Người trẻ có cần chia sẻ?
Dù sớm hay muộn, sự tập trung dân cư ở các đô thị vẫn là một thách thức với nhiều quốc gia trên thế giới. Và, đến lúc chúng ta phải thừa nhận, sự cộng cư của các đô thị sẽ tạo nên một nét văn hóa mới. Văn hóa chung cư, văn hóa của những người sử dụng phương tiện công cộng.
Không chỉ nông thôn, thành phố cũng cần có “tình làng”, đó là sự chia sẻ và thấu hiểu, cùng xác lập những quy tắc văn hóa riêng, tạo nên sự đoàn kết, gắn bó mật thiết. Giữa cá nhân và tập thể, giữa lợi ích riêng - chung chắc chắn sẽ là câu chuyện không hề nhỏ của tương lai, thách thức các thế hệ mai sau.
Đã bao giờ bạn tự hỏi giới trẻ, những chủ nhân văn hóa của tương lai: Họ nghĩ gì để vừa phát triển cá nhân, vừa chia sẻ với người khác, phù hợp với xu thế sharing economy (kinh tế chia sẻ). Người trẻ và đô thị mở ra những liên tưởng thú vị.
Nhà văn Voltaire (1694-1778) từng nói: "Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người". Nhưng, trước khi nhận "lấy lửa" và "chia lửa", người trẻ còn cần phải vượt qua những thách thức của riêng mình.
Hôm rồi, tôi được nghe cô cháu gái than thở rằng cuộc thi mà cháu sắp tham dự có nhiều ứng cử viên tên tuổi, cơ hội chiến thắng của cháu rất thấp. Nghe xong, tôi chỉ biết động viên cháu hãy cố gắng hết mình, biết đâu sẽ có cơ hội chiến thắng. Sự bất ngờ chỉ đến với người nỗ lực vượt lên tất cả để đón nhận...
Bẵng đi chừng tháng sau, tôi bất ngờ được tin cháu vừa giành được huy chương vàng ở cuộc thi đó. Nhưng, sau ít hôm sống trong sự phấn khích, cháu tôi bắt đầu hồ nghi chính thành tích của bản thân. Từ chỗ nghi ngờ chất lượng cuộc thi, rồi đến việc chắc chú nọ, chị kia đã chán không tham dự nên mới đến lượt mình được giải, rồi thì có thể do cơ cấu... Lạ thay, thay vì thói quen dèm pha, chê bai người khác, cháu tôi đang nói xấu bản thân, không thừa nhận tài năng của... chính mình.
Thực ra, cô cháu gái đáng thương của tôi và không ít bạn bè cùng trang lứa cũng đang tự vướng vào thứ tơ nhện vô hình của cái gọi là Imposter syndrome (hội chứng kẻ mạo danh). Theo nhà tâm lý học Audrey Ervin (Đại học Delaware Valley, Mỹ) thì hội chứng này có nghĩa là: "không thể chấp nhận thành công của bản thân". Có nhiều nguyên nhân để lý giải điều này nhưng một phần xuất phát từ việc người trẻ đang gặp rắc rối trong sự kết nối với chính thế hệ của mình. Một mặt, họ vừa muốn vượt lên để trở thành nổi trội nhưng mặt khác, họ không biết phải làm sao để được người khác chấp nhận và thừa nhận.
Người viết cho rằng, nguyên nhân sâu xa của vấn đề một phần xuất phát từ cách định hướng của nhiều gia đình. Họ luôn muốn con mình phải tham gia một cuộc chạy đua không có đích cuối cùng. Cứ chạy mãi, chạy mãi để "con nhà người ta" không theo kịp.
Trên báo điện tử vnexpress.net, tác giả Tô Thức từng chỉ ra: "Ngay cả khi con cái đã học giỏi, bố mẹ vẫn muốn con cái giỏi hơn, lo sợ rằng việc để thời gian chết là lãng phí năng lực và hủy hoại tương lai của trẻ. Việc này đẩy trẻ vào những vòng đua vô tận, từ trong năm học tới kỳ nghỉ, rồi lại tới năm học tiếp theo".
