Dự báo và trách nhiệm

Thứ Tư, 10/05/2023, 15:54

Theo các nhà khoa học, mỗi ngày trí óc con người sản sinh ra khoảng 30.000 đến 50.000 ý nghĩ, trong đó bao gồm các loại: tự tin, lạc quan, yêu thương, bao dung, đoàn kết, tự ti, ganh tỵ, mặc cảm, ích kỷ… (Theo Chân Từ Phương-Chungta.com). Trong các loại cảm xúc ấy, dần hình thành nên các xu thế cảm xúc phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà gần đây chúng ta đề cao vai trò của EQ (Emotional Quotient) là khả năng xác định, kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ của mình cũng như người xung quanh. Nhưng liệu những "tự tin, lạc quan, yêu thương, bao dung, đoàn kết" chỉ dừng lại ở những gì đang diễn ra trước mắt, với người đối diện hay còn phải đạt tới những dự báo, dự cảm và trách nhiệm là vấn đề mà mỗi người nên nghĩ, nên tự cật vấn bản thân mình.

Nhà tôi ở gần một con sông, ngày trước cứ vào mùa hè lại có một vài trẻ bị đuối nước. Sau mỗi lần như thế, mọi ngượi đều đau xót và tự rút ra bài học cho bản thân gia đình, xóm làng mình. Nhưng tại sao hàng năm vẫn xảy ra những vụ đáng tiếc như thế với những tình huống khác nhau, khi thì do trường học cho học sinh nghỉ để các thầy đi thi, lúc thì do các em tắm sông sau buổi liên hoan chia tay và vẫn cứ mãi là "bài học", "rút kinh nghiệm"… Thậm chí, người ta còn đẩy trách nhiệm ấy cho thế lực siêu nhiên là Hà Bá, ma nước…

nhóm thiện nguyện vì ta cần nhau đã xây những điểm trường vùng cao-ảnh vovworld.vn.jpg -0
Nhóm thiện nguyện “Vì ta cần nhau” đã xây những điểm trường vùng cao -ảnh vovworld.vn.

Nếu nhìn rộng ra cả nước, theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, riêng 5 năm (2015-2020), mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước và chỉ có "hơn 30% trẻ em Việt Nam từ 6 đến 14 tuổi biết bơi" (theo: vtv.vn). Đằng sau những thông số này vẫn là câu hỏi: Trách nhiệm của phụ huynh, của cộng đồng ở đâu? Khả năng dự báo, phán đoán và ngăn chặn như thế nào? Nếu như những tai họa đuối nước do thiên tai gây ra vượt qua tầm kiểm soát của con người thì những nguyên nhân chủ quan chẳng lẽ không được phân tích, dự báo và ngăn chặn? Có lẽ từ nguy cơ đến dự báo, từ dự báo đến hành động vẫn là chặng đường dài chăng?

Theo một thông tin mới nhất, các nhà bảo tồn ở rừng nhiệt đới Amazon đã tạo ra một nền tảng trí tuệ nhân tạo có tên là PrevisIA có khả năng dự đoán các địa điểm phá rừng tiếp theo để ngăn chặn. Giáo sư Juliano Assuncão, Đại học Giáo hoàng Công giáo Rio de Janeiro (PUC-Rio) cho biết: "Công nghệ luôn là lý do giúp chúng ta có thể kiểm soát nạn phá rừng. Công cụ PrevisIA là sự phát triển tự nhiên của sự kết hợp công nghệ này trong cuộc chiến bảo vệ Amazon và là một cuộc chiến có rất nhiều tiềm năng" (theo: Hoa Lan-Báo Nhân dân).

Khi nhắc đến hai câu chuyện này, có thể bạn sẽ thấy khập khiễng và thiếu khả thi. Đành rằng khi công nghệ thực sự phát triển sẽ giúp ích nhiều cho xã hội nhưng từ phát minh được công bố ở đâu đó trên thế giới đến việc được ứng dụng vào từng địa phương còn cần một khoảng thời gian rất dài. Thế nhưng, ngay lúc này, rất cần những sự thống kê, phân tích, ngăn chặn triệt để, cần những hành động từ ý thức cảnh giác của mỗi người. Phải chăng, dự cảm và dự báo là phẩm chất cần thiết để hạn chế những điều đáng tiếc mà ai cũng cần có trong số 30.000 hay 50.000 ý nghĩ hàng ngày của mình.

học sinh trường phổ thông bán trú vần chải giặt quần áo sau giờ học, sau lưng các em là hồ treo -ảnh hồng chiêu.jpg -0
Học sinh Trường Phổ thông bán trú Vần Chải giặt quần áo sau giờ học, sau lưng các em là hồ treo -Ảnh Hồng Chiêu.

Hai chữ "dự báo" mà người viết muốn nói ở đây không dừng ở sự mẫn cảm của từng người với kinh nghiệm sống hay tình cảm cá nhân mà phải là trách nhiệm. Lâu nay, dự báo (forecasting) đã được được ứng dụng vào các lĩnh vực như: kinh tế, xã hội. Ngày 2/5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký "Công điện 398/CĐ-TTg Về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em".

Ngày Khí tượng Thế giới năm 2022 (23/3) với chủ đề "Cảnh báo sớm để hành động sớm", đại diện Tổng cục Khí tượng Thủy văn từng nhấn mạnh: "Thống nhất, đoàn kết, chuẩn bị kỹ lưỡng, hành động đúng lúc, đúng chỗ sẽ giúp chúng ta biến rủi ro thành cơ hội để phát triển, có thể cứu sống nhiều người và bảo vệ sinh kế của cộng đồng ở khắp mọi nơi, mọi miền trên đất nước, cả hiện tại và trong tương lai".

