Cuộc chiến pháp lý tiền bản quyền âm nhạc tại Mỹ

Thứ Năm, 04/02/2021, 20:48
Một trong những “cứu cánh” cuối cùng của nghệ sỹ là số tiền bản quyền thường niên. Vậy nhưng ngày nay, ngay cả niềm hy vọng nhỏ nhoi này cũng đang bị đe doạ bởi một cuộc chiến pháp lý về vấn đề mức phí bản quyền tại Mỹ.


Đại dịch COVID-19 đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến sinh kế của nghệ sỹ trên toàn thế giới, đặc biệt là các nghệ sỹ thuộc lĩnh vực âm nhạc. Việc các ca sỹ, nhạc sỹ không được phép tổ chức biểu diễn nơi đông người đã đẩy nhiều người vào cảnh nghèo khó, thậm chí phải từ bỏ tạm thời nghiệp âm nhạc của mình để kiếm “đồng tiền bát gạo” phục vụ kế sinh nhai của bản thân cũng như gia đình. 

Một trong những “cứu cánh” cuối cùng của nghệ sỹ là số tiền bản quyền thường niên. Vậy nhưng ngày nay, ngay cả niềm hy vọng nhỏ nhoi này cũng đang bị đe doạ bởi một cuộc chiến pháp lý về vấn đề mức phí bản quyền tại Mỹ.

Thời điểm bắt đầu

Theo các công lệ quốc tế, có bốn loại phí bản quyền âm nhạc khác nhau. Thứ nhất, Mechanical Royalty (MR) do các công ty ghi âm trả để có quyền phát hành tác phẩm trên băng đĩa hay mạng Internet. Thứ hai, Public Performance Royalty do các doanh nghiệp, công ty truyền thông trả để có quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Synchronization Fee do các đạo diễn điện ảnh, kịch, v.v… trả để có quyền sử dụng tác phẩm trong sáng tác của mình. Và cuối cùng là, Print Music Income do các nhà xuất bản trả để xuất bản sách dạy nhạc, v.v…

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành khiến các buổi biểu diễn bị cấm và giảm số lượng tác phẩm điện ảnh, nhạc kịch, v.v…MR trở thành nguồn phí bản quyền chính đối với giới nhạc sỹ. Khi đại dịch mới bắt đầu và nhu cầu thưởng thức sản phẩm âm nhạc trong công chúng tăng mạnh, nhiều người tin rằng khoản MR sẽ đủ giúp nghệ sỹ vượt quá thời điểm khó khăn. Ấy thế nhưng, họ không hề mảy may nhận ra rằng, có một cuộc chiến bí mật đã diễn ra từ hơn hai năm nay trước toà án Mỹ để quyết định số phận của MR.

Giữa lúc đang gặp khó khăn vì đại dịch, giới nhạc sĩ Mỹ lại phải thấp thỏm lo âu chuyện tiền bản quyền.

Vào tháng 11-2018, chính phủ Mỹ ra quyết định nâng tỷ lệ phần trăm (%) MR tối thiểu mà các doanh nghiệp ghi âm, truyền tải âm nhạc phải trả cho nghệ sỹ lên mức 10,5%/thu nhập từ tác phẩm. Con số này tăng dần lên 1%/năm và sẽ chạm mức 15,1% vào năm 2022. Chính sách này được đưa ra nhằm giúp nghệ sỹ yên tâm hơn về tình hình tài chính cá nhân mà yên tâm toàn tâm toàn ý với việc sáng tác. Một nhóm các doanh nghiệp kinh doanh âm nhạc đại diện bởi hai tập đoàn Amazon và Spotify đã kiện chính phủ Mỹ ra toà nhằm ngăn chặn quy định nói trên được đưa vào thực hiện.

Đối đầu với Amazon và Spotify trước toà là Hiệp hội Nhà phát hành Âm nhạc toàn quốc (NMPA). Từ hai năm trở lại đây, chủ tịch NMPA, ông DavidIsraelite, thường xuyên được triệu tập ra trước toà để trình bày vụ việc trước bồi thẩm đoàn. Đáng lẽ ra toà án đã phải đưa ra phán quyết sau ba phiên điều trần, nhưng vị thẩm phán đã thay đổi quyết định trong thời gian toà án nghỉ vì đại dịch và yêu cầu tổ chức một phiên điều trần thứ tư. 

