Quỹ học bổng Trần Văn Khê: Tiếp lửa tình yêu âm nhạc dân tộc
Tám năm sau ngày GS.TS Trần Văn Khê từ giã cõi trần, một trong những di nguyện lớn nhất của ông mới trở thành hiện thực: trao giải thưởng và học bổng cho những cá nhân hết lòng phụng hiến âm nhạc dân tộc. Từ đây, những người gắn bó với văn hóa truyền thống có thêm một nguồn động viên, tiếp lửa trên hành trình gìn giữ vốn xưa.
Ngày 23/7, đúng dịp kỷ niệm ngày sinh cố GS.TS Trần Văn Khê, Lễ trao giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê lần thứ nhất do Quỹ học bổng Trần Văn Khê tổ chức đã diễn ra tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh.
Ông Dương Trọng Dật, Giám đốc Quỹ học bổng Trần Văn Khê (gọi tắt là Quỹ Trần Văn Khê) cho biết lúc sinh thời, “cây đại thụ âm nhạc dân tộc” luôn đau đáu với văn hóa nghệ thuật dân tộc, nhất là việc lưu giữ và phát huy di sản quý báu đó với thế hệ đời sau, làm sao để sau ông, sẽ có nhiều hơn nữa những người gieo hạt, ươm mầm nuôi dưỡng dòng chảy bất tận của nền âm nhạc cổ truyền. Cũng vì nỗi trăn trở ấy mà những ngày cuối đời, ông lập bản di nguyện, trong đó điều 8 ghi rõ về việc sử dụng tiền phúng điếu trong lễ tang của mình: “Ban tang lễ có thể sử dụng số tiền này để lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng Trần Văn Khê để hằng năm phát cho người được giải thưởng nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Việt Nam".
Sau ngày Giáo sư mất, Ban tang lễ chuyển thành Nhóm thân hữu Trần Văn Khê với trách nhiệm thực hiện di nguyện của ông. Chật vật sáu năm trời, năm 2021, Quỹ Trần Văn Khê chính thức ra đời nhờ sự bắt tay giữa Nhóm thân hữu và Ban lãnh đạo Đại học Văn Lang. Sau hai năm hoạt động trong điều kiện còn quá nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí, nhân sự và đại dịch COVID, mãi đến năm nay, lễ trao giải mới diễn ra.
“Quỹ được thành lập, tuy muộn nhưng công bố đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố GS.TS Trần Văn Khê là một sự kiện rất có ý nghĩa. Trọn một đời ông theo đuổi việc nghiên cứu và phát huy sâu rộng giá trị của âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới. Các chuyên đề nghiên cứu và đào tạo của ông về đờn ca tài tử, về cải lương Việt Nam trong đối sánh với các loại hình âm nhạc, kịch nghệ của các quốc gia châu Á (pansori của Triều Tiên, kinh kịch của Trung Quốc, noh và kabuki của Nhật Bản) đã được giới âm nhạc quốc tế đánh giá rất cao. Từ sự đánh giá đó, nhiều bộ môn văn hóa - nghệ thuật dân tộc của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới" ” - bà Nguyễn Thế Thanh, Phó giám đốc Quỹ nói.
Bà Thế Thanh cho hay, Quỹ là tổ chức hoạt động phi lợi nhuận, tự nguyện, tự tạo vốn, tự trang trải kinh phí và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của Quỹ. Mục đích của Quỹ là trao giải thưởng và học bổng thường niên nhằm tôn vinh, khuyến khích những học sinh, nhà nghiên cứu và nghệ sĩ có thành tựu xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, giảng dạy, trình diễn, góp phần phát huy giá trị các loại hình âm nhạc dân tộc.
“Điều hạnh phúc nhất là Quỹ Trần Văn Khê đã nhận được những đề cử rất xứng đáng từ các trung tâm văn hóa lớn của đất nước là Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh. Trong danh sách đề cử cho lần trao giải thưởng và học bổng lần đầu tiên, có những bậc trí thức - nghệ sĩ gần 90 tuổi, có em học sinh mới 11 tuổi, có sinh viên khiếm thị tài năng và những người thuộc thế hệ cầu nối thực tài, thực tâm trong nghiên cứu, giảng dạy và biểu diễn âm nhạc dân tộc" - bà chia sẻ.
Tại lễ trao giải, giải thưởng Trần Văn Khê đã được trao cho sáu cá nhân có nhiều thành tựu và đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn, quảng bá, phát huy âm nhạc truyền thống Việt Nam gồm: NSƯT Nguyễn Văn Đời; PGS.TS Đặng Hoành Loan; nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Bùi Trọng Hiền; NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng, Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh; NSƯT Cồ Huy Hùng, Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng.
NSƯT Hải Phượng vốn được coi là học trò “chân truyền” của GS Trần Văn Khê. Nay nhận giải thưởng mang tên người thầy kính yêu, chị rưng rưng: “Thầy thường hay nói một cái cây mà muốn ra hoa đẹp, cành lá xanh tươi thì cần có một bộ rễ tốt. Nhớ lời thầy, chúng tôi luôn chú trọng đến việc hát những bài bản xưa, lưu giữ những bài bản cổ truyền, làm cái gốc vững vàng cho nhiều thế hệ có thể quay về".
