Nhà văn Cao Duy Sơn: Tôi được nhiều “lộc từ quê hương”

Thứ Ba, 09/03/2010, 17:00
Nhà văn Cao Duy Sơn tên thật là Nguyễn Cao Sơn, sinh năm 1956 tại Cao Bằng. Anh là tác giả của 5 cuốn tiểu thuyết và 4 tập truyện ngắn đã xuất bản như: "Người lang thang", "Cực lạc", "Hoa mận đỏ", "Đàn trời", "Chòm ba nhà", "Những chuyện ở lũng Cô Sầu", "Những đám mây hình người", "Hoa bay cuối trời" và "Ngôi nhà xưa bên suối".

Đến nay, Cao Duy Sơn hai lần đoạt giải A giải thưởng của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và giải thưởng Văn học ASEAN. Hiện anh là Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa các dân tộc.

- Thưa nhà văn Cao Duy Sơn, nhân năm mới "ôn cố tri tân", tập truyện "Ngôi nhà xưa bên suối" liên tục trong hai năm 2008, 2009 đã giành được cú đúp giải thưởng Văn chương là giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và giải thưởng ASEAN. Ngẫm lại, anh thấy đây đã phải là tác phẩm mà anh tâm đắc nhất trong số các tác phẩm của mình hay chưa?

+ Thực ra, tập truyện ngắn "Ngôi nhà xưa bên suối" là tập truyện ngắn mà tôi dành toàn tâm toàn ý cho nó trong suốt 4 năm trời ròng rã. Ý tưởng xuyên suốt tập truyện cũng như bản thân truyện ngắn "Ngôi nhà xưa bên suối" đã nói lên tất cả chủ đề tác phẩm. Nó bắt nguồn từ một câu chuyện có thật của tôi.

Tôi từng có một ngôi nhà bên suối ở thị xã Cao Bằng, ngôi nhà đã gắn bó với tôi suốt cả một thời khốn khó. Ngôi nhà có một ô cửa sổ nhỏ nhìn ra con suối quanh năm chảy róc rách, có cả vườn cây và con đường đá sỏi. Chính khung cảnh hữu tình như một bức tranh thủy mặc của khu nhà đã cho tôi xúc cảm để viết nên nhiều tác phẩm.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tôi đã phải bán ngôi nhà ấy đi, nhưng thú thật là tôi chưa bao giờ quên được nó. Thậm chí, có nhiều đêm, tôi nằm mơ thấy mình vẫn đang sống ở ngôi nhà cũ. Nỗi nhớ ấy đã thôi thúc tôi viết cuốn sách này như một cách trải lòng mình với những ký ức sống ấy.

- Nghe nói, ngôi nhà ấy xây được là nhờ cả một thời gian dài Cao Duy Sơn làm nghề... buôn bán xăng dầu?

+ Đúng vậy. Học xong phổ thông, tôi lên đường vào chiến trường, khi giải ngũ trở về, vì có chút chữ nghĩa, tôi xin vào làm ở Sở Văn hóa của tỉnh. Một lần đi dự trại sáng tác, tôi đã viết truyện ngắn đầu tiên và đã được in ở tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1984). Truyện có tên là "Dưới chân núi Nục-Vèn".

Sau đó, tôi thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du và tốt nghiệp với cuốn tiểu thuyết "Người lang thang". Cuốn này ngay sau đó đã đoạt giải A của Hội đồng Văn học Dân tộc và Miền núi - Hội Nhà văn Việt Nam và giải Nhì của Hội Hữu nghị Việt - Nhật. Học xong, tôi trở lại quê nhà và... thất nghiệp. Tôi đi xin nhiều nơi nhưng không hiểu sao hồi đó chẳng nơi đâu nhận tôi về làm cả.

Tức chí, tôi bàn với vợ đi buôn. Vợ tôi gom hết tiền trong nhà còn 45 nghìn và mua được một can xăng. Tôi đi tìm mấy cái cọc dựng lều cho vợ ngồi bán. Hồi đó chưa có các bốt xăng hiện đại như bây giờ, mà chỉ bán xăng bằng gáo, bằng chai thôi. Cứ thế, từ một chai, hai chai, vài can cho đến khi trở thành đại lý xăng dầu khá lớn của thị trấn Cô Sầu.