Theo lời ông David, thì: “Trong trường hợp toà án ra phán quyết có lợi cho các công ty truyền tải, giới nghệ sỹ Mỹ sẽ mất hơn 500 triệu USD đáng lẽ họ đã phải nhận được trong vòng hai năm trở lại đây. Nhưng điều đáng bàn hơn là nó sẽ tạo tiền đề cho những ông chủ doanh nghiệp tự thương thảo, thông đồng mức phí MR riêng với nhau mà không quan tâm đến ý kiến của nghệ sỹ và chính phủ!”.

Canh bạc “một mất, một còn”

Quy định tăng tỷ lệ MR tối thiểu chỉ là một phần của Chính sách Hiện đại hoá Âm nhạc (MMA) của chính phủ Mỹ. Trọng tâm của MMA là tạo sự công bằng giữa nghệ sỹ và doanh nghiệp trong quá trình đàm phán tiền bản quyền. 

Hiện nay, giới ca sỹ, nhạc sỹ Mỹ đang phải “chịu thiệt” do chỉ giữ thế yếu khi đàm phán. Đơn cử như với Spotify, nền tảng truyền tải âm nhạc nổi tiếng nhất hành tinh. Vậy nhưng, các nghệ sỹ khó có thể kiếm sống được trên Spotify do với mỗi một lần tác phẩm của họ được khán giả thưởng thức, Spotify chỉ trả cho họ khoản MR tương đương 10% lợi nhuận  - dao động trong khoảng 0,125 đến 0,5 cent/một lần nghe.

Ông DavidIsraelite đã đưa ra ý kiến của mình như sau: “Các nghệ sỹ Mỹ hiện không được số tiền đúng với công sức sáng tạo mà họ ra. Đây là một sự bất công đáng lẽ ra phải được giải quyết từ nhiều năm trước đây, nhưng bởi vì các nỗ lực vận động hành lang của ngành công nghiệp ghi âm mà vô số nghệ sỹ vẫn phải “ngậm đắng nuốt cay” !”. 

“Các công ty truyền tải âm nhạc hiện nay được tự ý áp đặt mức MR lên nghệ sỹ mà không phải chịu bất kỳ sự quản lý nào của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài việc gây thiệt hại cho nghệ sỹ, tình trạng này còn tạo ra một thị trường cạnh tranh không lành mạnh và thúc đẩy sự hình thành của các nhóm độc quyền”.

Đứng ở bên kia chiến tuyến với NMPA toàn là những “ông lớn” trong ngành công nghiệp âm nhạc như Spotify, Amazon, Google và Pandora. Vậy nhưng, trái với dự tính ban đầu của NMPA, luật sư từ các công ty nói trên không “tấn công trực diện” NMA. 

“Chiến lược” của họ thay vì thế mang tính trì hoãn. Họ chờ đến khi một trong hai việc xảy ra: NMPA từ bỏ vụ kiện, hoặc toà án vì muốn sớm kết thúc vụ việc mà gây áp lực để NMPA hoà giải. Đây là một “nước cờ” khôn ngoan do các công ty truyền tải nhạc biết rõ rằng họ không có một lý do thật sự chính đáng nào để chống lại quy định tăng tỷ lệ MR tối thiểu trước toà.

Nhiều luật sư độc lập sau khi kiểm tra đơn kiện của các tập đoàn cũng đưa ra một kết luật tương tự. Họ chỉ ra nhiều cáo buộc có phần lỏng lẻo, đơn cử như từ Spotify: “Quyết định mới của chính phủ Mỹ sẽ khiến các doanh nghiệp truyền tải gặp khó khăn trong việc bán tác phẩm âm nhạc dưới dạng gói!”. Cáo buộc này không những vô căn cứ mà nó còn rất chung chung - Spotify muốn nói gì khi dùng từ “dạng gói”?! Có phải họ muốn nhắc đến các album, single, v.v…hay những chương trình khuyến mại giảm giá hàng loạt?

