Đào tạo tài năng âm nhạc: Cần một chiến lược dài hơi
- Quán quân “Tài năng âm nhạc Miền Trung” nhận học hổng hơn 100 triệu đồng
- Để giữ chân tài năng âm nhạc hàn lâm
- Hành trình trở thành tài năng âm nhạc của một cậu bé tự kỷ
- Khó như tìm kiếm tài năng âm nhạc?
Cuộc thi "Tài năng Âm nhạc trẻ toàn quốc" năm nay đã thu hút 61 thí sinh đến từ khắp mọi miền đất nước. Giống như cuộc thi Sao Mai dành cho người lớn, cuộc thi này cũng chia thành 3 phong cách âm nhạc: nhạc nhẹ, nhạc dân gian và thính phòng.
Chung kết cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 5 Huy chương vàng cho Quách Mai Thy, Nguyễn Thị Ngọc Hà (Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân hội), Nguyễn Linh Trúc Lai (Nhạc viện TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Tiến Hưng (Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam), Hoàng Ngọc Anh (Đoàn nghệ thuật tỉnh Cao Bằng) cùng 8 Huy chương bạc cho các tiết mục biểu diễn xuất sắc.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải "Giọng ca triển vọng" cho 2 thí sinh: Trần Văn Quân và Phạm Hương Giang. NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi phát biểu: "Hơn 60 ca sĩ trẻ từ mọi miền đất nước đã hội tụ và cùng tỏa sáng tài năng nghệ thuật tại cuộc thi này. Mỗi thí sinh đều thể hiện được những sắc thái, diện mạo riêng, các phong cách thanh nhạc đã được thể hiện một cách có cá tính, sáng tạo và mạnh dạn.
Các em đã cống hiến cho khán giả những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, một số em đạt mức xuất sắc và chắc chắn sẽ là thế hệ ca sĩ tài năng kế tiếp, chiếm lĩnh sân khấu ca nhạc trong tương lai gần. Chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng và tin tưởng vào tài năng của các em nếu những tài năng ấy tiếp tục nỗ lực và nhận được sự chỉ bảo từ thế hệ đi trước".
Thứ trưởng Vương Duy Biên (thứ 3 từ trái sang) chúc mừng các thí sinh đoạt Huy chương vàng tại “Cuộc thi Tài năng âm nhạc trẻ 2016”. |
Cuộc thi khép lại, những tài năng đã nhận được những giải thưởng xứng đáng, tuy nhiên một điều đáng tiếc là tại sao những cuộc thi nghệ thuật nghiêm túc như vậy lại diễn ra lặng lẽ, ít được khán giả biết tới. Hầu như khán giả có mặt trong những ngày thi hầu hết là người thân, thầy cô, bạn bè. Điều đó khác hẳn với sự sôi động, náo nhiệt của những cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc nhí đang tràn lan trên các kênh sóng truyền hình.
Cũng là người chiến thắng nhưng những tài năng bước ra từ các cuộc thi ca nhạc truyền hình được tung hô, săn đón. Còn những cô bé cậu bé chiến thắng từ những cuộc thi như thế này thì lại rất ít người biết tới. Ngay sau cuộc thi, các em lại lặng lẽ và miệt mài đi đến cùng với niềm đam mê của mình.
Vẫn biết mọi sự so sánh là khập khiễng và với nghệ thuật, mỗi người có một con đường, một mục tiêu theo đuổi riêng. Tuy nhiên, với những tài năng âm nhạc trẻ, khi mà tất cả những đam mê nghệ thuật của họ thật trong sáng, hồn nhiên thì sự "bất công" này không phải không khiến người lớn phải suy nghĩ.
Những tài năng âm nhạc nhỏ tuổi ấy rồi sẽ được đào tạo, được hướng dẫn như thế nào để có thể trở thành những nghệ sĩ tên tuổi, xứng đáng tiếp nối thế hệ cha anh đi trước là điều mà giới âm nhạc trăn trở. Ngay trước cuộc thi tài năng âm nhạc trẻ toàn quốc, một cuộc hội thảo về đào tạo âm nhạc đã được tổ chức với quy mô khá lớn với tên gọi "Đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trong xu thế hội nhập và phát triển". Nhiều vấn đề trong lĩnh vực âm nhạc, trong đời sống ca nhạc đương đại được các nhà nghiên cứu, những người tâm huyết hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc mang ra phân tích, mổ xẻ.
PGS.TS Nguyễn Văn Thành, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam thẳng thắn chia sẻ: "Cho đến nay, kết quả đào tạo tài năng âm nhạc Việt Nam còn nhiều hạn chế, Chúng ta cũng đã đào tạo được một số ít tài năng âm nhạc, nhưng thực sự những "sản phẩm" này còn mang nhiều tính tự phát, ngẫu nhiên. Các tài năng âm nhạc Việt Nam vẫn chưa thực sự đạt được những thành tích tốt ở những cuộc thi quốc tế đòi hỏi trình độ chuyên nghiệp cao".
