Họa sĩ Lê Thanh Bình và "giai điệu ký ức"
Chỉ trong vòng 4 năm (2018 - 2022) nhưng họa sĩ Lê Thanh Bình đã có tranh tham gia 9 cuộc triển lãm, trưng bày hội họa nổi tiếng trong và ngoài nước (7 triển lãm quốc tế, 2 triển lãm trong nước). Gần đây nhất, triển lãm tranh sơn dầu cá nhân đầu tiên của anh có tên gọi "Ký ức xuyên không" diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tạo được ấn tượng đặc biệt với người yêu mỹ thuật.
Họa sĩ Lê Thanh Bình sinh năm 1979, tốt nghiệp ngành Mỹ thuật - Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, năm 2005. Chỉ trong 4 năm (2018 - 2022), tức là sau 12 năm ra trường, Lê Thanh Bình mới công bố các tác phẩm của mình. Bắt đầu ở các triển lãm tại nhiều quốc gia như "Triển lãm tại Biennale" (Banglades, 2018), "Triển lãm tại Figurativas 19" (Tây Ban Nha, 2019), "Triển lãm Biennale Sơn dầu quốc tế Thâm Quyến" (Trung Quốc, 2020), "Triển lãm mỹ thuật Da Dun lần thứ 25" (Đài Loan, 2020), "Triển lãm nghệ thuật quốc tế Bắc Kinh lần thứ 9" (Trung Quốc, 2022)…
Trong đó, tranh sơn dầu của Lê Thanh Bình vượt qua nhiều vòng tuyển lựa khắt khe để đưa tác phẩm tham dự các Triển lãm Art Biennale - một trong những triển lãm nghệ thuật thị giác đương đại lớn và quan trọng trên thế giới. Triển lãm của Hiệp hội Nghệ thuật quốc tế AIAP - tổ chức phi chính phủ đối tác của UNESCO với tư cách là Hiệp hội tham vấn. Triển lãm 2 năm một lần "Figurativas" được tổ chức tại Museu Europeu d'Art Modern tuyệt vời tại Barcelona và đã trở thành một sự kiện được quốc tế công nhận trong thế giới nghệ thuật tượng hình…
Ở trong nước, tranh sơn dầu của Lê Thanh Bình từng góp mặt trong triển lãm "Mỹ thuật toàn quốc 2020", triển lãm nhóm "Anh - Em" năm 2021 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Hội đủ "trầm tích" của một chặng đường sáng tạo và trải nghiệm nghệ thuật, lần này, Lê Thanh Bình mang đến với công chúng một chỉ dấu riêng dày dặn trong triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên "Ký ức xuyên không".
Triển lãm "Ký ức xuyên không" trưng bày 20 tác phẩm sơn dầu khổ lớn có thể thấy rõ từ ý tưởng, bố cục, hình học, kỹ thuật sơn dầu đến hình tượng, ánh sáng, màu sắc… đã được họa sĩ diễn đạt một cách chuyên nghiệp. Đúng như tên gọi, "Ký ức xuyên không" trước hết là sự "trở lại hôm qua" ngay từ bản thể của hội họa sơn dầu.
Để hiểu được lẽ đó, cũng cần nhắc đôi nét về sơn dầu và kỹ thuật hội họa sơn dầu. Hội họa nói chung và hội họa sơn dầu nói riêng được người Pháp du nhập vào Việt Nam cách đây chưa đầy một thế kỷ, kể từ khi Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập năm 1925 tại Hà Nội. Tuy nhiên, trước đó sơn dầu đã rất thịnh hành tại châu Âu, với năng lực vô hạn trong việc diễn tả một hiện thực bằng tranh.
