Ca sĩ Phương Thảo: Rằng chưa “đi hết xuân thì”
- Ca sĩ Phương Thảo: Nhiều người làm nghệ thuật không phải là nghệ sĩ
- Ca sĩ Phương Thảo: Luôn biết tìm niềm vui cho mình
- Ca sĩ Phương Thảo: "Hát bằng cả tấm lòng một người con xứ Nghệ"
Tôi đã từng nghe Phương Thảo hát, tiếng hát da diết, ám ảnh về quê hương của Thảo đã khẳng định vị trí vững vàng của chị trong dòng nhạc dân ca vốn có rất nhiều tên tuổi. Và rồi tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về Thảo khi chị trình làng những ca khúc do chính mình sáng tác, “Ru em nắm đất Truông Bồn”, “Đất mẹ ngày về”, “Mười đóa hoa thơm” và mới đây nhất là “Chàng vinh quy”, giành Huy chương Vàng trong Liên hoan Ca múa nhạc Toàn quốc. Không dừng lại ở đó, 20 năm ca hát, 20 năm của một hành trình sống, Phương Thảo trình làng một tập thơ dày dặn mang tên “Đi hết xuân thì”.
Tôi hỏi Phương Thảo, chị muốn trở thành ai, một ca sĩ, nhạc sĩ hay một nhà thơ. Liệu sự đa năng có đánh mất bản sắc riêng của người nghệ sĩ. Phương Thảo cười. Với chị, âm nhạc là tri âm, còn thơ là tri kỷ, nó là những dòng nhật ký ghi lại một cách chân thực những nỗi buồn niềm vui của chị. “Thơ cho tôi được là mình khi chắp bút sau mỗi câu chuyện, trau dồi trí tuệ và khám phá bản thân. Thơ đưa tôi rong chơi trong chính cái long đong của đời đàn bà truân chuyên rồi tự khai minh cho chính mình. Thơ giúp tôi tự nguyện cho trời đất xoay vần mà chẳng cưỡng cầu gì hơn ngoài cuộc phiêu lưu trên con thuyền số phận để thấm từng giọt đời, dù ngọt ngào hay đắng chát thì vẫn là của mình mà tôi vô cùng trân quý”.
Thảo làm thơ không phải để trở thành nhà thơ, cũng không khoe mình đa tài. Chị làm thơ để chia sẻ nỗi lòng của mình, đời ca sĩ cô đơn, lênh đênh với số phận. Một Phương Thảo sau ánh đèn sân khấu lộng lẫy, được là mình, đúng là mình.
Phương Thảo tự sự: “Xuân Thì với ai đó là tươi đẹp, là rực rỡ, là ngắn ngủi thì với tôi Xuân Thì là những gì tinh tuý, đậm đà, là được và mất của đời, là lý tưởng sống ở cuối mỗi vụ Xuân khi ta nhìn lại để biết gieo mầm cho những Xuân sau. Cuộc đời đàn bà vui chẳng tày gang mà buồn đầy mấy đận. Nếu chỉ biết trân quý hạnh phúc mà chôn giấu những niềm đau thì e là ta đã đánh rơi giá trị của bản thân. Bởi những mất mát mới là điều thiêng liêng đọng lại trong ký ức và tâm khảm mỗi người! Hãy đi cho hết để cuối con đường nhìn lại, thấy Xuân mình đã khoe sắc mà vẫn còn Thì.
Tròn 20 năm ca hát, mạo muội ra mắt tập thơ Đi hết xuân thì. Trước hết là để tri ân cuộc đời đã đưa mình đi từng ngõ ngách hạnh phúc đến tận cùng vực thẳm của gian truân. Sau là mong muốn được chia sẻ về một Phương Thảo dưới ánh đèn sân khấu với những tâm tư, nỗi niềm riêng khó nói...”. Còn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ khi đọc thơ Phương Thảo: “Tôi thường đọc thơ và thấy có những người phụ nữ làm thơ rất đàn ông, tình cảm đàn ông, suy nghĩ như đàn ông thật. Riêng với Phương Thảo, làm thơ rất nữ. Có chất bi trí của người phụ nữ, một người yêu, một người nổi dậy trong tình yêu. Chính điều đó làm cho thơ Phương Thảo có sự lay động, gần gũi của người phụ nữ và làm cho tập thơ trở nên dịu dàng, dịu dàng ngay cả khi chửi. Cho nên một người như Thảo làm thơ mà nói về tình cảm một cách đẹp đẽ nhất, nhẹ nhàng nhất để đem ra chia sẻ là một điều đáng trân trọng”.
Có thể còn những vụng về nhưng tôi tin, khi ai đó đọc những câu thơ của chị cũng sẽ tìm thấy một chút mình trong đó. Phận đàn bà đa đoan, có cái chanh chua, chao chát nhưng ngẫm kỹ lại rất đỗi dịu dàng, thẳm sâu. Đằng sau sự đáo để, ngang ngạnh của Phương Thảo che giấu người đàn bà mềm yếu trong chị, một người đàn bà khát khao hạnh phúc làm mẹ, làm vợ mà thôi.
Phạm Phương Thảo sinh ra ở xứ Nghệ, từ nhỏ đã yêu ca hát. 16 tuổi, chị một mình ra Hà Nội học và cũng từ đó bắt đầu nghiệp cầm ca, bắt đầu một cuộc đời không mấy bình yên. Sau thành công của cuộc thi Sao Mai 2003, Phương Thảo định hình phong cách của mình theo dòng nhạc dân gian, những bài chị hát gắn liền với vùng đất xứ Nghệ như “Mời anh về Hà Tĩnh”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”.
