Một cú nhảy và sự sẩy chân của ước mơ

Thứ Sáu, 01/10/2021, 11:28

Sau khi đã cứu được một người phụ nữ, Thượng úy Ngô Văn Thứ mới nhận ra khoảng cách mà anh nhảy xuống (từ cầu Châu Sơn đến mặt nước) có độ sâu tới 20 mét. Mấy ngày sau khi lao người xuống từ độ cao ấy, anh vẫn thấy tức ngực và đau bụng. Người đàn ông này đã vượt qua một thử thách không hề nhỏ với một người không phải vận động viên nhảy cầu chuyên nghiệp, không được đào tạo để làm công tác cứu hộ như anh.

Nói về việc làm cao cả này, anh Thứ chia sẻ: "Giữa đường thấy người gặp nạn thì phải cứu thôi". Câu nói ấy nói lên một phản xạ, một bản năng nhân ái trước sinh mệnh đồng loại hay còn là một ước mơ?

Khi đọc những dòng này, hẳn nhiều người sẽ thấy nực cười: Ai đời lại ước mơ làm một việc mạo hiểm như thế? Dẫu biết trong cuộc đời sống là phải ước mơ nhưng cũng phải biết mình được gì, mất gì chứ? Mắt này mơ màng thì mắt kia phải mở. Đến một số nghệ sĩ tên tuổi của làng showbiz Việt đứng ra làm từ thiện bấy lâu nay còn đang phải tất tả "sao kê" để thanh minh cho hành động của mình thì chuyện liều mình cứu người như anh Thứ nhất định phải xuất phát từ một động cơ khác.

Xoay quanh câu chuyện ấy có muôn vàn góc nhìn, cách lý giải, nhưng biết đâu một ngày nào đó người ta lại thấy rằng độ cao 20 mét ấy cũng bình thường, việc liều mình lao xuống cứu người như chàng Thượng uý này cũng đâu "đặc biệt" nếu như đem so sánh với… lời của một vị giáo sư nào đó vừa nhận định: 30 điểm trượt đại học là bình thường.

các em học sinh vừa phải trải qua một năm học trực tuyến vất vả-nguồn ảnh tuổi trẻ thủ đô.jpg -0
Các em học sinh vừa phải trải qua một năm học trực tuyến vất vả. Nguồn ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô.

Cho đến khi các báo đưa tin có đến hơn 60 thí sinh đạt 29,5 điểm nhưng trượt đại học thì quả thật người viết mới nhận ra "cú ngã" từ độ cao 29, 30 điểm ấy mới là điều thật đáng sợ. Đáng sợ ở chỗ các em là những người vừa sẩy chân từ ngưỡng cửa của ước mơ xuống thực tế phũ phàng của mùa tuyển sinh. Chẳng rõ những ngày này các em có sống trong cảm giác "tức ngực khó thở" như anh Thứ không nhưng nhiều người trong chúng ta đang "rùng mình" mà thốt lên trên mạng xã hội: May mà hồi tôi thi đại học chỉ 15, 16 điểm đã đỗ, đã có học bổng, chứ nếu ứng thí vào thời điểm này chắc chắn tôi đã không có cửa để trở thành kĩ sư, cử nhân, đã không có được cuộc sống đầy đủ như ngày hôm nay.

Điều mà người viết quan tâm nhất chính là một chữ "nếu" rất ý vị đó. Có chữ nếu đầy tiếc nuối, có chữ nếu đầy lo sợ và cả những chữ nếu nghe xong bạn sẽ toát mồ hôi. Thậm chí, nhìn vào dòng người trong đêm Trung thu của Hà Nội vừa qua, chúng ta còn không dám nhắc đến chữ "nếu" ấy bởi chỉ một sơ suất nhỏ sẽ phải đối mặt với những nguy cơ khủng khiếp.

Thường thì, trong thực tế cuộc sống, những chữ "nếu" ấy luôn dành cho cái gì đã không xảy ra, chưa xảy ra hoặc ít có nguy cơ xảy ra (ít nhất là ở sự mong mỏi của chúng ta). Nhưng có cả những chữ "nếu" (quả như) đúng với giả thuyết, với cách lập luận, lý giải thì cũng đang lo ngại.

Trên Viettimes.vn, nhà giáo Minh Tuấn nhận định: "Năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lại có một quyết định ngược: thay kỳ thi THPT Quốc gia bằng kỳ thi Tốt nghiệp. Chính hai chữ "tốt nghiệp" này đã gây nên "bão điểm". Vì sao? Kỳ thi THPTQG thể hiện một mục tiêu kép, vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh đại học, nhưng khi thay bằng "tốt nghiệp" thì mục tiêu thứ hai đã bị giảm trừ, nếu không nói là loại trừ về mặt kỹ thuật ở khâu ra đề thi".

Cũng lý giải về sự việc này, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hệ thống Giáo dục Học Mãi cho rằng ngoài nguyên nhân chính là sự phân hóa của đề thi kém hơn trước và sự đa dạng trong các phương thức xét tuyển làm giảm tỉ lệ xét tuyển bằng điểm thi, đẩy điểm chuẩn tăng mạnh hơn trước (theo Soha.vn). Cách giải thích của những người thầy đang hằng ngày giảng dạy luôn đáng để lưu tâm.

số thí sinh đạt điểm thi khối b từ 29,25 trở tổ hợp b00.jpg -0
Số thí sinh đạt điểm thi khối B từ 29,25 trở lên ở tổ hợp B00.

