Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Văn hóa tồn tại trong mỗi con người

Chủ Nhật, 11/02/2024, 12:58

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến khẳng định, nếu nhìn sâu vào bên trong lõi của văn hóa, những thay đổi, biến đổi của văn hóa là điều tất yếu và không đáng lo ngại. Bởi Hà Nội nói riêng và văn hóa Việt nói chung luôn mang trong nó sức mạnh nội sinh, để đi qua những biến động của thời cuộc, nó vẫn mãi còn. Cũng như, dù Tết nay đã thay đổi nhiều, nhưng kiểu gì cũng luôn có Tết trong mỗi người.

Thị dân là linh hồn của một đô thị

- Anh đã viết gần chục cuốn sách về Hà Nội, "Đi dọc Hà Nội", "Đi ngang Hà Nội", "Đi xuyên Hà Nội", "Me Tư Hồng", "5678 bước chân quanh Hồ Gươm"... và mới đây nhất là cuốn "Hà Nội còn một chút này". Điều gì ở Hà Nội hấp dẫn anh đến thế?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Văn hóa tồn tại trong mỗi tồn tại trong mỗi -1

+ Liên tục gần 800 năm, từ nhà Lý đến nhà Lê, Thăng Long là kinh đô của nước Đại Việt. Nếu ví kinh đô như quả thì hạt là hoàng thành, thị dân là cùi, không có cùi sẽ không có quả. Năm 1902, người Pháp lập Thủ đô Liên bang Đông Dương cũng chọn Hà Nội mà không phải Sài Gòn lúc đó rất phát triển. Và các cuộc chiến bao giờ cũng kết thúc ở Thăng Long. Là Kinh đô, Thủ đô nên các sự kiện lớn của quốc gia đều diễn ra ở đây. Các công trình tôn giáo, văn hóa lớn cũng được xây dựng nhiều. Theo thời gian, Thăng Long bồi lắng các giá trị văn hóa, vì thế là mảnh đất màu mỡ cho những ai muốn khai thác khám phá.

Kinh đô cũng là nơi giao thương với nước ngoài, trong nửa đầu thế kỷ 17, các nhà buôn Hà Lan, Anh, Bồ Đào Nha đã lập thương điếm trao đổi hàng hóa, buôn bán. Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ của trí thức Nho giáo, sau là trí thức Tây học, nên sống ở Thăng Long - Hà Nội họ có cơ hội giao lưu, học hỏi, mở mang tri thức. Đọc sử, những nhà thơ, nhà văn lớn đều có thời gian sống hay "tráng men" ở Thăng Long - Hà Nội như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Phạm Đình Hổ…

Không chỉ nhiều người Việt, từ thế kỷ 17 đến nửa đầu thế kỷ 20, nhiều người Phương Tây viết về Thăng Long - Hà Nội. Từ năm 1954 đến nay, có nhiều người viết về Hà Nội, đủ các đề tài, văn hóa, đời sống, xã hội, ẩm thực, lối sống, cung cách ứng xử, buôn bán, phố nghề… tuy nhiên vẫn còn nhiều khoảng trống. Và tôi đã chọn khoảng trống là thị dân để viết. Tôi quan niệm thị dân là linh hồn của một đô thị. Chính họ duy trì phong tục tập quán, họ cũng sống theo trào lưu xã hội, họ bị người Pháp cưỡng bức văn hóa song cũng tự nguyện. Cái cũ và mới hòa trộn khiến văn hóa Hà Nội phong phú, đa dạng.    

- "Hà Nội còn một chút này" quẩn quanh với những câu chuyện tỉ mỉ về Hà Nội, người đọc bất ngờ với những kiến giải của anh trong đó. Nhưng tôi nghĩ, chính cái "một chút này" đó làm nên hồn cốt của Hà Nội qua thăng trầm của lịch sử và thời gian?

