Nghĩ về truyền thông cảm xúc

Thứ Năm, 21/04/2022, 07:11

Sau cú gạt tay làm Coca-Cola “bay màu” 4 tỷ USD ở Euro 2020, thêm một lần nữa cái tay của Cristiano Ronaldo lại được báo giới nhắc đến nhưng ở một hoàn cảnh khác biệt khi đập điện thoại của cậu bé Jake Harding sau trận thua trước CLB Everton.

Khi bà Sarah Kelly (mẹ của Jake Harding) chia sẻ: “Nó là người khuyết tật và điều này càng khiến nó bị tổn thương", thì chúng ta hiểu rằng, hành động thiếu kiểm soát của “CR7” không chỉ là phản ứng thái quá với một cá nhân, một đối thủ như cách mà Zinedine Zidane húc đầu vào bụng Marco Materazzi trong trận chung kết World Cup 2006 nữa.

Ronaldo đang đi theo “vết xe đổ” của Will Smith ở lễ trao giải Oscar lần thứ 94 vừa qua, thậm chí hiện tại, cảnh sát vùng Merseyside đã thực sự vào cuộc để điều tra về hành động của anh. Những vụ lùm xùm ngoài phạm vi của sân cỏ, của sàn diễn đang cho thấy xu thế hành xử thiếu kiểm soát của người nổi tiếng hay truyền thông đang vạch trần mảng tối phía sau những hào quang ấy?

Nghĩ về truyền thông cảm xúc -0
Jake Harding bị đập vỡ điện thoại khi đang cố chụp ảnh đôi chân bị chảy máu của Cristiano Ronaldo- Ảnh Mirror.

Con người ngày nay đang đối diện với áp lực công nghệ một cách ghê gớm. Đó là một thứ áp lực không chỉ mang ý nghĩa giám sát mà còn là điều chỉnh và tác động đến hành vi mỗi cá nhân. Còn nhớ cách đây chừng hai mươi năm, khi các giảng đường đại học ở Hà Nội bắt đầu được lắp camera đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Ở thời điểm đó, việc một giờ học được giám sát còn là điều gì mới mẻ, thậm chí khó chấp nhận được.

Nhưng ngày nay thì chắc ít người còn băn khoăn về điều đó nữa. Bạn thử nghĩ xem, ngay cả khi chúng ta đang lái xe trên đường, khi bước vào một hàng quán, thậm chí đến nhà bạn ngồi nhậu… thì vẫn được đặt dưới tầm kiểm soát của những chiếc camera như thế. Nhưng tại sao biết trước điều đó mà những clip đình đám vẫn xuất hiện. Nào là lộ lọt những cảnh nóng, bạo lực cho đến những cú “xảy chân” làm giá trị sống bị đảo lộn.

Thực ra, dẫu có làm công việc gì thì cả Cristiano Ronaldo, Will Smith hay bất kì ai trong số chúng ta đều đang phải sống trong thời đại truyền thông cảm xúc. Ông Hermawan Kartajaya, Chủ tịch Hiệp hội Tiếp thị thế giới đã viết cuốn sách “Marketing theo phong cách sao Kim” của mình như thế này: "Họ đang sống trong một thế giới đầy tương tác và cảm xúc. Nơi mà đàn ông sống theo các quy luật của đàn bà. Nơi mà những chỉ số cảm xúc được đề cao hơn nhiều những chỉ số thông minh. Nơi mà bán cầu não phải thống trị bán cầu não trái". Truyền thông cảm xúc không chỉ trong kinh doanh mà đang lan tràn sang các lĩnh vực khác.

Có phải là quá lời khi nói rằng, sau bao nỗ lực để có được cuộc cách mạng lần thứ 4 (4.0) khi chế tạo được những AI (Artifical Intelligence) con người ngày nay đang dần nhường cho những trí tuệ nhân tạo bằng máy móc phần lý trí, tư duy phân tích của mình để toàn tâm sống với “bán cầu não phải” của cảm xúc như Hermawan Kartajaya đã nói? Chẳng lẽ, các ngôi sao ngày nay không cần đến lý trí để thể hiện tinh thần sống đẹp (fair play) như cái cách mà Gary Lineker (Thụy Sỹ) đã thể hiện trong suốt 15 năm của sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp của mình (anh không nhận bất kỳ một chiếc thẻ vàng hay đỏ nào). Người viết cho rằng, nếu là một cầu thủ ít danh tiếng, thi đấu trong một giai đoạn lịch sử khác, “CR7” sẽ không có một hành động như thế.

Nếu ai đó đặt ra câu hỏi, liệu Ronaldo có thêm một lần đánh bóng tên tuổi mình bằng độc chiêu lạ như với Coca-Cola hay đó là cách anh “vùng vẫy” để được đi khỏi Old Trafford? Thưc sự là không thể, bởi nếu nghe cách bà Sarah Kelly đáp lại lời “CR7” mời con mình đi ăn tối và xem trận đấu của MU như một hành động hối lỗi thì đủ hiểu vết thương ấy còn lớn hơn cả một trận thua như thế nào: "Tôi không có gì để nói với anh ta. Tại sao tôi phải đến Old Trafford? Tại sao cổ động viên của Everton lại phải tới sân của Man United?".

