Tìm mạch cảm xúc

Thứ Năm, 21/04/2022, 07:59

Tất cả đều có thể trở thành sản phẩm tốt và thu hút người tiêu dùng, nếu như người sản xuất, kinh doanh hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng. Câu này có lẽ là quá thừa khi nhắc lại, đặc biệt là với những người thành công trên thương trường. Nhưng trong kinh doanh các sản phẩm văn hoá, nhắc lại nó hoàn toàn không thừa chút nào khi việc tiêu thụ một sản phẩm văn hoá vẫn còn được nhiều người nhìn nhận là “hên - xui”.

Và đã có một ví dụ rất chuẩn xác cho nhận định trên, mới vừa diễn ra gần đây thôi, tại Hà Nội. Đêm nhạc có tên “Dạ hội cựu sinh viên Thủ đô” hôm 16/4 tại sân trường Đại học Tổng hợp, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội đã thu hút những U50, U40 nô nức kéo về để được sống lại thanh xuân của mình, sống lại thời lãng mạn những năm 90 với những đêm diễn bị xem là “nghiệp dư” của ngày ấy, cũng tại chính địa điểm này.

Những band nhạc của một thời xa xưa như “Những bậc thang”, “Desire”, “Bức tường”, “Cỏ Dại”, “Hoa Sữa”… vốn dĩ từng là “thần tượng” của giới trẻ hơn 20 năm trước đã cùng xuất hiện, đúng với tinh thần của hoài niệm nhưng được khoác xống áo hiện đại hơn bởi những trang thiết bị kỹ thuật của thời đại hôm nay.

Đơn vị tổ chức, công ty Mỹ Thanh, rõ ràng đã không chỉ hiểu được nhu cầu của “tệp” khách hàng của mình mà còn nắm bắt được cảm xúc của họ. Ở vào cái tuổi mà có những người thậm chí đã lên chức ông, bà rồi, nhu cầu gặp lại bạn bè cũ, được đắm trong cảm xúc cũ là rất lớn. Đó là lý do trên mạng xã hội tồn tại những nhóm đồng niên, và ngoài đời sống vẫn có những buổi họp lớp, họp trường được tổ chức.

Nhưng nhiều năm qua, chưa một ai nghĩ đến việc tái hiện lại một đêm dạ hội như ngày xưa cho lớp khách hàng trung niên này. Và khi ý tưởng được Mỹ Thanh đưa ra cách đây hơn 1 tháng, rất nhiều người đã hưởng ứng. Đó là lý do dù cố gắng hạn chế khán giả vào để đảm bảo an ninh trật tự, sân trường Đại học Tổng hợp vẫn chen kín gần 3.000 con người, những người đã có cơ hội tìm thấy nhau, tìm thấy mình của ngày cũ ở một không gian cũ và những giai điệu cũ.

Cách truyền thông của lớp người “cũ” này thì lại không cũ chút nào. Họ tận dụng được mạng xã hội một cách vô cùng hiệu quả. Họ biết tạo ra các slogan rất đời thường đúng kiểu xu hướng tuổi teen hôm nay. Ví dụ như “đi dạ hội có thể gặp người yêu cũ”; “Ở đây có thể có người yêu mới”; “Không đi dạ hội đời không nể” v.v và v.v là những slogan đã được chế thành các poster quảng cáo thú vị và có sức lan toả rất nhanh trên Facebook, Twitter hay Instagram…

Chính vì lẽ đó, chúng càng kích thích khán giả hơn và đã rất nhiều người vì không đăng ký được vé nên tiếc hùi hụi, chỉ mong Ban tổ chức sẽ tiếp tục tổ chức những chương trình tương tự một cách thường xuyên hơn. Có những khán giả thậm chí còn háo hức lôi cả xe đạp cũ ra chở bạn đời của mình đến tham dự dạ hội, nơi mà họ chia sẻ rằng ngày xưa cũng chính từ đó mà họ quen nhau.

Tìm được mạch nguồn cảm xúc của khán giả để thiết kế các chương trình khiến khán giả cảm thấy không thể không tham dự chính là cái tinh tế của Ban tổ chức. Và đó cũng là một hình mẫu để những nhà sản xuất chương trình có thể học hỏi theo, thay vì cứ dồn nhau vào một lối mòn chật hẹp của những thứ âm nhạc thời thượng nhưng vốn dĩ lại rất dễ bão hoà.

Văn  Đoàn
.
.