+ Viết về Hà Nội tức là kể chuyện gì đó, phát hiện gì đó và trả  lời những câu hỏi chưa có lời giải. Vì sao nước Hồ Gươm lại xanh, tại sao Hà Nội có những ban công ăn ra vỉa hè, nhà chiếm hết hè phố?... Hà Nội âm thịnh dương suy như thế nào? Nó không "lớn lao" song lại cũng rất cần phải biết. Những câu chuyện tưởng như bé nhỏ ấy đã góp phần làm nên linh hồn của một đô thị.

Văn hóa không phải là một hằng số

- Sống ở Hà Nội đôi lúc thấy bức bối, mệt mỏi, nhưng đọc những trang sách của anh lại thấy yêu Hà Nội hơn khi qua những biến thiên của thời cuộc nó vẫn giữ được vẻ đẹp của một mảnh đất văn hiến. Nhưng theo anh, vẻ đẹp của đô thị có bị mai một, xóa nhòa bởi thời gian?

+ Nhiều người bảo lối sống, cung cách ứng xử không còn tế nhị, tao nhã như xưa, từ lâu đã xuống cấp. Có chuyện đó, nhưng nó không đáng lo lắng đến thế... Những nét đẹp vẫn như dòng hải lưu ngầm dù phía trên là băng giá.

Nhiều người cho rằng, Hà Nội giờ nhập cư, mở rộng, lộn xộn, mất mát. Nhưng có một thực tế là từ xa xưa người nhập cư luôn bị "Thăng Long hóa", còn ngày nay, nhập gia tùy tục, ít nhiều họ cũng bị "Hà Nội hóa".

 Một số người cho rằng, văn minh, thanh lịch xuất hiện ở Hà Nội từ khi người Pháp cai trị, Hà Nội xưa không có nét văn hóa  ấy. Theo tôi, quan điểm đó sai hoàn toàn. Làm sao trong mấy chục năm mà văn minh, văn hóa Pháp thay đổi được thói quen thâm căn cố đế của người Hà Nội? Trong các cuốn sách của tác giả Phương Tây viết từ thế kỷ 17, 18, họ đã đề cập đến nét văn hóa đó rồi. Ví dụ, xưa khi hỏi thăm người ốm, người Thăng Long không hỏi: "Anh khỏe chưa?", họ sẽ hỏi: "Anh ăn được mấy bát cơm?". Đó không phải là tế nhị sao? Một người Phương Tây được một gia đình Thăng Long mời cơm, ông ta thấy những miếng giò được cắt rất đều. Khách ăn xong, chủ nhà đưa khăn ấm cho lau miệng, đó chả phải văn minh, thanh lịch thì là cái chi chi? Có tác giả Phương Tây nhận xét tiếng nói của người Thăng Long là "tiếng của thi ca"… 

Sách ta cũng viết về điều này. Nhà Nho Phạm Đình Hổ trong cuốn "Vũ trung tùy bút" mô tả việc uống rượu ngày Tết của dân chúng Thăng Long "uống chỉ đủ đỏ mặt để câu chuyện thêm vui chứ không uống say". Hay thú chơi hoa là "di dưỡng tinh thần", uốn cây theo thế "phụ tử", "long giao". Vì thế, những nét văn hóa đẹp ở Hà Nội có từ xa xưa và được đời sau tiếp tục duy trì nối dài, cộng thêm văn hóa Pháp nâng tầm lối sống ứng xử lên cao.

- Nghĩa là Hà Nội vẫn luôn có những nét đẹp riêng, có sức mạnh nội sinh để nó không bị đồng hóa, biến đổi theo thời cuộc?

+ Đúng thế. Khi người các vùng miền nhập cư vào Thăng Long - Hà Nội, họ sẽ mang theo những món ăn của quê mình. Từ những món ăn bình dân này, những người thị dân "biết ăn" đã nâng cấp lên, từ nguyên liệu đầu vào, gia vị, kiểm soát ngọn lửa to hay nhỏ, thế là món ăn quê thành những món tinh tế. Thăng Long - Hà Nội có một tầng lớp trung lưu, họ có tiền, có thời gian, chợ Kinh đô nhiều của ngon vật lạ nên họ sáng tạo ra món riêng  như: bún thang, "giò Chèm,  Nem Vẽ"...

