Nguồn lực từ sự tử tế

Chủ Nhật, 08/06/2025, 15:27

Kỳ nghỉ hè đã đến. Vậy là có một thế hệ chuyển cấp, tốt nghiệp, tham gia thị trường lao động và những câu chuyện dang dở về giáo dục. Vậy mà, chưa khi nào một người viết như tôi lại có thể hình dung về một thị trường như trong bài viết: "Roi mây cháy hàng trên chợ mạng, cộng đồng tranh cãi kịch liệt" (của tác giả Tùng Lâm & Minh Nhật trên Báo Dân trí).

Trong đó có đoạn viết: “Một nghiên cứu trên Tạp chí Child Development của các nhà nghiên cứu Đại học Harvard cảnh báo, việc đánh đòn bằng roi có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ, tương tự như việc trải qua các hình thức bạo lực nghiêm trọng hơn. Theo nghiên cứu, những đứa trẻ bị đánh đòn có phản ứng thần kinh lớn hơn ở nhiều vùng của vỏ não trước trán (PFC), bao gồm cả những vùng não phản ứng với các tín hiệu đe dọa. Các phản ứng thần kinh bị thay đổi này có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định và xử lý các tình huống. Thay vào đó, các phương pháp giáo dục tích cực, dựa trên sự thấu hiểu, lắng nghe và đồng hành cùng con cái mới là chìa khóa để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và giúp trẻ phát triển toàn diện”.

nh%3fng chi%3fc roi ngày nay không th%3f giúp ích cho phuong pháp giáo d%3fc hi%3fn d%3fi-%3fnh internet.jpg.jpg -1
Những chiếc roi ngày nay không thể giúp ích cho phương pháp giáo dục hiện đại.

Từ nhan đề mang màu sắc của thế hệ cợt nhả đến những trích dẫn khoa học khiến chúng ta có một suy ngẫm: đâu chỉ cần có trách nhiệm với thế hệ tương lai mà còn cần có trách nhiệm với chính bản thân bởi sự trưởng thành của con em chúng ta nói lên trí tuệ và khát vọng của thế hệ mình.

Có thể, chiếc roi trong ca dao tục ngữ, thành ngữ sẽ phải kết thúc sứ mệnh của mình trong việc tham góp vào nền giáo dục hiện đại nhưng vẫn có một câu hỏi được đặt ra với mỗi chúng ta: Làm sao để có thêm nhiều người tử tế, việc tử tế và trách nhiệm của chúng ta phải làm gì để “khuyến thiện trừng ác”. Xưa kia, ông bà vung ngọn roi lên cốt để răn dạy, thanh lọc phần nghịch ngợm, ham chơi trong mỗi người bởi đó là mầm họa nếu không diệt trừ sẽ hình thành cái xấu, cái ác. Ngọn roi tựa như một chân lí phân định hay dở, đúng sai... Còn, hôm nay, sức mạnh mềm nào sẽ giúp ta tạo ra sự định hướng đó với các thế hệ trẻ, đặt dấu ấn cho chính thế hệ mình.

Lâu nay, điều đó đã ám ảnh người viết đi tìm câu trả lời và câu trả lời chính là một khái niệm không mới nhưng có lẽ ít được nhắc đến chính là: “Trách nhiệm xã hội”. Trách nhiệm ấy cần được hiểu như thế nào cho đúng nghĩa?

Còn nhớ, trong bài viết "Làm giàu tử tế", nhà tư vấn phát triển cộng đồng Nguyễn Hoàng Khánh Tiên từng cung cấp thông tin: “Theo mô hình kim tự tháp về CSR của giáo sư Archie Carroll (1991), doanh nghiệp thực hành trách nhiệm xã hội cần xây dựng bốn tầng trách nhiệm theo thứ tự lần lượt là Kinh tế - Pháp lý - Đạo đức - Thiện nguyện. Trong đó, tầng đầu tiên - trách nhiệm kinh tế - là nền tảng bắt buộc. Tầng thứ hai là nghĩa vụ pháp lý với yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ luật pháp địa phương cùng các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế. Tầng thứ ba là trách nhiệm đạo đức, nơi mà xã hội kỳ vọng doanh nghiệp sẽ làm những việc đúng đắn, công bằng, không gây hại đến bất cứ cộng đồng nào. Và, tầng trên cùng, là các hoạt động thiện nguyện nhằm đóng góp nguồn lực cho xã hội” (theo: vnexpress.net).

b624dac6-7974-4984-be3b-fdf779faf46c.jpg -0
Trong thời đại công nghệ bùng nổ càng cần sự tử tế, trung thực.

Thì ra, sự tử tế đó không chỉ đem lại những giá trị tinh thần nhân văn mà còn tạo ra nguồn lực xã hội. Chữ “nguồn lực” ở đây được hiểu như thế nào, có gì mới mẻ, thú vị? Đó là khi sức mạnh của văn hóa đã chuyển hóa thành giá trị vật chất và hiệu quả trong lao động. Thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng tiến bộ, văn minh hơn. Có điều, khi khoa học, công nghệ càng phát triển lại xuất hiện nhiều lực cản thách thức chúng ta thực hiện sự tử tế.

