Không để người trẻ đơn độc

Thứ Sáu, 12/04/2024, 16:42

Mới đây, Điều 30 Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo quy định, học sinh, sinh viên từ đủ 15 tuổi trở lên được làm việc bán thời gian nhưng không được quá 20 giờ/tuần (trong kỳ học) và không quá 48 giờ/tuần (trong kỳ nghỉ). Cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều ý kiến bàn thảo xoay quanh hai chủ đề nên hay không nên có quy định chặt chẽ như thế này.

Thực ra, mọi chính sách xã hội đều được ban hành theo quy trình chặt chẽ và có sự tham vấn, tham chiếu từ nhiều nguồn ý kiến góp ý, phản hồi. Trong bài viết này, người viết không đi sâu bàn thảo về số giờ làm thêm đó mà chỉ đề cập tới một vấn đề liên quan: Đừng để người trẻ đơn độc.

Không để người trẻ đơn độc -1
Xu hướng làm thêm của sinh viên ngày càng phổ biến. Ảnh: Thượng Hải

Tại sao vậy, chúng ta hãy thử bắt đầu từ một lập luận như thế này. Ngày nay, các chuyên gia đã cảnh báo về xu thế chọn lối sống biệt lập ở giới trẻ. Chuyên gia tâm lý trị liệu La Hạ Giang Thanh, nhà sáng lập Tổ chức Soul Retreats (TP Hồ Chí Minh) phân tích: “Nhiều bạn nghĩ rằng không ai quan tâm đến sự có mặt của mình, nên trốn đi một nơi xa nào đó là yêu bản thân. Và, vì bản thân những bạn đó đang như "cái cây yếu" nên khi làm theo nội dung trên mạng xã hội về lối sống một mình, các bạn cảm thấy đó là giải pháp tốt. Giờ đây, tất cả mọi thứ từ giao lưu kết bạn đến học tập, làm việc đều có thể thông qua mạng xã hội. Nhiều người trẻ không còn coi mạng xã hội chỉ là công cụ nữa, mà đó là thế giới riêng của mình".

Vậy, giữa việc náu mình trên mạng xã hội và tích cực tìm kiếm cơ hội làm thêm để tích lũy kinh nghiệm có gì tương đồng và khác biệt? Hẳn là, một trong các tri thức mà người trẻ muốn tích lũy là kinh nghiệm giao tiếp, làm việc với nhóm, bộ phận đó sao? Khi nhìn vào con số thống kê tỉ lệ sinh viên làm thêm ở các nước, vùng lãnh thổ như: Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất - 98%, Trung Quốc - 94%, Hong Kong (Trung Quốc) - 92%, Malaysia - 89%..., chúng ta nhận ra đó là xu thế tất yếu. Còn ở trong nước, nguyên nhân khiến sinh viên ngày nay muốn làm thêm tập trung vào 3 điều cơ bản: thu nhập, kỹ năng và tránh thất nghiệp. Vậy, đâu là lý do chính yếu nhất, chi phối đến tâm lý học tập, văn hóa ứng xử trong đời sống sinh hoạt của thế hệ trẻ hôm nay.

Còn nhớ, có lần chú hàng xóm nói với tôi rằng, con trai của chú muốn đi làm thêm việc giao hàng (dù gia đình có điều kiện kinh tế và luôn chu cấp đầy đủ). Không ít sinh viên giống cậu bé đó, lý do cơm áo không phải là tất cả. Ngoài ra, đâu phải công việc nào cũng giúp họ tích lũy được kĩ năng mà nguyên nhân sâu xa nhất là tâm lý muốn tiếp cận xã hội, muốn tiếp cận đời sống việc làm, đời sống lao động để tránh nguy cơ thất nghiệp. Thất nghiệp như “bóng ma” ám ảnh giới trẻ đến thế sao?

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, TS. Nguyễn Thị Liên, Trưởng Bộ môn Quản trị nhân lực doanh nghiệp, Trường Đại học Thương mại đã phân tích: "Đầu tiên, giới trẻ thất nghiệp làm ảnh hưởng toàn bộ nền kinh tế. Giới trẻ là động lực sản xuất và tiêu dùng. Sản xuất thì chúng ta biết rồi, còn động lực tiêu dùng là vấn đề lớn hơn, bởi giới trẻ tiêu dùng dễ dàng hơn những người trưởng thành phải suy nghĩ chín chắn. Thứ hai là vấn đề an sinh xã hội, thất nghiệp của giới trẻ tăng lên có thể dẫn đến tệ nạn xã hội, sập những bẫy lừa đảo. Thứ ba là làm giảm sức khỏe thể chất và tinh thần của người trẻ” (theo: Nguyễn Yên - Minh Hiếu/vovgiaothong.vn).

Không để người trẻ đơn độc -0
Giới trẻ và nỗi ám ảnh thất nghiệp. Ảnh: My Careers Future

Nói đến đây, nhiều bạn sẽ thắc mắc: Mong muốn giảm tỉ lệ thất nghiệp đâu phải chuyện mới? Mặt khác, những hệ lụy về mặt xã hội từ tình trạng thất nghiệp của giới trẻ cũng đã và đang diễn ra từ bấy lâu nay. Bởi thế, từ gia đình đến xã hội đều chung tay khắc phục tình trạng này. Theo người viết, ảnh hưởng lớn nhất của tình trạng thất nghiệp chính ở tâm lý xã hội. Người trẻ mang áp lực công việc, mang một ám ảnh công việc khá nặng nề: Họ đâu chỉ cần một chỗ làm, cần thu nhập cao, sẵn sàng tâm thế nhảy việc để vượt lên ám ảnh đó.

