Điểm chuẩn phải là thước đo khách quan đánh giá thí sinh

Thứ Năm, 23/09/2021, 09:28

Năm nay, tuyển sinh đại học ghi nhận có ngành lấy điểm chuẩn 30 điểm, thậm chí còn trên 30 điểm. Với mức điểm chuẩn như vậy, người có điểm 30/30 tuyệt đối nếu chọn ngành không phù hợp vẫn trượt. Cả xã hội đều phải giật mình, kinh ngạc và tự hỏi: “Phải chăng con cháu chúng ta quá giỏi và chất lượng giáo dục ngày càng tăng?”, hay là “Con cái chúng ta thì vẫn vậy, chỉ có nền giáo dục của ta là... giỏi thật!”.

Chia sẻ cảm nghĩ của mình trên các trang cá nhân, một số bậc phụ huynh có trình độ, có học thức cho rằng nếu trước đây, việc tuyển sinh cũng tiến hành như hiện nay thì chắc chắn họ không có cửa vào đại học. Và họ có cảm giác về sự không công bằng mà nền giáo dục hiện nay đang gây ra cho thế hệ con em.

222.jpg -0
Kỳ thi đại học năm nay, dù thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên vẫn có thể trượt (ảnh có tính chất minh họa).

Lý giải về điều này, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Những số liệu liên tục trong mấy năm chứng minh chất lượng và độ ngày càng dễ của đề thi trung học phổ thông THPT), nhất là từ năm ngoái đến nay, khi kỳ thi THPT không còn được Bộ Giáo dục và Đào tạo xem như phục vụ mục tiêu "2 trong 1" và xem tuyển sinh là việc của các trường, phù hợp với Luật Giáo dục đại học sửa đổi.

Hiện nay, theo thống kê, hiện có hơn 10 phương thức tuyển sinh khác nhau được các trường áp dụng trong mùa tuyển sinh 2021, gồm: Xét tuyển thẳng; ưu tiên xét tuyển; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét học bạ; xét kết quả thi đánh giá năng lực; xét điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc dựa vào điểm học bạ kết hợp với thi tuyển năng khiếu (đối với các ngành năng khiếu) và các phương thức kết hợp khác.

Vì dùng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, nhằm phủ lấp chỉ tiêu tuyển sinh, chỉ dành lại không nhiều chỉ tiêu cho điểm thi THPT, thậm chí là rất ít. Việc các trường không công bố rõ ràng các chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức THPT góp phần làm cho thông tin tuyển sinh không minh bạch, không hỗ trợ tốt thí sinh trong việc lựa chọn nguyện vọng của mình, khiến các em đưa ra lựa chọn chưa chính xác.

Vậy kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” bắt đầu được tổ chức từ năm 2015, với mục tiêu lấy kết quả xét tốt nghiệp đồng thời xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng, nhằm giảm bớt tình trạng luyện thi, học tủ, học lệch và giảm bớt chi phí. Xem ra mục tiêu này đang dần chết yểu, chưa đạt được yêu cầu đột phá như kỳ vọng.

Xét cho cùng, thi cử dù sử dụng phương thức nào đi nữa thì cũng là để kiểm tra học lực một cách hữu hiệu và đồng thời là một cách đánh giá trí tuệ của từng học sinh nhằm tiếp tục đào tạo tốt hơn, thì các cách đánh giá không phải là nỗi sợ uy hiếp tinh thần và sức khoẻ của người được đánh giá.

Người dân và xã hội không thể yên lòng trước thực trạng điểm chuẩn thi vào đại học luôn thay đổi và quá cao như hiện nay. Ngoài ra, việc cộng điểm ưu tiên cho một số đối tượng như cách làm hiện nay cũng tạo ra tình trạng không công bằng, gây thiệt thòi trong cùng một thế hệ thí sinh. Việc đỗ hay trượt không còn phụ thuộc vào năng lực mà phụ thuộc vào việc có được cộng điểm ưu tiên hay không, cộng nhiều hay ít.

Điểm chuẩn phải là một loại thước đo đánh giá khách quan kiến thức của các thí sinh. Nó cũng giống như bất kỳ một loại thước đo nào khác. Đã là thước đo thì nó phải bất di bất dịch. Có như vậy mới bảo đảm được công bằng cho các thí sinh. Thế nhưng, cách làm như hiện nay của chúng ta cho thấy mỗi năm cái thước đo đó cứ dài thêm ra và hệ lụy là thí sinh có điểm thi tuyệt đối thì cũng ngồi xem người khác tựu trường.

Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên xem xét trả kỳ thi đại học và cao đẳng cho các trường tự tổ chức thi nhằm chọn ra những sinh viên ưu tú, phù hợp chương trình đào tạo của trường, chứ đừng ôm đồm rồi loay hoay với các phương án không khả quan?

Đừng để mục tiêu “học thật, thi thật, nhân tài thật” trở thành khẩu hiệu suông, chỉ mang tính “an thần”. Sản phẩm của giáo dục sẽ là những chính trị gia, các nhà quản lý kinh tế, là cán bộ, công chức, chuyên gia hàng đầu ở mọi lĩnh vực của đất nước trong tương lai. Xin đừng tạo thêm những điều khó hiểu gây thêm rối loạn trong tuyển sinh, đào tạo, mà hãy tập trung cải cách mạnh mẽ hành chính giáo dục để tạo môi trường thuận lợi cho cải cách giáo dục. Đây là hướng đi không thể né tránh để tiến tới xây dựng nền giáo dục, hiện đại, nhân văn trong thời đại hội nhập toàn cầu.

Cù Tất Dũng
.
.