Thay vì tập trung vào việc đưa ra bằng chứng ủng hộ cáo buộc của mình, bên nguyên tìm cách đưa ra càng nhiều cáo buộc vô căn cứ cùng một lúc càng tốt. Thẩm phán và bồi thẩm đoàn khó mà có đủ thời gian và công sức mà đi “lật lên” từng cáo buộc một để tìm căn cứ. Họ rất dễ phạm phải một sự nhầm lẫn, hiểu lầm nào đó, từ đó có thể dẫn đến đưa ra những phán quyết có lợi cho nguyên đơn mà không tính đến bằng chức thực tế.

Nhận ra chiến lực nói trên, NMPA cũng đang tự thay đổi chiến lực của mình. Hiện tại họ đang kêu gọi giới nghệ sỹ tổ chức một cuộc “đình công” tập thể bằng cách sử dụng quyền hạn của mình ngăn chặn việc tác phẩm được truyền tải trên Spotify, Amazon, Google Store, v.v…Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên các nghệ sỹ Mỹ “đối đầu” trực diện với những “ông lớn” trong ngành, tạo ra một tiền lệ chưa từng có và nâng tầm vị thế của ca sỹ, nghệ sỹ trong những cuộc đàm phán lên một bước rõ rệt.

Khả năng vẫn rộng mở

Trước khi đại dịch xảy ra buộc toà án phải đóng cửa, hầu hết các thành viên bồi thẩm đoàn đều tỏ ý ủng hộ chính sách tăng mức MR tối thiểu từ chính phủ Mỹ. Họ cũng không đồng tình với việc các công ty ghi âm, truyền tải không đưa ra được một bằng chức chắc chắn nào. Nếu NMPA tiếp tục thể hiện tốt trong phiên điều trần thứ tư sắp tới, nhiều khả năng toà sẽ đưa ra một phán quyết có lợi cho họ vào khoảng quý hai năm sau. Số tiền mà các ca sỹ, nhạc sỹ Mỹ nhận được sau đó chắc chắn sẽ giúp ích họ rất nhiều trong việc sắp xếp lại cuộc sống cá nhân và bắt đầu sáng tác, biểu diễn trở lại.

Nhìn rộng ra, cái cách kinh doanh của các công ty truyền tải âm nhạc sẽ buộc phải thay đổi theo hướng tích cực sau khi NMA trở thành hiện thực. Hiện nay, các công ty như Spotify có quyền can thiệp quá lớn lên quá trình sáng tạo của nghệ sỹ, khiến họ sáng tác dựa trên không phải cảm hứng, tình cảm, kiến thức, v.v…mà dựa trên nghiên cứu thị trường, chiến dịch marketing, v.v…Nhiều thể loại âm nhạc kén người nghe hay bị đông đảo công chúng coi là “lỗi thời” đã mất đi không ít nghệ sỹ tài năng, vì nếu họ không làm theo những “gợi ý” từ Spotify, công ty này có cách để làm tác phẩm của họ “chìm nghỉm”, có cố mấy cũng không lấy được sự chú ý của khán giả.

NMA sẽ giúp thiết lập những “giới hạn” mà công ty ghi âm, truyền tải phải tuân thủ và khiến người nghệ sỹ lấy lại sự tự do sáng tác của mình. Từ đó thị trường âm nhạc Mỹ vốn đã rơi vào tình trạng “dậm chân tại chỗ” từ hai, ba năm trở lại đây về mặt sáng tạo sẽ như nhận được một “cú hích” mạnh tiến về hướng đa dạng hơn, độc đáo hơn. 

Xin dẫn lời của ông Dave Israelite để làm cái kết cho bài viết này như sau: “Các nghệ sỹ không thể tập trung sáng tạo được nếu như họ phải lo chạy ăn từng bữa. Tác phẩm của họ cũng không có cơ hội được thể hiện hết giá trị của mình khi được đặt vào tay các nền tảng chỉ quan tâm duy nhất tới việc tối đa hoá lợi nhuận. Vì thế mà NMPA sẽ quyết chiến đấu đến tận cùng trước toà để bảo vệ tương lai của nghệ sỹ và nghệ thuật âm nhạc Mỹ!”. 

Lê Vũ (Tổng hợp)
.
.