Người Pháp đưa văn chương, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu sang nhưng nửa đầu thế kỷ 20, các rạp ở Hà Nội vẫn diễn chèo, tuồng, cải lương, hát ca trù tưng bừng ở phố Khâm Thiên. Tôi cho là Hà Nội có nội lực văn hóa mạnh, vì thế đừng lo hội nhập mà mất văn hóa truyền thống. Xa xưa, ta cũng ở trong Bách Việt, các nước đều bị Hán hóa, riêng Nam Việt vẫn giữ được tiếng Việt, đó là biểu hiện của sức mạnh nội lực của người Việt.

Hồn Tết vẫn còn trong mỗi người

- Trong cuốn sách của anh có một phần về Tết của Hà Nội, những cái Tết xưa cầu kỳ, đẹp đẽ, thể hiện văn hóa của vùng đất kinh kỳ. Theo anh, hồn Tết giờ còn đậm đà?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Văn hóa tồn tại trong mỗi tồn tại trong mỗi -0
Từ sâu thẳm tâm hồn, người Hà Nội vẫn luôn có Tết. Ảnh: Đặng Giang

+ Tết ngày nay đã thay đổi nhiều, cỗ Tết không cầu kỳ phức tạp như xưa. Ngày xưa, cỗ phải có món âm, món dương,  nguyên liệu phải có đủ 3 miền: rừng, đồng bằng và biển. Các món ăn phải tương hợp với nhau để tránh ngộ độc. Trình bày mâm cỗ cũng cầu kỳ, thịt gà phải úp, giò thái hai tầng, phải có xôi gấc dành cho người già vì màu đỏ là màu của may mắn và sự tái sinh. Thậm chí ngày xưa có gia đình cầu kỳ còn nấu bánh chưng gấc. Đũa son, bát đẹp, ăn cỗ xong cất đi sang năm chỉ dùng vào ngày Tết. Nghi thức cho lễ Tết cũng rất nghiêm ngặt. Cuối năm cũng giống như nhiều vùng miền khác, có cỗ Tất niên, tắm tẩy trần bằng lá mùi già, cúng giao thừa đón thần bếp mới về, sáng mồng 1 có mâm cỗ đón tổ tiên. Rồi ăn mặc, quần áo phải đẹp. Đàn bà con gái phải đặt may quần áo từ tháng 8, toàn đồ khâu tay. Giờ xã hội công nghiệp, chúng ta chỉ giữ lại hồn cốt của Tết, vì Tết luôn có trong mỗi người Việt.

-  Tết cũng là một nét văn hóa của người Hà Nội nói riêng và người Việt chúng ta nói chung. Nhiều người lên tiếng vì sự thay đổi, mất mát của văn hóa, còn anh luôn có cái nhìn lạc quan về sự thay đổi. Vì sao thưa anh?

+ Như tôi đã nói ở trên, văn hóa không phải là con số Pi, nó thay đổi theo thời gian và nhu cầu của thời đại. Thời nay, ai muốn duy trì truyền thống cứ duy trì như gói bánh chưng, trồng cây nêu, các sinh hoạt ngày Tết xưa, để con cái họ có kết nối với truyền thống. Nhưng cũng không thể phản đối việc, nhiều người muốn thay đổi, đơn giản hơn. Bởi kiểu gì cũng có Tết ở trong mỗi người.

Nếu đi sâu và nhìn từ nhiều chiều khác nhau, so sánh xưa nay với các nước trong khu vực, tôi khẳng định rằng, chúng ta không nên quá lo lắng. Mọi người cứ bị những thứ không đẹp của ngày hôm nay tác động vào và nghĩ nó tiêu cực, xấu xí, tôi dám chắc nhìn sâu hơn từ cái gốc của nó, tôi thấy văn hóa Hà Nội vẫn ổn.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!

Việt Hà (thực hiện)
.
.