Gần đây, giới văn nghệ lại xôn xao về câu chuyện liên quan đến hai nhà văn từng công tác ở một tòa soạn cách đây hơn hai thập niên. Gác lại bản chất của sự việc, người viết chỉ đọc qua những bình luận để thưởng thức “món ăn nhanh” cảm xúc của cộng đồng mạng, nhất là những người có chút liên quan đến văn chương, báo chí. Bất ngờ ở chỗ, sự việc đã xảy ra trên hai mươi năm, ở thời điểm chưa có mạng xã hội và smart phone, máy ảnh kĩ thuật số nhưng nhiều người vẫn bình luận, hướng dư luận theo những “thuyết” bênh vực nhân vật này, lật tẩy chiêu trò kia khiến nhiều người đọc xong thật sự hoang mang. Không chỉ với vụ việc này, không ít người đang mất kiểm soát bởi cảm xúc trên hệ sinh thái số chứ chẳng riêng gì ngôi sao của Man United.

Gần đây, cộng đồng mạng chia sẻ hành động đẹp của Trung úy Thái Ngô Hiếu (cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Đồng Nai) đã cứu nhóm khách du lịch bị đuối nước ở bãi tắm ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bộ trưởng Bộ Công an đã có quyết định thăng cấp bậc hàm từ Trung úy lên Đại úy cho đồng chí Thái Ngô Hiếu và ngày 15/4/2022, Công an tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Lễ trao Huân chương Dũng cảm của Chủ tịch nước tặng Đại úy Thái Ngô Hiếu.

Nghĩ về truyền thông cảm xúc -0
Không chỉ tấm gương của Đại úy Thái Ngô Hiếu mà cả những kĩ năng của anh cũng cần được lan tỏa trong xã hội-nguồn ảnh Báo Quảng Ninh.

Nhà báo Nguyễn Hạnh đã phân tích rất kĩ trên vnexpress.net: “Nếu không phải là người được huấn luyện như anh Hiếu, một người dân bình thường ở Việt Nam khó có thể thuần thục những kỹ năng cơ bản và sẽ không đủ sức lực, sự bình tĩnh, tự tin để sơ cứu một cách nhanh gọn, chính xác lần lượt từng nạn nhân trong vòng chỉ khoảng 10 phút''. Điều này đang là nghịch lý, là lỗ hổng lớn về y tế ở Việt Nam khi kiến thức sơ cứu trong cộng đồng gần như bằng không. Cấp cứu y tế bao gồm cấp cứu ngoại viện và cấp cứu nội viện. Cấp cứu trong bệnh viện là chuyện nội bộ của mỗi bệnh viện. Nhưng cấp cứu ngoại viện - hoạt động sơ cấp cứu ở bên ngoài trước khi bệnh nhân được đưa đến bệnh viện, giao cho bác sĩ - là chuyện của toàn xã hội, của mỗi người dân, của cả hệ thống 115 trên cả nước. Những yếu kém trong cấp cứu ngoại viện sẽ khiến sự an toàn, cơ hội sống của không ít người bị tước bỏ.

Tuy nhiên, chủ đề kĩ năng và việc trang bị kĩ năng cứu nạn cho người dân này dường như lại không được cộng động mạng thật sự quan tâm. Đơn giản vì nó không “bóng bảy” để câu like, câu view, không li kì như những fake news được lan tràn khác.

Ngay tuần trước, khi đang lưu thông trên đường, có hai bạn trẻ đi xe gắn máy lạng lách và lao vào một xe khác, cả hai bật vào gầm xe của chúng tôi. Rất may, người lái xe của chúng tôi đã kịp thời phanh lại, đưa hai nạn nhân ra và hai cậu thanh niên này chỉ bị thương nhẹ. Nhưng lạ nỗi, khi xảy ra sự việc đó những người dân hai bên đường chỉ đứng để… giơ điện thoại lên quay và chụp chứ không hề hỏi han, đỡ nạn nhân dậy. Người viết tin rằng sự vô cảm ấy ở đây không có lỗi của cảm xúc mà là một thứ lý trí đáng sợ: muốn phải là trung tâm của sự chú ý khi nick của mình, pape của mình thu hút được cộng đồng mạng.

Cảm xúc và lý trí đang bị xáo trộn, đánh đổi trong một xã hội thông tin chia sẻ mạnh mẽ nhưng lại thiếu kiểm soát. Ronaldo có thể sẽ không còn cơ hội sửa sai vì anh ta không chỉ đập vỡ một chiếc điện thoại thông minh mà đã tuyên chiến với cả triệu, triệu con người đang ngày đêm ngồi trước màn hình các thiết bị thông minh. Chúng ta luôn có những cảm xúc nhưng không thể bị dẫn dắt, bị chi phối đến đời sống tinh thần, đến những giá trị sống trong một xã hội số đang ngày một hoàn thiện và phát triển…

Lâm Việt
.
.