Mắt nắng trong rừng lê

Thứ Năm, 13/04/2023, 11:16

Tôi nghe nói có một thuở từ Tuyên Quang lên huyện Na Hang (hơn 100km) mọi người phải đi qua hai con phà mất cả tiếng đồng hồ, hay cả buổi mới qua sông được. Đó là con phà Bợ - sông Lô và phà Chiêm Hóa - sông Gâm. Còn đường từ huyện Na Hang lên xã Hồng Thái (gần 60km) chỉ có đi thuyền tới nửa đường rồi đi bộ leo dốc tiếp.

Lại nghe nói tới năm 1995, cán bộ xã Hồng Thái xuống huyện họp vẫn phải đi ngựa xuống giữa chừng rồi đi xe máy tiếp. Ấy vậy mà ngày đó trong dân gian đã có câu "Lê Hồng Thái - Gái Thượng Lâm". Hồng Thái gây ấn tượng với mọi người từ đó.

1. Giờ đây đường lên Hồng Thái đã mở rộng và rải nhựa đi êm như ru. Cánh lái xe nếu không có hàng chục khúc quanh co sườn núi dễ làm khách ngủ gật dọc đường. Lần này chúng tôi háo hức lên xã Hồng Thái với tâm thế mơ mộng và ngưỡng vọng tới những cánh rừng hoa lê trắng muốt. Tuy nhiên những con đường lên núi cao hơn 1000 mét thấp thoáng phía trước luôn đột ngột bẻ khúc cua chóng mặt. Người ngồi trong xe rất hồi hộp và nghiêng ngả theo độ dốc.

Hơn một tiếng sau có người bất ngờ thốt lên: Hoa lê kìa! Ôi đẹp quá. Thế là mọi người tỉnh hẳn và biết rằng con dốc lên thôn Khau Tràng (trung tâm du lịch xã Hồng Thái đã hiện ra phía trước. Hồng Thái có diện tích 1.617,34ha, là một xã có tới 80% người Dao Tiền sinh sống. Họ ở trên độ cao từ 1.000 tới 1.200m. Đoàn chúng tôi lên vào đúng mùa hoa lê nở rộ. Mùa xuân muôn hoa đua nở nhưng cũng vì thế mà hoa lê nổi bật với sắc trắng tinh khôi. 

6-thu hoạch lê trên xã hồng thái.jpg -0
Thu hoạch lê trên xã Hồng Thái.

Xe chúng tôi dừng chân tại một ngôi nhà người Dao trên lừng sườn núi. Sau chặng đường hun hút lên đỉnh núi ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm và thưởng thức những chén trà San Tuyết nơi đây. Một không gian như mơ vậy. Phía trước là ngọn núi cao, xen kẽ là những đỉnh núi nhấp nhô trong sương bay. Sương mùa xuân trông như thảm lụa mờ dịu êm.

Tôi thật bất ngờ khi một cô gái xuất hiện với đôi mắt bồ câu và nụ cười tươi như cánh hoa đào. Cô là con dâu của chủ quán và có cái tên rất thú vị - Định Thị Ngọc Nắng. Một cái tên gợi cảm và đôi mắt gợi tình. Nàng rót cho chúng tôi những chén trà thơm ngọt của xứ sở sương mù bằng cả đôi mắt trong veo. Khi đi vào vườn hoa lê tôi ngỡ như luôn nhìn thấy đôi mắt ấy buông neo những giọt nắng trên mọi cành lê trắng mơ màng.

Những cây lê trong vườn đều có gốc già và xù xì tỏa cành khắp vườn. Hoa và hoa trắng rợp một góc trời. Hồng Thái có tới 100 hécta lê. Người Dao Tiền trên vùng cao này phần nào đã dựa vào thu nhập lê để sinh sống. Vào mùa đậu quả tháng 4, xã Hồng Thái như trẩy hội. Người Dao đã không còn cảnh đói rách du canh du cư. Đất đai và sự cần cù lao động của họ đã đem lại hiệu quả đáng khích lệ.

