Bi hài chuyện nghệ sĩ nhận gói hỗ trợ vì ảnh hưởng từ COVID-19

Thứ Năm, 09/09/2021, 14:29

Sự việc vô cùng nóng, gây xôn xao, rầm rĩ trên các trang mạng xã hội những ngày qua khi một số ngôi sao hạng A, người của công chúng, nổi tiếng về độ giàu có lại được nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng do Covid-19.

Đây là gói hỗ trợ của Nhà nước được duyệt qua nhiều cấp từ Trung ương đến địa phương, riêng tại Hà Nội, danh sách ban đầu có 99 nghệ sĩ thuộc 6 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội, gồm: Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội và Nhà hát Múa rối Thăng Long. Trong số đó, một số nghệ sĩ đã vô cùng ngạc nhiên, bất ngờ khi thấy mình có tên trong danh sách thuộc diện được nhận hỗ trợ và họ đã không nhận số tiền ấy với lý do: "Còn có quá nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn mình, nên nhường lại cho anh chị em khác trong nhà hát".

Nhiều ý kiến trái chiều

Phải nói ngay rằng, việc các đơn vị nghệ thuật được nhận tiền hỗ trợ từ kinh phí của Nhà nước không phải là việc được bàn một sớm một chiều mà sự việc này đã được Bộ Văn hoá -Thể thao và Du lịch lên khuôn từ những ngày đầu tháng 6 năm 2021. Sau nhiều họp bàn, ngày 18 tháng 6 năm 2021, Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông ký văn bản gửi tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Bộ này kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ bổ sung hai đối tượng là nghệ sĩ và hướng dẫn viên du lịch vào danh sách cần được hỗ trợ do khó khăn bởi dịch Covid-19.

Theo đó, ngày 21 tháng 7, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành chính sách bổ sung kinh phí năm 2021 cho Sở Văn hoá và Thể thao để thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, cũng như hỗ trợ đối với các viên chức hoạt động nghệ thuật. Theo quy định của đợt hỗ trợ vừa qua, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch yêu cầu các Nhà hát trình danh sách các nghệ sỹ được hỗ trợ: Quy định đối tượng nhận được gói hỗ trợ là những đạo diễn, diễn viên, hoạ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV (nghệ sĩ có bằng cấp Cao đẳng, Trung cấp) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B (từ hệ số lương 1,86 đến 4,06 trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn thuộc 6 nhà hát trực thuộc Sở. Mỗi người được nhận số tiền 3,7 triệu đồng.

Bi hài chuyện nghệ sĩ nhận gói hỗ trợ vì ảnh hưởng từ COVID-19 -0
Hồng Đăng, Ngọc Quỳnh và Thanh Hương là ba trong số những nghệ sĩ được nhận gói cứu trợ do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, nhưng họ đã trả lại.

Tuy nhiên, ngay sau khi bắt đầu triển khai nguồn tiền đưa về các Nhà hát để phân chia đến tay nghệ sĩ đã bị những luồng ý kiến trái chiều, gây tâm lý bức xúc và bi hài trong giới nghệ sĩ và công chúng. Vì trong danh sách 99 nghệ sĩ được thụ hưởng gói hỗ trợ có không ít tên tuổi diễn viên là những ngôi sao nghệ thuật như: Hồng Đăng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh, Thuý Hà, Thiện Tùng, Mạnh Cường, Phùng Tiến Minh, Đông Hùng. Một số người trong số họ sở hữu cả những căn biệt thự, nhà vườn, xế hộp. Ngay sau khi biết có tên trong danh sách, nhiều nghệ sĩ đã không nhận và vô cùng ngạc nhiên vì không hiểu tại sao tên của mình lại nằm trong thành phần cần phải cứu trợ. Nhiều người trong số họ đã nhường lại phần tiền ấy cho các nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn hơn. 

Nhiều nghệ sĩ chỉ tốt nghiệp bằng Trung cấp, Cao đẳng thậm chí chẳng qua trường lớp gì nhưng vẫn có thể trở thành ngôi sao trên bầu trời nghệ thuật nhờ vào tài năng thiên bẩm và tự học hỏi. Khi đã nổi  tiếng, họ có thể có catse khủng với hàng trăm triệu khi đi biểu diễn các event, đóng quảng cáo, có mặt tại một buổi khai trương của một cơ sở tư nhân, sẽ có catse hàng chục triệu, vậy thì liệu họ có thật sự cần nhận tiền hỗ trợ người bị Covid-19 làm ảnh hưởng?