Có nhiều kỹ thuật vẽ sơn dầu, trong đó phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp được coi là kỹ thuật cổ điển. Để thực hành, họa sĩ cần phải qua 6 đến 8 bước tuần tự: Tạo màu nền, dựng hình, Imprimatura, vẽ lót đơn sắc, lên màu, vẽ láng, hoàn thiện, phủ vasish bảo vệ. Trong cuốn sách "Kỹ thuật vẽ sơn dầu" của Nguyễn Đình Đăng, tác giả khẳng định "Phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp của các bậc thầy cổ điển - Phương pháp đã đem lại vinh quang cho hội họa sơn dầu trong suốt gần 600 năm kể từ thế kỷ XV".
Lê Thanh Bình vẽ theo phương pháp cổ điển nghĩa là "không thể vẽ nhanh được" và luôn muốn vẽ khổ lớn, bởi theo anh "sơn dầu và phương pháp cổ điển cùng với khổ Canvas lớn là động lực lôi cuốn anh ra ngoài chiếc hộp năng lực sáng tạo bản thân" mà trải nghiệm tự do".
Cũng theo đó, nếu nghệ thuật siêu thực được ví như khu vườn của khởi dựng bởi nhà thơ Pháp Andre' Breton với tuyên ngôn năm 1929 trong đó lấp lánh các tượng đài họa sĩ như Rene' Magritte (Bỉ), Yves Tanguy (Pháp), Salvador Dali (Tây Ban Nha), Paul Delvaux (Bỉ), Méret Elisabeth Oppenheim (Đức, Thụy Sĩ), … thì bằng "Ký ức xuyên không", Lê Thanh Bình trở về khu vườn ấy để tự tay trồng một cây xanh: "Siêu thực là những tổng quan và bản thể hiện thực nhất, thực đến siêu thực". Từng chi tiết dù là nhỏ, từng cảm xúc dù là mơ hồ… Lê Thanh Bình đều muốn trình bày "chính xác" với lý trí và trải nghiệm bản thân một cách thành thực.
Thông qua chất liệu sơn dầu, mang phong cách siêu thực, tưởng như khó hình dung, nhưng với "Giai điệu ký ức", "Níu giữ", "Miền ánh sáng", "Giao thoa"… Lê Thanh Bình đưa người xem gặp được chính mình trong thế giới của ký ức, hoài niệm. Một bầu trời tuổi thơ nguyên sơ, trong trẻo và đầy mơ ước. Lê Thanh Bình đã mở cánh cửa ký ức của mình rồi dẫn dụ người xem lạc vào miền ký ức của mỗi người để cùng vẽ lên một thế giới siêu thực.
Tranh của Lê Thanh Bình cho người xem gặp lại con đom đóm, chú dế mèn, châu chấu, cào cào, bọ ngựa, cánh diều no gió… những hình ảnh giản dị, thân quen nhưng chứa đựng rất nhiều cảm xúc thương mến, bâng khuâng. Với Lê Thanh Bình, "Ký ức vẫn luôn hiện diện và đan xen với thực tại, bởi đó là sợi dây gắn kết ta lại với phiên bản của chính mình. Một hình ảnh, một âm thanh, một vệt màu cũng đủ để mang ký ức quay trở lại". Có lẽ vì thế, "Ký ức xuyên không" là một chuyến du ngoạn kỳ diệu, ngày mai xuất phát sớm và trở về hôm qua.
Hoạ sĩ Lê Thế Anh viết: "Họa sĩ Lê Thanh Bình là người tìm đến hội họa sau nhiều năm làm thiết kế, biên tập truyền hình, báo chí… Những công việc tưởng chừng như tách bạch với hội họa đã mang đến cho anh sự trải nghiệm, lăng kính nhiều chiều về cuộc sống. Ở đây, anh thỏa sức thể hiện những quan điểm, triết luận của mình thông qua những tác phẩm có kích thước lớn. Đó là một sự dấn thân đầy mạnh mẽ và dũng cảm. Tranh Bình bung tỏa đến mức choáng ngợp bên cạnh những đối tượng thân thuộc, có tính nhỏ nhoi. Cách đặt cạnh nhau song hành như thế khiến ý đồ nghệ thuật, nội dung tư tưởng… mà họa sĩ đề cập trở nên thuyết phục, nhuần nhuyễn và không kém phần hoành tráng. Vì vậy, hội họa của Lê Thanh Bình là sự trọn vẹn của vẻ đẹp hình thức và tính sâu sắc của nội dung".
