“Thuở ấy xứ Đoài”-nơi gặp lại của ký ức

Thứ Bảy, 17/06/2017, 08:01
Lộng lẫy, chân thực, vở diễn thực cảnh đầu tiên của đạo diễn Việt Tú “Thuở ấy xứ Đoài” đã chạm tới cảm xúc của người xem. Gần hai năm mai danh ẩn tích ở núi Sài - chùa Thầy, Việt Tú đã một lần nữa chứng tỏ vai trò tiên phong của mình trong đời sống nghệ thuật đương đại.

1.Có lẽ cũng thật ngẫu nhiên khi Việt Tú chọn vào một đêm trăng để trình làng vở diễn thực cảnh đầu tiên của mình tại núi Sài - chùa Thầy. Hiệu ứng của trăng giữa không gian mênh mông của tre, cây đa, bến nước, sân đình và phía bên kia là ngọn núi Thầy linh thiêng đã tạo nên những cú nổ cảm xúc cho khán giả. Họ như bắt gặp tuổi thơ của mình, ký ức mình, một ký ức đẹp đẽ mà ta đã lãng quên đâu đó trong đời sống bận rộn này.

“Thuở ấy xứ Đoài” như một bức tranh đẹp và thuần khiết về đời sống của ông cha vùng đồng bằng Bắc Bộ. Lấy cảm hứng dàn dựng từ các tích trò rối nước dân gian như: "Tễu Giáo trò", "Hội làng", "Nông nghiệp cấy cày", "Vinh qui bái tổ"… vở diễn đã tạo nên một không gian văn hóa thuần Việt.

Một trong những điểm độc đáo của vùng đất Sài Sơn chính là nghệ thuật múa rối nước. Đời sống xứ Đoài được tái hiện sinh động qua các tiết mục rối nước: "Đuổi cáo bắt vịt", "Ngư ông, hoạt cảnh", "Ông lão đánh cá", "Chim loan phượng", "Múa Rồng bay"… Đan xen vào các tiết mục rối nước là phần trình diễn của con người, trong các màn như "Nắng sớm", "Đào liễu", "đồng giao Thả đỉa ba ba", "Vinh quy bái tổ", "Hội làng".

Một cảnh trong vở diễn: “Thuở ấy xứ Đoài”.

Những hiệu ứng “bom tấn” lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, đó là ngôi nhà đình nặng hàng tấn, dài 20m chạy ra sau rặng tre; là từ 10m sâu dưới đáy Long Trì, kỳ diệu hiện lên Thuỷ Đình nguyên bản nặng gần 10 tấn; là trên đỉnh núi Thầy cao trăm mét, hàng chục ngọn đèn như hào quang tỏa chiếu, tô điểm cho hình ảnh của Đức Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh hiển linh; là hàng trăm ngọn đèn thắp sáng rực cả rừng tre xanh ngắt, nhuộm cả mặt hồ mênh mông.

Vở diễn còn gây ấn tượng với cấu trúc thủy đình nặng 10 tấn (kể cả máy móc) thi công trong 6 tháng, diện tích mặt hồ 3,75ha, 3.000m2 mặt nước. Phần trang phục được đầu tư cầu kì và công phu đến từ ekip designer Châu Uni thực hiện trong 6 tháng.

Phần biên đạo được thực hiện bởi các vũ công Kiều Lê, Hà My, Xuân Sơn, Sơn Dương, Tùng Nguyễn, Đức Minh. Phục dựng rối nước được thực hiện bởi Quốc Khanh, Đoan Trang đến từ Nhà hát Múa rối Thăng Long. Trong khi đó phần thực hiện sân khấu được chính đạo diễn Việt Tú cùng ekip Hải Linh và Liên Anh thực hiện.

2. Việt Tú không phải là người đầu tiên đưa các diễn viên không chuyên là những nông dân lên sân khấu. Nhưng với 140 người, múa và diễn trên một sân khấu lớn gần 3.000m như trong “Thuở ấy xứ Đoài” thì chỉ có Việt Tú.

Bởi anh tâm niệm:  “Không có gì thú vị hơn khi những người nông dân tự kể câu chuyện của mình”. Và họ đã say sưa kể câu chuyện về cuộc sống - lao động - sinh hoạt, về tình yêu, về đức hiếu học - đạo nghĩa, về mối gắn kết giữa con người - thiên nhiên vùng đồng bằng sông Hồng với nền văn minh lúa nước nghìn năm lịch sử trên nền sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam. Đó cũng là điểm làm nên sự độc đáo của câu chuyện mà Việt Tú và ekip của anh công phu dàn dựng.

Dù để làm được điều đó rất khó khăn và vở diễn trong dự trù ba tháng đã kéo dài hàng năm trời vì phải đến từng nhà thuyết phục mọi người, từ ông lão 80 tuổi đến cậu học trò cấp 2 và các diễn viên không chuyên, khi đi được một chặng đường dài thì rơi rụng gần một nửa. Nhưng chính sự hồn hậu mộc mạc của những diễn viên chân đất đã làm nên thành công của câu chuyện.

