Hạ nhiệt cho tương lai

Thứ Năm, 18/05/2023, 15:50

Đợt nắng nóng cao điểm đầu tháng Năm khiến chúng ta cảm nhận được sức nóng của một mùa hè này. Thêm một lần nữa, bài toán về quy hoạch đô thị, kiến trúc xanh, hồ điều hòa… lại được nhắc đến. Kiến trúc sư Sơn Đặng trên Báo Dân trí đã đưa ra một lời khuyên: "Chúng ta cần thay đổi tư duy và hành động về chính sách đô thị trước hiện tượng báo động của đảo nhiệt đô thị. Chúng ta cũng cần những giải pháp nhà ở có tính đến đối lưu không khí, thoáng gió và ánh sáng, ít phải sử dụng điều hòa; tăng cường làm mái xanh, vườn trên mái và sân trồng cây".

Quan điểm của Kiến trúc sư Sơn Đặng có lẽ đã vượt ra ngoài lĩnh vực của kiến trúc, nhắc chúng ta nghĩ đến cái lâu dài, sâu xa hơn đấy là giải nhiệt cho tương lai bằng cách làm bài bản, chiến lược hơn.

kiến trúc xanh hạ nhiệt cho đô thị-nguồn ảnh reatimes.vn.jpg -1
Kiến trúc xanh hạ nhiệt cho đô thị - nguồn ảnh reatimes.vn.

Trong lúc, tất cả chúng ta đợi cơn mưa đầu hạ giải nhiệt cho ngày nắng cao điểm thì một thông tin bất ngờ: "Ngày 5/5, tại London, Vương quốc Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Phó Tổng giám đốc toàn cầu tập đoàn AstraZeneca Juliette White và dự Lễ công bố khoản đầu tư 50 triệu USD nhằm phục hồi rừng và cảnh quan tại Việt Nam" (theo: Bộ Ngoại giao).

Dự kiến sẽ có khoảng 22,5 triệu cây xanh sẽ được trồng trên hơn 30.500 ha đất. Có lẽ, sứ mệnh bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, màu xanh cho trái đất cũng là thông điệp của mọi sự hợp tác, hữu nghị và đoàn kết. Nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, các quốc gia, dân tộc, các vùng văn hóa cũng đã và đang chia sẻ tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong phát triển xã hội, văn hóa chăng?

Biến đổi khí hậu không còn là chuyện xa xôi trên các diễn đàn mà đã tác động đến từng con phố, từng mái nhà, từng cá nhân, đúng như lời nhà thơ Koike Masayo (Nhật Bản) đã nói: "Khi chúng ta gieo những hạt giống, ngoài tiền bạc, chúng ta còn nhận lại sự bảo đảm về sự sống sau này" (theo: Nguyễn Văn Học-Báo Nhân dân).

Và, sâu xa hơn nữa, nó còn là con số trên hàn thử biểu tâm hồn. Hay nói cách khác, nhịp điệu mau lẹ, sôi nổi, gấp gáp của mùa hè còn đến từ nhiều phía. Một kĩ sư nông lâm đã về hưu từng nói với tôi: "Tôi cảm thấy cuộc sống bây giờ gấp gáp quá, hình như mọi người đều quá tải nhưng vì ai cũng thế nên thấy hết sức bình thường rồi lại phải cố hơn…".

Câu nói của ông khiến tôi giật mình. Đúng là, nếu ai cũng như ông về hưu thanh thản, an phận với căn nhà nhỏ, hàng ngày đi xe đạp điện, đi xe bus, gặp gỡ tiêu dao bạn bè thì lấy đâu ra doanh nhân, lấy đâu ra cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo ra việc làm. Nhưng đúng là, nếu chỉ chạy theo một mục tiêu duy nhất, tham vọng duy nhất thì nhu cầu cuộc sống chúng ta sẽ "biến đổi" khác nào trái đất đang tăng nhiệt độ.

Nhưng thật ra, người kĩ sư cao tuổi ấy lại không nhận ra một thực tế khác, đó là sự gấp gáp, vội vã của một ý tưởng muốn nghỉ sớm, muốn thỏa mãn và ít quan tâm đến sự phát triển của xã hội. Về quan điểm này, Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân đã chỉ ra khá rõ trong bài có tên là "Chưa giàu đã già", bài viết có đoạn: "Luồng tư tưởng có vẻ như phổ biến trong xã hội hiện nay coi đồng tiền là trên hết, là thước đo sự thành công cuộc sống... Trong xã hội như vậy, dù muốn dù không ta rất dễ bị cuốn đi theo. Bây giờ gặp nhau chẳng mấy ai để ý đến tư duy, tư cách, mà đánh giá ngay ăn mặc có hàng hiệu không, câu chuyện thì mở miệng ra là khoe mấy cái nhà, mấy lô đất, con cái du học ở đâu. Và điều rất đặc biệt là sau khi khoe tất tần tật, bao giờ họ cũng có câu nói chứng tỏ sự thanh cao là: "Ôi dào, tiền là chuyện nhỏ. Tình cảm mới là quý. Tiền nhiều để làm gì".

bộ phận người trẻ đánh giá nhau qua giá trị vật chất, ngại phấn đấu.jpg -0
Hiện có một phận người trẻ đang đánh giá nhau qua giá trị vật chất, ngại phấn đấu.

