Nghệ sĩ indie Tùng: Chú bé ngồi hát vẩn vơ trong rừng

Thứ Bảy, 20/11/2021, 10:22

Mái tóc xù xù, áo rộng thênh thênh, cặp kính tròn tròn... Tùng như cậu bé tinh nghịch bước ra từ truyện cổ. Cậu bé ngồi xuống bên rừng, gảy guitar và kể những điều bé mọn quanh mình. Cậu kể về cái hộc tủ nhỏ, về con dế mèn hay hát vào mùa hè, về chú chim trên cành mải mê giai điệu tình yêu... Đau đấy, buồn đấy mà sao dịu dàng, mà sao đẹp vậy?

Tùng 27 tuổi, tên thật là Nguyễn Bảo Tùng. Trong giới nghệ sĩ indie (nghệ sĩ độc lập) như nhóm Cá hồi hoang, nhóm Ngọt, Trang, Thái Vũ… thì Tùng là gương mặt mới toanh. Ngay khi chào sân với “Xa” (Chờ đến mùa gió), người ta đã thấy Tùng lạ. Lạ từ chất nhạc lẫn chất giọng. Nhưng mơ hồ lắm, chưa thể gọi cái lạ ấy thành tên. Đến khi Tùng ra mắt album đầu tay “26: Individualism” hồi cuối năm 2020 thì người ta mới định nghĩa được cái lạ đó là gì. Album gồm 10 bài hát theo thể loại Acoustic pop và Alternative: “Cái hộc tủ”, “Con dế mèn hát vào mùa hè” “Ở đây lúc này”, “Gam màu tím ở rìa thế giới”, “A sad song”, “Con chim trên cành hát về tình yêu”, “Gummy Bear”…

Nhạc của Tùng đơn giản và thành thực như chính nghệ danh của cậu. Đôi khi nó đơn giản và thành thực đến mức buồn cười. Chỉ là cậu bé ngồi trong hộc tủ, chỉ là cái nắm tay của hai kẻ say rượu nằm ngủ say trên sàn nhà, chỉ là chàng phi hành gia trên mặt trăng…, chỉ thế thôi mà cũng thành bài hát. Nhưng khi phút mỉm cười qua đi, nhạc dâng đầy thì cũng là lúc người ta ngơ ngác khi đối diện những gì mình đã từng, những gì mình đã mất, đã quên, đã đau, đã khóc… Đó là một thứ âm nhạc chẳng làm màu làm dáng, đầy khiêm tốn, giản dị mà làm cho người nghe phải lặng mình suy tư, chiêm nghiệm.

Nghệ sĩ indie Tùng: Chú bé ngồi hát vẩn vơ trong rừng -0
Nghệ sĩ indie Tùng.

“Ta ăn cơm nắm nhưng sao lại ngắm trăm năm? Sao em cứ mãi vắt tay lên đầu/ Thay vì cái nắm tay vào nhau” (Ở đây lúc này). “Cần một năm để có một cái nôi/ Cần tận 20 năm để có một cái tôi/ Và cần 100 năm để tin rằng cái tôi/ Sau cùng cũng chỉ là cái nôi” (Gam màu tím ở rìa thế giới). Nhạc Tùng đong đầy tiếng thở dài của một tuổi thơ đã qua, của một tuổi xuân đang lớn và bắt đầu mất mát, vụn vỡ… “Ngày nhỏ mình mong to lớn mau mau/ Ta đâu có thấu lớn lên chẳng mấy vui đâu” (Ở đây lúc này). “Tuổi thơ em chìm lẫn vào thành phố/ Em giấu bao điều, cả chính em, chính em trong hộc tủ nhỏ/ Những điều quá xa vời” (Cái hộc tủ). “Những ngày em qua đôi mươi/ Tiếng nấc em xa tôi để lại/ Những ngày màn đêm chia đôi/ Những giấc mơ không tròn thở dài/ Cho tôi mang đi những câu chuyện buồn/ Chờ đến ban mai bên tôi được không?” (Xa).