Người Dao Tiền xưa có câu ca truyền lại cho con cháu rằng: "Trên đời quý nhất thứ gì?/ Mong anh giải đáp em thì được ngay". Và người con trai đã trả lời: "Em hỏi anh trả lời ngay/ Trên đời quý nhất bàn tay cần cù". Họ yên vui với mùa lê trĩu quả. Những đôi vợ chồng luôn nhắc nhở nhau: "Anh lo thì em cũng lo/ Anh lo sao có cơm no trâu cày/ Em lo nương rãy bàn tay/ Mong sao xuân tới được ngày hát vui".

Đúng là giờ đây người Dao Tiền ở Hồng Thái luôn vui sống trên núi cao quanh năm ôn hòa bốn mùa cảnh đẹp. Mọi người ở đây luôn tự hào về miền đất "Sapa" của riêng mình nơi miền Đông Bắc Tuyên Quang. Tuy núi non hiểm trở cùng với con sông Năng kỳ quan do trời ban nên Hồng Thái tựa ảo mộng thần tiên. Hồng Thái tựa một thiếu nữ người Dao thơ mộng trong những bước nhảy khi vào lễ hội.

Đúng là khi vào hội Páo Dung tháng Giêng, tháng Tám họ đẹp lắm. Những cô gái xúng xính với những vòng bạc và đồng tiền trên ngực áo. Trong những câu Páo Dung cổ người Dao nào cũng thuộc nằm lòng để gửi trao tình cảm. Trên sườn đồi, giữa cánh rừng lê trong veo như sương như tuyết, người con trai gửi lời: "Mời em hát giao duyên/ Còn xuân mình hát hết xuân đi/ Hết xuân ta sẽ bên nhau trọn đời". Khi đó nếu ưng thuận, người con gái đáp: "Đôi ta chung huyện chung làng/ Mượn câu hát để tìm về bên nhau".

Nhưng sau đó các chàng trai cô gái Dao còn thử thách nhau mãi qua làn điệu giao duyên. Khi chàng trai bày tỏ: "Thấy bông hoa nở bên kia/ Muốn sang hái mà không có thuyền". Nghe vậy cô gái lại mách cho người tình rằng: "Anh muốn ngắt đừng lo anh ạ/ Hái lá làm thuyền bơi sang đây". Cứ thế cặp đôi mải mê hát đến nỗi chia tay khó sao muôn nỗi: "Gà gáy sáng canh trời gần sáng/ Tâm sự đôi ta chẳng tàn phai/ Càng khuya càng thắm càng mặn nồng/ Chẳng nguồn nước nào hòa tan được".

2. Sau khi tận hưởng khu vườn hoa lê như trong ảo mộng, chúng tôi về thưởng trà và ăn bữa cơm của người Dao. Đúng là một bữa cơm quê thuần rau sạch và thơm thảo tình người. Ngôi nhà gỗ chúng tôi ở còn giữ nguyên bản phong cách kiến trúc của người Dao. Mái ngói âm dương bạc màu rêu phong trầm mặc. Sàn nhà nổi trên mặt đất chừng hai mươi phân đóng toàn gỗ mộc. Mòn mỏi theo thời gian, ngôi nhà được dựng đã chừng hơn 50 năm nhưng vẫn bền vững ấm áp giữa lưng trời lộng gió.

