Phố vàng phố bạc lung linh

Thứ Năm, 20/04/2023, 12:18

Nhớ ngày còn bé, có lần tôi theo bố lên phố Hàng Bạc (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tìm mua vòng lắc đeo cổ chân cho cháu ngoại. Ông vừa mặc quần áo vừa ngâm nga mấy câu: “Thông ngôn ký lục bạc chục không màng/ Lấy chồng thợ bạc đeo vàng đầy tay”.

Bố mua cho cái kem và bắt tôi đứng đợi ở rạp cải lương Kim Chung. Ánh sáng đèn khò chạm bạc bập bùng trước mặt. Người người qua lại vội vã. Tôi mút khô cả que kem mới thấy bố quay về, vội khóc òa lên vì lo sợ.

Những ngôi nhà ánh sáng

Ánh lửa đèn khò ngày đó trở thành một ký ức khó phai trong tôi. Thợ chạm bạc ngồi lấp ló phía trong cửa hàng. Những ngôi nhà chạy dọc phố lúc nào cũng sáng rực ánh đèn. Khách ra vào tấp nập. Có những ngôi nhà ở phố Hàng Bạc mà tôi cho là không hề thay đổi cả thế kỷ qua. Nhất là cửa hàng số 47 ngày nào vẫn giữ nguyên hình hài của nó. Những cánh cửa gỗ nứt nẻ, sứt vỡ vẫn được kéo ra lắp vào hàng ngày cho đến nay. Cửa hàng thấp với mái ngói rêu phong trước ngôi đình Kim Ngân (thờ tổ nghề chế tác vàng bạc). Tôi đoán họa sĩ Bùi Xuân Phái đã vẽ bức phố Hàng Bạc có lấy bối cảnh này với mái ngói nhấp nhô của dãy phố trong cảnh mùa đông rét mướt. Và nghe như góc đường đang vang lên bản nhạc mưa phố ngày nào: “Tiếng đàn buông trượt dốc rêu phong/ Mái ngói lô xô hắt hiu nghiêng đổ/ Chợt mắt em hiện trên khung cửa/ Nốt dương cầm da diết gọi mưa…”.

3 cửa hàng bạc cổ số 47.jpg -0
Cửa hàng bạc cổ số 47 phố Hàng Bạc.

Phố Hàng Bạc chỉ dài chừng gần 300 mét nhưng lại chia thành hai phần vì bị phố Đinh Liệt và Tạ Hiện cắt ngang. Nửa dãy phố từ Đinh Liệt kéo tới phố Hàng Đào, toàn người dân làng Định Công làm đồ mỹ nghệ, đậu bạc tinh xảo. Nửa phố còn lại kéo dài tới ngã ba Hàng Mắm và Hàng Bè thì thuộc đất dân Châu Khê (Hải Dương) tụ đến từ trước. Họ toàn chế đồ trang sức bạc (vòng, lắc, dây, nhẫn, hoa tai...). Phố được hình thành từ đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Sau này thêm làng khảm bạc Đồng Xâm (Thái Bình) kéo lên lập thành phường hội đúc bạc cho triều đình Huế. Hàng Bạc luôn được coi là trung tâm phố mang tên Hàng. Trong dân gian kẻ chợ, tên phố được kể đầu tiên trong bài xẩm chợ: “Ba mươi sáu mặt phố phường/ Hàng Giày, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào…”. Phía dãy số nhà lẻ dài hơn có tới số nhà 179, còn bên chẵn chỉ có tới nhà số 140. Nhưng thực ra còn những nhà cùng số theo thứ tự A, B, C thì cả hai bên dãy phố có tới 200 cửa hàng vàng bạc.