Từ thực tế cho thấy, dịch bệnh kéo dài khiến cho không ít các nghệ sỹ có bằng Đại học, Thạc sỹ thậm chí là Tiến sỹ cũng vật vã mưu sinh, phải chạy ăn đong từng bữa, họ phải làm thêm nhiều nghề phụ để kiếm thêm thu nhập. Một đại diện trong nhà hát đã phải thốt lên về quy chế nhận tiền cứu trợ này: "Khổ nhất mấy bạn ít sô mà lại không phải ngôi sao, nhưng vì có bằng Đại học nên không thuộc đối tượng. Gói này của Bộ đề xuất cho Chính phủ chưa phản ánh đúng nhu cầu thực tế của cuộc sống. Rất mong Nhà nước có sự điều chỉnh để chính sách hỗ trợ thực sự đến được với người cần nó".

Cần bổ sung chính sách cứu trợ - NSND Trịnh Thuý Mùi (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam)

Bi hài chuyện nghệ sĩ nhận gói hỗ trợ vì ảnh hưởng từ COVID-19 -0

- Là người đại diện cho giới nghệ sĩ sân khấu, chị thấy sự vụ ồn ào mấy ngày qua về gói cứu trợ của Nhà nước cho 6 đơn vị nghệ thuật trực thuộc TP Hà Nội như thế nào?

+  Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch vừa thông qua danh sách các nghệ sỹ khó khăn cần được hỗ trợ bởi dịch bệnh Covid-19. Đây là hành động rất thiết thực, chủ trương ấy rất đúng vì qua một thời gian dài dịch Covid-19 làm đóng băng các hoạt động VHNT thì nhiều nghệ sĩ lâm vào cảnh vô cùng khó khăn, nhất là các nghệ sĩ thuộc bộ môn sân khấu truyền thống và dân gian.

Mức lương nghệ sĩ 2 - 3 triệu thì sống làm sao?! Trong hàng ngàn trường hợp thì có vài trường hợp chưa chính xác, tỉ lệ ấy rất ít rơi vào một số các ngôi sao, thì nghị định ấy đâu có phải là sai. Suy cho cùng bảng lương trong nhà hát của các nghệ sĩ ngôi sao ấy cũng rất thấp. Hỗ trợ là cần cho người cần, chứ không cần người ta không bao giờ nhận cả. Nghệ sĩ họ thường có tự trọng cao.

Sở hay Bộ thì cũng lấy từ danh sách ở dưới Nhà hát đưa lên. Khi Nhà hát đưa danh sách lên thấy những nghệ sĩ không ở trong cái diện ấy thì mình tự bỏ ra. Hoặc trong nhà hát có trường hợp khó khăn thì mình cũng nên đưa vào. Tất cả mọi nghị định thì cũng có văn bản dưới nghị định là thông tư hướng dẫn chứ? Chứ không phả nghị định ra 1.000 trường hợp trúng cả 1.000 trường hợp được. 

- Chị có kiến nghị gì với Chính phủ về gói cứu trợ cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19?

+ Hiện nay đã có được chế độ tương đối chính xác nhưng vẫn còn rất nhiều trường hợp không được hỗ trợ mà đáng lý rất cần được hộ trợ, nên cũng cần phải bổ sung thêm. Ví dụ gói cứu trợ cho lao động hợp đồng trong Nhà hát công lập và những nghệ sĩ ngoài công lập (các đơn vị nghệ thuật sân khấu xã hội hoá) có thu nhập thấp. Thậm chí là những người phục vụ cả đời trong đơn vị nghệ thuật, làm những công việc hậu đài, âm thanh, ánh sáng, phục trang, đạo cụ, mỹ thuật. Đấy mới chính là những người đói nhất, túng thiếu nhất.

Dịch giã kéo dài liên miên thế này đương nhiên các đơn vị nghệ thuật công lập vẫn có lương, còn các đơn vị xã hội hoá ảnh hưởng do dịch không biểu diễn được thì không có lương, hoàn toàn không có nguồn thu nhập gì, nên họ cũng là đối tượng rất cần được quan tâm, cứu trợ.

Ngoài ra, cần bổ sung cứu trợ cho lao động hợp đồng trong các đơn vị nghệ thuật công lập vì ở thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, có những nghệ sĩ lại bị cắt hợp đồng. Bởi vì nhà hát không kiếm được nguồn thu thì cũng không thể nuôi được nhân viên hoặc nuôi ở mức rất thấp, không đủ tiền thuê nhà chứ đừng nói đến tiền sinh hoạt. Đấy là những trường hợp nằm vào thành phần yếu thế mà chính sách không quan tâm được hết thì đấy cũng là không thoả đáng.

- Một miếng khi đói bằng một gói khi no, những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật cần lắm sự quan tâm kịp thời của các đơn vị chủ quản, và cơ chế chính sách của Nhà nước hợp lý đến tận tay người cần được cứu trợ...

