Tư duy "mặt tiền" hay là chuyện nhận diện và phản diện thói quen

Thứ Năm, 30/03/2023, 09:57

Tôi có một sự lo lắng: liệu những đứa trẻ sau này còn biết tưởng tượng không khi mọi thứ đã quá thuận tiện. Nhất là khi có thông tin một công ty AI có tên Runway (New York) đã tạo ra công cụ Gen-2, cho phép tạo video từ ảnh tĩnh hoặc văn bản đầu vào.

Chẳng lẽ đã đến lúc AI không chỉ tính toán, miêu tả mà còn tưởng tượng thay cho con người, hình dung, tái cấu trúc lại biểu tượng trong ngôn ngữ thay cho con người? Bởi, từ xưa đến nay ngôn ngữ vẫn là kho báu chứa đựng nguồn tri thức bất tận của chúng ta…

Nhưng thật ra, chưa cần đến Gen-2, đã có không ít người phản ứng lại AI rồi. Vừa qua, khi tham gia một lớp học ngắn ngày, trong giờ giải lao người viết tình cờ nghe được mấy người bạn nói chuyện với nhau. Các vị phụ huynh này tỏ rõ sự lo lắng về việc con cái sử dụng công nghệ. Một chị là giáo viên kể rằng: để ngăn cản tác động xấu từ mạng xã hội, chị chỉ cho phép con gái mình sử dụng điện thoại "cục gạch" (điện thoại chỉ có chức năng nghe, gọi), chứ tuyệt đối không Samsung, Iphone, Oppo…

cô trò ôm nhau xin lỗi trước lớp và sự nhận thức từ hai phía-ảnh báo pháp luật.jpg -0
Cô trò Trường THPT Đội Cấn, huyện Vĩnh Tường ôm nhau xin lỗi trước lớp.

Nhưng chỉ ít ngày sau, chính chị gặp phải sự phản ứng gay gắt từ đồng nghiệp của mình (là cô giáo chủ nhiệm lớp của con chị) về sự thiếu hợp tác của con chị. Cô giáo nói vì không sử dụng Zalo và tất nhiên chẳng thể tham gia group của lớp để nhận và phản hồi các thông tin cập nhật 24/24 nên con chị thường xuyên nhầm lịch học, không chuẩn bị bài cũng như không đọc được các tài liệu mà cô chia sẻ. Nhìn cái điện thoại "cùi bắp" sập nguồn mà con gái để trong góc bàn, chị thật sự bất lực chưa biết sẽ phải như thế nào?

Giữa lúc ấy, trên các báo lại đưa hình ảnh về một cái ôm giữa nữ giáo viên Trường THPT Đội Cấn, huyện Vĩnh Tường và cô học trò bị cắt tóc ngay tại lớp. Cái ôm ấy đã xoa dịu sự bức xúc của dư luận bởi sự nhận lỗi vui vẻ từ hai phía. Nhưng, cũng phải nhắc lại là vì lý do gì mà một chuyện như thế lại thu hút sự chú ý của dư luận? Cô giáo ở Trường THPT Đội Cấn tuy chưa đến mức hành hung (đánh đập) thân thể học sinh nhưng khi chạm tới mái tóc là chạm tới quyền cá nhân - một chủ đề khá nhạy cảm trên mạng xã hội ngày nay chăng? Cả hai phía đều thấy nhạy cảm, đều phản ứng và đều tổn thương…

Nhận xét về sự việc này, trên Báo Kinh tế Đô thị, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) bày tỏ: "Hành động cắt tóc học sinh tại lớp cho thấy, cô giáo đang cậy mình làm đúng nội quy của trường để thể hiện sự bức xúc cá nhân khi trò không nghe lời. Cô quên nguyên tắc cơ bản trong môi trường sư phạm là tôn trọng học sinh và giáo viên không được quyền xúc phạm học sinh. Hành động cắt tóc học trò của cô là thô bạo và môi trường sư phạm không cho phép có cách ứng xử như vậy". Trái ngược lại với ý kiến trên, nhiều người lại ủng hộ cách làm của nữ giáo viên kia, họ cho rằng nếu không nghiêm trị sẽ không giữ được kỉ cương, quy định, khó có thể giáo dục nhân cách của người trẻ… Cách phản ứng ấy cũng như người bạn của tôi chỉ muốn con gái dùng điện thoại "cục gạch" và cũng giống thi sĩ Nguyễn Bính một thế kỷ trước từng thốt lên: "Van em em hãy giữ nguyên quê mùa".

mèn mén là món ăn truyền thống với nghệ thuật chế biến của người mông-ảnh báo dân tộc và phát triển.jpg -0
Mèn mén là món ăn truyền thống với nghệ thuật chế biến của người Mông.

Đằng sau câu chuyện này, người viết xin phép không bàn đến quy định và mức độ vi phạm hay đúng sai mà chỉ muốn nhắc tới một thói quen trong văn hoá: phản ứng theo cảm tính trước hình thức bên ngoài. Nó bao gồm cả sự nhận biết, đánh giá và thể hiện thái độ yêu/ghét trước mỗi hiện tượng đời sống.

