Đại úy, nghệ sĩ Đăng Hòa: Sân khấu không dành cho người "cưỡi ngựa xem hoa"
Gặp Đại úy, nghệ sĩ Đăng Hòa (Nhà hát Công an nhân dân) ngoài đời, tôi mới hiểu lý do vì sao anh lại có duyên với những vai diễn chính khách, tướng lĩnh đến vậy. Ở tuổi 44 trông anh già dặn, chững chạc và điềm đạm. Dịp này, anh mới đón niềm vui lớn khi trở về từ Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 (tổ chức tại Hải Phòng) với 1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.
Có duyên với vai lãnh đạo
Nghệ sĩ Đăng Hòa công tác tại Nhà hát Công an nhân dân đến nay đã sang năm thứ 21 và hôm nay khi ngồi với tôi, anh cho rằng, mình theo kịch nói là cái duyên khó cưỡng từ truyền thống gia đình, quê hương. Ông nội của anh vốn là cán bộ văn hóa ở Ty Văn hóa tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ), là người làm sân khấu chuyên nghiệp, từng dàn dựng và biểu diễn chèo, tuồng, cải lương... Bố của anh là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đăng Chế, Trưởng phà Bến Thủy thời kháng chiến chống Mỹ và đồng thời cũng là một nhà thơ trong tỉnh Nghệ An, chú ruột là đại tá nhà văn Nguyễn Đăng An. Bố công tác liên miên, ở cùng ông nội nên anh đã mê nghề sân khấu của ông từ lúc nào không hay.
Yêu nghề, lại ham tìm tòi, học hỏi nên sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và về đầu quân cho Đoàn Kịch nói Công an nhân dân (nay là Nhà hát Công an nhân dân), anh đã sớm khẳng định được chỗ đứng. Huy chương đầu tiên anh có được là tấm Huy chương Đồng với vai anh xe ôm (vai phụ) trong vở “Hoa thép” của tác giả Phan Gia Liên. Tính đến nay anh đã vào gần chục vai chính và qua từng vai diễn người xem đã thấy được sự trưởng thành vượt bậc của anh.
Trong tâm trí anh còn rất nhớ vai chí sĩ Phan Bội Châu trong vở “Đông du” được công diễn tại xứ sở mặt trời mọc nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao. Là người đồng hương với cụ Phan nên anh không khó để bắt chước được giọng nói của cụ nhưng để hóa thân vào nhân vật cách mạng thực sự không dễ. Anh đã vào tận Huế, đến dốc Bến Ngự, nơi Pháp giam lỏng cụ để tìm hiểu cẩn trọng, kỹ lưỡng về người con xuất sắc của quê hương Nam Đàn (Nghệ An).
Cái duyên vào vai lãnh đạo tiếp tục được anh nối dài trong các vai Tổng Bí thư Lê Duẩn trong vở “Người tù trao áo”, vai Thiếu tướng tình báo Công an trong vở “Bão của hoàng hôn”, vai Cục phó Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trong vở “Vẫn sống” và gần đây là vai Chủ tịch UBND tỉnh trong vở “Trái tim thành phố” giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc. Theo anh thì các nhân vật lãnh đạo anh vào vai đều là những người sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân để phụng sự Tổ quốc, đất nước và nhân dân. Họ có phong thái, có tầm lãnh đạo qua từng cử chỉ, lời nói, hành động, vì vậy anh đã cố gắng khắc họa nhân vật hiện lên với đầy khí phách, hiên ngang, hết lòng vì nước, vì dân.
Người thầy đặc biệt
Trò chuyện với nghệ sĩ Đăng Hòa trong những ngày cuối tháng 11 hẳn nhiên khi tôi nhắc đến những người thầy đã khiến anh bâng khuâng nhớ về một thời đã qua. Anh dành sự trân trọng khi nhắc đến ông nội mình như người thầy đầu tiên. Khi học trong Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, anh được các thầy hết sức tâm huyết giảng dạy, như: thầy Hoàng Sự, thầy Đình Quang, thầy Xuân Huyền, thầy Phan Trọng Thành, thầy Lê Mạnh Hùng, thầy Nguyễn Đình Thi…
Về công tác tại nhà hát, đa số các vở diễn anh tham gia đều do Nghệ sĩ nhân dân Lê Hùng làm đạo diễn và trong tâm khảm anh luôn coi đó là người thầy. Ngoài ra anh còn có một người thầy hết sức đặc biệt và cũng là bố vợ - nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Sinh thời, tác giả “Khúc hát sông quê” đã từng đến Nhà hát Lớn Hà Nội để xem con rể vào vai cụ Phan Bội Châu trong vở “Đông du”. Cuối chương trình, nhạc sĩ bước lên sân khấu chúc mừng “ông con rể” và đánh giá đó là vai diễn thành công.
