Cao Duy Sơn – từ chú cầy hương đến chàng gấu rừng già

Thứ Hai, 22/08/2016, 08:39
Tôi thích đọc văn Cao Duy Sơn từ khi được đọc những truyện ngắn đầu tiên. Những truyện ngắn tôi cứ nhớ mãi cái không khí miền núi vừa mơ mơ màng màng lại vừa sâu hun hút bởi vẻ đẹp của thiên nhiên quyến rũ con người ta, lôi kéo con người ta, nâng đỡ con người ta từ chốn thâm nghiêm huyền bí của rừng già, hang thẳm, đến khi trở về với cuộc sống tự nhiên, hồn nhiên của cộng đồng. 


Đọc văn Cao Duy Sơn (hồi ấy chưa biết nhau), tôi cứ hình dung Cao Duy Sơn giống như một chú cầy hương của rừng hoang dã, bình thường chú ta ngủ yên trên vòm lá cây dẻ trắng (không hiểu sao lại là dẻ trắng! và cũng không hiểu sao lại trên vòm lá chứ không phải trong hốc cây!) và thỉnh thoảng chú ta mới rời chỗ ngủ đi ra, chú đi ra và chú toả hương làm cho khu rừng tự nhiên thấy mình trở nên thanh sạch hào hoa hẳn lên.

Bẵng đi một thời gian sau đó, tôi lại có dịp đọc các truyện ngắn của anh được tập hợp lại thành tập: “Những chuyện ở lũng Cô Sầu”, sau đó là tiểu thuyết “Cực lạc”, “Người lang thang” và tập truyện ngắn “Ngôi nhà xưa bên suối” của anh được giải thưởng ASEAN năm 2009. Bốn cuốn sách mỗi cuốn một lối viết, đặc biệt là hai tập truyện ngắn, tôi thấy không có truyện nào phải “độn” cho truyện nào.

Nhà văn Cao Duy Sơn.

Hai tập truyện ngắn không ồn ã nhưng cũng không hề nhu mì, tự nó toả hương và tự nó tiến sâu vào tâm khảm ta bằng những nhân vật đầy cá tính và những chi tiết độc đáo không phải cố gắng mà khai thác được.

Văn Cao Duy Sơn giàu hình ảnh, giàu chất say của người say thiên nhiên. Càng đọc những tác phẩm gần đây của anh, tôi thấy nó mỗi ngày một khúc chiết hơn, nói theo lối nói của các nhà nghiên cứu thì nó “luận đề” hơn, từng trải hơn. Bây giờ, sau khi đọc tiểu thuyết của anh, tôi lại thấy Cao Duy Sơn lột xác từ chú cầy hương thành chàng gấu vừa bừng tỉnh giấc ngủ đông đi trong loang lổ nắng xuân của rừng già săn tìm những đõ mật ong thơm thảo mà thiên nhiên yêu dấu ban tặng cho cuộc sống.

Và phải công nhận chàng gấu của tôi đã trưởng thành hẳn lên bởi dáng đi lầm lũi tự tin, cách tự thể hiện mình vững vàng rắn rỏi, tuy cái chất thơ mộng lang bang không còn nhiều, không còn mang mang những mảng mờ, những diểm dừng ngẩn ngơ đầy thi vị như xưa nữa. Chú gấu say mật, say vị ngọt tinh khiết và vẻ đẹp hào hoa phóng túng của rừng, những dòng văn cứ thế từ trong cơn say toả ra tạo nên một Cao Duy Sơn mềm mại, gầm gừ, vừa “gấu” lại vừa rất lành theo kiểu gấu!