Tùng là tay ngang viết nhạc. Cậu vốn là dân kiến trúc trót mê mẩn âm nhạc nên mày mò tự học nhạc lý. Hồi học cấp hai, cậu đã tập tành viết rap, hip hop… Nhưng nhận thấy những thể loại sôi động ấy dường như không hợp với con người sống hướng nội như mình, cậu chọn thứ âm nhạc khiêm tốn hơn và đi với nó đến tận bây giờ. Có phải vậy mà nhạc Tùng chân phương, nhẹ nhàng. Nó không có sự điêu luyện của kỹ thuật thanh nhạc thượng thừa. Nó chinh phục người nghe bằng sự gần gũi, giàu cảm xúc tự nhiên.

Là dân kiến trúc nên góc nhìn trong âm nhạc của Tùng cũng nghịch dị và đầy chất điện ảnh. “Em đi với anh ra về sau ly cacao đá giữa mùa hè/ Trời mưa lâm râm anh có ô che đường cũng không xa” (Anh có bao nhiêu %), “Sần sùi, sần sùi mùi gỗ/ Và có, có tia sáng nhỏ bên bản lề/ Em có hộc tủ nhỏ/ Đủ nhỏ để em đi qua/ Rừng cây và đồi núi muôn bầy” (Cái hộc tủ). “Nhìn anh trông như cây cà chua/ Thay lá dần sau mỗi mùa quả/ Chỉ là mùa hạ một lần đi qua/ Con chim trên cành một lần sinh ra” (Con chim trên cành hát về tình yêu).

Nghe nhạc Tùng, có cảm tưởng nó rất gần với trường phái ấn tượng của hội họa. Để nắm bắt khoảnh khắc, các họa sĩ của trường phái ấn tượng thường vẽ rất nhanh. Họ phối trộn không hạn chế màu sắc, bố cục, khung hình… để biểu đạt điều mình muốn nói. Những vệt sơn, nét cọ hiện lên mồn một trên nền toan, không giấu giếm. Tùng cũng thế.

 Có người bảo âm nhạc của Tùng là âm nhạc của khoảnh khắc. Cậu sáng tác rất nhanh và chẳng hề chỉnh sửa bởi: “Tôi không muốn bỏ lỡ một cảm xúc thoáng qua, những ý nghĩ chợt đến hoặc một khung cảnh nào đó lay động tâm hồn mình dù là những khoảnh khắc nhỏ nhặt nhất”. Cậu đưa sắc màu, hình khối, âm thanh ngồn ngộn của cuộc sống vào nhạc, phối trộn ngẫu hứng mà chắt lọc ra âm giai, ca từ. Và vệt cọ nhìn rõ trên toan chẳng khác gì giọng mộc và gần gũi của chính cậu. Giọng Tùng mộc đến nỗi người ta nghe được từng cái lấy hơi, từng cái rung thanh quản, từng cái thở dài, ngưng nghỉ...

Nghệ sĩ indie Tùng: Chú bé ngồi hát vẩn vơ trong rừng -0
Tùng hát ở trong rừng khi thực hiện dự án “Tree talk”.

Nghe Tùng hát trong máy, cứ ngỡ cậu đang ngồi gần ta, hát cho cho ta nghe. Tùng thủ thỉ, thầm thì như người bạn đang kể. Giọng thô mộc tựa như vỏ cây xù xì mà người ta có thể sờ, có thể nắm lấy từng nốt, từng đoạn bổng trầm. Nó không giống những chất giọng trong phòng thu - những chất giọng đã được công nghệ mài giũa mịn nhẵn từng âm, từng nốt luyến láy đến mức vô hồn. Nền nhạc đệm (beat) cũng được Tùng hết sức tối giản. Gần như mỗi bài hát chỉ dùng một loại nhạc cụ làm beat. Lúc là guitar, lúc là saxophone, cello… Tất cả chỉ điểm xuyến để làm nổi bật giọng - con - người.  