Cả nhà tôi sống sung túc nhờ cái nghề buôn bán xăng ấy. Tôi từ bỏ giấc mộng văn chương với đủ các lý thuyết, sách vở Tây Tàu cùng cơ số những kinh nghiệm mà trong suốt 4 năm học Trường Nguyễn Du các thầy truyền đạt, để kiếm tiền. Thi thoảng cũng chợt nghĩ về nó vào những đêm nằm trông cửa hàng.

Kể cũng lạ, hồi đó tôi không biết mình lấy đâu sức khỏe mà ngày thì vục mặt vào các thùng xăng, đến đêm vẫn thức dậy dăm, bảy lần bán xăng cho ôtô khách Bắc Nam mà chả ốm đau gì cả. Có lẽ, đến giờ tôi đã trở thành một "trùm xăng dầu" nếu không có một ngày ông bạn đồng môn Tạ Duy Anh lên Cao Bằng thấy tôi… lấm láp quá, nặng mùi… xăng quá, cũng xót xa cho chữ nghĩa mấy năm ở Trường Nguyễn Du.

Khi về Hà Nội, Lão Tạ (một bút danh của nhà văn Tạ Duy Anh) viết một bài về tôi in trên báo Tiền Phong. Lãnh đạo tỉnh đọc được và sau đó có lệnh điều tôi trở lại cơ quan cũ làm việc. Tôi định thôi không đi làm công chức nữa vì nghĩ bán xăng cũng kiếm được "nồi cơm" tươm tất cho vợ con rồi. Nhưng mà, chữ nghĩa vẫn cứ đeo bám tôi…

- Anh viết ít, nhưng có lẽ chính sự "chậm mà chắc" này đã mang đến cho anh những thành công bất ngờ?

+ Tôi, có lẽ cũng như những người viết khác cũng chỉ nghĩ một điều, viết là viết, cặm cụi như một nhu cầu tự thân, nhọc nhằn vô cùng, chứ không phải một sự nỗ lực để đạt được giải này, giải nọ. Giải thưởng, xét cho cùng không phải cứ cố công tìm kiếm là có thể đạt được. Có lẽ tôi được ăn "lộc" của quê hương.

Một năm, tôi chỉ viết được chừng 2 cái truyện ngắn, thời gian còn lại thì viết đôi chương tiểu thuyết. Tôi có một cái "tật" thường làm khó cho chính mình là, ngay cả khi câu chuyện đã xong rồi thì tôi cũng phải nghiền ngẫm xem truyện của mình nó có giống những cái mình đã viết trước đó chưa, thứ hai nữa là nó có giống truyện của ai hay không.

Chỉ cần tôi thấy có một chút giống thôi là tôi đã muốn viết lại rồi. Bởi vì, truyện mình viết ra, khi công bố với độc giả là không còn của mình nữa, mà độc giả rất tinh, mình "thuổng" của ai dù vô tình hay cố ý mà bị phát hiện ra đã không còn trốn vào đâu được. Lúc đó tôi chỉ muốn vứt nó vào sọt rác mà thôi. Tính tôi thế, cho nên tôi thường viết rất chậm, viết rất ít, như là cách thử thách chính mình qua thời gian.

- Tôi nhận thấy rằng, trong các tác phẩm của anh, cả tiểu thuyết lẫn truyện ngắn, anh đều cày ải và gặt hái trên mảnh đất nơi anh sinh ra và lớn lên. Dường như anh khó mà thoát khỏi nỗi ám ảnh về mảnh đất chôn nhau cắt rốn ấy?

+ Tôi nghĩ là không bao giờ tôi tách rời mình khỏi mảnh đất ấy được. Tôi sinh ra và lớn lên ở thị trấn Cô Sầu (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng). Đó là một thị trấn cổ rất nổi tiếng. Khi bắt đầu viết văn và ý thức về nghề viết, tôi đã nghĩ, cái tên của thị trấn mình đã là mang một sứ mệnh văn chương nào đó không thể lý giải.

