Ở đâu cũng là quê hương

Thứ Năm, 12/08/2021, 14:20

Làn sóng Covid-19 thứ tư đã gây ra những khó khăn không nhỏ với các quốc gia. Bên cạnh việc chống dịch, đã xuất hiện thêm nhiều thách thức khó lường, đòi hỏi khả năng ứng phó của các quốc gia, cộng đồng cũng như sự thấu hiểu, đồng lòng của từng người dân.

Hơn một tuần qua, câu chuyện về hành trình hồi hương của những người lao động ở các tỉnh phía Nam thu hút được sự chú ý của dư luận ở nhiều góc độ. Những đoàn người di chuyển bằng xe gắn máy với đồ đạc và trẻ nhỏ trên một hành trình dài nắng gió vất vả có lẽ vẫn còn may mắn hơn 4 người trong gia đình anh Võ Thanh Bình từ Trảng Bom (Đồng Nai) dự định đi xe đạp về tận huyện Nghi Lộc, Nghệ An; trường hợp hai bạn trẻ Trần Thị Huyền (18 tuổi), Trần Văn Đủ (17 tuổi) dự tính đi bộ TP. Đồng Xoài (Bình Phước) về quê ở Ngọc Hồi (Kon Tum)… Trong hoàn cảnh xuất hiện dịch bệnh, không chỉ người vất vả trên đường dài mà trong các ngõ phố cũng có những người gặp khó khăn như câu chuyện của anh Lê Xinh Dân (làm nghề shipper) bị lừa mất chiếc xe máy là phương tiện kiếm sống…

Người xưa nói, “sểnh nhà ra thất nghiệp”, nhìn những dòng người về quê, những rủi ro của người tha hương mưu sinh ở các đô thị lớn khiến chúng ta càng thấm thía hơn gánh nặng của bản thân họ cũng như thách thức của chính quyền, đoàn thể ở địa phương.

Ở đâu cũng là quê hương -0

Hành động đẹp của chị Đinh Thu Hiền (47 tuổi, trú phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An). 

Có lẽ, gánh nặng đó chỉ phần nào được giảm bớt khi chính bản thân họ được đón nhận “tình làng nghĩa xóm” ở chính nơi đất khách quê người, khi chúng ta coi người đến từ miền đất khác như ruột thịt, chòm xóm của mình. Và, mong ước này của người viết đã không còn là chuyện xa vời nữa mà đã trở thành hiện thực bằng muôn vàn những hành động đẹp trong những ngày qua.

Trong cuộc sống, chúng ta luôn muốn làm những việc tốt đẹp để có một xã hội tiến bộ văn minh hơn. Có lẽ điều đó luôn thường trực trong suy nghĩ của những người dân bình dị và đôi khi cũng từng vất vả, cũng đang tất bật trong cuộc mưu sinh này. Họ làm những việc thiện theo bản năng lương thiện chứ không nhằm đánh bóng tên tuổi, không cần livestream và kèm theo những lời dăn dạy người khác.

Bởi thế, nếu quy ra giá trị vật chất, những việc làm chia sẻ giúp đỡ người dân xa quê trong những ngày qua có thể chưa phải là một con số lớn nhưng cách mà họ đem đến sự ấm áp cho nhau, cách mà từng địa phương quan tâm đến người dân lại hết sức cảm động. Chị Trần Huệ (làm nghề buôn bán hải sản ở Phan Thiết, Bình Thuận) đã tặng cho mỗi gia đình hoặc cá nhân đi xe máy về quê số tiền 500.000đ.

Điều đáng quý nhất không chỉ là số lượng tiền mà chị bỏ ra mà ở những lời gan ruột của chị: “Tôi từng ngủ ở dưới gầm cầu, cũng từng mơ ước có thật nhiều tiền để trở về quê nên hiểu cảm giác của những người vội vã trở về, những gương mặt mệt mỏi, những ánh mắt buồn lo, đặc biệt là hình ảnh những em bé còn quá nhỏ. Đau xé lòng! Dịch bệnh đã làm bao gia đình điêu đứng. Khi rời nhà rời quê đi làm ăn chắc không ai nghĩ có ngày trở về trong hoàn cảnh như thế”.

Dù có một hoàn cảnh sống khác, một con đường lập nghiệp khác nhưng có lẽ chị Đinh Thu Hiền (phường Hà Huy Tập, TP. Vinh, Nghệ An) cũng có một suy nghĩ như thế. Trên chiếc hộp carton đựng phong bì của mình, chị Hiền ghi dòng chữ: “Mỗi người đi xe máy về quê vui lòng nhận 1 phong bì 500k” và kèm theo một hình vẽ trái tim rất nhân ái. Ngoài ra, báo chí cũng đưa tin về việc người dân, cán bộ chiến sĩ Công an hỗ trợ tiền đi đường, mua xe máy cho những người phải đi bộ, đi xe đạp về quê…

Ở đâu cũng là quê hương -0
Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) tặng chiếc xe máy cho chị lao công Lê Thị Trâm. 

