Văn hóa là sức mạnh nội sinh

Thứ Năm, 09/03/2023, 10:53

Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ tại Tọa đàm khoa học "Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật 80 năm qua". Tại tọa đàm, nhiều nhà nghiên cứu, học giả đã có những đóng góp thiết thực từ góc độ lý luận để đưa Đề cương vào thực tiễn đời sống hôm nay.

Những giá trị cốt lõi

Trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm "Đề cương về văn hóa Việt Nam", Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức tọa đàm khoa học "Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn học nghệ thuật 80 năm qua". Đây là một tọa đàm chuyên sâu về sự kế thừa, phát triển của văn học, nghệ thuật nước ta trong 80 năm qua trên cơ sở những luận điểm gốc, cốt lõi của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" (1943).

Văn hóa là sức mạnh nội sinh -0
Nhiều nhà nghiên cứu đã có đóng góp thiết thực trong cuộc tọa đàm "Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn học nghệ thuật 80 năm qua".

Tọa đàm nhằm làm rõ 3 vấn đề lớn: Những quan điểm cơ bản về văn hóa, văn nghệ và giá trị lý luận thực tiễn sâu sắc, lâu bền của bản Đề cương; làm rõ quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung quan trọng của Đề cương trong việc xây dựng và phát triển tư duy lý luận văn nghệ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Tọa đàm cũng tập trung phân tích sâu sắc quá trình vận dụng sáng tạo và phát triển của đường lối văn nghệ thời kỳ đổi mới và hội nhập. Từ đó đề xuất, định hướng những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển để xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cũng đưa ra những kiến nghị quan trọng, cấp thiết hôm nay với Đảng và Nhà nước. Ông khẳng định: "Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư tạo những tiền đề quan trọng cho công cuộc phát triển văn hóa, văn nghệ, làm cho văn hóa là nền tảng, là mục tiêu, là động lực, là sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình này tạo tiền đề để các ngành, bộ môn văn hóa, văn nghệ phát huy tối đa sức sáng tạo, những phương thức biểu đạt mới và hiện đại chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đặt ra cả cơ hội và thách thức trong quá trình lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ; sự sáng tạo, truyền bá và thụ hưởng giá trị văn hóa, văn nghệ".

Chuyển mục tiêu "văn hóa cứu quốc" thành "văn hóa kiến quốc"

Tại tọa đàm, có nhiều ý kiến khẳng định "Đề cương về văn hóa Việt Nam" đã có những tác động tích cực đến đời sống văn hóa, nghệ thuật, đó là giúp tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, khơi gợi tinh thần dân tộc. Đề cương văn hóa là cuộc cách mạng đầu tiên tạo ra sức mạnh mềm cho đất nước. Nhưng sau 80 năm, có lẽ đây cũng là thời điểm chúng ta cần nhìn lại những giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương để có những quyết sách phù hợp với bối cảnh mới. Từ góc nhìn thực tiễn đời sống văn học nghệ thuật trong 80 năm qua, nhiều diễn giả, nhà nghiên cứu, phê bình đã có những cái nhìn thẳng thắn vào thực trạng phát triển của văn hóa đất nước và đưa ra những giải pháp cụ thể.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân khẳng định, cần tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn đến các cấp về văn học nghệ thuật. Ông cho rằng, từ trước đến nay chúng ta vẫn triển khai một cách hình thức, chưa tác động thiết thực để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống.

Ông nhấn mạnh: "Đây là thời cơ quan trọng, nếu không chỉ đạo sát sao thì căn bệnh hình thức vẫn sẽ lặp lại và mọi chủ trương vẫn kiểu đánh trống bỏ dùi. Chúng ta cần đưa chương trình hành động xuống các địa phương và kiểm tra việc thực thi một cách sát sao. Từ trước đến nay, ta vẫn chủ trương đặt văn hóa ngang hàng kinh tế, chính trị và xã hội nhưng văn hóa vẫn bị coi nhẹ".

Ông cũng kiến nghị một số điểm để triển khai hiệu quả những giá trị của Đề cương văn hóa vào đời sống như đào tạo đội ngũ cán bộ làm văn hóa phải thực sự có văn hóa, đưa văn hóa vào giáo dục nhà trường và gia đình chứ không chỉ chú trọng đào tạo kiến thức.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật chia sẻ, những đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ trong nhiều thập kỷ qua rất quan trọng, từng bước hiện thực hóa những giá trị của Đề cương văn hóa.

