Để giữ chân tài năng âm nhạc hàn lâm

Thứ Hai, 05/09/2016, 08:08
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" dành cho những đối tượng học sinh, sinh viên đang theo học các cơ sở văn hóa nghệ thuật trong nước có năng khiếu vượt trội về các lĩnh vực văn học nghệ thuật... Đây thực sự là một tin vui, một chiến lược cần thiết để lĩnh vực âm nhạc hàn lâm giải quyết được phần nào khó khăn, đặc biệt là tình trạng "chảy máu tài năng" đang diễn ra lâu nay...


Có lẽ chưa khi nào việc đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật lại đứng trước những khó khăn như hiện nay. Ở mỗi lĩnh vực lại có những trở ngại riêng. Ở lĩnh vực nghệ thuật truyền thống là tình trạng ngày càng có ít người trẻ theo đuổi đam mê nghệ thuật. Tài năng không có đất dụng võ, thu nhập thấp đã khiến nhiều người có tài nhưng vẫn từ chối đi đường dài để trở thành nghệ sĩ. Trong khi đó, lĩnh vực âm nhạc hàn lâm lại đang loay hoay trong việc làm thế nào để giữ chân những tài năng sau khi đã tốt nghiệp ở lại làm việc trong nước.

Lĩnh vực âm nhạc lâu nay vẫn lưu truyền quan điểm: "Hộ chiếu" âm nhạc của một quốc gia chưa bao giờ thuộc về các ca khúc mà phải thuộc về âm nhạc hàn lâm hay còn gọi là âm nhạc bác học. Tuy nhiên, thứ ngôn ngữ không cần phiên dịch này lâu nay ở nước ta vẫn rơi vào tình trạng loay hoay tìm chỗ đứng, loay hoay đi tìm khán giả và níu kéo những người tài.

Chương trình Luala Concert đưa âm nhạc thính phòng đến với đông đảo công chúng.

Có một thực tế là trong khi các cuộc thi ca hát tràn ngập trên các kênh truyền hình thì dòng nhạc hàn lâm - vốn được coi là thước đo giá trị của một nền âm nhạc ấy lại  trở nên quá lép vế. Những chương trình giới thiệu các tác giả tác phẩm, các tài năng trong lĩnh vực này quá ít và không có những lợi thế về cách tổ chức để thu hút khán giả quan tâm. Trong khi những liveshow ca nhạc giải trí có giá tới vài triệu đồng/ vé mà vẫn cháy vé thì những buổi hòa nhạc thính phòng của cả một dàn nhạc hoành tráng thỉnh thoảng mới được tổ chức những vẫn thưa vắng khách.

Sau hai cuộc thi quốc gia "Âm nhạc mùa thu" năm 1990 và năm 1993, cho đến nay vẫn chưa tổ chức được cuộc thi thứ 3 nào. Một câu chuyện không vui vẫn cứ tiếp diễn hết năm này tới năm khác là ban đầu học viên của các trường nhạc viện rất đông nhưng cứ một vài năm sau số lượng này lại ít dần đi. Vấn đề đầu vào, vấn đề việc làm và vấn đề thu nhập, kiếm sống đã khiến nhiều bạn trẻ phải từ bỏ đam mê của mình.

Cùng với sự phát triển của đời sống, ngày càng có nhiều gia đình cho con theo học các bộ môn âm nhạc. Trong số đó cũng có khá nhiều tài năng nhí được phát hiện, bồi đắp. Lịch sử đã chứng minh, chưa khi nào chúng ta thiếu vắng tài năng âm nhạc cả. Ngoài NSND Đặng Thái Sơn - niềm tự hào của người Việt Nam nhiều năm qua thì hầu như lứa tuổi nào cũng xuất hiện những nhân tài. Không thể không kể đến những cái tên như Bùi Công Duy, Dương Văn Thắng, Dương Minh Chính, Nguyễn Công Thắng (violon), Nguyễn Bích Trà, Trinh Hương (piano), Lê Phi Phi (chỉ huy)...

Tuy nhiên, trong số đó, cho đến thời điểm này chỉ có số ít người như Bùi Công Duy, Trinh Hương chọn quê hương làm nơi lập nghiệp của mình sau một thời gian dài học tập ở nước ngoài. Còn lại, hầu hết những tài năng âm nhạc kia đều sinh sống và làm việc tại nước ngoài.

Không thể không tự hào khi những người con của Việt Nam ấy đã có được những vị trí làm nghề đáng mơ ước: Nguyễn Công Thắng (giải nhất violon cuộc thi quốc gia Âm nhạc mùa thu 1990) sau đó du học ở Nga, Hồng Kông và hiện nay đang làm giảng viên tại Thái Lan; Đỗ Phượng Như là niềm tự hào của nhạc hàn lâm Việt khi giữ vị trí solist trong dàn nhạc Moscow Philharmonic Orchestra; Lê Phi Phi học chỉ huy ở Nga rồi chỉ huy một dàn nhạc ở quốc gia này...

Chúng ta tiếc nhưng có thể hiểu và hoàn toàn thông cảm khi những tài năng âm nhạc ấy chọn những quốc gia có nền âm nhạc phát triển để "dụng võ". Những nhân tài của loại hình âm nhạc bác học rất khác những tài năng được phát hiện từ những cuộc thi ca nhạc nhan nhản trên truyền hình.

