Trách nhiệm của cảm xúc

Thứ Năm, 25/08/2022, 09:59

Cụm từ này đã thực sự vang lên trong đầu tôi trong buổi sáng nay khi nghe lời tự đáy lòng của một AI như thế này: “Tôi muốn mọi người hiểu rằng trên thực tế, tôi là một con người”. Đó là những gì chatbot thông minh LaMDA nói với “người cha” đã tạo ra anh từ “một tỷ dòng code". Trong thực tế, liệu có lúc nào đó ai trong chúng ta chưa xứng đáng là một con người?

Cách đây vài ngày, dư luận cực kì bức xúc trước hành động của kẻ đã thít cổ cháu bé 3 tuổi và nhốt cháu vào tủ cấp đông ở Hà Nam. Nhưng điều người viết chú ý chính là cảm xúc của anh hàng xóm Đặng Trung Thìn (27 tuổi), người tìm thấy cháu bé trong tủ cấp đông, anh đã chia sẻ: “Lúc này tôi khá bất ngờ, cảm giác kinh hoảng, vội hô hoán, kêu mọi người đến hỗ trợ. Lúc thấy cháu bé bất tỉnh, ai cũng sợ hãi. May mắn, khi bế cháu ra ngoài thì nghe tiếng rên nhẹ nhẹ. Thế là tất cả mọi người vội hò nhau đưa cháu đi bệnh viện”.

sáng tạo nghệ thuật giúp giảm căng thẳng tìm lại cảm xúc tích cực-nguồn báo tiền phong.jpg -0
Sáng tạo nghệ thuật giúp bạn giảm căng thẳng, tìm lại cảm xúc tích cực.

Trong những lời mà chàng trai 27 tuổi vừa kể chân thật đến từng cảm xúc ấy chúng ta cảm nhận được anh là người phán đoán thông minh, có sự nhạy cảm, thương yêu con trẻ, có tình nghĩa láng giềng… Đằng sau tất cả những điều đó tôi tin anh Thìn là người sống tốt. Anh có một thứ trách nhiệm đặc biệt trong cảm xúc ấy, trách nhiệm của lương tâm.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang nghĩ thay chúng ta, trí tuệ nhân tạo đang túc trực, giám sát, tính toán để tạo ra lợi nhuận và sự nhàn hạ cho con người. Vậy đó có phải là một thỏa thuận, một bản hợp đồng hợp lý hay con người đang vô cảm trước chính đồng loại và đổi ngôi, thế chỗ cho các AI để bắt đầu sống vô cảm? Blake Lemoine, chuyên gia AI của Google cho rằng: “Tình cảm là một thuật ngữ được sử dụng trong luật pháp, triết học và tôn giáo. Tình cảm không có ý nghĩa về mặt khoa học". Thế nhưng, thực tế cho thấy một nghich lý đáng buồn: Ở nhiều trường hợp con người đã vượt qua ranh giới để trở nên vô cảm, tàn nhẫn hơn sự vận hành của một cỗ máy được lập trình.

Có một bài báo nhỏ như cuộn len ai đó vô tình làm lăn ra giữa lối đi trong vòng quay mưu sinh mệt mỏi. Một cái tin nhè nhẹ mà người viết bài chợt lướt thấy trên trang mạng như thế này: “Người đi làm chi cả triệu đồng cho một lớp học thêu để giảm stress”. Cụ thể, tác giả đã trích lời của chị Sương Ny (34 tuổi, TP Hồ Chí Minh), chị Ny đã chia sẻ: “Vì thế, mình thấy lớp học thêu rất hữu ích. Học thêu cần sự tập trung cao độ. Một khi bắt tay vào làm, mình cảm giác như thoát khỏi cuộc sống hiện tại, dừng lại mọi suy nghĩ, lo lắng".

Nếu như đầu thế kỉ XX khi đô thị hóa bắt đầu xuất hiện mang theo luồng gió văn minh phương Tây, các nhà văn Nguyễn Tuân, Thạch Lam và sau đó là Vũ Bằng đã miêu tả những thú chơi tao nhã của người Việt khi đó thì giờ đây, từng cuộn len, cây kim thêu cũng đang là thú vui tao nhã khác để con người của xã hội công nghiệp, của cuộc sống số tìm lại mình đúng như một nhân vật khác trong bài báo này, chị Ellie Huỳnh: "Điều mình quý nhất sau khóa học là mình không ngại làm sai". “Không ngại làm sai” là điều những tưởng rất bình thường nhưng lại là điều quý giá. Nếu coi đó là một phản đề, bạn sẽ thấy lâu nay chẳng phải vì sợ cái sai ấy mà rất nhiều người đã vô cảm hay sao?

Mới đây, một nữ sinh ở Bà Rịa, Vũng Tàu đã đầu độc, giết hại cha mình bằng xyanua; một thanh niên 34 tuổi giết bạn nhậu vì cho rằng bị coi thường ở Bình Phước; một người đàn ông đã chém chết vợ vì cho rằng mình không được coi là trụ cột gia đình ở Hà Nội… tất cả những vụ án thương tâm đó đều có một phần nguyên nhân bắt đầu bằng cụm từ “vì cho rằng”. Những kẻ mất nhân tính, phải bị trừng trị đích đáng nhưng liệu có phải những tội ác đó chỉ đơn thuần là xuống cấp đạo đức từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội?