Lẽ dĩ nhiên chúng tôi được gặp lại đôi mắt "Nắng" ấy. Cô gái đon đả rót từng chén trà Shan tuyết cho từng người rồi nói, Hồng Thái không chỉ là vùng đất của lê của mận mà còn là nơi có những giống chè cổ Shan tuyết trăm năm. Chất lượng trà Hồng Thái vang danh như một thương hiệu uy tín trong tỉnh và một số địa phương lân cận. Bất ngờ một người trong đoàn là một đệ tử của trà San tuyết đã ngẫu hứng đọc thơ: "Búp tơ xòe cánh hạc/ Long lanh sương đọng phủ đầy đồi hương/ Ô kia! Những ngón tay thơm/ Hái trà ríu rít trong vườn lá xanh". Rồi ông khen trà Hồng Thái có vị đậm sâu và ngọt hậu đúng dòng San tuyết chính hiệu. Ngon!

cung đường hoa 9-lê kỷ lục ở xã hồng thái.jpg -0
Cung đường hoa lê kỷ lục ở xã Hồng Thái.

Thật bất ngờ người dẫn đoàn đưa chúng tôi lên đường hoa lê mới trồng trên cung đường giao thông dẫn tới điểm gặp gỡ biên giới ba tỉnh Tuyên Quang - Bắc Cạn - Hà Giang. Đây là đường hoa lê kéo dài tạo nên con dốc độc đáo. Trong lễ hội "Hương sắc Na Hang" của thành phố Tuyên Quang (đầu tháng 3/2023), đường hoa lê xã Hồng Thái được công nhận là kỷ lục dài nhất Việt Nam (5km). Đường hoa lê trắng xóa miền sơn cước trên đỉnh mây trắng bay tạo nên cảnh quan huyền ảo. Đó là bầu trời thần tiên Hồng Thái.

Phía dưới chân dẫy núi cao, con sông Năng luôn ngày đêm sóng vỗ. Những con suối từ đỉnh núi chảy xuống hợp lưu với con sông mang theo hơi thở của đồng bào Dao, Tày, và Thái bao đời nay. Đường lê gồm những gốc cây già hơn mười năm như rải hoa lên tới trời cao. Chúng tôi đi miên man trên con dốc hoa tươi thắm. Và bỗng dưng đôi mắt "Nắng" lại xuất hiện khi vầng dương hắt sáng. Người đẹp ấy hiện ra với trang phục Dao thơ mộng tạo nên điểm nhấn sáng ngời trên con đèo hoa lê. Mọi cảm xúc trong tôi bỗng òa vỡ khi những sợi nắng nhỏ từng giọt xuống mỗi cánh hoa lê. Đôi mắt "Nắng" như hiện lên khắp nơi vây quanh chúng tôi. 

3. Trời đã về chiều, trên đường xuôi về thị trấn Na Hang ai nấy đều mang theo những mắt "Nắng" của riêng mình. Đột nhiên có người thốt lên câu: "Lên Hồng Thái mà chưa lên cầu Liền thì coi như chưa đến Hồng Thái". Rồi anh ta khoe rằng đó là cây cầu bằng một cây gỗ lớn bắc qua giữa hai vách núi (rộng chừng 6m). Một bên là núi của xã Hồng Thái và một bên là núi thuộc xã Đà Vỹ. Sâu hun hút phía dưới là khe suối. Cây cầu được người dân bắc qua bao lâu nay được coi là kỳ quan thiên nhiên ở trên độ cao 1.000m. Mọi người nghe vậy đều thấy tiếc nuối bởi nghe nói đường đi bộ lên khá xa và hiểm trở.

Thì ra Hồng Thái vẫn còn đó những lời kêu gọi hấp dẫn cho những ai đã từng một lần ghé qua nơi đây. Những rừng hoa lê dài tít tắp lùi dần về phía sau làm chúng tôi như hòa tan với không gian lễ hội hoa lê trinh bạch. Phía trước mùa lê đậu quả thơm ngọt đang ấp ủ như thêm một lời hẹn hò. Cung đường dốc khúc khuỷu. Những chùm hoa lê như đàn bướm đang bay tung tỏa phía trước. Đó chính là những con mắt "Nắng" níu giữ hồn vía mọi người vẫn còn ở lại trên đỉnh núi.

Vương Tâm
.
.