Đạo nhạc:

Tiêu chuẩn nào để phán xét?

Thứ Sáu, 26/12/2014, 08:00
Câu chuyện đạo nhạc không phải là câu chuyện mới trong giới nhạc sĩ và những người tham gia sáng tác nhạc, viết bài hát ở Việt Nam hiện nay. Nó gần như là một vấn nạn tồn tại âm ỉ, dai dẳng và chưa bao giờ chấm dứt. Nó xảy ra ngay với những nhạc sĩ tên tuổi trong làng nhạc chứ không riêng gì giới nhạc sĩ trẻ mới vào nghề. Tuy nhiên nó chỉ thực sự nóng và trở nên quyết liệt trong trong thời gian gần đây khi mà hiện tượng Sơn Tùng MTP làm nóng giới truyền thông vì hành vi đạo nhạc...

Sự lùm xùm, thiếu chuyên nghiệp và thiếu tính minh bạch của giới chuyên môn trong việc kết luận một tác phẩm có bị làm nhái và nhạc sĩ có hành vi đạo nhạc hay không vừa qua đã đặt ra một số vấn đề cấp thiết. Đó là tiêu chí nào để kết luận tác phẩm này đạo nhạc của tác phẩm kia, chứng cớ nào để kết luận đạo nhạc, và để trừng phạt bằng cách loại bỏ ca khúc đó lại là những căn cứ mấu chốt mà những người làm luật cần được giải quyết triệt để hơn lúc nào hết.

Sự lúng túng, thiếu chuyên nghiệp của giới làm nghề.

Chuyện của Sơn Tùng MTP, đã có phán quyết cuối cùng từ những người làm luật. Việc ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" chính thức bị cấm lưu hành vì nghi án đạo nhạc là có thật. Tuy nhiên, từ việc xác định một ca khúc có đạo nhạc hay không đạo với quá nhiều quan điểm trái chiều đã cho thấy sự lúng túng và thiếu chuyên nghiệp của đội ngũ những người làm nghề, đến các cấp quản lý nghệ thuật. Lần ra tay kiên quyết và mạnh mẽ này có phải phần nào phản ánh một thái độ cứng rắn hơn để có một nền âm nhạc "sạch" đúng nghĩa, hay chính là hành động sửa sai của những người làm luật, cũng như tiếng nói quyết liệt trước cái sai của người làm nghề, trước một vấn nạn mà họ đã du di bỏ qua và để "lọt lưới" bấy lâu nay.

Chính vì những kết luận trái chiều, không thống nhất giữa các nhạc sĩ, và các cấp quản lý văn hoá nghệ thuật mà ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" rơi vào một trận chiến khá căng thẳng, khi bên nào cũng có lý lẽ để bảo vệ tiếng nói của mình. Tới ngày 5/12 vừa qua, Bộ VH-TT&DL đã phải có cuộc họp để đưa ra kết luận cuối cùng về ca khúc. Phán quyết được đưa ra, "Chắc ai đó sẽ về" là ca khúc đạo nhạc, nó bị cấm lưu hành, và tất nhiên sẽ bị gỡ khỏi các trang nhạc trực tuyến như quyết định đã từng đưa ra trước đó.

Tiêu chí nào để kết luận hiện tượng đạo nhạc?

Như vậy, sau gần một tháng rưỡi kể từ khi ca khúc được công bố rộng rãi và bị đặt nghi vấn đạo nhạc, cuối cùng người làm nhạc chuyên nghiệp và cơ quan quản lý mới tìm được tiếng nói chung để ra kết luận quyết định sự sống còn của tác phẩm.  Nhưng cũng từ đây, người hâm mộ và công chúng đặt câu hỏi ngược lại, rằng vì sao để kết luận một ca khúc có đạo nhạc hay không đối với người làm nghề và các cấp quản lý lại khó khăn đến như vậy. Là do luật chưa rõ ràng nên thiếu căn cứ để đối chiếu, là do trình độ và nhận thức của giới ca sĩ, nhạc sĩ, khi mà bản thân họ còn lúng túng và phân vân chưa biết thế nào là đạo, thế nào là không, hay vì có những "tác động" bên ngoài, mà tác động này nằm ngoài phạm trù chuyên môn, cũng như luật định… khiến cho việc để đi đến kết luận, tất cả các bên liên quan phải nâng lên đặt xuống, tính tới tính lui mới dám đưa ra phán quyết cuối cùng?

Những gương mặt nghệ sĩ khá nổi tiếng từng dính nghi án đạo nhạc.

Trên thực tế, đạo nhạc hay sự "vay mượn" từ các ca khúc quốc tế, ngày càng trở thành vấn nạn và là "thói quen" của nhiều người sáng tác, đặc biệt là các nhạc sĩ trẻ. Sơn Tùng MTP không phải là trường hợp đầu tiên, trước đó, một nhạc sĩ, ca sĩ rất hot với giới trẻ là Phạm Hồng Phước Idol cũng một vài lần dính nghi án đạo nhạc, lẫn đạo thơ của cả người trong và ngoài nước. Một số nhạc sỹ khác được cho là đạo nhạc và phải nhận biện pháp xử lý như Minh Vương, FB Boiz,  bị thu hồi giải Bài hát Việt sau khi các ca khúc của họ bị phát hiện đạo từ nhạc Hàn Quốc.

