Street View và món quà của thời gian
Thực ra, khi xuất hiện cơn sốt Street View (chế độ xem phố), tôi cũng là người hăm hở khám phá. Dù không còn nhanh nhạy như nhiều bạn trẻ nhưng chỉ cần lướt qua một bài hướng dẫn, tôi đã có thể thực hiện được điều đó.
Bí mật đầu tiên tôi muốn khám phá là khu vườn cũ ở quê nhưng đáng thất vọng là cảnh quan đã thay đổi quá nhiều và tôi cũng ly hương quá lâu. Tiếp đến là một vài địa điểm như ngôi trường cũ, một góc quán quen và sau cùng là ngôi nhà mà hiện giờ tôi đang sống...

Đập vào mắt tôi là hình ảnh của 6 năm về trước: cánh cổng đã hoen rỉ và chiếc xe cũ đỗ trước cửa. Kỉ niệm như ùa về bởi chiếc xe đó đã theo tôi những ngày khó nhọc và giờ chẳng biết đã lưu lạc theo người chủ mới đến nơi nào. Khi tôi zoom kĩ hơn phía sân sau, đôi mắt tôi nhòe đi khi gặp bộ quần áo cũ của mẹ mắc trên dây, có lẽ lúc đó mẹ vừa đem quần áo ra phơi, người như vừa mới bước vào nhà. Khi vừa đặt điện thoại xuống, rời khỏi Street View, tôi bàng hoàng nhớ ra mình đã không còn mẹ nữa...
Đúng như kiến trúc sư Trình Phương Quân viết: "Street View hay "Hộp thời gian", suy cho cùng, cũng là lời nhắc về sự vô thường, sự liên tục thay đổi của sự vật, sự việc. Những gì được ghi lại hôm nay, 10-20 năm sau sẽ lại trở thành kỷ niệm. Một góc phố đổi thay, một gương mặt không còn trẻ trung là sự biến đổi theo quy luật của cuộc sống. Có người xem xong cảm thấy tiếc nuối, nhưng cũng có người nhận ra mình đã trưởng thành hơn. Trend săn ảnh cũ trên Street View rồi cũng sẽ qua đi, nhưng nó để lại một lời nhắc về sự trân trọng hiện tại, vì khoảnh khắc hôm nay sẽ trở thành quá khứ của ngày mai" (theo: vnexpress.net).
Nhưng, xung quanh cơn sốt hình ảnh đường phố này cũng xuất hiện không ít quan điểm khác nhau. Có người cho rằng chính bước chân của chúng ta trong thời đại số cũng để lại "gót chân Achilles" của mình. Và, chưa nhắc đến chuyện thông tin cá nhân bị phát tán trên mạng xã hội mà chỉ riêng việc nếu cứ sống mãi với kí ức đã làm chúng ta yếu đuối, đắm chìm vào dĩ vãng mà quên đi những mục tiêu cận kề trước mắt.
Nói về điều này, tác giả Bùi Minh Đức trong bài "Cơn sốt tìm lại ký ức" và quyền được lãng quên, trên Báo Dân trí đã phân tích: "Việc quên đi một điều gì đó có ý nghĩa về mặt tâm lý học. Như người ta vẫn nói, thời gian sẽ hàn gắn nỗi đau cho con người và giúp ta quên đi những điều không hay trong quá khứ. Song, trong một thế giới công nghệ số - nơi mà mọi điều chúng ta làm mỗi ngày sẽ được lưu giữ trên mạng theo một cách thức nào đó, quên đi một điều gì đó không hề dễ dàng. Được quên là được sống tiếp. "Quyền được lãng quên" nếu được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới chắc chắn sẽ mang lại một không gian Internet yên bình và an toàn hơn cho nhiều người" (theo: Báo Dân trí).
Liệu rằng, có phải Street View chỉ là chuyện kí ức, của những gì đã không thể thay đổi mà chỉ có thể chấp nhận? Người viết không nghĩ thế, hiện tượng nào cũng hàm chứa những mặt khác nhau. Những cảm xúc và lập luận của hai tác giả nêu trên đều là sự suy ngẫm sâu sắc và tư duy chặt chẽ trong một thời đại khá đặc biệt: thời đại con người được trợ giúp bằng công nghệ và cũng đang nỗ lực thoát ra khỏi sự pressing (kiểm soát/tạo áp lực) chặt chẽ từ chính công nghệ.
Bạn hãy thử nghĩ xem, một chiếc camera vô tri nhưng đâu có vô tội khi nó sẽ "lật lại" những trang kí ức có đủ buồn vui, điều tế nhị, nhạy cảm trong quá khứ. Đơn cử như một hình ảnh thiếu chỉn chu từ trang phục đến tác phong, một mối quan hệ tình cảm muốn quên đi hay ngôi nhà tồi tàn một thời của bạn đã đủ tạo ra rắc rối chăng?

