Ông Tây hơn 30 năm "săn" áo dài Việt

Thứ Tư, 10/02/2021, 12:27
Ghé trung tâm quận 1, TP Hồ Chí Minh vào những ngày cuối tuần hay lễ Tết, thế nào người ta cũng bắt gặp một ông Tây đội mũ tai bèo, cổ lủng lẳng chiếc máy ảnh, lang thang khắp ngõ ngách để săn hình. Gặp những cô gái diện áo dài, đôi mắt xanh của ông sáng bừng như bắt gặp kho báu, chiếc máy ảnh không ngừng kêu tanh tách. Với ông, áo dài Việt là vẻ đẹp vô tận mà ông mải miết đi tìm từ hồi còn là cậu thanh niên đôi mươi...


Mê áo dài từ tình yêu sét đánh

Một ngày cận Tết, tôi cùng mấy chị bạn xúng xính áo dài ra phố Ông Đồ chụp hình. Đang tạo dáng cho anh đồng nghiệp chụp bằng điện thoại thì bỗng một ông Tây cứ liên tục đi theo chúng tôi mà bấm máy bằng chiếc máy ảnh khá xịn xò. Mỗi lần chụp được một khoảnh khắc, ông lại đưa ngón tay cái lên bày tỏ tâm đắc kèm tiếng trầm trồ bằng tiếng Việt: “Đẹp lắm! Đẹp lắm!”. 

Chúng tôi ai cũng ngạc nhiên trước ông Tây nhiệt tình làm phó nháy miễn phí này. Hỏi ông là người nước nào, ông hồ hởi trả lời bằng cái giọng miền Nam ngồ ngộ: “Tôi là người Hoa”. Chờ đến khi trán người hỏi nhăn tít vì không thể cắt nghĩa tại sao ông Tây mắt xanh, mũi lõ này mà lại là người gốc Á thì ông cười, nháy mắt tinh nghịch: “Tôi là người Hoa, nhưng là… Hoa Kỳ!”. Tiếng cười được dịp giòn tan góc phố.

Michael Abadie hay lang thang khu trung tâm TP Hồ Chí Minh để “săn ảnh” áo dài.

Ông tên đầy đủ là Michael Abadie nhưng người quen thân vẫn thường gọi ông Tây 67 tuổi ấy là Mai Cồ. Trò chuyện một hồi, người đối diện càng lúc càng khoái ông Tây vui tính ấy. Vốn tiếng Việt của Mai Cồ khiến lắm người Việt chào thua. Bởi ông không chỉ nói sõi, rành ca dao tục ngữ Việt Nam, mà còn biết xài cả tiếng lóng, cách chơi chữ, nói lái. Ông ăn nước mắm, mắm tôm tì tì không kém cạnh ai.

Có lẽ gắn bó với Việt Nam bằng một tình yêu sét đánh nên cả đời Mai Cồ dành hết cho Việt Nam. Thuở đôi mươi, chàng trai lịch lãm của New York tình cờ gặp trên đường phố người con gái Việt Nam bé nhỏ. Nàng mang tên Tuyết Lê. Nước da ngăm Á Đông nổi bật trong tà áo dài trắng khiến Mai Cồ mê mẩn. Đó là lần đầu tiên Mai Cồ được ngắm áo dài giữa thành phố xa hoa, lộng lẫy của Mỹ. 

Ông thú thật: “Tôi đã bị sét đánh ngay từ lần đầu nhìn thấy cô ấy”. Không chần chừ, ông chạy theo xin nàng cho mình chụp một tấm hình chân dung bên khu vườn đầy hoa. Không lâu sau, họ thành bạn. Càng ngày càng cảm mến giọng nói, cách suy nghĩ, sự duyên dáng của nàng, Mai Cồ quyết định theo đuổi người con gái xa lạ này. Trồng cây si mãi, một ngày Mai Cồ hét lên sung sướng khi cuối cùng Tuyết Lê đồng ý nhận lời cầu hôn. Nhờ vợ mình, ông bắt đầu chụp những tấm hình đầu tiên về áo dài Việt. 

Trước khi quen Tuyết Lê, Mai Cồ chỉ biết đến Việt Nam với những câu chuyện về chiến tranh. Đất nước đó với ông vẫn còn nhiều bí ẩn. Đến khi có vợ Việt Nam, ông nghe nhiều thông tin hơn về quê vợ nhờ những người thân bên ngoại thỉnh thoảng ghé thăm hai vợ chồng. 

Để rồi khi mối lương duyên giữa hai nửa bán cầu thêm nồng đậm, Mai Cồ nôn nóng muốn về thăm quê vợ một lần dù Việt Nam thời điểm đó đang bị Mỹ cấm vận. Nhờ sự giúp đỡ của một người bạn trong Bộ Ngoại giao, cuối cùng vợ chồng ông cũng bước được xuống phi trường Tân Sơn Nhất. 

Lần đầu về quê vợ vào đúng dịp Tết 1988, người đàn ông vốn quen với New York hiện đại, náo nhiệt bậc nhất thế giới bị choáng ngợp bởi sự hiền hòa, thanh bình của Việt Nam. Đường phố vắng vẻ, các phương tiện giao thông chủ yếu là xe đạp. 

Bức ảnh đầu tiên ông chụp là đường hoa Nguyễn Huệ với muôn hồng ngàn tía. Nhưng ấn tượng nhất với Mai Cồ vẫn là những tà áo dài duyên dáng, rực rỡ của thiếu nữ Sài Gòn khoe sắc trên đường phố. Ông như lạc vào cõi thần tiên và nhanh chóng mê đắm xứ sở xa lạ này. 