Để kiến giải về điều này có lẽ cần một độ lùi sâu hơn nữa. Bạn có thể thấy ngay từ cách tư duy về không gian sống, người Việt đã có xu hướng trọng mặt tiền, dáng vẻ bề ngoài (thay vì quan tâm đến thiết kế và công năng sử dụng). TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn từng có một nhận xét: "Lợi ích địa ốc cao nhất không phải lúc nào cũng chỉ đạt được nhờ vào tư duy mét vuông (thiên về số lượng mét vuông) như người ta thường lầm tưởng, mà còn có thể nhờ vào tư duy giá trị sống (thiên về "chất lượng" mét vuông)- (theo Nguyễn Vĩnh Nguyên - Báo Sài Gòn tiếp thị).

Không chỉ có thế, tư duy về "mặt tiền" còn tạo ra thói quen cảm tính với cái gì bắt mắt, thói quen mua bán nhanh, tiện lợi nơi hè phố, nơi có thể dừng đỗ xe tuỳ tiện, "tiếp sức" cho sự lấn chiếm vỉa hè bấy lâu nay. Thiết nghĩ, giờ đây nếu chúng ta muốn trả lại vỉa hè cho người đi bộ cũng cần "đòi" lại từ phía một bộ phận những người tham gia giao thông trên đường. Bởi lẽ, nếu chúng ta chỉ chú trọng dẹp bỏ nguồn cung cấp kinh doanh vỉa hè mà không chú ý đến nguyên nhân từ nhu cầu người mua thì chỉ là chuyện "đuổi" và "chạy", "trước mắt" và "khuất mắt". Chính cái tư duy đã tạo ra không ít bất cập như thế.

Gần đây, xuất hiện trào lưu khách du lịch thuê trang phục Mông Cổ chụp ảnh trên sông Nho Quế (Hà Giang) và được cho là: "Gây tổn thương giá trị văn hóa đặc trưng của người dân tộc. Nhận xét về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng cho rằng: "Chúng ta không nên nhìn thấy giá trị vật chất trước mắt, mà quên mất giá trị trường tồn, giá trị lớn hơn, chính là truyền thống văn hóa. Người dân có thể mất một chút lợi ích trước mắt, nhưng sẽ giữ được mối lợi ích lâu dài, tạo sức hút riêng của vùng văn hóa và sắc thái văn hóa dân tộc" (theo Báo Dân trí). Thật ra đây có thể là một sáng tạo từ người làm dịch vụ, là sự nhạy bén nắm bắt thị hiếu khách du lịch. Tuy nhiên, họ lại quên mất cái "lợi ích lâu dài" tiềm tàng phía sau. Họ quên mất giá trị biểu tượng về thiên nhiên đất nước Việt Nam sẽ khắc ghi trong tâm hồn du khách (đặc biệt là du khách nước ngoài) để những hình ảnh không phù hợp kia phá vỡ bức tranh tổng thể về văn hóa…

nhiều du khách mặc áo mông cổ, tây tạng chụp ảnh trên sông nho quế-ảnh báo điện tử dân việt.jpg -0
Nhiều du khách mặc áo Mông Cổ, Tây Tạng chụp ảnh trên sông Nho Quế.

Quay trở lại câu chuyện công cụ Gen-2 đã nêu ở trên, tác giả của bài viết này khẳng định: "Trong tương lai, công cụ sẽ được cải tiến để giúp nghệ sĩ, nhà thiết kế và nhà làm phim biến các ý tưởng thành video nhanh hơn với chi phí thấp" (theo Bảo Lâm-Vnexpress.net). Mai đây khi mà AI nghĩ thay, làm thay chúng ta, khi ấy chúng ta sẽ còn lại sự sâu sắc nào cho riêng mình?

Câu trả lời nằm ở sự phản biện những thói quen cũ, nếp nghĩ cũ của mỗi người. Sự sâu sắc này nhất thiết phải đến từ cái gốc, từ bản chất sự vật và sự rung động của tâm hồn chúng ta. Từ những gì thấy trước mắt hãy thực sự cảm nhận, suy xét bằng lí trí, lấy lợi ích lâu dài, lợi ích cộng đồng làm mục tiêu hàng đầu và đưa ra sự lựa chọn đúng đắn. Dẫu biết rằng, cái tư duy "mặt tiền" đã hình thành từ lâu, ăn sâu vào suy nghĩ nhưng nếu không có một sự phản biện từ chính bản thân mình sẽ có những sai lầm đáng tiếc.

Hẳn dư luận vẫn chưa quên việc một món ăn được làm công phu và nghệ thuật, là một phần không thể thiếu trong đám cưới, đám ma, giỗ Tết như mèn mén của Hà Giang đã bị một người gọi là cám lợn, là món ăn "giải nghiệp" trên mạng xã hội. Đây không chỉ là cảm tính trong suy nghĩ của một người mà đó là sự bất cập trong tiếp cận văn hóa.

Giờ đây, khi chúng ra giao lưu văn hóa trong nước sâu rộng hơn, hội nhập mạnh mẽ hơn thì chuyện "được gói mang về" không chỉ có của ngon, vật lạ mà còn là quan niệm, là sự đánh giá, là sự du nhập giá trị văn hóa để làm phong phú hơn tâm hồn mình. Bởi thế, tỉnh táo nhận diện và phản biện là cách tốt nhất để tránh mắc phải sự cảm tính theo kiểu "tư duy mặt tiền"…

Mai Phương
.
.