Hầu như khách phương xa tới Hà Nội đều dạo qua phố Hàng Bạc. Những vật dụng trong cửa hàng như có những con mắt cởi mở chân tình chào đón của kẻ chợ vẫn neo giữ tới nay. Trong những kiến trúc cổ nhà ống dài với sân trời giếng nước trên phố thì khác biệt nhất là rạp hát Tố Như (1925-1939), số nhà 72. Đó chính là rạp Chuông Vàng của Nhà hát Cải lương Hà Nội và được coi là điểm nhấn của khu phố cổ. Nó được hình thành với cấu trúc của một nhà hát Pháp nhỏ với 250 ghế ngồi và trở thành chốn giải trí của giới ăn chơi Hà Thành một thuở. Rạp gây dấu ấn đặc biệt từ khi được Đoàn Cải lương Kim Chung mua lại (1947-1956). Cô đào Kim Chung nổi tiếng với danh hiệu đệ nhất danh ca Bắc Hà.

Nhưng có lẽ rạp cải lương Kim Chung còn vang dội hơn bởi cuộc hội ngộ hùng mạnh của trung đoàn Thủ đô trong cuộc chiến chống thực dân Pháp. Đúng vào thời điểm lịch sử toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), tại đây các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã làm lễ tuyên thệ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh (ngày 14/1/1947). Một không khí rạo rực trong cuộc chiến đấu sống còn của Trung đoàn Thủ đô bắt đầu từ rạp hát này. Sau khi hòa bình lập lại, rạp hát được mang tên Chuông Vàng (từ năm 1956). Nhưng cho tới nay, tiếng Chuông Vàng một thời vẫn luôn vang lên âm hưởng của thời khắc: “Cùng nhau đi Hồng binh/ Đồng tâm ta đều bước/ Đừng cho quân thù thoát/ Ta quyết chí hy sinh…” (Nhạc sĩ Đinh Nhu -1930).

Giấc mơ xuân đằm thắm dưới giăng ngà

Không khí cảm tử để Tổ quốc quyết sinh đã được nuôi dưỡng từ trước đó ở phố Hàng Bạc. Bởi lẽ ngôi nhà số 86 chính là trụ sở của Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ đô (hoạt động từ 12/1946 tới 2/1947). Những kế hoạch tác chiến trên đường phố Hà Nội đều được hoạch định tại đây. Ngôi nhà số 86 Hàng Bạc vẫn được bảo tồn, gìn giữ gần như nguyên vẹn cho tới nay sau 100 năm xây dựng.

Nhưng ngôi nhà này còn đánh dấu một lịch sử sâu sắc khác mà ít người biết đến. Đây chính là hiệu vàng của ông chủ Phạm Chấn Hưng giầu có bậc nhất Hà Nội. Ông không những là một nhà tư sản lớn mà còn là người có tinh thần yêu nước cứu quốc. Con trai ông là nhà thơ nổi tiếng Phạm Huy Thông (1916 - 1988). Phạm Huy Thông đã lớn lên và trưởng thành từ ngôi nhà này.

Đặc biệt, Phạm Huy Thông vang danh từ năm 16 tuổi với bài thơ “Tiếng địch sông Ô” và trở thành hiện tượng trong phong trào Thơ mới. Ngay tại ngôi nhà này, Phạm Huy Thông dồn sức sáng tác và cho in liền 4 tập thơ: “Yêu đương” (1933); “Anh Nga” (1934); “Tiếng địch sông Ô” (1935); và “Tần Ngọc” (1937). Đó là thời điểm thăng hoa nhất của ông khi ở độ tuổi 20.

3 cửa hàng bạc cổ số 47.jpg -0
Rạp hát Chuông vàng (Nhà hát Cải lương Hà Nội).

Cùng thời gian này ông tốt nghiệp Cử nhân Luật tại Viện Đại học Đông Dương (1937). Sau đó nhà thơ đi Pháp du học nhiều năm và trở thành Giáo sư và giữ chức Ủy viên Hội đồng Giáo dục tối cao tại Pháp (1947). Sau này Giáo sư Phạm Huy Thông về nước tham gia hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học và xã hội. Giáo sư Phạm Huy Thông còn được bầu là Viện sĩ viện Hàn lâm khoa học (Cộng hòa dân chủ Đức). Ông có nhiều công trình giá trị thuộc chuyên ngành khoa học xã hội và được nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000).

