu cảm xúc đã “loại” chữ “Tây” ra khỏi đời sống văn hóa, xã hội và tinh thần để “đưa” chữ “Đoài” vào cuộc sống.

Sự xuất hiện của “Đoài” được xem như là từ đầu thế kỷ hai mươi cũng có nghĩa là người dân Việt đã “không thèm” nhắc tới một giai đoạn của “nỗi đau mất nước”. Từ khi người Pháp vào xâm chiếm nước ta năm 1858 thì người dân nước Nam (Việt Nam) đã dùng từ (chữ) “người phương Tây” hay “giặc tây” để ám chỉ quân xâm lược. Và như danh tướng Nguyễn Trung Trực, thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa nông dân chống Pháp cuối thế kỷ mười chín ở Nam Bộ đã khảng khái “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây” đó ư?

Do đó chẳng ai muốn nhắc đến chữ “tây”, chẳng ai muốn nghe đến chữ “tây” nên đã sử dụng chữ “Đoài” để gọi để nói và để nhắc nhau đứng lên chiến đấu giành độc lập.

Đoài có lẽ ra đời từ đó?

Từ Đỗ
.
.