Tuy nhiên, sâu xa hơn để thấy, vì sao vấn nạn đạo nhạc lại ngày càng trở nên tinh vi nhưng lại phổ biến đến như vậy, thì có lẽ, từ quá khứ những đàn anh, đàn chị của giới sáng tác đã để lại tiền lệ xấu, những tên tuổi khá nổi trong làng nhạc như Quốc Bảo, Võ Thiện Thanh, Nguyễn Hà, Phương Uyên, Lê Quang khi từng nhiều lần phải đối mặt với nghi án đạo nhạc. Một con số rất đáng buồn từng được Cục Nghệ thuật biểu diễn công bố từ cách đây cả chục năm, năm 2004 có tới 70 ca khúc bị nghi đạo nhạc, mà trong đó có rất nhiều ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng cho thấy, việc "vay mượn" thực ra đã có tiền lệ từ lâu. Tuy nhiên, vì sự lỏng lẻo và chưa nghiêm của người làm luật, ý thức của người làm nghề và sự dễ dãi của người nghe, nên đã có nhiều nhạc sĩ "sống tốt" nhờ sự vay mượn này.

Thêm nữa, lí giải về việc tại sao các ca khúc đạo nhạc lại xuất hiện ngày càng nhiều, nhạc sĩ sáng tác thì không ngại vay mượn một cách tuỳ tiện là bởi tất cả những sáng tác trước đó chỉ dừng lại ở mức nghi vấn, còn sự thật các nhạc sĩ có đạo hay không thì chỉ có bản thân họ mới biết rõ. Việc xác định một tác phẩm có đạo hay không hoàn toàn chưa có căn cứ hay văn bản nào quy định để đối chiếu, chính vì thế, lí giải cho việc trùng hợp từ ý tưởng, hoặc giai điệu thậm chí ca từ, hầu hết người dính nghi án đều cho rằng, âm nhạc chỉ có 7 nốt, nên chuyện lặp lại, hoặc giống nhau có khi cũng là điều dễ hiểu. Cảm nhận một tác phẩm lại phụ thuộc sở thích và trình độ của từng cá nhân, chứ hoàn toàn không có một văn bản quy chuẩn nào để quy định nên việc bắt bài người sáng tác vì thế cũng không đơn giản.

Trông đợi nền "âm nhạc sạch" từ đâu?

Câu chuyện đ ạo nhạc ầm ĩ, thu hút nhiều ý kiến liên quan tới Sơn Tùng MTP không phải là duy nhất, làng nhạc Việt từng rúng động khi nhạc sỹ tên tuổi Bảo Chấn bị phát hiện là đã đạo nhạc ca khúc "Tình thôi xót xa" từ ca khúc "I 've never been to me" (Charlene) và bản hòa tấu "Frontier" (Keiko Matsui). Sự giống nhau một cách rõ ràng giữa ca khúc "Tình thôi xót xa" và các tác phẩm quốc tế trên khiến cho ai cũng nhận rõ hành vi đạo nhạc của nhạc sỹ Bảo Chấn. Và trước áp lực dữ dội của dư luận, nhạc sỹ Bảo Chấn cuối cùng cũng phải thừa nhận rằng bài "Tình thôi xót xa" giống với "I've never been to me" tới 99%.

Có thể nói, để kết thúc những lùm xùm không đáng có, Sơn Tùng MTP buộc phải lên tiếng lần cuối để dập tắt sự việc, nhưng câu trả lời của anh không hẳn thừa nhận sai phạm của mình, bởi trước đó Tùng đã từng mâu thuẫn trong cách trả lời, khi thì thừa nhận có dùng bản beat (nhạc nền) của ca khúc "Because I miss you" để sáng tác "Chắc ai đó sẽ về", nhưng lúc lại khẳng định toàn bộ tác phẩm là của mình mà không hề có bất cứ sự vay mượn nào.

Như vậy, bản thân người trong cuộc còn lúng túng vì cách trả lời không hề thống nhất dù chỉ trong một sự việc, cộng với những tranh cãi nảy lửa từ giới chuyên môn, những cây đa cây đề của nền nhạc Việt đã cho thấy, ranh giới để xác nhận việc một tác phẩm có đạo hay không đạo nhiều khi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Chuyện thừa nhận mình có đạo ý tưởng trong tác phẩm của người khác hay không, sẽ phụ thuộc vào sự trung thực và ý thức làm nghề của mỗi tác giả, khi mà tiêu chí để đánh giá một tác phẩm nghệ thuật không thể cụ thể, và tuỳ thuộc vào sự cảm nhận, cảm xúc của từng cá nhân.

Nhạc sĩ Quốc Trung, người khởi xướng phong trào "Nghe có ý thức", cũng phải thốt lên và bỏ ngỏ câu hỏi của mình, anh chia sẻ: "Dù chưa có quy định rõ ràng, để trả lời cho câu hỏi "thế nào là một bài hát 'đạo'?" thì những hành vi vay mượn không xin phép, không công bố thì không thể cho qua mà không lên án, chấn chỉnh.

Nếu những người đi trước còn đang mâu thuẫn và không đồng lòng giống như trong một gia đình, bố mẹ còn đang đánh chửi nhau thì làm sao đòi hỏi những đứa trẻ lớn lên với những nhận thức đúng đắn? Môi trường là do chúng ta xây dựng nên và nó tạo ra những con người và sản phẩm mang đặc trưng, tính cách của nó. Nguyên nhân ở đâu và ai là người có lỗi chính trong việc này?

Như vậy, câu trả lời cho một nền âm nhạc đúng nghĩa và tử tế, cuối cùng lại rất đơn giản. Nó phụ thuộc vào đạo đức và ý thức của người làm nghề, chứ không phải cái gì cao siêu, khó thực hiện.

Nguyễn Lê Gia An
.
.