Nghệ sĩ Đăng Hòa kể, ông nội của anh khi còn sống rất thân thiết với nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và nhạc sĩ luôn xem ông nội của anh như người chú trong nhà. Khi ra Hà Nội học, anh thường xuyên đến chơi nhà nhạc sĩ và một ngày đẹp trời anh đã trở thành con rể của ông. “Nghĩ về nghề thì tôi thấy mình còn thua các cụ nhiều. Bố vợ tôi đọc rất nhiều, am hiểu nhiều loại hình nghệ thuật, văn, thơ, nhạc, họa đều có những thành công, mặc dù có một số lĩnh vực ông không qua trường lớp nào còn tôi thì mới chỉ là theo chuyên ngành nào thì biết chuyên ngành ấy thôi. Và cũng rất may mắn là không chỉ bố vợ động viên, khuyến khích mà vợ tôi dù không làm nghệ thuật nhưng rất ủng hộ, là hậu phương vững chắc cho tôi”, nghệ sĩ Đăng Hòa bộc bạch.
Thành công đến không dễ dàng
Nghệ sĩ Đăng Hòa bảo, nghệ thuật nói chung và kịch nói nói riêng rất cao quý, nếu bạn trẻ nào được trời phú cho năng khiếu thì hãy cố gắng phát huy. Hồi nhỏ có thể học năng khiếu ở các trung tâm đào tạo của quận, huyện, sau lớn lên có thể vào học tại các trường nghệ thuật. Quan điểm của anh là không nên ép buộc, hãy để các bạn trẻ tự do phát triển. Cũng theo anh học trong trường chỉ được học cái cơ bản.
“Ai chịu khó học hành đến nơi, đến chốn thì sẽ có cái cơ bản tương đối tốt rồi khi về nhà hát công tác sẽ hoàn thiện dần. Khi vào nhà hát thì hãy nên cầu thị, lắng nghe, học hỏi các anh, các chú, các bạn đồng nghiệp để hoàn thành tốt các vai diễn được giao. Nếu xem như nghề “cưỡi ngựa xem hoa”, vào cho vui thì khó lắm. Đã là nghệ thuật thì có ai đó từng nói 1/10 là thiên bẩm, 9/10 là công sức bỏ ra. Không phải tự nhiên mà người nghệ sĩ trở thành siêu sao sân khấu, siêu sao điện ảnh, tất cả đều phải đổ công sức rất lớn”, anh tâm sự.
Khi tôi đặt vấn đề nhiều nghệ sĩ kịch nói chuyển sang đóng phim và trở thành những ngôi sao điện ảnh thì anh khẳng định phải có đến khoảng 95% các nghệ sĩ kịch nói tham gia đóng phim. Đóng phim giúp các nghệ sĩ tăng thêm thu nhập, học hỏi về nghề nhưng không phải ai cũng thành công. Đó có thể là do có những người chưa có vai phù hợp, chưa được khán giả để mắt đến. Còn anh thì đã tham gia vào các vai ngắn trong các bộ phim truyền hình nhưng hình như cái duyên với “sân chơi” này vẫn chưa đến. “Cũng có một số đạo diễn mời tôi tham gia bộ phim dài tập nhưng do dịch bệnh, do bận việc cơ quan rồi chăm sóc con cái đang tuổi ăn, tuổi lớn nên tôi chưa sắp xếp được. Trong thời gian tới nếu có cơ hội, tôi sẽ thử sức”, anh chia sẻ.
Là nghệ sĩ trong lực lượng Công an nhân dân, nghệ sĩ Đăng Hòa luôn ý thức được việc phải làm nổi bật hình tượng của người chiến sĩ Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Anh tâm sự, người chiến sĩ Công an cả thời chiến và thời bình luôn có những thiệt thòi, có những hy sinh mà không phải ai cũng hiểu. Anh ví dụ như khi vào vai Thiếu tướng tình báo trong vở “Bão của hoàng hôn”, người chiến sĩ ấy đi làm nhiệm vụ đặc biệt mấy chục năm ở nước ngoài. Bà xã một mình nuôi con khôn lớn rồi bệnh tật mất đi, con trưởng thành làm cán bộ nhà nước thì người chiến sĩ ấy mới quay về. Trớ trêu thay là do thiếu thốn tình cảm người cha nên các con quay ra trách móc nhưng nước mắt người cha chảy vào trong rồi những năm cuối đời các con cũng hiểu ra. Tình cảm cha con thì không thể bỏ nhưng vì nhiệm vụ của lực lượng, của Tổ quốc giao thì phải hy sinh.
Trong thời gian gần 2 năm qua khi đại dịch COVID-19 hoành hành ở nước ta, công việc của nghệ sĩ Đăng Hòa và các nghệ sĩ ở Nhà hát Công an nhân dân bị ảnh hưởng ít nhiều. Có thời điểm giãn cách xã hội, không được diễn khiến anh rất nhớ nghề, nhớ các chiến sĩ và khán giả của mình. Anh quan niệm, nghề của mình thì phải tập luyện không ngừng và luôn cố gắng hoàn thành mọi vai diễn, dù đó là vai chính hay vai phụ đi chăng nữa.