Tác giả đã giúp chúng ta nhận diện tâm lý phố biến của nhiều phụ huynh là "lo sợ rằng việc để thời gian chết là lãng phí năng lực và hủy hoại tương lai của trẻ". Điều này tác động không nhỏ đến sự hình thành cách nghĩ của giới trẻ. Họ thường hấp tấp, nóng vội nhìn lại bản thân vào lúc 20 tuổi, 25 tuổi, 30 tuổi đã có gì? Trong khi, ở độ tuổi này chúng ta đang phải hăng hái học hỏi, lăn lộn trong các môi trường khó khăn; bắt đầu từ vị trí nhân viên, thợ nghề rồi sau đó dựa trên năng lực đã khẳng định mới được tin tưởng, cất nhắc lên các vị trí cao hơn. Tương tự, dần theo năm tháng, dựa trên việc nâng cao năng lực, tay nghề, thu nhập sẽ cải thiện hơn. Những điều đó, người trẻ biết hay không biết? Người trẻ biết nhưng luôn muốn cán đích sớm nhất. Họ loay hoay trong việc nên hay không nên kết nối với cộng đồng.
Ở góc độ nào đó, người trẻ hôm nay thực sự đang đơn lẻ trong suy nghĩ. Họ là "ông vua" của kết nối bằng công nghệ nhưng lại "đứt gãy", mất liên lạc trong ứng xử, giao tiếp. Chúng ta thấy gì khi một đứa trẻ lầm lì ở trong chính ngôi nhà của mình mặc dù bên cạnh là cha mẹ, anh em, họ hàng? Thậm chí, khi nhiều đứa trẻ lớn lên, mang theo thói quen làm việc cầm chừng, thiếu động lực, trở thành những “zombie” (xác sống) trong công sở với một thống kê đáng sợ: "Kết quả khảo sát trên 26.000 người của mạng lưới nhân sự Anphabe Việt Nam chỉ ra rằng, trong mỗi 4 người đang làm việc nơi công sở thì khoảng 1 người làm việc như "cái xác không hồn". Điều đáng lo ngại là hơn một nửa trong số họ vẫn bám trụ lại. Những "xác sống" thiểu số này gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến các nhân sự khác và toàn bộ sự vận hành của tổ chức. Nghiên cứu của Anphabe cho thấy 25% nhân sự “zombie” nơi công sở, làm giảm gần 12% hiệu suất làm việc chung của tổ chức" (theo: Minh Tuấn, thesaigontimes.vn).
Theo người viết, nguyên nhân sâu xa vấn đề nằm ở chỗ họ không nhận ra được tính kết nối, sự kế thừa như một dòng chảy trong cuộc sống, bởi vậy, không tìm ra động lực cho riêng mình.
Giữa lúc còn bộn bề những ý nghĩ đó, người viết bắt gặp trích đoạn trong bài "Dòng sông và những thế hệ của nước" (Viết & đọc - Chuyên đề mùa thu 2023, Nhiều tác giả, NXB Hội Nhà văn, 2023, tr. 8) của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Đoạn trích này được sử dụng làm ngữ liệu trong đề thi ngữ văn tốt nghiệp THPT: "Nếu tách rời từng giọt nước ra khỏi sự thống nhất của đại dương thì chúng ta chỉ nhìn thấy những giọt nước nhỏ bé, đơn độc và dần dần biến mất. Khi tôi chạm tay vào con sông, tôi thấy sự tinh khiết và sức chảy của nước".
Triết lý của ông mang tính biểu tượng nhưng mạch lạc, chặt chẽ. Có lẽ, đây là một thông điệp mà Chủ tịch Hội Nhà văn muốn gửi đến với những người trẻ hôm nay. Dòng sông có phải là phát hiện mới, triệu triệu giọt nước hội tụ, gắn kết thành dòng sông có gì mới mẻ chăng? Biểu tượng này không hề mới nhưng điều sâu xa mà người viết muốn nói mới thật thú vị: Cứ hòa mình vào cái chung, vì cái chung, chúng ta cũng sẽ không lo sợ bị hòa tan. Nhân sinh sẽ nhận ra, sẽ ghi nhận vai trò của mỗi chúng ta, đong đếm được sức nặng của mỗi cá thể trong cộng đồng xã hội. Đó là sự hy sinh, là sự tận hiến, là cách nhập thế mà những bạn trẻ cần học hỏi để chuẩn bị cho tương lai của mình.
Người trẻ có cần chia sẻ? Có lẽ, câu trả lời đã rõ nhưng cần hành động thiết thực từ cả phía cộng đồng, xã hội. Ở nhiều địa phương, chính quyền đã giúp đỡ thanh niên thoát nghèo, vươn lên, đẩy lùi các nguy cơ như: Tỉnh đoàn Quảng Bình đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (Chi nhánh Quảng Bình) thực hiện nhận ủy thác cho vay, giúp hàng trăm đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp thành công. Chỉ khi được làm việc, chỉ khi cảm nhận được gắn kết trong các mô hình như thế, người trẻ mới nhận ra đâu là cách sống có ý nghĩa và tầm quan trọng của sự chia sẻ, kết nối ấy như thế nào.