Đừng chủ quan phán xét...

Thứ Năm, 30/09/2021, 11:40

Câu chuyện về bé Biện Nguyễn Khôi Nguyên, 10 tuổi, học lớp 5A, Trường tiểu học Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, với đam mê đọc sách của mình bỗng dưng trở thành một đề tài để giễu nhại trên mạng xã hội thực sự đáng để người lớn chúng ta phải suy nghĩ về chính hành vi của mình. Lý do người ta giễu nhại không nằm ở chuyện cá nhân của cậu bé ấy, mà nằm ở điểm bé chọn mục tiêu đọc hết “Lê-nin toàn tập”.

Sẽ là những khen ngợi nếu như Khôi Nguyên chọn một bộ sách khác, không bị chính trị hoá một cách méo mó theo định kiến của người đời. Nhưng Khôi Nguyên đã quyết chọn “Lê-nin toàn tập”, một lựa chọn tự thân không bị tác động bởi ai khác.

Điều đáng nói là những người giễu nhại cháu bé hoàn toàn không hề quan tâm đến bối cảnh rộng của tin tức được đưa xoay quanh cháu. Họ chỉ săm soi vào cái tên của bộ sách mà cháu thích đọc và sẵn sàng bỏ qua những chi tiết vô cùng quan trọng là cháu mê lịch sử, địa lý và nước Nga đến mức độ nào. Sự săm soi này chính là biểu hiện rất lớn, rất nổi bật của những người chủ quan, thiên kiến, dễ thất bại. Đơn giản, họ là những người thường hay bỏ qua mọi dữ kiện quan trọng và vội vã kết luận theo chủ quan và cảm tính của mình.

Khi một hành vi đẹp, đặc biệt ở thời đại internet này, là hành vi đọc sách bị mang ra làm thứ để giễu cợt, đó là điều mà người lớn không nên làm. Trẻ con đọc sách trong thời điểm này, khi mà các thiết bị giải trí bằng điện tử lên ngôi, khi mà có quá nhiều trò chơi điện tử đã đánh cắp đi tuổi thơ, tuổi thiếu niên của những đứa trẻ thì đọc sách là điều vô cùng đáng quý cần được cổ vũ.

Có một chi tiết mà chúng ta nên tham khảo chính là việc trước tác của Karl Marx đã có lượng bán ra tăng vọt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Chủ yếu lượng bán ra tăng vọt này đến từ thị trường phương Tây, điển hình như Mỹ, Anh, Pháp,  Canada, Úc… Những người tìm đọc lại trước tác của Marx cũng toàn là những bậc tinh hoa của xã hội, đặc biệt là giới chính trị gia. Điển hình là cựu Tổng thống Pháp Sarkozy. Ông từng chụp ảnh quảng bá tranh cử với cuốn “Tư bản luận” trong tay. Nó cho thấy sách và kiến thức luôn là nguồn tri thức quý giá của loài người, đặc biệt quý giá với những ai biết vận dụng và bản thân nguồn tri thức này không tự tách mình ra theo một phe phái chính trị nào.

Ở Việt Nam, xu hướng gần đây của những kẻ đội lốt đấu tranh dân chủ luôn là chống lại các tinh thần triết lý của Marx. Họ đã đọc hết trước tác của Marx chưa để đủ sức phán xét? Và câu hỏi rất quan trọng cần đặt ra là “Khi họ giễu cợt một lựa chọn đọc của một cậu bé chỉ vì lựa chọn ấy không hợp với sở thích của họ, đó có phải là một hành vi dân chủ?”.

Đòi hỏi dân chủ nhưng bản thân không biết thực hành dân chủ như thế nào, đó cũng chính là khiếm khuyết của những kẻ thích giễu nhại. Và mở rộng ra, nếu chúng ta dành thời gian xem lại các phát biểu của giới “dân chủ” này trên mạng xã hội, chúng ta sẽ càng thấy rõ sự yếu thế của họ khi cơ bản ý kiến họ đưa ra đa số chỉ là bới móc, rủa xả, giễu cợt người khác một cách rất tiêu cực mà chưa chắc đã thấy một giải pháp đóng góp nào cho tiến bộ từ họ.

Nếu mỗi cá nhân bớt đi một cách sống tiêu cực, xã hội chắc chắn sẽ tốt hơn một phần. Và nếu mỗi cá nhân bớt đi một ngày giễu nhại để cầm lên một cuốn sách và đọc nó, họ cũng sẽ bớt thất bại thêm một ngày.

Văn Đoàn
.
.