Ngoài sự vào cuộc của các Bộ, Ban, Ngành, cần một ứng xử văn hóa mới đến từ tình thương yêu, sự lo lắng và trách nhiệm liên kết của cộng đồng, dân cư như thế. Từ dự cảm đến hành động mới là điều cần thiết. Đầu tháng 4 năm nay, người dân xã  Thanh Lang (Thanh Hà-Hải Dương) đã thành lập Đội tự nguyện cứu nạn, cứu hộ trên sông. Hay, các "Đội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn huyện  Lạc Dương (Lâm Đồng) đã được thành lập từ năm 2018 đến nay.

Để lan tỏa những mô hình này, để trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng trở thành nét văn hóa trong đời sống, thể hiện trình độ văn minh thì cần phải vượt lên sự bắt buộc, giám sát của pháp luật và các quy tắc, quy định thông thường. Vào những ngày nắng nóng gay gắt này, nếu nhìn hình ảnh thầy và trò các Trường Phổ thông bán trú Sà Phìn; Trường Phổ thông bán trú Vần Chải (Đồng Văn-Hà Giang) vật lộn trong mùa khô cao nguyên mới thấy rõ điều đó. Mặc dù "hồ treo" Sà Phìn được Chính phủ xây dựng với dung tích chứa 3.000m3 với mục đích tích nước mùa mưa để dự trữ nước sinh hoạt cho đồng bào vào mùa khô, tuy nhiên với tình trạng nắng nóng, nước ngày càng khan hiếm.

Thầy Lương Minh Hoạt, Hiệu trưởng Trường Phổ thông bán trú Sà Phìn đã chia sẻ trên Vnexpress.net về khoản tiền mua nước sinh hoạt của nhà trường: "Trường chi 1,4 triệu đồng; UBND xã cho 10 triệu; HĐND xã 1,2 triệu; các tổ chức đoàn thể 3,5 triệu; nhà Vương 7 triệu". Nhìn vào những con số rất khiêm tốn đủ biết để khắc phục một hiện tượng biến đổi khí hậu (nắng nóng) toàn cầu này không hề dễ dàng. Tuy nhiên, điều mà chúng ta nhận ra là âm thầm và lặng lẽ ở nhiều nơi đã có sự chung tay của nhiều cấp chính quyền, tổ chức xã hội và cá nhân. Tình yêu mà mọi người đã dành cho các em học sinh hàng ngày với "3m3 nước chia cho 442 học sinh bán trú trong ngày, mỗi em được một chậu nhỏ đánh răng, rửa mặt" chính là một nét văn hóa mới trong việc ứng phó với những khó khăn mới, thách thức mới.

Nếu bạn theo dõi trên báo chí sẽ thấy cách mà các nhà hảo tâm chung tay ủng hộ học sinh vùng cao gần đây đã có sự thay đổi. Ví dụ như việc nhóm thiện nguyện "Vì ta cần nhau" chuyển từ việc tặng áo ấm, sách vở sang mục tiêu xây dựng phòng học kiên cố, khang trang bằng cách vận động người dân trong bản tham gia góp sức xây dựng cho thấy sự linh hoạt trong cách thực hiện ý tưởng tốt đẹp của mình. Từ chia sẻ, quan tâm đến hành động cần một phương thức hợp lý, được dự báo, rút kinh nghiệm từ thực tiễn chứ không hề sách vở.

Từ suy nghĩ này, đã có những cách làm sáng tạo mới. Cách đây ba năm, có một chương trình thiện nguyện mang tên "Em, sỏi và trường" nhằm phục vụ cho Dự án "Ánh sáng núi rừng" để xây trường cho các em nhỏ vùng cao. Chương trình này có sự góp sức của nhiều người theo hình thức: cô giáo vùng cao sẽ tìm kiếm những viên đá theo kích thước và có độ nhẵn phù hợp, rồi gửi xuống Hà Nội cho nhóm Tình nguyện Niềm tin. Sau đó, các họa sĩ tình nguyện viên của nhóm sẽ sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo trên đá thể hiện cuộc sống vùng cao, khắc họa hình ảnh những em nhỏ trên các điểm trường miền núi. Tiếp theo, tình nguyện viên tổ chức đấu giá các tác phẩm và tiền sẽ được chuyển vào Quỹ sức mạnh 2000 để xây trường cho trẻ em vùng cao (theo: Phạm Minh-giaoduc.net.vn). Cách làm này không chỉ tạo ra kinh phí mà còn tạo ra nhiều thông điệp khác nhau, tập trung được sự quan tâm của nhiều đối tượng trong xã hội.

Như nữ văn sĩ Helen Adams Keller (1880-1968) từng nói: "Trước khi số đông con người tràn đầy tinh thần trách nhiệm đối với lợi ích của người khác, công bằng xã hội sẽ chẳng bao giờ đạt được", chỉ khi chúng ta biết vì cộng đồng, vì người khác, hạnh phúc trọn vẹn mới đến với chúng ta. Để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, cần đến sự chủ động của từng cá nhân, đến dự cảm, dự báo, trách nhiệm và cao hơn là sự yêu thương của tình người.

Kiến Văn
.
.