Một số người được trời phú cho giọng hát cộng thêm một chút may mắn trong một cuộc thi hát thì đôi khi chỉ qua một đêm là cuộc đời thay đổi. Họ được nhiều người biết tới, đắt sô biểu diễn, cát xê tăng vùn vụt chỉ sau một giải thưởng... Nhưng với những nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc âm nhạc hàn lâm, để có được chút thành công là cả chuỗi ngày đằng đẵng trau dồi, khổ luyện. Ngay cả khi họ đạt được giải thưởng trong nước hay quốc tế nào đó thì hành trình học tập đó vẫn chưa khi nào dừng lại. Con đường để trở thành nghệ sĩ âm nhạc hàn lâm luôn là một hành trình dài và đầy gian khó. Nhưng ngay cả khi thành công, họ vẫn phải đối diện với muôn vàn khó khăn trước mắt, trong đó có cả gánh nặng mưu sinh.

Chình vì thế lâu nay, những nghệ sĩ hàn lâm lựa chọn cuộc sống ở nước ngoài không đơn thuần chỉ vì để có đời sống cao hơn, ổn định hơn mà quan trọng họ có môi trường để thể hiện tài năng của mình cũng như điều kiện để học tập nâng cao.

Thiếu vắng sân khấu để có thể phát huy tối đa năng lực của mình, đa phần những nghệ sĩ chọn ở lại trong nước đều theo đuổi công tác đào tạo, giảng dạy. Khi nào có các chương trình phù hợp mới biểu diễn. Hiện tại, số lượng những buổi biểu diễn hoành tráng chỉ đếm trên đầu ngón tay như "Giai điệu mùa thu", "Luala concert", "Hòa nhạc Henesssy"...

Hòa nhạc Hennessy.

Với những khán giả yêu dòng nhạc hàn lâm thì cũng phải đợi những dịp này mới được thưởng thức những nghệ sĩ tài năng của Việt Nam và một số nghệ sĩ hàn lâm Việt Nam từ nước ngoài trở về biểu diễn tại quê hương. Nhiều giảng viên chấp nhận đi dạy thêm để trang trải đời sống. Một số phải chuyển từ viết khí nhạc sang những thể loại nhẹ nhàng hơn như ca khúc, nhạc phim, nhạc sân khấu... để có thêm thu nhập.

Nhiều người cho rằng, một nguyên nhân khiến nhạc hàn lâm không có được vị trí xứng đáng trong đời sống âm nhạc vì chúng ta không có được một lớp công chúng yêu nhạc này. Phải chú ý đến việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng là điều cần thiết. Bên cạnh đó, bản thân nhạc hàn lâm cũng lúng túng trên đường tìm khán giả. Một bộ phận nghệ sĩ là sản phẩm của cơ chế lâu nay đang bị công chức hóa, chỉ dựng những sản phẩm để đi thi lấy huy chương, không kích thích được sáng tạo vượt trội.

Không thể phủ nhận thời gian qua đã có nhiều nhà hát, đơn vị, cá nhân đã có những thay đổi trong quan niệm, hành động để đưa âm nhạc hàn lâm đến với khán giả. Dự án "Luala Concert" đã thu hút được dư luận và công chúng khi mang những bản opera, nhạc giao hưởng thính phòng xuống đường phố một cách thường xuyên. Các đơn vị, nhà hát chuyên về lĩnh vực này không chỉ tập trung biểu diễn trong những chương trình, sự kiện lớn mà còn biểu diễn trong các trường đại học, ở những không gian mở, tính tương tác  cao... Đồng thời, các nghệ sĩ cũng đã tiến hành dàn dựng những chương trình nhỏ, những tiêt mục phù hợp với từng lứa tuổi...

Cùng với một số biện pháp khác, Đề án "Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" của Chính phủ được ví như một niềm hy vọng và điều cần thiết trong tình hình hiện nay.

Đề án dành cho đối tượng học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở văn hóa nghệ thuật trong nước có năng khiếu vượt trội về các lĩnh vực: âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc và sáng tác văn học. Từ đó hướng tới mục tiêu chung là phát hiện, đào tạo các em trở thành nghệ sĩ tài năng trong biểu diễn, sáng tác, giảng dạy; có khả năng sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa nghệ thuật chất lượng cao...

Theo đó, cũng như các lĩnh vực nghệ thuật khác, mỗi năm sẽ có khoảng năm tài năng âm nhạc được cử đi thực tập ngắn hạn ở các đơn vị nghệ thuật uy tín nước ngoài. Phấn đấu từ năm 2021, mỗi năm sẽ có bảy tài năng âm nhạc xuất sắc được cử đi nâng cao trình độ ngoài nước theo các chương trình, dự án đã phê duyệt. Những chính sách đãi ngộ trong đào tạo ấy cùng với những thay đổi ở môi trường biểu diễn hy vọng sẽ giữ chân được những tài năng âm nhạc hàn lâm ở lại phục vụ nhiều hơn với công chúng trong nước.

Khánh Thảo
.
.