Xin nói thêm rằng, nhảy việc không chỉ là sở thích, là hiện tượng mới mẻ đến từ quy luật cạnh tranh tuyển dụng mà cho thấy cả những mặt trái, tạo ra những tác động xấu về văn hóa. Còn nhớ, trong một bài báo, bà Ngô Hà Thu (Giám đốc dòng sách ngoại ngữ của Gamma Books) từng lý giải nguyên nhân thích nhảy việc của giới trẻ: “Muốn thay đổi, muốn sự phù hợp, muốn thử cái mới và muốn thỏa mãn tò mò” (theo: Ý Dịu/VOV2).

Tâm lý lo âu, sự ám ảnh và các tính toán quá nhạy bén nói lên sự năng động nhưng cũng tạo ra một áp lực với giới trẻ để rồi chính họ phải tìm cách tiếp cận với việc làm sớm thay vì đợi đến khi tích lũy đủ kiến thức và có bằng cấp. Thậm chí, họ đã dành nhiều thời gian cho những việc vặt thay vì tạo dựng tư duy, phương pháp luận. Giới trẻ là thế, vậy còn những người cha, người mẹ phải chăng đang đứng ngoài cuộc chơi của con trẻ? Công bằng mà nói, luôn có một bộ phận không nhỏ phụ huynh đành phải đứng ngoài “cuộc chơi” này vì nhiều lý do. Nhưng, quan trọng nhất vẫn là quan điểm cho con cái tự lập mà không nhận ra phía bên kia của niềm tin ấy con em mình đơn độc trước những đòi hỏi của cuộc sống?

Không để người trẻ đơn độc -2
Đừng để người trẻ đơn độc. Ảnh: Getty Images

Nếu không tin, bạn hãy lắng nghe những chuyện thực tế của giới trẻ. Bạn Nguyễn Thanh Tâm (Trà Ôn, Vĩnh Long) chia sẻ: “Ban đầu em đi bán thức ăn nhanh, sau đó, em xin đi dạy thêm và có thu nhập khá hơn nhiều. Bây giờ, mỗi tháng em không phải xin tiền nhà để đi học” (theo: Cao Huyền, Báo Vĩnh Long). Bạn Linh Chi (Hà Nội) thì cho biết: “Nếu như cứ mãi ở nhà, cơm ba bữa có bố mẹ lo, nhiều khi đồ ăn thức uống bố mẹ mang lên tận phòng thì mình sẽ không thể hiện được sự quan tâm của mình với gia đình như bây giờ. Mình cũng biết sắp xếp thời gian để vừa chăm sóc bản thân, vừa làm tốt công việc. Những điều đó không chỉ tốt cho bản thân mà còn khiến bố mẹ yên tâm" (theo: Trung Đức, Báo Tuổi trẻ Thủ đô).

Chỉ dựa trên những tâm sự này, ta nhận ra một sự thay đổi khá lớn trong suy nghĩ: Người trẻ đã ý thức rõ việc cần làm sao để giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ bằng sự tự chủ đầy khảng khái. Nhưng, liệu có phải tự lập cần có ngưỡng (giới hạn) và có từng lộ trình, đường hướng khoa học. Nếu như quá lạm dụng vào sự tự lập đó sẽ gây ra những hệ lụy đáng tiếc. Thậm chí, như nhà trị liệu tâm lý người Mỹ có tên Simone Saunders phân tích: “Độc lập quá mức có thể vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của những khó khăn về sức khỏe tâm thần. Tại một số thời điểm, nó được phát triển như một chiến lược sinh tồn để giúp bạn an toàn. Tuy nhiên, sau khi nguy hiểm qua đi, chiến lược này tiếp tục tồn tại và tạo ra một vòng phản hồi tiêu cực” (theo: Thùy Linh/vnexpress.net).

Còn nhớ, một nhà diễn thuyết, tác gia nổi tiếng người Mỹ có tên là Les Brown từng nói rằng: “Nếu bạn không lập trình chính mình, cuộc sống sẽ lập trình bạn!”. Chân lý đó hiển nhiên đã được mỗi người trong chúng ta cảm nhận. Thế nhưng, để “lập trình” cho bản thân, chúng ta vẫn cần sự kế thừa từ tinh thần, kinh nghiệm của cộng đồng từ gia đình đến xã hội. Người trẻ cần thử thách nhưng không có nghĩa họ phải đối mặt với nó bằng hai bàn tay trắng. Nếu để họ “đứt mạch” với sự liên kết với gia đình, với cộng đồng xã hội cũng chính là đánh mất sự liên kết về mặt văn hóa. Khi đó, câu chuyện về 20 giờ làm thêm/tuần sẽ cho chúng ta thấy những điều đáng lo ngại.

Người trẻ cần một lộ trình để trưởng thành, cần gắn kết với các thế hệ khác để tạo ra sự phát triển của xã hội và không ảnh hưởng đến dòng chảy xuyên suốt của tiếp biến văn hóa. Trong quá khứ, các thế hệ như The Greatest Generation (Thế hệ vĩ đại nhất) hay The Silent Generation (Thế hệ im lặng); Baby Boomer Generation (Thế hệ bùng nổ dân số) và cả thế hệ Gen X, Gen Y... đều đã kế thừa và bùng nổ như thế. Bởi vậy, không thể để thế hệ Gen Z đơn độc với gánh nặng trên vai...

Lương Việt
.
.