+ Tháng 8 vừa qua, tôi cùng Hội Nghệ sỹ sân khấu TP Hồ Chí Minh, nơi đang là điểm nóng của tâm dịch, gửi đến 180 người làm công tác hậu đài cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu của TP Hồ Chí Minh mỗi suất 1 triệu đồng. Hội cũng không có tiền, không có cơ chế chính sách nào cả nhưng mọi người đang trong vùng tâm dịch cực kì khó khăn. Vừa rồi Bắc Ninh, Bắc Giang, tiếp đến TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Long An, Đồng Nai, Bình Dương nơi nghệ sĩ trong tâm dịch mới khổ không nhúc nhắc được do ảnh hưởng của dịch bệnh quá lớn, quá lâu. Các nghệ sĩ như lao động công nhật ấy, ráo mồ hôi là hết tiền. Không biểu diễn là không có bồi dưỡng, không có tiền để sinh sống. Người nghệ sĩ chỉ trông vào tiền bồi dưỡng đêm diễn, còn tiền lương của Nhà nước thì thú thật là chưa thể đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Nhưng Hội cũng chỉ hỗ trợ được một vài điểm trọng tâm chứ không đủ để đi khắp các đơn vị nghệ thuật khó khăn trong cả nước.

- Xin cảm ơn chị.

Phải làm từ dưới cơ sở lên - Nhà lý luận phê bình Ngô Thảo (Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam)

Bi hài chuyện nghệ sĩ nhận gói hỗ trợ vì ảnh hưởng từ COVID-19 -0

Quy định từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch xuống Sở Văn hoá Hà Nội, rồi từ Sở đưa văn bản xuống nhà hát. Nhà hát cứ theo văn bản quy định mức lương thấp thuộc ba thành phần đạo diễn, diễn viên, hoạ sĩ mà đưa danh sách vào. Chúng ta ban hành chính sách lương thấp là được hỗ trợ nhưng trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay, lương thấp không có nghĩa là thu nhập thấp. Người nghệ sĩ lương thấp nhưng là một soliste trong nhà hát, là diễn viên hạng A có thể được mời đóng quảng cáo có catse hàng trăm triệu, đi dự sự kiện event hàng ngàn đô. Thời đại 4.0 một số ngôi sao (thuộc thành phần lương thấp) vẫn có thể livestream bán hàng trên các trang mạng xã hội để có thu nhập khủng.

Sự việc vừa qua cho thấy quan liêu về giấy tờ, về việc chọn đối tượng. Danh sách trong nhà hát có những trường hợp cần phải hỗ trợ từ người lao động thuộc diện khó khăn, thành phần lao động hợp đồng, người lao động không có lương. Đáng lý là phải làm từ dưới lên chứ đằng này lại làm từ trên xuống. Đạo diễn và hoạ sĩ cũng không phải là người khó khăn nhất trong nhà hát mà là những người làm công tác hậu trường (âm thanh, ánh sáng, phục trang, đạo cụ) vậy mà họ lại không có tên trong danh sách được cứu trợ.

Từ gói hỗ trợ là mang tính chất nhân đạo thì phải căn cứ vào thực tế chứ không nên mang quy định ra áp dụng, vì nếu mang quy định ra áp dụng máy móc thì mất hết ý nghĩa của việc hỗ trợ nhân đạo. Qua đợt cứu trợ vừa qua thì ta thấy rõ việc chúng ta đang làm còn mang tính hình thức, chỉ ở cái vỏ mà chưa đi vào cái lõi.

Của cho không bằng cách cho - PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái

Bi hài chuyện nghệ sĩ nhận gói hỗ trợ vì ảnh hưởng từ COVID-19 -0

- Là một nhà báo, một giảng viên đại học, kiêm nhà lý luận phê bình sân khấu, chặng đường dài gắn bó với sân khấu từ thưở tuổi trẻ cho đến nay, hẳn cô quan tâm đến sự ồn ào của gói cứu trợ của Nhà nước cho các nghệ sĩ sân khấu Hà Nội bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong mấy ngày qua?

+ Tôi có biết chuyện này trên các phương tiện truyền thông. Trước hết, cần phải nói rằng, dịch bệnh này gây ra rất nhiều những hệ luỵ khốn khổ cho bất cứ tầng lớp nào trong xã hội, nó không chừa ai từ người giàu cho đến người nghèo. Vấn đề đặt ra là phải giúp đỡ tất cả những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đấy là một chủ trương đường lối vô cùng đúng, cả thế giới người ta thực hiện chứ không chỉ một mình Việt Nam.

