Bản quyền âm nhạc đã sang trang?

Thứ Năm, 26/12/2019, 08:11
"Trước đây, hễ nhắc đến bản quyền là anh em nghệ sĩ chúng tôi đều lắc đầu thất vọng. Tất cả bát nháo, loạn xạ với tình trạng "xài chùa" nhan nhản trên mạng. Nhưng đến giờ, tình hình đang dần đổi khác, rất khác" - nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong nhìn nhận.


Vấn đề bản quyền nói chung và bản quyền âm nhạc nói riêng ở nước ta thường được xem là bài toán nan giải đầy nhức nhối. Nếu các nước văn minh trên thế giới chú trọng vấn đề này từ lâu và thực hiện bài bản thì ở Việt Nam, câu chuyện bản quyền chỉ thực sự được quan tâm và trở nên nóng sốt khoảng 10 năm trở lại đây.

Theo dõi và tham gia hành trình đấu tranh cho bản quyền âm nhạc từ buổi sơ khai, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong hiểu nỗi trăn trở của người làm nghề. Nhìn lại tình hình hiện tại, anh phấn khởi cho rằng việc được cả cộng đồng quan tâm về bản quyền là một tín hiệu đáng mừng, vượt xa những gì mà giới nghệ sĩ, nhà sản xuất mong đợi.

"Vài năm trước, chúng tôi không hình dung được viễn cảnh nhiều người quan tâm đến vấn đề bản quyền như vậy đâu. Bởi vì vấn đề bản quyền đối với đất nước chúng ta còn khá mới mẻ và vô cùng khó hiểu, rối rắm. Cách đây 7 năm, chúng tôi cùng nhạc sĩ Huy Tuấn, Quốc Trung làm một chiến dịch nho nhỏ mang tên "Nghe có ý thức".

Sau lần bị nhạc sĩ người Mỹ tố xài chùa ca khúc "The way", ca sĩ Noo Phước Thịnh ý thức hơn về vấn đề bản quyền.

Ở thời điểm đó, chúng tôi chỉ nghĩ rằng khán giả là người đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao ý thức sử dụng bản quyền. Nhưng cho tới nay, mọi chuyện đã khác" - anh nhớ lại.

Quả như nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong nhận định, bây giờ, khán giả chỉ là một mắt xích trong việc chung tay bảo vệ đứa con tinh thần của nhạc sĩ. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tham gia vào hành trình công lý này còn có các nhà phân phối, các nền tảng phát hành, mạng xã hội, tổ chức trung gian... Nhờ có những đơn vị này, loạt vấn đề liên quan đến bản quyền được lan tỏa rộng rãi và thực thi chặt chẽ với đối tác, người thụ hưởng.

Ví dụ, YouTube không cho phép người dùng tha hồ lấy MV hay ca khúc để đăng lại khi chủ sở hữu quyền chưa đồng ý. Nó vừa đảm bảo doanh thu cho chính các đơn vị, tổ chức đó, vừa đảm bảo quyền lợi của người sáng tác lẫn khán giả. Trên các trang nghe nhạc, nhiều khán giả không còn thắc mắc khi mình phải bỏ tiền để tải hoặc nghe ca khúc yêu thích.

Ngay cả nghệ sĩ cũng bắt đầu biết cách tự tiếp thị, tự bảo vệ tác phẩm của mình. Khi vấn đề bản quyền được quản lý chặt chẽ, nghệ sĩ không chỉ được đảm bảo nguồn doanh thu, được tôn trọng mà còn giúp họ yên tâm tái sáng tạo, cống hiến.

Đặc biệt, ý thức bản quyền thể hiện rõ rệt ở người trẻ - đối tượng công chúng chủ yếu của nền công nghiệp âm nhạc. Trong buổi phát động cuộc thi làm phim ngắn dành cho sinh viên mới đây, không ít bạn trẻ tỏ ra lo lắng về bản quyền âm nhạc khi sử dụng nó trong tác phẩm dự thi. "Nếu tụi em lấy một đoạn nhạc, một bài hát như thế thì có vi phạm bản quyền hay không? Muốn xin phép để sử dụng tác phẩm âm nhạc đó thì tụi em phải gặp ai, trả tiền bản quyền cho họ như thế nào? Nếu tác phẩm đoạt giải thì tiền thưởng có phải chia cho chủ sở hữu bản quyền tác phẩm âm nhạc không?...".

Giải đáp loạt câu hỏi của sinh viên, đạo diễn Luk Vân cho hay trên các nền tảng vẫn cung cấp kho nhạc được sử dụng hoàn toàn miễn phí và không cần xin phép. Còn với những ca khúc có bản quyền rõ ràng thì sinh viên có thể tìm đến tổ chức bảo vệ bản quyền để được tư vấn.

Lý giải cho sự chuyển biến tích cực này, giới chuyên môn cho rằng tất cả bắt nguồn từ sự cứng rắn, kiên quyết đối đầu với hành vi sai phạm của chủ sở hữu quyền. Lâu nay, khi phát hiện mình bị ăn cắp bản quyền, giới nghệ sĩ chỉ dám lên tiếng than thở chứ không dám làm lớn chuyện. Bởi ai cũng mang tâm lý "vô phúc đáo tụng đình", "được vạ má đã sưng".

