Vận động “F0”đã khỏi bệnh tham gia phòng, chống dịch COVID-19

Thứ Hai, 16/08/2021, 06:25

Cảm phục sự chịu đựng và hy sinh của các y, bác sĩ khi đã điều trị và giành giật sự sống cho mình, nhiều bệnh nhân (BN) F0 sau khi khỏi bệnh đã xin ở lại làm tình nguyện viên chăm sóc các BN mắc COVID-19.

Họ đang trở thành lực lượng “tự quản” đồng hành chia sẻ gánh nặng với lực lượng y tế. Và TP Hồ Chí Minh cũng đang tính toán đến việc vận động, sử dụng các BN COVID-19 đã điều trị khỏi bệnh để tham gia tình nguyện phục vụ phòng, chống dịch.

Tại Bệnh viện (BV) Điều trị COVID -19 Củ Chi, mấy ngày qua nhiều người luôn nhắc tới trường hợp BN Hà Ngọc Trường (SN 1993, ngụ tại quận 1). Sau 30 ngày kể từ khi mắc bệnh được điều trị tại BV này, có những lúc tưởng không vượt qua được, phải điều trị tích cực tại khu hồi sức cấp cứu (ICU), Trường đã khỏi bệnh nhưng anh đã bày tỏ ý nguyện được tiếp tục ở lại giúp bệnh nhân.

van dong (1).jpeg -0
 Bệnh nhân COVID-19 làm thủ tục xuất viện ở TP Hồ Chí Minh. (Ảnh Bộ Y tế).

Trường chia sẻ khi anh bệnh nặng chuyển lên khu Hồi sức cấp cứu, anh đã thấy các bác sĩ, nhân viên y tế làm việc không ngơi tay. Trong bộ đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân, suốt nhiều giờ các y, bác sĩ liên tục làm việc, nhiều người không có lúc ngơi nghỉ để ăn uống… Tất cả họ rất cực nhọc nhưng đều gắng sức để điều trị, giành giật mạng sống cho hàng trăm người bệnh COVID-19 bị bệnh nặng, rất khó thở.

Trong thời gian điều trị ở đây, anh cũng thấy những BN lớn tuổi, bệnh nặng gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, điều trị. Vì thế, anh nghĩ đến việc ở lại vừa để phụ giúp y, bác sĩ, vừa để hỗ trợ BN khác. Hơn 20 ngày trước, khi đã có kết quả xét nghiệm đủ điều kiện xuất viện, Trường đã trình bày nguyện vọng và nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo BV cho Trường được ở lại hỗ trợ y, bác sĩ chăm sóc cho BN.

Sau đó, Trường đã được hướng dẫn cách chăm sóc cơ bản cho người bệnh và bảo vệ mình để tránh các nguy cơ. Những ngày qua, vào các buổi sáng, Trường đều đi khắp các phòng bệnh để hỏi thăm từng BN, kiểm tra việc sinh hoạt cá nhân, bình nước truyền, bình oxy của họ để xem ai cần gì sẽ giúp ngay.

Để đảm bảo an toàn, lúc chăm sóc cho các BN khác, Trường đều mang khẩu trang, đeo găng tay cẩn thận. Đến nay, đã có hơn 20 ngày ở lại (chưa kể thời gian điều trị), Trường cảm thấy cuộc sống vui vẻ hơn, ý nghĩa hơn vì đã làm được việc có ích…

Tương tự, một trường hợp khác là anh Nguyễn Văn Duy (SN 1996, quê Khánh Hòa). Anh Duy sau quá trình được điều trị tích cực tại BV Điều trị COVID -19 Củ Chi, cũng đã đủ điều kiện xuất viện, nhưng thay vì trở về với gia đình, cảm kích trước tấm lòng và sự nhiệt tình của các y, bác sĩ, nhân viên y tế đã chăm sóc cho mình, anh Duy cũng xin bệnh viện cho ở lại để phụ giúp các y, bác sĩ chăm sóc cho BN F0…

Theo BS Trần Chánh Xuân, Giám đốc BV Điều trị COVID-19 Củ Chi, hiện BV có một số bệnh nhân sau khi đã khỏi bệnh, rành về các công đoạn chăm sóc người bệnh nên đã tình nguyện ở lại chăm sóc cho BN F0 đang điều trị, điển hình như hai BN kể trên.

Cũng theo BS Trần Chánh Xuân, BV này đang triển khai mô hình “tự quản” ở các phòng bệnh với mục tiêu lấy những người là nhân viên y tế bị nhiễm đang điều trị để phụ giúp y bác sĩ theo dõi F0 hoặc chọn những người có đủ sức khỏe để huấn luyện cơ bản những kiến thức về theo dõi tình trạng oxy máu, tình trạng khó thở của người bệnh. Lực lượng tự quản đã phát huy tinh thần tập thể tự chăm sóc, hỗ trợ lẫn nhau và giúp các y, bác sĩ giúp giảm áp lực cho lực lượng làm công tác chuyên môn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại BV Điều trị COVID-19 TP Thủ Đức cũng có nhiều BN F0 sau khi khỏi bệnh đã tình nguyện ở lại. Đáng nói, những trường hợp F0 đã khỏi bệnh rất thông thạo các công đoạn chăm sóc người bệnh nên không cần phải chỉ dẫn quá nhiều.

Và cũng như BV Điều trị COVID-19 Củ Chi, BV Điều trị COVID-19 TP Thủ Đức cũng đã triển khai mô hình “tổ tự quản” ở các phòng bệnh với mục tiêu lấy những người là F0 đã được điều trị khỏi phụ giúp y, bác sĩ theo dõi các ca F0 khác hoặc chọn những người có đủ sức khỏe để huấn luyện cơ bản những kiến thức về theo dõi tình trạng oxy máu, tình trạng khó thở của người bệnh…

Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh), khi BN COVID-19 đã được điều trị khỏe và được xuất viện, họ có thể dành thời gian giúp sức các lực lượng phòng, chống dịch, các lực lượng hỗ trợ tại địa phương, bởi lúc đó họ đã nằm trong số những người “an toàn” nhất trước đại dịch.

Các nghiên cứu cho thấy kháng thể trong người các F0 đã khỏi bệnh rất mạnh, mạnh hơn người chích đủ hai mũi vaccine nhiều. Tất nhiên, họ vẫn phải tiếp tục thực hiện quy tắc “5K” cho đến khi làn sóng dịch qua đi.

Phú Lữ - Hoàng Anh
.
.