Cách đây mấy tháng, người viết đã từng trăn trở: Liệu có bao nhiêu ước mơ trong 99 nguyện vọng đăng kí của một thí sinh trong mùa tuyển sinh này? Câu hỏi của tôi về một kỉ lục ấy không hề có ý nghi ngờ em thí sinh kia hay về quy định số lượng nguyện vọng trong cách tuyển sinh của ngành Giáo dục mà chỉ thể hiện sự lo ngại về cách tuyển chọn ấy sẽ là con dao hai lưỡi. Khi chúng ta tìm cách bổ sung, củng cố một quy tắc, luật lệ để chặt chẽ, đầy đủ hơn cũng là khi chúng ta đứng trước nguy cơ tự làm khó mình bởi sự rắc rối, phức tạp và đôi khi phải trả giá.

Có thể, tiêu chí "tốt nghiệp" chính là nguyên nhân gây "bão điểm" như nhận định của nhà giáo Minh Tuấn, nhưng nếu giảm trừ đi sự "lạm phát" điểm ấy thì cũng không thể phủ định được năng lực của những em thí sinh đạt 29, 30 điểm. Có thể, nhiều người sẽ lo lắng vì chẳng hiểu số phận các em đạt điểm cao sẽ như thế nào? Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có giải pháp gì? Gác lại một bên câu chuyện về trách nhiệm và giải pháp của những nhà quản lý, người viết cho rằng qua sự kiện này, chúng ta cũng có những góc nhìn riêng để nhận ra những điểm thú vị:

1. Ước mơ của con người không phải lúc nào cũng được định sẵn trên giấy trắng mực đen, không cần phải được lập trình trong đầu mà nó thật sự đơn giản như một hành động của lòng nhân ái như cú nhảy của Thượng tá Ngô Văn Thứ, là những bước chạy đôi tay vội vã đón lấy bé gái rơi từ tầng 12 của tài xế Nguyễn Ngọc Mạnh, hay em Nguyễn Văn Nhã, nam sinh viên (quê ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) quên mình cứu bạn … Có lẽ, khi con người ta quên mình để vì người khác chính là lúc bừng sáng một ước mơ cao cả bấy lâu nay luôn tiềm tàng trong trái tim họ. Họ luôn bước đi và không một lần lo âu sẽ sẩy chân, thất bại hay thua thiệt. Với họ, chỉ cần sống với ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp là luôn cầm chắc phần thắng.

2. Từ một độ cao khác, chúng ta đang nghĩ đến cú sốc tinh thần của những thủ khoa, á khóa trong kì thi vừa qua. Cú sẩy chân (ít ra là cho đến thời điểm hiện tại khi các em chưa được xét vào một trường đại học nào) nói lên điều gì? Đó là khoảng cách hẫng hụt giữa cấp THPT và đại học đã tồn tại bấy lâu nay, đã được cảnh báo về chất lượng đầu vào đại học, đã từng xảy ra tiêu cực trong kì thi năm 2018 ở một vài tỉnh hay chỉ là một bất cập nhỏ trong cách tuyển sinh năm nay? Dẫu vẫn biết các em học sinh cả nước vừa trải qua một năm học với những khó khăn chưa từng có (kể từ khi đất nước được hòa bình, thống nhất) vì đại dịch COVID-19, có thể ở đây đó, các em nhận được sự ưu ái từ cách đánh giá, ôn luyện nên có được kết quả thi khá cao hơn so với các anh chị khóa trước. Tuy nhiên, việc thí sinh có điểm cao trượt đại học chính là một sự phản hồi để chúng ta kịp thời nhận ra và điều chỉnh quy trình đánh giá, sàng lọc và lựa chọn của mình.

3. Từ những câu chuyện đang thu hút sự quan tâm của dư luận, những câu chuyện tưởng như không có gì liên quan đó giúp chúng ta nhận ra giá trị của cuộc sống. Để có được một hành động đẹp, một thái độ sống có ý nghĩa, con người ta sẽ phải học hỏi những gì? Trải qua quá trình đánh giá như thế nào? Trong khi lâu nay chúng ta có cả một quy trình đánh giá chất lượng giáo dục tưởng như rất khắt khe, gắt gao bỗng dưng thành vô giá trị khi người dự thi đã hoàn thành xuất sắc các tiêu chí đó vẫn bị loại. Bất cập đó thuộc về ai? Ai sẽ trả lời câu hỏi này khi mà chất lượng giáo dục Việt Nam luôn là một dấu hỏi từ sách giáo khoa đến chương trình học và cả thành tích về mặt điểm số…

Thời gian sẽ là vị giám khảo khách quan để đánh giá những giá trị sống, những giá trị mà con người luôn mơ ước bằng sự nỗ lực, cố gắng, thậm chí phải chịu thiệt thòi để tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn bằng giá trị ấy. Bởi thế, rất cần sự trân trọng, nâng niu trước những ước mơ ấy dù là nhỏ bé nhất.

Lương Việt
.
.