Quy định đừng chỉ để “cho vui”

Thứ Sáu, 17/09/2021, 10:00

Nghệ sĩ là những người có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng và đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội. Nhất là đối với những nghệ sĩ nổi tiếng thì mỗi hình ảnh đăng trên trang cá nhân, mỗi lời nói, hành động trong đời thường của họ có thể tạo ra những hiệu ứng xã hội rất lớn không chỉ với những người thường xuyên theo dõi mà với cả cộng đồng.

Nghệ sĩ thường là người có một năng lực, sở trường riêng để sáng tạo, thể hiện các tác phẩm, nghệ thuật, có sức mạnh lay động lòng người, gieo vào trái tim người đọc, người xem những điều tốt đẹp, hướng đến những giá trị của chân - thiện - mỹ, tác động trực tiếp vào tư tưởng, tình cảm, thái độ của người tiếp nhận, làm thay đổi nhận thức, hành động của công chúng.

Sau những lời tán dương về những thành công từ  các cuộc thi nghệ thuật, sau ánh đèn sâu khấu có nhiều nghệ sĩ sống bình dị, lặng lẽ, say mê với nghề đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị. Những cống hiến to lớn của họ ở phương diện nghệ thuật đã góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, lối sống đẹp cho thế hệ trẻ; kiến tạo môi trường văn hóa lành mạnh, nhân văn; quảng bá vẻ đẹp hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế; tạo động lực to lớn cho quá trình phát triển bền vững của đất nước.

img_0258.jpg -0
Được cho là “cô tiên” từ thiện thì mới đây, dư luận bàng hoàng trước thông tin vợ chồng ca sĩ Thuỷ Tiên - Công Vinh bị tố ăn chặn hàng chục tỷ đồng từ công việc thiện nguyện.

Tiếc thay, một số nghệ sĩ chưa ý thức rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, chưa thấy được mối quan hệ giữa người nghệ sĩ - công dân nên thường để cho cái tôi cá nhân, chủ quan lấn át, chi phối, ứng xử theo kiểu bản năng và đã gây cho công chúng những sự khó chịu không đáng có. Khi có tiền, có tên tuổi trong làng giải trí, được nhiều công ty, đơn vị tổ chức sự kiện nghệ thuật săn đón, một số nghệ sĩ trẻ có “mắc bệnh ngôi sao”, cho mình là nhất, cố tạo phong cách sang chảnh, sành điệu. Họ tự do thể hiện, tự do bóc mẽ và lăng xê bản thân, đánh bóng tên tuổi không chút ngại ngần, không để ý xem sau những phút nổi tiếng, đem lại cho họ những lợi ích tức thời, thì sau đó họ còn lại những gì, dư luận đánh giá họ ra sao… hay chỉ làm những người đã từng yêu mến họ cảm thấy buồn, bị tổn thương và rất nhiều ấn tượng đẹp họ tạo ra trước đó trong lòng công chúng bị hoen ố.

Những vụ việc gây ồn ào dư luận và cộng đồng mạng thời gian qua liên quan đến phát ngôn thiếu chuẩn mực, thiếu văn hóa của nghệ sĩ; “tặc lưỡi" tham gia đóng quảng cáo vì tiền thù lao cao nên họ vô tư nói theo ý của nhà sản xuất không đúng công dụng, mục đích của sản phẩm, gây hậu quả cho người tiêu dùng; rồi cả vấn đề nghệ sĩ “nuôi tài năng trẻ” và mới đây là những lùm xùm khi một số nghệ sĩ nổi tiếng bị tố ăn chặn tiền quyên góp làm từ thiện đang làm “ô nhiễm” đời sống tinh thần xã hội. Hành vi ứng xử không chuẩn mực của cá nhân mỗi nghệ sĩ tuy chỉ là một giọt nước, nhưng nhiều giọt nước có thể hóa thành cơn lũ về tình trạng xuống cấp đạo đức, suy thoái về văn hóa.

Nhiều nghệ sĩ thiếu hiểu biết về pháp luật và kỹ năng ứng phó, xử lý thông tin, truyền thông để cho những vụ việc vốn đơn giản trở nên phức tạp, và khi bị đẩy đi quá xa, họ mới sực tỉnh và nhận ra lỗi lầm. Điều này đặt ra nhiều vấn đề về tư cách, phẩm chất đạo đức, lối sống, đặc biệt là trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ với công chúng, với việc kiến tạo đời sống tinh thần lành mạnh ở nước ta hiện nay.

Trong bối cảnh đó thì việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang biên soạn Dự thảo Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ, bao gồm: Hành vi ứng xử ở đây là những phát ngôn, tác phong, lối sống, trang phục của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và đang được lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia văn hóa, các hội chuyên môn... Đây được cho là một động thái tích cực trong nỗ lực nhằm nâng cao ý thức hành xử của các nghệ sĩ thời nay.

Tuy nhiên, đã có những tranh luận ngay trong chính giới nghệ sĩ và ngay cả một số chuyên gia văn hóa cho rằng, Bộ Quy tắc ứng xử của các nghệ sĩ vạch ra cái gì nên làm, cái gì không nên làm sẽ góp phần chấn chỉnh, hạn chế các hành vi ứng xử thiếu văn hóa, nhưng lại không có chế tài. Điều này đồng nghĩa với việc trông chờ vào ý thức tự giác, sự tự nguyện và đạo đức của nghệ sĩ. Như vậy, nhiều người sẽ xem thường, không quan tâm, không sợ thì thử hỏi Bộ Quy tắc này có tác dụng gì không? Dư luận lo rằng khi không có chế tài thì bộ Quy tắc này sẽ chưa đủ mạnh để làm trong sạch môi trường hoạt động nghệ thuật trong giới nghệ sĩ.

Suy cho cùng, làm việc gì, ở ngành nghề, lĩnh vực nào thì cũng cần có những chuẩn mực và có bộ khung pháp lý để căn cứ vào đó, ai làm sai sẽ xử phạt, ai làm tốt thì được biểu dương, khen thưởng. Nếu không khó mà làm nghiêm túc được… Xin đừng “đẻ” ra quy định để cho vui mà không có hiệu quả thiết thực.

Cù Tất Dũng
.
.