Còn nhà phê bình mỹ thuật Vũ Huy Thông thì cho rằng: "Không gian hội họa của Lê Thanh Bình có thể cảm nhận sự hiện diện vô hình của thời gian qua tương phản của không gian xa hút và các mô típ hình thể lơ lửng cận cảnh. Sự có mặt hay nói cách khác, dấu ấn của thời gian còn hiện diện ở thế giới đồ vật đã trở thành xưa cũ như thúng mẹt, cơi trầu, đèn dầu, chiếu hoa, cổng làng, chó đá… những đồ vật đã có tính biểu trưng cho đời sống văn hóa truyền thống Việt trong đời sống hiện đại. Ngoài ký ức chung, ký ức tập thể đó, tranh của Lê Thanh Bình còn chứa những câu chuyện riêng, khiêm nhường nhưng nhiều khát vọng như cá tính nghiêm túc, tình cảm kín đáo của nghệ sĩ".
Trò chuyện với Lê Thanh Bình sẽ dễ dàng nhận thấy anh kiệm lời, không quen tuyên ngôn hay đao to búa lớn về nghệ thuật. Dường như tất cả mọi điều muốn giãi bày anh đều gói ghém và gửi trọn vào các tác phẩm của mình. Anh kể câu chuyện thông qua những bức tranh mà hình khối, sắc màu đều được thực hiện với sự điêu luyện trong kỹ thuật, ăm ắp cảm xúc. Bởi tình yêu hội họa ngấm vào anh ngay từ tấm bé, khi mới chỉ là cậu bé sinh ra trong một gia đình thuần nông ở vùng ven đô với một tuổi thơ thiếu thốn đủ bề.
Thuở xa xôi ấy, cậu bé Lê Thanh Bình từng có thời điểm không có mẩu chì để vẽ nhưng khát khao được bày tỏ mình qua hội họa chưa khi nào thôi khắc khoải. Ngay cả thời điểm làm đủ ngành nghề để mưu sinh thì tình yêu hội họa vẫn luôn lặng lẽ, âm ỉ cháy trong anh. Giờ đây, khi cuộc sống tạm ổn là lúc Lê Thanh Bình có thể chuyên tâm thời gian cho hội họa. Có lẽ với Lê Thanh Bình, hội họa là tình yêu đầu tiên - sau cuối nên anh luôn làm nghệ thuật với sự nghiêm cẩn và cảm xúc thiêng liêng nhất. Vì thế, anh sẵn sàng thẳng thắn từ chối những đề nghị vẽ "đặt hàng" nếu yêu cầu đó trói buộc hay định hướng cảm xúc của nghệ sĩ.
Như một trách nhiệm của nghệ thuật nói chung và họa sĩ nói riêng, Lê Thanh Bình mong muốn thông điệp từ những tác phẩm của mình như những "trầm tích" phải được "phát lộ" để "đối thoại". Anh tin, đó là cách để mở "khung cửa" của xúc cảm và tri năng, trước hết là cho chính bản thân mình. Với những chuyên nghiệp và điêu luyện kể đến, "Ký ức xuyên không" chắc chắn sẽ truyền tải những cảm xúc, trực cảm của nghệ sĩ đến người xem với nhiều giá trị hội họa đích thực. Và hơn nữa, nghệ thuật đích thực sẽ giúp con người biết ước mơ, giống như anh nói, "hãy cứ ước mơ và thực hiện nó dù khó khăn, trắc trở, giữ lấy ước mơ của mình và thổi vào nó khát vọng không giới hạn".