Tùng thừa nhận mình không hát được nốt cao nên các nhạc phẩm không có nhiều đoạn cao trào. Vậy nhưng có lúc Tùng đã thử viết và hát nốt cao một lần. Và rồi cậu chẳng ngần ngại thử thêm vài lần nữa. Đơn giản, khi vỏ âm thanh không thể dung chứa nổi những cảm xúc cuộn trào và giãy đạp, thì đó là lúc tiếng hát bục vỡ cho nó lao ra một cách tự nhiên không miễn cưỡng. Đó có phải là âm thanh của loài người thuở hồng hoang, kể cho nhau nghe mai kia thế giới màu gì? Những nốt lỗi, những thanh âm bục vỡ ấy được người nghệ sĩ nâng niu. Tùng thoải mái hát bởi nghệ thuật là sự tự do tuyệt đối của cậu.

Đặt tên album là “26: Individualism” (tạm dịch “26: Chủ nghĩa cá nhân”), Tùng đi sâu vào bản ngã, vào cái tôi tự sự. Chuyện của riêng cậu nhưng chạm vào nỗi lòng của bao người. Giọng hát ấy, giai điệu ấy như liều thuốc chữa lành những vết thương âm ỉ, vỗ về những nỗi đau u uất. Nghe Tùng hát vào một ngày mưa, để thả bay đi hết niềm đau, nỗi buồn. Nhạc buồn, đẹp và đau nhưng nó chẳng hề ủy mị. Nhạc Tùng tựa như đêm, xung quanh tràn ngập bóng tối nhưng hãy ngước nhìn lên trời cao, để thấy vẫn còn những vì sao nhấp nháy. Đó là lối thoát dẫn đường để người ta bước qua tin buồn của kiếp người. “Có những cách yêu trong đời/ Ta học cách không mong đợi/ Như tận thế lần đầu tiên/ Như tìm thấy một màu tím…” (Gam màu tím ở rìa thế giới). “Và rồi nắng gió trong cuộc đời theo thời gian em biết đấy/ Có sao đâu em đôi mươi, em có thấy/ Em có trong tay/ Em với hôm nay, chỉ một lần” (Này em ơi).

Mấy tháng qua, khi mọi người quay cuồng trong đại dịch thì Tùng rời bỏ Sài Thành, cùng bạn bè vào rừng hát và kể chuyện. Dự án mang tên “Tree talk” (tức kể chuyện trong rừng) gồm 10 tập phát trên YouTube. Mỗi tập bắt đầu với phần kể chuyện và kế đó là một bài hát quen thuộc được Tùng hát live. Tùng ngồi đó, giữa đồng cỏ, núi đồi, lúc thì ở trong hang đá hay bên bờ suối, lúc ở trên một cây thông đã gãy hay bên ngọn lửa cao nguyên… để kể và hát. Những câu chuyện do chính Tùng sáng tác trong những lúc thèm rừng khi thành phố đóng cửa vì đại dịch. Đó là loạt truyện thiếu nhi nhưng tuyệt đối không dành cho trẻ em. Câu chuyện của cậu rất ngắn, xoay quanh các loài vật và cây cối. Mới nghe qua, ai cũng ngỡ truyện con nít, nhưng rồi khi khép lại họ lại thấy dáng dấp của truyện ngụ ngôn La Fontaine.

Tùng lấy chất liệu từ những câu chuyện tưởng như đã quá quen thuộc như hoàng tử ếch, ba chú heo con, chú thỏ cẩu thả, bầy cừu và chó sói… để làm nên câu chuyện mới mẻ đầy tính đương đại và giàu triết niệm. Điều đặc biệt ở truyện của Tùng chính là cái nhìn lạ, cú bẻ lái bất ngờ mà khi kết truyện, người ta phải thốt lên ngơ ngác hoặc rùng mình ám ảnh. Có khán giả thú nhận, nghe chuyện Tùng, họ không nỡ làm đau một con kiến, không nỡ giẫm lên một cọng cỏ.

Khi Tùng cầm guitar hát những bài ca quen thuộc của mình ở trong rừng, giữa hồng hoang đồng nội và chiều sắp tắt, tựa hồ như giọng hát ấy, tiếng đàn ấy cất lên cho ngày tận thế. Thiên nhiên đẹp và hoang tàn quá. Lòng người xa xôi và bí hiểm quá. Vì ai? Vì đâu? Bằng âm nhạc, Tùng mải miết đi tìm câu hỏi ấy, cho chính mình, cho mọi người, để mai này tay nắm chặt bàn tay…

Mai Quỳnh Nga
.
.