Có thể nói, Phạm Phương Thảo đã khẳng định vị thế và tên tuổi của mình trong làng nhạc dân gian bằng một lối đi riêng, không trộn lẫn dù với dòng nhạc này, có nhiều ca sĩ tên tuổi và những cái bóng lớn như Anh Thơ, Tân Nhàn. Nhưng khát vọng của người nghệ sĩ không dừng lại ở đó. Phương Thảo luôn trăn trở, suy nghĩ, không chịu khuôn mình vào một giới hạn.
20 năm ca hát, danh tiếng cũng đã đủ, tiền bạc cũng vừa, nhưng tâm hồn người nghệ sĩ khát khao cống hiến, khát khao làm mới mình trong chị thì không dừng lại. Phương Thảo trình làng một MV đình đám, chị vừa sáng tác vừa hát “Chàng vinh quy”. Một MV thuần Việt kể lại câu chuyện vinh quy bái tổ của trạng nguyên xưa. Phương Thảo nói: “Tôi yêu văn hóa Việt, đặc biệt là văn hóa cổ. Tôi thích hình tượng Trạng nguyên, Đại thi hào Nguyễn Du, Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, những giá trị của văn hóa truyền thống và vì thế, tôi muốn góp phần lưu giữ lại những giá trị xưa bằng âm nhạc để giới thiệu với các bạn trẻ”.
Đi hát kiếm tiền và nướng vào những dự án âm nhạc “khủng” để thỏa mãn đam mê nghề, như một cách chơi nghề. Không hiểu sao khi xem MV của Phương Thảo tôi rất xúc động, tôi như gặp lại một điều gì đó đẹp đẽ, thuần khiết và trong lành đã mất trong đời sống ồn ào và bề nổi này. Có thể MV của Phương Thảo không bao giờ đạt tới những con số khủng triệu view, nhưng tôi tin, những ai đã xem nó đều là những khán giả chọn lọc. Bạn bè thân bảo Phương Thảo “điên”, nhưng người hiểu thì trân trọng chị vì sự dấn thân, vì tâm thế cống hiến cho nghề.
Phương Thảo kể cho tôi về những dự định dài lâu trong hành trình khai phá những vẻ đẹp của văn hóa Việt đưa vào âm nhạc, sau chàng vinh quy, sau đạo học sẽ là Kiều, đạo Mẫu. Chị không tự bằng lòng với danh hiệu ngôi sao của dòng nhạc dân gian, dù danh hiệu đó cũng mang đến cho chị tiền bạc, danh vọng và cả những hào quang sân khấu. 20 năm, một hành trình dài của đời người, nhưng với Phạm Phương Thảo, đó là hành trình của đam mê, của những nỗ lực bứt phá, vượt qua những giới hạn của bản thân.
20 năm, chị đi qua những gập ghềnh của cuộc sống riêng tư để đến một lúc, chị ngộ ra rằng, cuộc sống đã không cho mình hạnh phúc riêng tư, hạnh phúc của chị không ở chồng, con, dù chị đã đi qua hai lần đò. Và có lẽ, hạnh phúc của chị là ở sự sáng tạo, là khát khao cống hiến. Không ngồi im để gặm nhấm nỗi buồn, hay oán trách số phận, Phạm Phương Thảo chia sẻ: “Ông trời không cho tôi hạnh phúc gia đình, nên tôi sẽ dồn tâm cho những sáng tạo nghệ thuật, ở đó tôi thực sự được thăng hoa, được là mình”.
Phương Thảo kể cho tôi nghe về giấc mơ của chị ngày bé, chị từng mơ mình có rất nhiều con nhưng không có chồng. “Em là con gái miền trong/ Không muốn lấy chồng nhưng lại thích con/ Mới hồi lên tám lon ton/ Đã mòn cái nghĩ sau này đẻ thôi/ Một hôm trời đất nắng nôi/ Gió Lào làm khách quê tôi nhọc nhằn/ Lại thêm con trẻ băn khoăn/ Lớn lên sinh hẳn bốn con không chồng”. Nhưng số phận run rủi khi cuộc đời chị trái ngược với giấc mơ. Đi qua hai cuộc hôn nhân, chị vẫn chưa có hạnh phúc làm mẹ. Có lẽ, những mất mát riêng tư ấy khiến tâm hồn Phương Thảo sâu lắng hơn, chị hát như một cách chia sẻ với mọi người về những buồn vui của đời sống.
Và hơn thế, chị dành gần như toàn tâm toàn ý cho sự sáng tạo, cho những giấc mơ về âm nhạc và thi ca. Người đàn bà nhiều năng lượng và khao khát sống, khao khát hạnh phúc trong Phương Thảo sẽ không bao giờ ngủ yên trong nỗi buồn hay sự bi lụy. Chị luôn nhìn về phía trước với một tâm thế bình an. Chị nói, chưa bao giờ chị thấy mình tràn đầy năng lượng như lúc này, khi chị đã có 20 năm làm nghề, khi đã nếm trải đủ đầy những đắng cay và hạnh phúc của cuộc sống.
Với chị, bây giờ là sự ngộ giác, để bình thản đi qua cuộc đời. Và để sáng tạo, viết tiếp, hát tiếp những giấc mơ đẹp về đời sống này, để cuộc đời mình không rơi vào vô tăm tích.