Đây cũng sẽ là một điểm nhấn thu hút khách du lịch bởi sự gần gụi, tự nhiên như chính đời sống đang diễn ra, bởi nó là cuộc sống, hơi thở của họ. Đây cũng là một điểm nút chạm tới cảm xúc của khán giả khi họ gặp lại những hình ảnh thân thuộc của ký ức như cảnh cày cấy, chăn vịt, thổi sáo…

Nhưng, nếu chỉ có những người nông dân biểu diễn trên sâu khấu có lẽ sẽ không thu hút đến thế. Việt Tú đã chắt lọc những gì đặc sắc của vùng đất này mang đến cho khán giả, đó chính là rối nước. Một trong những điểm độc đáo của vùng đất Sài Sơn chính là nghệ thuật múa rối nước. Nhiều người nông dân đã khóc khi lắng nghe một tích trò, hay một điệu hát dân gian, bởi họ bắt gặp lại ký ức của mình.

Và sự đặc sắc được đẩy lên cao khi có sự kết hợp của những màn biểu diễn của người trên sân khấu và rối ở thủy đình. Hồn rối - mặt người là những ẩn dụ thú vị đẩy câu chuyện lên một tầng sâu của cảm xúc. Ở đó là sự hòa quyện của triết lý nhân sinh về đời sống, về cõi người, về sự vươn lên trong gian khó của người Việt xưa, kết nối thành câu chuyện sâu sắc về một nền văn hóa.

3.Việt Tú với “Thuở ấy xứ Đoài” một lần nữa khẳng định vị trí tiên phong của anh trong đời sống nghệ thuật Việt Nam. Năm 2002, anh bước vào nghề với “Nhật Thực 1”  và liên tục những năm sau đó là những tác phẩm sân khấu giải trí dấu ấn như “Cơn ác mộng của người thợ may” (khai sinh ra khái niệm vở diễn thời trang tại Việt Nam), tiên phong trong việc đưa các bộ môn của nghệ thuật đương đại vào tác phẩm sân khấu và những sự kiện giải trí được đón chờ, những chương trình nghệ thuật như “Con đường âm nhạc”, “Không gian âm nhạc”, “Tùng Dương live Concert”.

Mới đây nhất, vở diễn “Tứ Phủ” về nghi lễ hầu đồng đã mang đến những thành công và tiếng vang, góp phần vào hành trình đưa Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại của UNESCO.

Làm thế nào để đưa văn hóa Việt ra thế giới bằng các tác phẩm nghệ thuật? Trong hành trình đi tìm câu trả lời cho chính mình, Việt Tú nhận ra, đó chính là rào cản ngôn ngữ. Thực tế, đã có nhiều cuộc thử nghiệm “chết lâm sàng” về văn hóa Việt Nam. Việt Tú tự hỏi và chính anh cũng tự tìm câu trả lời cho mình, bởi các tác phẩm đó thiếu ngôn ngữ toàn cầu.

Anh nhận ra: “Muốn ra thế giới phải mang ngôn ngữ toàn cầu, và muốn có ngôn ngữ toàn cầu phải hiểu sâu sắc tính địa phương”. Và “Thuở ấy xứ Đoài” hội tụ đủ cái cũ và cái mới, cái dân gian và đương đại, giữa ngôn ngữ địa phương và ngôn ngữ quốc tế, giữa âm nhạc cổ truyền dân gian hòa quyện với World music.

Master Fader đã đồng hành cùng ekip của vở diễn trong hơn 1 năm để thực hiện phầm âm nhạc và hiệu ứng âm thanh, các thành viên của nhóm đã có nhiều ngày không ngủ, mang máy thu âm đến từng gốc cây, ngọn cỏ, ruộng lúa của khu vực chùa Thầy để thu những âm thanh chân thực nhất của cuộc sống nơi này.

Việt Tú nói, từ bé anh đi theo mẹ đi diễn khắp các tỉnh thành, ở quê nhiều, chất quê thấm vào máu anh. Ăn ngủ với rối, chui vào cả buồng trò xem rối. Rồi những năm tháng chắt chiu đi qua nhiều nền văn hóa thế giới, góp nhặt vốn sống để về đây sáng tạo. Và anh hiểu, chỉ làm những gì nhỏ thôi, phù hợp với văn hóa Việt Nam để chạm tới cảm xúc của khán giả.

Vì thế, giản dị, kiệm lời, chỉ có ánh sáng và âm thanh cùng ngôn ngữ cơ thể, “Thuở ấy xứ Đoài” sẽ là một tác phẩm độc đáo, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước khi đặt chân đến xứ Đoài. Vở diễn dành cho tất cả mọi người, già trẻ, Việt Nam - ngoại quốc, vì cốt lõi mà Việt Tú tìm kiếm trong hành trình sáng tạo của mình là sự chân thật của cảm xúc. Và cảm xúc chứa đựng rất đầy trong “Thuở ấy xứ Đoài”...

Nhà sử học Dương Trung Quốc:

 Đất nước mình có cảnh quan và tích truyện rất phong phú. Tôi cho rằng đây là thử nghiệm rất hay và tôi biết hiện nay có không ít người có những ý tưởng tương tự. Lâu nay người ta vẫn hay biết đến những tác phẩm như thế này ở vùng phía Nam Trung Quốc, nơi có cảnh quan rất gần gũi với Việt Nam. Đây là sự gợi ý rất tốt để chúng ta học hỏi nước bạn.

Vấn đề là khi thực hiện, chúng ta phải đưa được vào yếu tố văn hóa rất tốt. Và rõ ràng, với tác phẩm này, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về điều đó. Việc tham gia của người dân Sài Sơn vào tác phẩm này không chỉ là một giải pháp nghệ thuật bởi không gì dân gian bằng người dân mà còn mang lại lợi tích cho người dân. Họ biểu diễn với lòng tự hào về chính miền đất, di sản văn hóa của mình.

Linh Thái
.
.