Vả lại, những đơn vị, cá nhân xâm phạm bản quyền đông như quân Nguyên. Để đi kiện thì cũng không lấy đâu ra hơi sức, thời gian. Bây giờ, các nghệ sĩ đã có sự đồng hành của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - VCPMC, Hiệp hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA), Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), Hiệp hội Quyền sao chép (VIETRRO) và hàng loạt các nhà phân phối, nền tảng phát hành lớn nhỏ. Khi sự việc xảy ra, chính các tổ chức này được nghệ sĩ ủy quyền giải quyết.

Đơn cử như đầu năm 2019, VCPMC kiên quyết kiện một đơn vị âm nhạc để đòi lại công bằng cho gần 50 nhạc sĩ bị đơn vị này lờ tiền bản quyền. Thêm nữa, chuyện nghệ sĩ quốc tế "làm dữ" khi ca khúc, tác phẩm của họ bị xâm phạm ở Việt Nam cũng khiến giới làm nghề trong nước ngộ ra phần nào.

Với sự quản lý sát sao, nạn xâm phạm bản quyền âm nhạc trên các trang trực tuyến phần nào đã thuyên giảm. (Ảnh minh họa).

Ca sĩ Noo Phước Thịnh từng bị nhạc sĩ người Mỹ Zack Hemsey khởi kiện, yêu cầu bồi thường lên đến gần một tỷ đồng. Trong MV "Chạm khẽ tim anh một chút thôi", Noo Phước Thịnh vô tư cắt xén một đoạn ca khúc "The Way"  do Zack Hemsey sáng tác để làm nhạc nền một phân cảnh.

Tuy vậy, nếu nhìn những chuyển biến trên và lạc quan cho rằng tình hình bản quyền âm nhạc tại Việt Nam thực sự đã lành mạnh thì hãy còn quá sớm. Bà Trâm Anh, Giám đốc phát triển kinh doanh của Sky Music - nhà phân phối tác phẩm âm nhạc, cho rằng thị trường âm nhạc Việt Nam vẫn còn rất phức tạp.

Một thực trạng đáng buồn là nhiều đơn vị khai thác bản quyền âm nhạc như đài truyền hình, đơn vị tổ chức sự kiện, đơn vị làm truyền thông... lẫn chính tác giả, chủ sở hữu bản quyền vẫn còn không biết bản quyền âm nhạc gồm những gì? Khi tạo ra một sản phẩm âm nhạc, các nghệ sĩ (đặc biệt là giới indie, underground (độc lập, ngầm) và dòng nhạc truyền thống) không biết mình đang nắm quyền gì vì họ thường không có công ty quản lý hỗ trợ như nghệ sĩ mainstream (dòng chính thống).

Điều làm Sky Music đau đầu còn là việc các công ty, đơn vị khai thác bản quyền âm nhạc thường xuyên thắc mắc khai thác bản quyền ở đâu, như thế nào? "Do thiếu kiến thức từ hai phía nên mới xảy ra chuyện: nghệ sĩ ký bản quyền nhiều nơi hoặc nhà phát hành ký nhưng quyền không phải của mình. Chẳng hạn đơn vị đó chỉ được nắm quyền bản ghi nhưng lại ký luôn quyền tác giả vì nghĩ rằng tác giả đã nhượng quyền cho mình. Điều đó dẫn đến tranh chấp thường xuyên ở thị trường Việt Nam" - bà Trâm Anh lý giải.

Đồng quan điểm, nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng tuy bản quyền âm nhạc đã minh bạch hơn trước đây nhưng sự hiểu biết hạn hẹp của giới nghệ sĩ vẫn là hạn chế rất tai hại. Họ không hiểu bản quyền là gì, quyền nhân thân là gì, quyền tài sản là gì. Không mấy nghệ sĩ chịu để tâm tìm hiểu điều luật của luật sở hữu trí tuệ vì cho rằng nó quá rắc rối, phức tạp, khô khan.

Do vậy, khi xảy ra sự cố, công chúng ngao ngán trước điệp khúc "em nào biết, em nào có hay" của bên xâm phạm. Sau khi ca sĩ Noo Phước Thịnh sáng mắt ra vì cú "xài chùa" ca khúc "The way" thì nhà sản xuất phim "Ngôi nhà bươm bướm" lại bị anh cùng nhạc sĩ Đỗ Hiếu tố sử dụng bất hợp pháp ca khúc "Mãi mãi bên nhau". 

Nhà sản xuất sau đó phải lật đật xin lỗi và trả tiền bản quyền cho ca sĩ Noo Phước Thịnh và cả Thu Minh (bài Taxi và Đường cong). Họ thú thật do không nắm vững về luật sở hữu trí tuệ nên chỉ mua bản quyền tác giả bài hát từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, chứ không biết việc dùng bản thu thuộc quyền liên quan đến quyền tác giả, tức phải liên hệ trực tiếp với ca sĩ, nhạc sĩ hoặc người sản xuất để mua.

Để giải quyết vấn đề này, việc phổ cập kiến thức pháp luật cho nghệ sĩ rất quan trọng. Nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam chỉ thực sự phát triển khi bản thân mỗi nghệ sĩ phải trang bị kiến thức căn bản liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của mình. Đó cũng là giải pháp giúp họ tối ưu hóa cách khai thác sản phẩm.

Nắm bắt nhu cầu cấp bách trên, công ty giải trí của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong thỉnh thoảng vẫn tổ chức hoạt động phi lợi nhuận để phổ cập hiểu biết pháp luật cho đồng nghiệp và giới nghệ sĩ. Theo Nguyễn Hải Phong, nếu chịu dành vài buổi để học, nghệ sĩ sẽ thấy bản quyền không phải là vấn đề gì quá rối rắm, khó nắm bắt.

Mai Quỳnh Nga
.
.