Giờ đây, giáo dục đang đứng trước cơ hội và thách thức có tên AI. Từng em học sinh có sự lựa chọn, từng thầy cô có cách để nhận diện đâu là sáng tạo thật sự, đâu là sự lợi dụng trí tuệ nhân tạo... để cùng hướng đến mục tiêu không để AI trở thành con dao hai lưỡi. Mới đây, trong bài báo có tên: "Thầy cô e ngại vì học trò dùng AI giải Toán, làm Văn", tác giả Thanh Hằng có dẫn lời thầy giáo Chung (giáo viên Toán tại một trường THCS tư thục ở Hà Nội). Thầy cho rằng: “Thay vì yêu cầu AI giải bài tập, học sinh có thể hỏi "nên dùng công thức, phương pháp nào để giải bài này?" kèm thông tin về cấp độ” (theo: vnexpress.net).

Chuyện của AI bất giác khiến chúng ta nhớ đến các câu chuyện cổ như: "Ông lão đánh cá và con cá vàng", "Aladdin và cây đèn thần", "Cây khế"... Khi có thêm sự trợ giúp, có “phép màu” để tạo ra sự bứt phá, thay đổi cuộc sống thì liệu sự tử tế có còn tồn tại? Trong thời đại mà AI đang dần hiện thực hóa mọi điều ước của con người, chính sự chân thành là điểm tựa, là hy vọng lớn lao. Hy vọng vào giá trị đích thực là căn cốt để tạo nên trật tự xã hội thời công nghệ.

Bạn từng xem những bức tranh với khung cảnh mỹ lệ được tạo ra từ sự đón bắt ý tưởng của AI. Vậy, bạn đã bao giờ để ý rằng, chính sự hồn nhiên của trẻ thơ đã tiếp thêm động lực trong cuộc sống của chúng ta.

Câu chuyện về hai em bé ngoan ở một xóm nọ từng mong muốn ông bà hàng xóm chính là ông bà nội của mình được lan tỏa trên mạng xã hội cùng câu nói: “Ước gì ông bà là ông bà nội thật của con". Bởi thế, mỗi ngày đi học về, câu chào tưởng như đã quá quen mòn: “Con chào ông bà nội". "Con chào bà nội, con chào ông nội, con đi học về”, khiến cả người con ruột của ông bà đi làm xa nhà cũng thấy ấm lòng.

s%3f t%3f t%3f chính là ngu%3fn l%3fc cho s%3f phát tri%3fn-%3fnh internet.jpg.png -2
Sự tử tế chính là nguồn lực cho phát triển.

Bà Trần Thị Ánh Tuyết (ở Đắk Lắk, người trong câu chuyện trên được hai đứa trẻ đó gọi là bà nội) đã xúc động nói: "Sự xuất hiện của mấy đứa trẻ con hàng xóm giúp vợ chồng tôi vui vẻ hơn, nhà có thêm tiếng cười khi con gái xa nhà. Ba mẹ tụi nhỏ bận đi làm nên chồng tôi thỉnh thoảng dạy các cháu học, còn tôi nấu cơm cho ăn. Tôi luôn mong bản thân và những người thân yêu có sức khỏe bởi có điều đó là có tất cả" (theo: Dương Lan, "Lan tỏa trên mạng xã hội: Lời chào 'chữa lành' của hai đứa trẻ", Báo Tuổi trẻ).

Giữa những con người ấy đâu có quan hệ huyết thống, không có lợi ích nào có thể thao túng được cách ứng xử của họ mà chỉ có một sự tử tể đã gắn kết họ lại. Bạn thử nghĩ xem, mai này các bé lớn lên từ vòng tay của chính những “ông nội, bà nội” láng giềng đầy tình yêu thương và chắc hẳn các bé sẽ trở thành người có ích cho xã hội. Rõ ràng, từ câu chuyện của chiếc roi mây, của AI và tình làng nghĩa xóm của gia đình bà Trần Thị Ánh Tuyết ở Đắk Lắk... gợi cho chúng ta một điều đáng suy ngẫm: Sự lựa chọn của bạn sẽ quyết định đến tương lai, hành động của hôm nay có trở thành giá trị cho ngày mai?

Lại nhớ, nhà toán học nổi tiếng Alexander Grothendieck (1928-2014) từng nói: “Đừng mong đợi tôi dạy bạn làm thế nào để giải một bài toán. Hãy học cách nhìn nó như một khu rừng, rồi cứ từ từ mà đi bộ trong đó”. “từ từ mà đi bộ” trong một bài toán cũng là cách mà chúng ta vừa sống vừa chiêm nghiệm, vừa tìm ra câu trả lời cho những thách thức trong cuộc sống hôm nay để có được sự tử tế để nuôi dưỡng tinh thần và lan tỏa...

Phương Việt
.
.