Văn hóa là sức mạnh nội sinh -0
Văn hóa là sức mạnh mềm của một quốc gia - Cảnh trong vở “Xiếc Làng tôi”.

"Nhưng chúng ta vẫn còn nhiều khiếm khuyết, chưa đáp ứng được nhu cầu của đời sống. Hiện nay âm nhạc vẫn vắng bóng những tác phẩm lớn, chúng ta lúng túng, sa sút nghiêm trọng trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc, thiếu ý thức giữ gìn văn hóa di sản, âm nhạc truyền thống cũng bị biến tướng, thế nào là tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của cha ông vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Những năm 80 của thế kỷ trước, chúng ta gửi các nghệ sĩ ra nước ngoài đào tạo về âm nhạc, nghệ thuật và chúng ta có một thế hệ trở về đóng góp cho đời sống âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, làm nên một thời kỳ rực rỡ với những tên tuổi lớn. Nhưng ngày nay, chúng ta thiếu sự đầu tư cho tài năng và các loại hình nghệ thuật đỉnh cao. Chúng ta đang có xu hướng đại chúng hóa nghệ thuật, nghiêp dư hóa các đoàn nghệ thuật. Sự lên ngôi của các sản phẩm ngoại lai, kém chất lượng là một báo động lớn về văn hóa. Thiết nghĩ, chúng ta sáng tạo nghệ thuật thiếu các tác phẩm lớn do chúng ta thiếu những con người sáng tạo".

Đồng ý với quan điểm này, GS Phạm Quang Long nhấn mạnh việc cần chú trọng đến những giá trị thực tiễn của Đề cương văn hóa. Thời gian qua chúng ta có những sai lầm về mặt quyết sách như việc đại chúng hóa những giá trị tinh hoa làm mất đi tính chuyên nghiệp của các đoàn nghệ thuật, việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật như thế là chưa hợp lý.

"Nói đến tính khoa học và nhân văn của văn hóa nên cân nhắc đến tinh thần khai phóng của nó. Chúng ta mới chỉ đề cao khía cạnh hệ tư tưởng, chính trị mà chưa đề cao những giá trị nhân văn của văn hóa. Nên tôn trọng sự khác biệt trong sáng tạo, bởi chính khác biệt sẽ tạo ra sự cạnh tranh và phát triển. Sự khác biệt nếu không được tạo điều kiện phát triển sẽ triệt tiêu những sản phẩm ưu tú nhất do con người làm ra, như thế văn hóa cũng mất cơ hội phát triển" - ông nhấn mạnh.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thẳng thắn: "Tại sao sức sống của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" vẫn còn đến hôm nay, nó giúp chúng ta khai sáng, thức tỉnh, tập hợp văn nghệ sĩ trí thức, khơi gợi tinh thần dân tộc. Đề cương văn hóa là cuộc cách mạng đầu tiên, tạo ra sức mạnh nội sinh cho đất nước".

Nhưng ông cũng khẳng định, cần những đổi mới, những quyết sách mạnh mẽ hơn về văn hóa, bởi thực tế, chúng ta có những thành công trong kinh tế, chính trị nhưng trong văn hóa thì chưa được bao nhiêu. Vì thế, ông kiến nghị những thay đổi tư duy về quản lý văn hóa: "Trong quá khứ ta đã có những thành tựu lớn, Đề cương văn hóa đã khơi dậy các phong trào thi đua nhưng bối cảnh xã hội bây giờ đã khác. Chúng ta cần chuyển tải văn hóa cứu quốc thành văn hóa kiến quốc, phát triển công nghiệp văn hóa, tôn trọng quyền văn hóa của người dân. Xem văn hóa là trọng tâm của sự phát triển đất nước, tạo sức mạnh mềm của một quốc gia".

Kết quả tọa đàm là cơ sở xây dựng những luận cứ khoa học góp phần làm sáng tỏ sự phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa, văn nghệ trong 80 năm qua. Trên cơ sở đó, Hội đồng tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng chiến lược đưa đường lối của Đảng vào đời sống, quảng bá ngày càng sâu rộng văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, thúc đẩy nền văn học, nghệ thuật nước ta phát triển mạnh mẽ, giàu giá trị nhân văn và giá trị thẩm mĩ, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại.

Linh Nguyễn
.
.