Nhưng vấn đề là giữa những người khác nhau về vị trí xã hội, nguồn tài sản, và thu nhập cá nhân khác nhau, vậy thì tiêu chí phải rất cụ thể và sát thực đối với tình hình. Ở việc vừa rồi thì tiêu chí không hề rõ ràng và người thực hiện tiêu chí này cực kì máy móc và không hề để ý đến tình hình thực tế. Bởi vì một số nghệ sĩ được nhận tiền cứu trợ đã trả lại không nhận. Người ta thấy có những người khác khổ hơn mình rất nhiều. Tiêu chí của cứu trợ là nhằm cứu trợ những người thiếu đói. Họ nhìn quanh, biết bao đồng nghiệp của mình ở ngoài kia đang chạy ăn từng bữa toát mồ hôi, còn chưa nhận được tiền cứu trợ thì tại sao tôi lại được?! Người tử tế thì bao giờ người ta cũng từ chối, và tôi nghĩ những nghệ sĩ tử tế đã từ chối rồi.

- Theo cô, do đâu lại để xảy ra tình trạng này?

+ Trong 99 người được thụ hưởng ấy, không phải ai cũng vui lòng cầm cái số tiền gần 4 triệu đồng ấy đâu. Ở đây đã có những người trả lại, tại sao lại để xảy ra chuyện như vậy, bởi vì người trao số tiền ấy không xác thực, quan liêu bao cấp, cào bằng. Và những người nhận là những người tử tế và có lòng tự trọng, người ta thấy cần phải nhường suất đấy cho những nghệ sĩ khác khó khăn hơn.

Nhà nước giao cho anh tiền đi cứu trợ cho nghệ sĩ đói kém, khổ ải, chịu đựng Covid-19 một cách vô cùng nhọc nhằn, thì mình phải xét từng hoàn cảnh cụ thể chứ. Tiêu chí duy nhất là đưa phần quà của Nhà nước đến tận tay người đáng cứu trợ. Vậy thì người nghệ sĩ được cứu trợ có những tiêu chuẩn nào? Đó là người không thể nào đi ra chợ mua đồ ăn được vì không có tiền, không có lương căn bản để có thể qua được đợt dịch này, thì anh phải điều tra chứ, giời ạ?! Anh trao những phần quà đấy không nghiên cứu, nhắm mắt cứ thế mà làm bừa. Đây là tệ quan liêu bao cấp không thể chấp nhận được, không sâu sát.  

Phải đối thoại chứ. Trời ơi, bây giờ nhà hát có việc gì làm đâu, không dựng vở, không đi chỗ này chỗ khác để biểu diễn, chỉ có việc nhận cứu tế của Nhà nước bởi vì Covid-19 đã gây ảnh hưởng rất khủng khiếp đến đời sống kinh tế của những người đang làm việc, đang có lương, đang sống bình thường và bây giờ bị dịch bệnh đe doạ không có gì ăn hoặc cái ăn kém đến cái mức lâm vào tình trạng túng thiếu.

Đây anh đưa chả biết ai vào với ai cả, thậm chí anh đưa danh sách 99 người, người được đưa tên vào, người ta cũng chả biết. Để người ta phải giật mình tự hỏi: "Ơ làm thế nào mà mình lại vào đây nhỉ?". 99 người thì đến gần phân nửa là không chính xác. Mà tại sao lại là 99?! Tôi nghĩ người nghệ sĩ thiếu đói ở phạm vi 6 nhà hát đấy nhiều hơn con số 99 nhiều. Người nghệ sĩ ra sân khấu biểu diễn thì phải người lo chiếu đèn, phục trang, hoá trang, nhắc vở, âm thanh, ánh sáng, tất cả những người làm những công việc hậu đài đấy có thu nhập cực kì thấp và người ta thiếu đói thật sự thì lại không có tên, không được nhận.

- Nhân vô thập toàn, sai thì sửa, và sửa ngay khi chưa quá muộn, cô có cho như vậy là cần thiết?

+ Qua cái chuyện này lộ ra một nhược điểm kinh khủng là chả hiểu biết gì về việc đưa gói tài trợ, cứu trợ đến cho những người cần thiết nên trật lấc. Người ta có quyền suy luận: Ngay Thủ đô, trung tâm Hà Nội mà còn xảy ra như thế thì không hiểu các tỉnh vùng sâu, vùng xa, ở nơi heo hút, tít tận ở trên Tây Bắc, Kiên Giang, xa lắc mù khơi thì như thế nào??? Giữa Thủ đô Hà Nội mà xảy ra một chuyện như thế thì tôi mới biết là: "À, lãnh đạo của UBND, Sở Văn hoá người ta hời hợt và chả thực tế, không thấu tình đạt lý. Tiền Nhà nước trao cho để đưa đi phân bổ một cách vô cớ, vô lý như thế. Vậy liệu có nên suy nghĩ và điều chỉnh không? Liệu có nên xin lỗi và liệu có nên phải làm lại không? Vậy nên các cụ nói rồi của cho không bằng cách cho.

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.