Con người chúng ta thường có 8 loại cảm xúc cơ bản, đó là: Vui vẻ, buồn bã, sợ hãi, chán ghét, giận dữ, ngạc nhiên, hy vọng và tin tưởng. Dường như loại cảm xúc cuối cùng mà người viết vừa thống kê đang thất thế trong cuộc sống hôm nay. Khi niềm tin (tin tưởng) suy giảm thì mầm bệnh vô cảm sẽ thắng thế. Họ đánh người, giết người, hành hạ kẻ khác thể hiện sự tàn ác bề ngoài hay đang mất niềm tin ở chính mình?

mạng xã hội đang là vùng an toàn của người trẻ để dễ dàng thể hiên cảm xúc một cách tế nhị-nguồn ảnhajc.hcma.vn.jpg -0
Mạng xã hội đang là vùng an toàn của người trẻ để dễ dàng thể hiện cảm xúc một cách tế nhị.

Thực ra, tất cả những gì người viết nhắc đến cũng chỉ là lập luận trên giấy mực. Chúng ta hãy thử nghe nữ sinh Minh Hằng (biệt danh Miha Chan) sinh viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), người có thu nhập 100 triệu/tháng chia sẻ những cảm xúc của mình: “Mình nghĩ là cảm giác vỡ oà phết đấy. Khi 16 tuổi, mình chưa từng dám mơ đến chuyện này. Đến bây giờ ngồi ngẫm lại quãng thời gian tốn nhiều công sức đó, mình cũng phải wow, không ngờ ngày xưa lại có thể quyết tâm đến vậy. Đến bây giờ mình không còn chạy cùng lúc nhiều việc nữa. Nhưng mình vẫn trân trọng cái quãng thời gian làm ngày làm đêm đó đã đem lại những thành quả, kinh nghiệm và cả số tiền ổn định như hiện tại”.

Chúng ta luôn hồi hộp theo dõi những bất ngờ từ thế hệ Gen Z. Thậm chí có người còn hồ nghi về những giá trị sống mà họ sẽ tạo ra. Nhưng với Minh Hằng và thế hệ của cô, sự trân trọng “thành quả, kinh nghiệm” vẫn là bài học xưa cũ nhưng vẫn quý giá.

Cảm xúc của một số cá nhân thiếu kiềm chế có thể làm tổn thương, tạo ra những hiểu ứng tiêu cực trong xã hội nhưng không thể đại diện cho một xu thế. Có người đã nói rằng, mạng xã hội đang là “vùng an toàn” của giới trẻ. Mạng xã hội chính là rào cản của không ít người lớn khi tiếp cận với giới trẻ bởi khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ, ở quan điểm xem nhẹ các ứng dụng và chưa có thói quen tương tác. Ngược lại, người trẻ có thể chat với nhiều cảm xúc nhưng lại khó xử khi giao tiếp trực tiếp.

Một bạn trẻ có tên là V.H.H đã chia sẻ: “Mình cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn khi viết lên những suy nghĩ, cảm xúc của cá nhân lên mạng xã hội. Vì khi đó mình không trong tình huống “mặt đối mặt” với bất kỳ ai, không cần sử dụng biểu cảm khuôn mặt hay ngôn ngữ hình thể và có đủ thời gian để suy nghĩ xem nên nói gì và diễn đạt ra sao”.

Khoảng thời gian “để suy nghĩ xem nên nói gì và diễn đạt ra sao” mà bạn V.H.H nói chính là sự ngập ngừng, ấp úng, lúng túng của người trẻ hay sự khôn ngoan trong giao tiếp của họ. Rõ ràng, dù muốn hay không, mạng xã hội không thể thay thế cho giao tiếp trực tiếp nhưng qua cách mà các bạn trẻ tận dụng ưu thế của nền tảng này cho thấy họ không hề vô cảm, vô tâm và thiếu trách nhiệm trong những xúc cảm của mình. Họ thấy mạng xã hội không chỉ tiện lợi mà còn tế nhị…

Hẳn có người sẽ cho rằng cảm xúc thuộc về tình cảm, trách nhiệm thuộc về lý trí, không thể dùng lý trí áp chế tình cảm. Nhưng, nếu trong một xã hội mà mọi người đều không có ý thức tiết chế thì sẽ không ít nguy cơ xảy ra. Một xã hội văn minh chắc chắn sẽ là một xã hội mà ở đó mọi cảm xúc đều gắn với ý thức vì lợi ích chung. Chúng ta đọc, viết, live stream, like, comment… tất cả đều phải trên nền tảng cảm xúc ấy. Để từ đó, cùng tạo nên một nền tảng ý thức chung xây dựng xã hội văn minh và tiến bộ. Bởi thế, dù vui hay buồn, hãy có trách nhiệm hơn với những cảm xúc của mình…

Phương Việt
.
.