Không chỉ dừng lại ở việc tôn vinh, tiếp lửa cho người cùng chí hướng, Quỹ Trần Văn Khê còn là nơi phát hiện, vun đắp những mầm xanh kế cận. Học bổng được trao cho chín sinh viên, học sinh xuất sắc của các trường đào tạo âm nhạc trên cả nước.
Nổi bật nhất là chàng trai khiếm thị Nguyễn Đức Thiện (sinh năm 2000), chuyên ngành “Sáo trúc”, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Nhận học bổng, Thiện vui mừng chia sẻ: “Học bổng Trần Văn Khê là nguồn động viên quý báu, tiếp thêm sức mạnh cho tôi trong việc phát triển ban nhạc dân tộc mang tên Nắng Mới. Tôi sẽ chú tâm dạy các em nhỏ ở thế hệ kế cận, tạo điều kiện để các em tham gia trình diễn cùng và đặc biệt là dành thời gian phát triển nhóm hát xẩm Tâm Việt của mình”.
Học viên nhỏ tuổi nhất được trao học bổng là em Huỳnh Tuệ Lâm. Tuy mới 11 tuổi, cô bé đã có nhiều năm gắn bó với tiếng đàn tranh. Ước mơ của Tuệ Lâm là tiếp nối con đường của vị Giáo sư đáng kính, đưa tiếng đàn tranh vang vọng khắp năm châu.
Từng gắn bó thân thiết với Giáo sư Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phan Nhứt Dũng cho hay điều đáng ngưỡng mộ ở “cây đại thụ âm nhạc dân tộc” này chính là sự quan tâm, động viên và nâng đỡ thế hệ trẻ trên hành trình khám phá, phát huy di sản tiền nhân. Ông chẳng bao giờ coi mình là bậc bề trên để chê bai người trẻ.
NSƯT Thành Lộc nhớ mãi lần dựng vở kịch “Bí mật vườn Lệ Chi”. Anh nhờ nhạc sĩ Trần Vương Thạch soạn nhạc với chất liệu là ca trù nhưng lại hát trên nền nhạc điện tử bắt tai. Sự kết hợp này mang lại một màu sắc mới mẻ, vừa cổ điển vừa hiện đại khiến khán giả trẻ vô cùng thích thú. Đến xem, Giáo sư Trần Văn Khê vô cùng xúc động với cách sáng tạo này. Vở kết thúc, ông đích thân ra sau cánh gà ôm chầm lấy Thành Lộc và khen: “Thầy thích vở diễn này quá. Hay nhất là phần âm nhạc. Một sự kết hợp rất độc đáo”.
Nhớ lại kỷ niệm này, NSƯT Thành Lộc đề xuất với Ban giám đốc Quỹ Trần Văn Khê: “Tôi mong thời gian tới, giải thưởng của Quỹ mở rộng ra với những cá nhân có tác phẩm hay công trình nghiên cứu lấy cảm hứng từ âm nhạc dân tộc. Bởi ngày nay, để văn hóa dân tộc tiếp cận được với giới trẻ, và xa hơn là đến với bạn bè quốc tế, không ít nghệ sĩ kết hợp giữa yếu tố dân tộc với yếu tố hiện đại, giữa cái mới và cái cũ trong tác phẩm của mình. Việc chúng tôi kết hợp ca trù với dàn nhạc điện tử trong vở “Bí mật vườn Lệ Chi” là một ví dụ. Bác Khê rất ủng hộ cách làm này nên tôi nghĩ sau này giải nên trao tặng thêm cho các cá nhân thực hiện nghệ thuật đương đại nhưng vẫn giữ được hồn dân tộc, đặc biệt là phần âm nhạc”.
Rõ ràng thời gian gần đây có rất nhiều sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ trẻ lấy cảm hứng từ chất liệu truyền thống. Các MV “Thị Màu” của Hòa Minzy; “Để Mị nói cho mà nghe”, “Gieo quẻ” của Hoàng Thùy Linh hay “Về nghe mẹ ru” của NSND Bạch Tuyết và ca sĩ Hoàng Dũng… đều gây sốt bởi chất liệu dân gian chèo, tuồng, cải lương, dân ca… thăng hoa trong giai điệu pop, rock, RnB… thời thượng.
Khán giả, đặc biệt là lớp trẻ và fan ngoại quốc đón nhận vô cùng nồng nhiệt. Nhờ những MV gây sốt làm chiếc cầu nối, họ lần tìm về chèo, cải lương nguyên bản để tìm hiểu nét đẹp của nó. Nếu Quỹ Trần Văn Khê mở rộng xét giải với những tác phẩm như thế, tin rằng sức lan tỏa của giải không chỉ khu biệt trong âm nhạc truyền thống thuần túy. Nói như NSƯT Thành Lộc: “Sự mở rộng và tôn vinh này khích lệ người làm nghệ thuật đương đại, khuyến khích họ nỗ lực hơn nữa trong việc thể hiện hồn dân tộc trong âm nhạc đương đại. Đó cũng là cách thu hút sự quan tâm của giới trẻ đến giải thưởng Trần Văn Khê”.