Michael nhớ lại cái Tết Việt đầu tiên: “Nhà ba mẹ vợ tôi ở quận 4 khá cũ kỹ, nghèo nàn vì đông con. Vậy mà Tết đến, ngôi nhà như được thay chiếc áo mới khi mọi người trang hoàng, dọn dẹp. Tôi thích thú ngắm những cành mai, hoa vạn thọ, những tờ lịch và giấy trang trí dán khắp nhà. Mọi người cũng vậy, ai cũng đẹp hơn với quần áo mới. Đêm giao thừa, tôi lần đầu được ăn bánh tét với hột vịt thịt kho cùng dưa kiệu, giá, cải chua và thấy sao mà ngon lạ lùng. Ai cũng gắp cho tôi ăn nhiệt tình đến mức tôi đứng dậy không nổi vì no”.

Một bức ảnh phụ nữ Việt với bộ áo dài do Michael Abadie thực hiện.

Đất nước Việt Nam lúc đó mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, chật vật. Vậy mà ở bất cứ đâu, dù gian khó đến mấy, nụ cười lạc quan, thân thiện hiếu khách luôn hiển hiện trên môi người bản xứ. Điều đó khiến Mai Cồ kinh ngạc và vô cùng khâm phục. Tất cả níu chân ông để từ năm 1988 đến 1995, năm nào ông và vợ cũng cố gắng sắp xếp về Việt Nam ăn Tết. 

Khi mối quan hệ Việt - Mỹ trở lại bình thường hóa, ông đi đến quyết định táo bạo: rời bỏ New York và sự nghiệp đáng mơ ước ở Mỹ để cùng vợ về TP Hồ Chí Minh sinh sống đến cuối đời. Cắt nghĩa lý do, ông nhún vai đơn giản: “Đã yêu vợ thì việc gì mình cũng theo đuổi đến cùng”.

Triệu bức hình thiếu nữ Việt Nam

Kể từ ngày làm quen với ông ở phố Ông Đồ, cuối tuần nào tôi ra Đường sách Nguyễn Văn Bình hay Bưu điện thành phố cũng bắt gặp ông đi lang thang “săn” hình áo dài. Dù chỉ hạnh ngộ thoáng chốc nhưng ông đều nhớ nhân vật từng làm mẫu ngẫu nhiên cho mình. Tôi chưa kịp nhận ra thì ông đã bắt tay hồ hởi gọi tên tôi. 

Ông bảo ở tuổi nghỉ hưu thanh nhàn, thú vui lớn nhất trong đời là ngày ngày chạy xe máy từ căn chung cư quận Bình Thạnh ra phố, ghi lại những khoảnh khắc ở Việt Nam và làm quen với những người bạn mới. Ông thích trò chuyện với mọi người, đề tài thì đủ chuyện trên trời dưới đất.

Hơn 30 năm nay, Mai Cồ đã chụp cả triệu bức hình về Việt Nam, mà chủ yếu là phụ nữ Việt trong tà áo dài thướt tha. Đó là gia tài lớn nhất mà ông lưu giữ đến giờ phút này. Mai Cồ vốn thích chụp ảnh từ nhỏ để lưu lại mọi kỷ niệm, thời khắc quanh mình. Nhưng ông không phải là tay máy chuyên nghiệp, mà chỉ coi nhiếp ảnh là thú vui để giải tỏa áp lực của công việc cố vấn rủi ro trong ngành dầu khí. Do đó phong cách của ông thiên về nhiếp ảnh đường phố, ưu ái sự tự nhiên, mộc mạc chứ không hề sắp đặt. 

Nhớ hồi chụp ở phố Ông Đồ, ông cứ dẫn chúng tôi né cành mai giả để chọn những bụi tre trúc, cây cảnh thật để chụp. Ông không bắt chúng tôi tạo dáng này kia mà để chúng tôi cười nói tự nhiên. Những hình ảnh văn hóa, đất nước, con người ở vùng cao cũng níu chân Mai Cồ. Ông thích lên Tây Nguyên, miền biển, đồi núi để ghi lại cảnh sinh hoạt thường ngày của người dân bản địa.

Tính Mai Cồ rất thích đùa. Người ta hỏi vợ chồng ông có mấy con thì ông trả lời thiệt thà, dẻo quẹo: “Chúng tôi có ba... con... (ngưng một tí)… con chó!". Tính tình hài hước, vui vẻ nên đến đâu, Mai Cồ cũng được người dân thương quý. Những cô người mẫu áo dài bất đắc dĩ mà ông gặp trên phố đều được ông xin địa chỉ email để gửi tặng hình. Nhận được mail, người ta càng hiểu ông Tây này ghiền áo dài đến độ nào khi địa chỉ email của ông mang tên loveaodai (nghĩa là yêu áo dài).

Ông bảo mấy chục năm qua, Việt Nam thay đổi quá nhiều. Đường phố dần ồn ào, đông đúc hơn xưa. Cuộc sống hiện đại, gấp gáp hơn. Nhưng tình yêu Việt Nam, tình yêu áo dài trong ông thì vẫn vậy. Thậm chí ông vui hơn khi các thiếu nữ bây giờ ngày càng chuộng áo dài mỗi lần xuống phố dịp Tết đến xuân về. Thời gian, thế cuộc đổi dời nhưng tà áo dài và nụ cười thân thiện, hồn hậu của người Việt Nam vẫn ở đó, tỏa sáng như một sức hút nhiệm mầu mà ông mãi mãi đắm chìm…

Mai Quỳnh Hoa
.
.