Hóa ra, trong cách nghĩ, lối sống, hành động tưởng như chậm, bình thản ấy lại chứa đựng những nguy cơ tiềm ẩn chứ không phải lúc nào cũng là sống có chất lượng, sống có ý nghĩa. Bạn thử để ý xem ngày nay có một bộ phận người trẻ ngại học những nghề đòi hỏi nghiên cứu công phu, có tính chiến lược mà thay vào đó là các nghề ứng dụng ở lĩnh vực dịch vụ ở các thành phố lớn hay thuộc dạng hot. Họ sẵn sàng từ bỏ sở trường, ước mơ của mình để làm một nghề trái sở trường. Mỗi năm, khi các thí sinh đăng kí nguyện vọng chọn ngành nghề, người viết lại nghĩ đến lĩnh vực nông nghiệp - lĩnh vực mũi nhọn đang có tương lai. Trong khi đó, chỉ có khoảng 16% người lao động ở lĩnh vực này được đào tạo từ sơ cấp trở lên (theo thống kê năm 2020 của Tổng cục Thống kê).

Cơn sốt hướng nghiệp chưa bao giờ hạ nhiệt và hàng năm chúng ta vẫn lo lắng, vẫn nhận ra những bất cập về nguồn nhân lực của tương lai. Còn nhớ, trong cuốn sách có tên "Sự giàu có của một quốc gia mới ở Nhật Bản" của tác giả Kenichi Ohmae, ông có đưa ra khái niệm "ham muốn thấp", được hiểu là: thanh niên không phấn đấu, dám nghĩ dám làm như trước… (theo: Lưu Ly-Nhịp sống kinh tế). Phải chăng, "ham muốn thấp" ở đây cũng là một chủ đề nóng cần phải tìm cách để hạ nhiệt, tránh những nguy cơ thiếu hụt những sáng tạo, những đột phá cho tương lai.

ngành nông nghiệp đang cần  nhân lực có trình độ-ảnh  nguyễn quang-báo hà nội mới.jpg -2
Ngành Nông nghiệp đang cần nhân lực có trình độ-ảnh  Nguyễn Quang.

Thực ra, để thực hiện được khát vọng, không chỉ cần quyết tâm, nỗ lực mà còn cả hướng đi đúng đắn. Người viết xin nêu ra một ví dụ: Seagames 32 đang diễn ra rất sôi nổi với các kỉ lục mới được xác lập. Người ta nhắc nhiều đến những kỉ lục, những cú "xảy chân" đáng tiếc của các vận động viên (VĐV) tiềm năng, những phản ứng nỏng nảy… đặc biệt là 2 tấm huy chương vàng của VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh. Khi đọc bài viết "Mặt trái tấm huy chương" của ông Dương Đức Thủy, Cựu HLV trưởng Đội tuyển Điền kinh Việt Nam chúng ta lại nhận ra một thực tế khác.

Bí quyết của thành công chính là việc chúng ta đã tính toán lâu dài, một sự chuẩn bị kĩ lưỡng, biết lùi một bước để tiến hai bước. Trong khi nhiều vận động viên trên thế giới tìm cách lách luật, gian lận hay ứng xử thiếu văn hóa, phi thể thao… để đoạt huy chương bằng mọi giá. Đằng sau câu chuyện đoạt 2 tấm HCV trong 30 phút của VĐV Nguyễn Thị Oanh còn là bài học về sự khiêm nhường, tỉnh táo và khoa học.

Danh hiệu ấy mang ý nghĩa của thể thao tiến bộ và nhân văn chứ không chỉ là một kì tích trong khu vực như lời HLV Dương Đức Thủy: "Thành tích của Oanh rõ ràng truyền cảm hứng cho người yêu thể thao, góp phần tăng số lượng huy chương của Việt Nam trên bảng tổng sắp. Và vì vậy, cô gái bé nhỏ đã nhận được tưởng thưởng xứng đáng: sự tán dương, lời chúc mừng và sắp tới, có thể là danh hiệu và các phần thưởng có giá trị vật chất lớn đi kèm" (theo: vnexpress.net).

Câu chuyện của thành tích cao trong thể thao, khát vọng của người trẻ hay phủ xanh không gian sống là những điều cần thiết để phát triển xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống từng ngày. Để làm được điều đó, từ trong ý thức của mỗi người cần nhận diện những nguy cơ, bất cập, những điểm nóng để tháo gỡ, hạ nhiệt cho chính tương lai của mình.

George Bernard Shaw (1856 - 1950), nhà chính trị người Ireland từng nói: "Chúng ta trở nên khôn ngoan không phải nhờ hồi tưởng lại quá khứ, mà bởi trách nhiệm của ta đối với tương lai". Suy cho cùng, không phải sự lựa chọn nào của ngày hôm nay cũng hướng đến tương lai, thuộc về tương lai bởi quan trọng bạn có tìm ra phương thức hữu hiệu để "hạ nhiệt" được những thách thức đó hay không?

Lâm Việt
.
.