Trong những ngày căng thẳng và nóng nực ấy, ngay cả những người bám trụ lại ở vùng dịch cũng cảm thấy ấm lòng. Một người nghèo như shipper Lê Xinh Dân sau khi bị lừa mất xe Honda Wave Alpha trong câu chuyện đã nêu ở trên cảm thấy “bàng hoàng” vì bất ngờ nhận được món quà là chiếc xe máy SH của anh Nguyễn Thanh Tòng. Có một điều khiến anh Dân và chúng ta bất ngờ khi đây không phải lần đầu anh Tòng tặng xe cho người nghèo để họ có phương tiện mưu sinh, anh đã rất nhiều lần làm điều thiết thực và nhân ái đó.

Lặng lẽ trong khu nhà trọ của mình, chị Đặng Tuyết Hương (Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) đã miễn phí tiền phòng trọ, điện, nước và tặng thêm mì gói, cá mòi cho những người thuê trọ. Theo dõi trang cá nhân trên face book của chị, người viết còn tiếp tục được thấy những hoạt động từ thiện đáng quý khác.

Hay mới đây nhất là vợ chồng anh Ngô Văn Lành (Phú Yên) quyết định bán chiếc nhẫn để mua xăng ra QL 1 tặng người dân về quê với tiếng gọi đầy cảm động: “Xăng miễn phí đây anh chị ơi!”… Cùng với đó là những hành động kịp thời của chính quyền, đoàn thể trong việc cho xe Cảnh sát giao thông dẫn đường, hỗ trợ người dân về quê và ở lại thực hiện giãn cách xã hội…

Sẽ là thiếu vì không thể kể hết những việc làm tốt đẹp hàng ngày, sẽ là thừa để ngợi ca những giá trị nhân văn ấy, điều mà người viết bài này muốn đề cập đến ở một khía cạnh khác, đó là một cái nhìn khác để người lao động và chính quyền có thể yên tâm thực hiện 4 tại chỗ:

1. Tấm lòng của nhiều người dân với những bà con đi làm ăn xa trên hành trình trở về thật đáng quý. Nhưng giá như không phải có những chuyến đi vất vả thì tốt biết mấy. Tin rằng, với tình cảm nhân ái của người dân địa phương, với sự quan tâm kịp thời của chính quyền, thay bằng những chai nước, chai xăng là nhu yếu phẩm thiết yếu giúp người lao động tỉnh xa yên lòng ở lại.

2. Có một điều thú vị là không chỉ có một anh Nguyễn Thanh Tòng (huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) tặng xe máy SH cho người shipper nghèo Lê Xinh Dân mà sau khi chị lao công Lê Thị Trâm (Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội) bị bọn cướp cướp mất chiếc xe máy, chị đã được tặng đến 4 chiếc xe máy từ tiền đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Công an quận Nam Từ Liêm và những người dân tốt bụng. Trong đó, có một chi tiết: “Hai thanh niên mang một xe máy cũ kèm tiền mặt đến tặng vào sáng nay. Các anh nói gia đình không dùng đến xe nên muốn giúp đỡ chị Trâm có phương tiện đi làm việc, vượt qua khó khăn trong đại dịch”. Việc người dân chia sẻ cho nhau những món đồ đang sử dụng thay bằng việc ủng hộ tiền mặt cho thấy sự gần gũi, thân ái, chứ không hề câu nệ, khách sáo. Người nhận cũng rất cảm động, trân quý dù không phải một món đồ mới.

3. Đằng sau những câu chuyện kể trên, chúng ta nhận ra một điều: Dù sống trong thời đại công nghệ, dù nhịp sống công nghiệp đem đến nhiều thay đổi nhưng bài học về sự gần gũi, thấu hiểu về đời sống với những người xung quanh, với những người tạm trú vẫn rất quan trọng. Để tạo ra sự an tâm, an toàn cho người lao động từ nơi khác đến cùng là điều mà thiết nghĩ các doanh nghiệp cần lưu tâm như một cách ứng xử cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát.

Đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp sẽ còn thách thức sự kiên trì, sự nghiêm túc trong phòng và chống dịch của mỗi chúng ta. Nhưng có một tín hiệu đáng mừng đó là việc chúng ta xây dựng được những nền tảng cả về vật chất và tính thân để sẵn sàng ứng phó. Có lẽ khi người lao động xa quê thấy nơi đâu cũng an toàn, ấm áp, được quan tâm, sẻ chia như đang ở chính quê hương mình cũng là một nền tàng tinh thần cần thiết như thế.

Kiến Văn
.
.