Người viết cho rằng, có thể rất được ưa chuộng nhưng sớm muộn gì thì Street View cũng sẽ lắng xuống nhường chỗ cho dòng chảy mưu sinh gấp gáp. Trào lưu tìm lại kí ức để sống chậm, để tự nhắc mình hay để có thêm động lực tinh thần (xét ở góc độ tích cực) cũng đều để hướng đến tương lai của bạn. Bởi, quá khứ không thể phủ nhận, thực tại là điều chúng ta phải chấp nhận nhưng bạn có thể lựa chọn tương lai. Vậy, tại sao không thể chủ động tạo ra một thời gian cuộc đời đầy ý nghĩa riêng cho chính bản thân mình.
Còn nhớ, William Wordsworth (1770-1850) từng có một câu nói rất hay: "Cuộc sống chia làm 3 thì - đã từng, hiện đang, và sẽ là. Chúng ta hãy học từ quá khứ để hưởng thành quả, và từ hiện tại, để sống tốt đẹp hơn trong tương lai". Điều mà thi sĩ người Anh muốn nhắc nhở chúng ta vẫn là "để sống tốt đẹp hơn trong tương lai". Vậy, tương lai đã được tiếp sức như thế nào nếu luôn được gắn kết với "sợi dây" quá khứ?
Nhìn nữ sinh xinh đẹp Ngô Đặng Quỳnh Mi (đạt tổng điểm 28,5, là thủ khoa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2025-2026) của tỉnh Quảng Ngãi (cũ), ít ai ngờ rằng lâu nay em vừa học, vừa phụ mẹ nhặt ve chai.
Trước đây một năm, nam sinh Trần Tiến Lợi (học sinh lớp 12 Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng từng đối mặt với muôn vàn khó khăn, em phải tranh thủ làm thêm đủ nghề từ tạp vụ, thu ngân, viết nội dung bán hàng online đến gia sư, rửa bát thuê... để có tiền ăn học.
Lợi đã chia sẻ: "Dù học ngành nào, ở đâu, em vẫn mong muốn lan tỏa giá trị của giáo dục, truyền lửa cho những bạn trẻ đang gặp khó khăn có thể vững tin học tập, tiến về phía trước" (theo: Kỷ Hương - vnexpress.net). Người trẻ đã có lúc gác lại quá khứ bằng một cách tích cực và bản lĩnh như thế để hướng đến một tương lai tươi sáng cho riêng mình.

Câu nói của bạn trẻ Trần Tiến Lợi khiến người viết nghĩ đến con đường phía trước được bắt đầu từ kí ức xa xôi của mỗi người. Street View cho ta gặp lại đường phố, thấy lại cái cổng, hiên nhà, chiếc xe, bóng dáng người thân... gặp lại một thời gian khó nhưng ta cũng tự nhắc mình rằng: Chỉ sau một tiếng "tíc tắc" của kim giây đồng hồ, những gì mà chúng ta đang làm hôm nay sẽ trở thành một kí ức của ngày mai. Chiếc xe, ngôi nhà, con đường... và chính hình bóng của bạn sẽ đi vào chiếc hộp thời gian trong thời đại số như thế. Phải sống thế nào để không nuối tiếc, không hổ thẹn, tạo ra hình ảnh đẹp và ấn tượng đẹp lưu giữ trong tâm hồn những người xung quanh chúng ta mới là điều đáng nói.
Người viết nhớ đến câu danh ngôn rất thú vị của Dale Carnegie (1888-1955): "Cuộc sống làm bạn buồn chán ư? Hãy lao vào công việc bạn tin tưởng bằng tất cả trái tim, sống vì nó, chết vì nó, và bạn sẽ tìm thấy thứ hạnh phúc tưởng chừng như không bao giờ đạt được".
Có đôi khi chúng ta thấy lo âu, thấy mục tiêu xa vời. Khoảng cách đó không phải là 3 năm, 5 năm, 10 năm như xem lại một bức ảnh cũ mà là khoảng cách của năng lực, thành tích và cơ hội thực hiện... Chỉ có những người lười nhác, sợ thay đổi, ngại tư duy sẽ luôn bị bó buộc trong thời gian đằng đẵng cũ kĩ như thế. Khi bạn nỗ lực biết đâu bạn sẽ đạt được ước mơ đó trong một ngày gần nhất. Khi đó, bạn sẽ không còn ngỡ ngàng bởi không có gì là không thể.
Đó mới là sự kì diệu nhất mà thời gian tặng cho bạn!