Phạm Huy Thông tuy dừng làm thơ khá sớm nhưng ông đã để lại di sản mang giá trị đáng kể trong phong trào Thơ mới (1930-1942). Nhà phê bình Hoài Thanh-Hoài Chân đã từng nhận xét: “Giữa cái ẻo lả, cái ủy mị của những linh hồn đương chờ sa ngã, thơ Huy Thông đã ồ ạt đến như một luồng gió mạnh”. Với những câu thơ ẩn giấu khát vọng sống, Phạm Huy Thông thể hiện nhịp điệu sôi động: “Tôi muốn hóa một con chim để cùng gió/ Bay lên cao mơn trớn sợi mây hồng/ Muốn uống vào trong buồng phổi vô cùng/ Tất cả ánh sáng dưới gầm trời lồng lộng/ Muốn có đôi cánh tay vô ngần to rộng/ Để ôm ghì cả vũ trụ vào lòng tôi!”.

Và hồn thơ “Tiếng địch sông Ô” vẫn còn đâu đó với những ám ảnh bi kịch của một anh hùng cái thế sa cơ trong tích truyện cổ: “Ôi! Những võ công oanh liệt chốn sa trường!/ Những buổi tung hoành/ Lăn lộn trong rừng thương!/ Những tướng dũng bị đầu văng trước trận…!/ Nhưng, than ôi! Vận trời khi đã tận/ Sức lay thành nhổ núi mà làm chi?...”. Nhưng tấm lòng trong trẻo với sự hồn nhiên thơ mộng vẫn là cốt cách thi ca Phạm Huy Thông: “Khách đa tình còn bâng khuâng quyến luyến/ Giấc mơ xuân đằm thắm dưới giăng ngà/ Mà đêm biếc sắp tàn, giăng xuân biến/ Và vừng hồng sẽ tắm nắng chân mây xa!” (Tiếng ca).

Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội

Hơn mười năm qua, chúng tôi mỗi khi đi qua phố Hàng Bạc đều nhớ tới giai điệu bài hát “Mãi là tuổi thơ tôi Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Những thanh âm như được treo lên những quả chuông vàng chuông bạc trên hàng cây đường phố. Nguyễn Cường ở ngôi nhà 94 Hàng Bạc cùng gia đình từ nhỏ. Những tác phẩm âm nhạc của anh luôn nổi bật lên âm hưởng Hà Nội sâu đậm. Lời bài ca về tuổi thơ luôn bay bổng trên không gian phố: “Nhớ vô cùng ngày tôi xa Hà Nội/ Những phố phường tuổi thơ tôi bồi hồi/ Phố Hàng Lược chợ hoa, phố Hàng Đào lụa tơ/ Đất Thăng Long người ơi…”.

Người ta luôn yêu thích những “Hò biển”, “Ly cà phê Ban Mê”, hay “Đôi mắt Pleiku”, “Hzen lên rẫy”… của Nguyễn Cường; thì lại càng nhớ tới chùm ca khúc về Hà Nội của anh như “Khúc Romance Hà Nội”, “Hoa loa kèn đã nở rồi”, “Đàn cầm dây vũ dây văn” cùng “Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội”. Tiếng đàn dương cầm luôn vang lên nơi cuối phố Hàng Bạc. Những bạn trẻ hay dừng chân nơi đây và tưởng nhớ: “Tiếng chuông chùa vẳng xa thật xa/ Những mái nhà ngói xô bài ca/ Những gì đã qua lại bao la vọng về/ Những gì đã qua lại bao la mỗi chiều/ Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội”.

Vương Tâm
.
.