Tôi xin mời bạn hãy đọc một trích đoạn văn Cao Duy Sơn để thấy cái anh chàng cầy hương dễ thương kia đã lột xác thành anh chàng gấu rất “gấu” của núi rừng Trùng Khánh quê hương anh:

 “Tháng ba, rét nàng Bân về cùng mưa phùn, thấm khí lạnh vào những sườn núi cao ngất. Đá giá buốt và đục nhờ trong mây mù bao phủ. Cái thứ mù lẫn nước là là bay thấp khiến mặt đất không sao hửng lên được. Lối mòn dưới những chân núi kia, nếu không có từng tốp người chuyển động trong sương mù, sẽ khiến trí tưởng tượng thức dậy những câu chuyện cổ, về một vùng sơn cước chỉ có loài yêu quái và ma quỷ náu mình.

Đừng sợ cái lặng im của rừng núi. Hãy nhìn về phía chân đèo Keng SLi kia, nơi ấy có sự sống của con người. Đó là làng quê đã sinh ra tôi, cái bản Cô Sầu, sớm nay đang vào tiết thanh minh”... 

(Truyện ngắn “Tượng trắng”)

Nếu tôi là người chọn một đoạn văn mẫu cho các cháu học sinh cấp II thì tôi nhất định sẽ chọn đoạn văn này - đoạn văn khi anh còn là chú cầy hương.

Và đây nữa, bây giờ là đoạn văn khi anh đã biến thành chàng gấu rất chi là “gấu”:

 “Phải leo qua hai bờ mương, và vượt một khoảng đồi trống nữa mới tới chân rừng SLam Kha. Rẽ lối trái đi chừng ba lần đổi khăn vai sẽ đặt chân đến đất Hoa Động. Nhưng thằng Pồn không rẽ qua lối ấy, nó nhằm hướng bên phải. Lối này sẽ dẫn đến chân rừng, nơi ấy có ngôi mộ của mẹ nó. Đôi bàn chân to dày của nó đạp ào ào qua bãi ràng ràng đã bị phát trụi, trơ gốc tua tủa. Nhưng thằng Pồn chẳng hề thấy đau đớn.

Mặt trời đã lên cao. Nắng đổ vàng loá khắp núi đồi. Rừng SLam Kha đã hiện ra phía trước mặt. Thằng Pồn lẩn vào một gốc dẻ ven lối đi. Tựa lưng vào thân cây, ngửa mặt lên thở dốc. Trên cao kia ánh nắng xuyên qua kẽ lá, thả bóng lốm đốm quanh nơi nó đứng. Đâu đó, tiếng cu rừng gù lên cúc cu, buông vào lòng nó nỗi hoang vắng. Nó cảm thấy dưới bàn tay bên phải có một thứ chất lỏng âm ấm đang loang ra kẽ ngón. Nâng cánh tay ngang tầm nhìn, đôi mắt giá lạnh của Pồn dửng dưng nhìn những giọt máu thánh thót nhỏ xuống đất. Máu từ cánh tay nó nhỏ ra đấy. Vật cứng giấu trong ống tay áo khi sáng nó nói dối lão Khần là cái chai nhưng thực ra, đó là lưỡi dao nhọn. Nó đã nói dối lão. Lần đầu tiên trong đời nó dám nói dối lão Khần - một con người luôn được nó kính trọng. Biết làm thế nào được. Mỗi người đều có bí mật riêng của mình”.

(Tiểu thuyết “Cực lạc” trang 124 - 125).

Mới rồi gặp Cao Duy Sơn ở Đại hội Chi hội Nhà văn các dân tộc thiểu số Việt Nam, chúng tôi ngồi nhâm nhi với nhau. Sơn ngồi nom như con gấu rừng thật. Đôi mắt nâu to gườm gườm gừ gừ, nhưng đến khi anh cười thì “thôi rồi gấu ơi”, bởi nom anh hiền khô, chẳng “gấu” chút nào. Đôi cánh tay chắc như lim đầy lông lá của Cao Duy Sơn lúc ấy cũng toả ra cái vẻ dịu dàng ẩn chứa bên trong tình cảm, nếu ta tinh ý sẽ tiếp nhận dược cử chỉ rất chư là bình dị, hiền lành, dễ thương, dễ mến của anh.

Trung Trung Đỉnh
.
.