Trân quý từng đồng vốn đầu tư công

Thứ Năm, 19/05/2022, 08:00

Người dân luôn mong mỏi các nhà lãnh đạo thể hiện rõ trách nhiệm của mình trước các quyết sách trong cương vị công tác đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Điều đó cũng để lý giải được vì sao phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/5/2022 đã để ấn tượng rất đặc biệt với đông đảo cử tri cả nước.

Phiên họp này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là để xem xét việc Chính phủ dự kiến phương án phân bổ 100.000 tỉ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, ngành, địa phương thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 50.000 tỉ đồng; Chương trình giảm nghèo bền vững 18.000 tỉ đồng; Chương trình xây dựng nông thôn mới 27.000 tỉ đồng.

Trong đó, 50.000 tỉ đồng của chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dự kiến phân bổ 2.942 tỉ đồng cho các bộ, cơ quan Trung ương thực hiện một số nhiệm vụ; 47.057 tỉ đồng cho các địa phương thực hiện các tiểu dự án thành phần thuộc chương trình.

Trân quý từng đồng vốn đầu tư công -0

Với 18.000 tỉ đồng cho chương trình giảm nghèo bền vững, dự kiến phân bổ 96 tỉ đồng cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động và đầu tư cơ sở hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin; 17.904 tỉ đồng cho các địa phương để thực hiện các nội dung của chương trình. Với 27.000 tỉ đồng xây dựng nông thôn mới thì phân bổ hết cho các địa phương. Còn lại 5.000 tỉ đồng, Chính phủ đề nghị để lại cho Chính phủ phân bổ chi tiết.

Chính phủ cũng đề xuất chỉ phân bổ 33.384 tỉ đồng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương trong năm 2022, còn lại 665 tỉ đồng giao Chính phủ quyết định.

Với các đề xuất này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không đồng tình với đề nghị để lại 5.000 tỉ đồng để Chính phủ tự phân bổ và "Đề nghị Chính phủ trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo nghị quyết, không có phân cấp, ủy quyền".

Chủ tịch Quốc hội cũng không đồng tình phân bổ 2.942 tỉ đồng cho các bộ, cơ quan Trung ương thuộc chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vì nội hàm chưa rõ và chưa được giải thích đầy đủ. Chương trình này cũng chủ yếu các địa phương thực hiện, còn các bộ, ngành thì chức năng quản lý Nhà nước đã được bố trí trong kinh phí chi thường xuyên, vốn đầu tư công cũng đã bố trí nên không thể lấy đầu tư công cho chương trình mục tiêu quốc gia làm đầu tư công cho các bộ, ngành, trừ trường hợp đặc biệt.

Đối với việc phân bổ số vốn năm 2022, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cái nào rõ thì chấp nhận; cái nào chưa rõ, chưa đúng tinh thần Nghị quyết thì đề nghị Chính phủ rà soát lại và có thể xem xét sau, không vì tiến độ mà quyết định những cái không đúng với nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội.

Không đồng tình hay chưa đồng tình tại phiên họp này không đồng nghĩa với việc rồi đây Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng sẽ kiên quyết không đồng tình, mà phải hiểu là các cơ quan tham mưu cho Chính phủ cần phải làm rõ thêm, có căn cứ lập luận vững chắc hơn trong việc phân bổ 100.000 tỉ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, ngành địa phương thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Điều này cho thấy người đứng đầu Quốc hội đã rất cẩn trọng trong việc sử dụng ngân quỹ của quốc gia. Nhìn rộng ra thực tiễn, sẽ thấy lâu nay tình trạng lãng phí ngân quỹ đã xảy ra ở nhiều nơi. Rất nhiều chương trình triển khai ồ ạt, hiệu quả không cao như kế hoạch. Rất nhiều công trình dây dưa kéo dài, đội vốn gấp nhiều lần dự kiến ban đầu. Không thể kể hết những công trình tiền tỉ xây dựng xong phải bỏ hoang vì không phát huy hiệu quả.

Trong muôn vàn nguyên nhân dẫn đến đất nước chưa phát triển đúng tầm như kỳ vọng, có nguyên nhân từ việc sử dụng chưa hiệu quả vốn đầu tư công. Lãng phí vốn đầu tư công xảy ra không chỉ ở một chương trình, một địa phương hay cá biệt một bộ, ngành. Cho nên, thận trọng trong quyết định sử dụng vốn đầu tư công phải luôn là điều rất cần được đội ngũ lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương và các bộ, ngành quán triệt.

Thành ngữ Việt Nam ta có câu “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Câu đó ngụ ý nếu biết căn cơ tiết kiệm, làm ăn có kế hoạch thì mới mong no đủ. Trong điều kiện ngân sách nước ta chưa dồi dào thì đồng vốn càng cần phải được sử dụng đúng nơi, đúng chỗ để phát huy hiệu quả cao nhất.

Lương Duy Cường
.
.