Khi quốc tế không phải là một bảo chứng

Thứ Năm, 09/06/2022, 15:45

Quốc tế, hai tiếng ấy vẫn thường được xem như một bảo chứng chất lượng cho một sản phẩm, thành tựu, công việc nào đó. Ví dụ, khi nhận xét về một bản ghi âm, một bộ phim chẳng hạn, nếu nói “nó đạt đẳng cấp quốc tế” thì điều đó đồng nghĩa với một lời khen ngợi đầy tính ghi nhận và nể phục. Song, không phải lúc nào quốc tế cũng là một bảo chứng chất lượng như thế, đặc biệt là ở lĩnh vực đấu giá tranh Việt của những nhà đấu giá tên tuổi suốt mấy năm qua.

Cách đây chưa lâu, chính xác là khoảng hơn 6 tháng trước, nhà đấu giá tên tuổi Aguttes đã cho lên sàn hai bức tranh Việt là “Cô gái chải đầu” và “Cô gái và bồ câu”. Mức giá gõ búa lần lượt là 335 ngàn EUR cho bức “Cô gái chải đầu” và 540 ngàn EUR cho bức “Cô gái và bồ câu”. Hai mức giá kể trên có thể được xem là một tín hiệu tích cực cho hội họa Việt Nam, song điều đáng tiếc là nhà Aguttes đã giới thiệu sai tác giả tranh.

“Cô gái chải đầu” vốn dĩ của Trần Tấn Lộc đã được gán cho Trần Bình Lộc và “Cô gái và bồ câu” là tác phẩm của Dung Đoan lại được cho là tranh của Lương Xuân Nhị. Và chính việc gán nhầm tên tác giả này mới khiến tranh được định giá cao như thế, bởi trước đó, hai tác phẩm của Trần Bình Lộc và Lương Xuân Nhị đã từng được đấu giá ở một mức thành công bất ngờ vào hồi tháng 9/2021.

Không chỉ mình nhà Aguttes mà kha khá các nhà đấu giá tên tuổi khác như Sothebys hay Asium cũng từng có các “lầm lẫn” về tác giả tranh Việt, đặc biệt là các tranh của giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20. Thậm chí, trầm trọng hơn, từng có cả trường hợp hi hữu tranh mang đấu giá là tranh giả và đã bị giới am hiểu hội họa trong nước phản ứng khá dữ dội.

Nguyên nhân của các sai lầm đáng tiếc kể trên có nhiều khả năng bắt nguồn từ chính lực lượng cố vấn thẩm định tranh. Gần như không có nhà đấu giá quốc tế nào mời một chuyên gia mỹ thuật Việt Nam thẩm định tranh Việt mà thay vào đó, họ sử dụng các chuyên gia Trung Quốc nhiều hơn. Sai lầm này đến từ việc họ không am hiểu văn hoá Việt và khác biệt giữa chữ Nôm với chữ Hán. Các tranh của họa sĩ Việt Nam thời kỳ đầu của Mỹ thuật Đông Dương vẫn thường được đóng triện hoặc viết thêm vài dòng chữ Nôm. Và khi các chuyên gia thẩm định không thể nắm bắt hết, họ sẽ đưa ra các nhận định cẩu thả dẫn tới việc tranh Việt lên sàn thường xuyên có độ sai lệch đáng kể, khiến nhà sưu tập thiệt hại và từ đó dẫn tới việc tổn hại uy tín hội họa Việt Nam một cách vô cùng trầm trọng.

Điều đáng nói là hiện nay đã hình thành một lực lượng nhà sưu tập tranh nội địa với khát vọng lưu trữ lại các tác phẩm hội họa quý của Việt Nam thời kỳ nửa đầu thế kỷ 20. Các nhà sưu tập ấy đã và đang phải bỏ ra rất nhiều tiền của để có thể chiếm được tiếng gõ búa ở các phiên đấu giá. Nếu bức tranh họ nhận về không phải tác phẩm của tác giả mà họ kỳ vọng, hoặc là tranh chép, thiệt hại ấy không chỉ là tài chính mà còn là cả sự đổ vỡ niềm tin.

Hiện thời, rất nhiều nhà nghiên cứu, phê bình, họa sĩ đã bắt đầu lên tiếng phản ứng đối với các nhà đấu giá quốc tế để yêu cầu có sự tham gia thẩm định của người Việt am tường. Tuy nhiên, đáp lại các phản ứng kia vẫn chỉ là sự im lặng đáng ngại. Và sự im lặng ấy cho thấy “quốc tế” đã không còn là một tiêu chuẩn, một bảo chứng trong lĩnh vực đấu giá tranh nữa, nhất là khi đã có rất nhiều tai tiếng liên quan đến các gallery uy tín ở châu Âu và Mỹ trong suốt hai mươi năm vừa qua.

Văn Đoàn
.
.