Khi ý thức rõ rệt về đời sống của những người Tày quê tôi, tôi lại càng tin rằng, sứ mạng của mình là phải viết về những con người, những câu chuyện nơi đây. Thực ra, văn chương của tôi là những câu chuyện xảy ra của chính tôi, của những người thân, của làng mạc tôi, của cái tầng sâu văn hoá tiềm ẩn ở vùng đất này…

Chỉ cần bám lấy thị trấn Cô Sầu mà khám phá, mà viết là tôi thấy quá nhiều tư liệu rồi. Đã đôi lần tôi cố gắng thử viết một cái gì đó về thị thành, nơi tôi đang sống những ngày "vinh hoa" nhất, nhưng tôi chịu. Gần đây làm quản lý, tôi rất bận rộn nhưng tuần nào tôi cũng phải ngược về Cô Sầu, sống trong văn hóa và con người bản làng tôi thì tôi mới không "bứt rứt".

Chắc chắn, khi nào về hưu, tôi lại về ở hẳn nơi đây để tiếp tục khai thác những vỉa tầng thiên nhiên, con người vùng núi phía Bắc. Tôi đang muốn viết một cuốn tiểu thuyết về cuộc sống đương đại, những đổi thay trên quê hương tôi với những cái được và mất. Tôi tin rằng, nếu khái quát vấn đề này, tôi sẽ mang đến được cho bạn đọc những trang viết giàu chất hiện thực.

- Có khá nhiều nhà văn người dân tộc thiểu số đã trở thành những tên tuổi trên văn đàn như Nông Quốc Chấn, Y Phương, Lò Ngân Sủn, Dương Thuấn, Irasara... nhưng dường như số lượng tác phẩm hay, đáng nhớ về đề tài miền núi ngày càng hiếm, thậm chí, thế hệ những nhà văn trẻ kế cận đang thực sự... xa vắng. Theo anh thì  nguyên nhân là do đâu?

+ Thực tế đã có nhiều tác phẩm hay viết về đề tài miền núi của các nhà văn "người miền xuôi" như Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng, Trung Trung Đỉnh... Theo tôi, muốn viết thành công về đề tài miền núi thì phải thực sự hiểu biết, phải "thuộc" vùng văn hóa ấy.

Chẳng hạn, trong cuộc sống, một số người có thể nói "cái mày, cái tao"... là do vốn tiếng Kinh của họ quá ít để có thể diễn đạt sự giao tiếp, nhưng nếu nhà văn coi đó là "văn hóa của người dân tộc" để đưa những "cái mày, cái tao" vào sáng tác... thì lại là sự miệt thị. Hay người Tày chúng tôi  chỉ có một từ "ăn" dùng chung cho các hoạt động ăn uống.

Uống nước cũng gọi là "ăn nước", uống rượu gọi là "ăn rượu"... nhưng đó là cuộc sống đời thường, còn khi thể hiện vào văn học, thì người dân tộc thiểu số được quyền đòi hỏi một sự bình đẳng về ngôn ngữ mang tính đại chúng, như thế họ mới cảm thấy được tôn trọng. Với những người hiểu sâu về văn hoá các dân tộc, họ sẽ biết cách vận dụng khéo léo để vừa giữ được bản sắc riêng của người dân tộc thiểu số mà người ta vẫn cảm thấy "quốc tế hóa" được.

Bản thân tôi, một người con của miền núi, vậy mà cũng chỉ dám nhận là đang trong quá trình tích lũy, khám phá để "mã hoá" những vỉa tầng văn hóa nguyên bản, nét hồn nhiên của người dân tộc đưa vào những trang văn. Đã có một vài cây bút trẻ dân tộc thiểu số nổi lên trong thời gian qua, song tôi nghĩ, cái gì cũng thế, cần thời gian để họ trải nghiệm và minh chứng.

- Xin cảm ơn nhà văn Cao Duy Sơn! 

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.