GS.TS Trần Thu Hà, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam thì nhấn mạnh: "Trong xu thế hội nhập hiện nay, sự nghiệp đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp đang đứng trước những yêu cầu mới rất phức tạp như: tăng trưởng về chất lượng, đa dạng về phong cách, thể loại để đáp ứng đòi hỏi của người nghe. Điều đó cũng tạo sự cọ xát, ganh đua trong những người làm nghề".
Trước đó, tại Hội thảo "Xã hội hóa đào tạo âm nhạc", nhiều người đã đồng tình với quan điểm của PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam đang có một thị trường đào tạo âm nhạc khá sôi động. Số lượng trẻ em học nhạc, số lượng các cuộc thi hát, thi biểu diễn nhạc cụ, số lượng các tài năng nhỏ tuổi xuất hiện trong đời sống âm nhạc ở nước ta gần đây đều tăng rất nhanh. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, các trung tâm đào tạo ngoài công lập, các lớp học nhạc cá nhân phát triển tăng vọt. Nhưng vấn đề đặt ra là chất lượng đào tạo không đồng đều.
Ngày càng có nhiều tài năng được phát hiện từ những cuộc thi ca nhạc trên truyền hình. |
Không thể phủ nhận, các giọng hát nhỏ tuổi xuất hiện ngày càng nhiều và đang tạo ra cơn sốt riêng với người hâm mộ. Liên tục các cuộc thi ca nhạc được tổ chức cũng đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều bậc phụ huynh mong muốn con mình đạt được ngôi vị trong những cuộc thi ấy. Cầu quá nhiều trong khi những cơ sở công lập chuyên sâu về âm nhạc không đủ để đáp ứng. Đó là nguyên nhân để ngày càng có nhiều trung tâm âm nhạc ra đời nhận đào tạo các em với đủ mọi lứa tuổi, ở mọi lĩnh vực; thanh nhạc, biểu diễn nhạc cụ...
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là nếu số lượng các cá nhân, tổ chức dạy nhạc là không thể đếm được thì chất lượng dạy lại càng là vấn đề khó nắm bắt. Hầu hết những phụ huynh cho con đi học đều đặt lòng tin vào tên tuổi của giáo viên, sự giới thiệu của người thân và quảng cáo.
Nắm bắt nhu cầu của phụ huynh muốn con nổi tiếng, nhiều trung tâm kiêm luôn việc lăng xê, quản lý. Không ít phụ huynh đã gặp phải những chiêu trò lừa gạt để dẫn đến tình trạng các cháu theo học vài năm mà vẫn chưa chơi được một bản nhạc nào. Mất tiền mà không được học đúng chuyên môn, thậm chí còn bị dẫn dắt sai đường, lạc hướng.
Những tài năng nhí vinh danh ở những cuộc thi ca nhạc tràn lan ấy rồi sẽ phát triển thế nào vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Dường như chúng ta cứ tổ chức thi đã, thu tiền tin nhắn bình chọn đã, còn chuyện phát triển đường dài thì thân ai người ấy lo. Chính vì thế, hiện nay, việc đào tạo, rèn luyện tài năng nhí đang hết sức tự phát và thực hiện theo kiểu ăn xổi, chú trọng đến số lượng hơn là chất lượng.
Bước ra một cuộc thi là các em đã vội vã chạy sô kiếm tiền thay vì học tập, đào tạo chuyên môn. Trong khi ở các nước có nền âm nhạc phát triển, để đào tạo được một nghệ sĩ chuyên nghiệp, ngoài việc học tập từ nhỏ, họ phải tiếp tục đào tạo chuyên sâu từ 6 đến 10 năm mới bước ra sân khấu chuyên nghiệp.
Các trung tâm đào tạo muốn "ăn xổi" kết quả cộng với tâm lý muốn con nhanh phát triển tài năng của các phụ huynh đã khiến các tài năng âm nhạc nhỏ tuổi Việt thường bị rơi vào tình trạng chín ép. Dù là một giọng ca xuất sắc khi chỉ mới hơn 2 tuổi nhưng cuộc mưu sinh nơi xứ người và không được đào tạo bài bản, Xuân Mai trưởng thành đã trở thành một ca sĩ tuổi teen mờ nhạt.
Việc hối hả chạy sô sau cuộc thi khiến "Thần đồng" Phương Mỹ Chi bị bào mòn sức lực và giọng hát, sự ngây thơ, hồn nhiên ở cô gái 10 tuổi này giảm đi nhiều. Tham vọng nổi tiếng từ các bậc phụ huynh đã khiến không ít bạn nhỏ bị cuốn vào vòng xoáy của sự hào nhoáng mà quên đi mất một điều muốn đi đường dài với nghệ thuật rất cần một sự rèn luyện nỗ lực, bền bỉ.
Ở các nước hát triển, tổ chức cuộc thi âm nhạc đồng nghĩa với việc Ban tổ chức sẽ bắt tay với các học viện âm nhạc, các trung tâm đào tạo để sau khi tìm được quán quân, các học viện sẽ nhận giáo dục và đào tạo cho các tài năng đó phát triển. Chỉ có thực hiện được như vậy, chúng ta mới hy vọng có được những nghệ sĩ tài năng thực thụ trong tương lai.