Điện ảnh Việt Nam – Hy vọng vào tuổi trẻ
Tre già măng mọc
Khánh Thảo
Tại lễ trao giải thưởng Cánh diều vàng 2015 vừa qua, không ít những người trẻ đã được vinh danh tại những giải thưởng quan trọng như Đặng Thái Huyền, Đinh Tuấn Vũ, Nguyễn Hiền Anh, Lê Cát Trọng Lý...
Dù so sánh có khập khiễng nhưng thực sự, điện ảnh là một trong số ít lĩnh vực nghệ thuật mà gần như đã thoát ra khỏi tình trạng những giải thưởng chỉ quanh đi quẩn lại thuộc về những gương mặt thân quen, những cây đa cây đề có tiếng trong nghề. Cũng bởi, so với nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, điện ảnh có được sự thích ứng nhanh với cơ chế thị trường. Cơ chế dành cho những người làm phim cũng ngày càng thông thoáng hơn. Chỉ cần có kinh phí, có kịch bản được cơ quan chủ quản duyệt, nhà sản xuất hoàn toàn có thể sản xuất phim. Tất nhiên, doanh thu khi phim ra rạp cao hay thấp hoàn toàn phụ thuộc vào sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, và tay nghề chuyên môn của ê kíp sản xuất.
Giải thưởng Cánh diều vàng 2015 đã gọi tên nhiều gương mặt trẻ của làng điện ảnh. |
Một điều chắc chắn rằng, muốn biết tương lai của một ngành, một lĩnh vực nào đó, hãy nhìn vào những người trẻ. Đã từng có giai đoạn, không ít người bi quan về thực trạng điện ảnh Việt Nam, nhất là sự lo âu về lực lượng kế thừa. Phim kém, nhân tài điện ảnh như lá mùa thu. Không ít lần, một câu hỏi được đặt ra là tại sao khi xưa khi chúng ta còn nghèo, máy móc làm phim còn hạn chế chúng ta lại có được nhiều bộ phim hay.
Trong khi hiện nay, công nghệ làm phim hiện đại, những người làm phim có cơ hội được học hỏi, giao lưu với các nền điện ảnh tiên tiến, tại sao những bộ phim hay lại ngày càng vắng bóng? Không thể phủ nhận sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều loại hình giải trí, sự thay đổi thị hiếu của khán giả. Nhưng quan trọng hơn cả, chúng ta thiếu những người có tài và đặc biệt say nghề một cách vô điều kiện như trước đây thường có ở các thế hệ đi trước.
"Tre già măng mọc", đó là quy luật phát triển muôn đời, không riêng gì điện ảnh. Dù chưa thật xôm tụ nhưng gần đây, chúng ta đã nhìn thấy những tín hiệu vui của sự tiếp nối, kế thừa. Phía sau những đạo diễn lão thành của điện ảnh như NSND Phạm Văn Khoa, NSND Hải Ninh, NSND Bùi Đình Hạc... là những cái tên như Nguyễn Thanh Vân, Phạm Nhuệ Giang, Lưu Trọng Ninh, Bùi Thạc Chuyên...và gần đây nhất là Bùi Tuấn Dũng, Đặng Thái Huyền, Đinh Tuấn Vũ...
Mỗi người một phong cách nhưng họ đã mang tới cho điện ảnh những bộ phim mang đậm dấu ấn sáng tạo riêng của mình. Nếu như ở Nguyễn Thanh Vân là những bộ phim nghệ thuật sâu sắc, giàu chất nhân văn thì phim của đạo diễn Lưu Trọng Ninh lại bộc lộ sự quyết liệt, phá cách trong tính cách nhân vật...
Phải thừa nhận rằng, những người trẻ đã gặp không ít khó khăn trong quá trình khẳng định tên tuổi của mình. Nhưng chính họ cũng chứng minh sự năng động, không ngừng tìm tòi, thử nghiệm trong nghề. Dù biên chế ở những hãng phim nhà nước, nhưng cùng với sự phát triển mạnh của dòng phim giải trí, những đạo diễn như Bùi Tuấn Dũng, Đặng Thái Huyền, Đinh Tuấn Vũ... đã mạnh dạn làm những phim giải trí. Họ đang dần từng bước khẳng định rằng họ không chỉ làm được những bộ phim nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu chính trị mà còn có thể làm những bộ phim giải trí ăn khách.
Song song với đó là dòng phim tác giả với những cái tên nổi bật như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp... Những tác phẩm của những đạo diễn này có thể hơi lạ với gu thưởng thức của khán giả trong nước nhưng đã mang về nhiều giải thưởng tại LHP quốc tế. Với những nỗ lực của mình, những người trẻ đã mang tới một làn gió mới cho điện ảnh, từ đề tài tới cách thể hiện. Đặc biệt, một điều đáng bàn là những nhà làm phim trẻ đã không tìm đến... hài nhảm.
Có thể phim hay hay không hay do kinh nghiệm, tài năng hay sự đánh giá của khán giả thì tất cả họ đều hướng tới việc làm phim nghiêm túc. Họ đều tự tìm tòi và khai phá, thậm chí phá vỡ ngay tư duy của nhiều người về vị trí mà họ đang công tác. Những người trẻ cũng có thể làm những bộ phim chiến tranh nghiêm túc, xúc động hay những bộ phim nghệ thuật có doanh thu cao.
Không quá lạc quan, nhưng chúng ta có quyền hy vọng về một thế hệ những người làm điện ảnh trẻ tài năng và yêu nghề. Họ có sự hỗ trợ của công nghệ, có cơ hội giao lưu học hỏi từ nước ngoài, một cơ chế rộng mở để thể hiện tài năng của mình. Điều quan trọng nhất là sự say nghề, nghiêm túc để đi đường dài với tình yêu của mình.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội điện ảnh Việt Nam: Thật sự có tài mới tồn tại được
Tuấn Phong (thực hiện)
- Thưa bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, tại Lễ trao giải thưởng Cánh diều vàng vừa qua, có không ít giải thưởng thuộc về các bạn trẻ. Họ sẽ cần những gì ở các thế hệ đi trước để tiếp tục phát triển sự nghiệp, thưa bà?
+ Thú thực, khi thấy các em trẻ có được thành công trong nghề nghiệp như vậy tôi rất mừng. Với những người trẻ, giải thưởng là sự ghi nhớ, là động lực để họ đi tiếp con đường dài phía trước. Cuộc sống thiếu gì cám dỗ, thiếu gì những nghề sung sướng, nhàn hạ, thu nhập cao mà họ không bỏ điện ảnh, tự bỏ tiền làm phim thì tôi rất trân trọng. Thế nên tôi quan niệm, giúp được gì thì giúp, dù là một ý kiến đóng góp nếu được đọc kịch bản, hay biết cơ chế thuận lợi gì đó thì bảo họ.
Ai cũng có một thời chập chững của mình. Còn gì bằng nếu được sự giúp đỡ, nâng niu, dìu dắt của những người đi trước. Các bạn cũng như chúng tôi khi xưa, được thế hệ đàn anh chỉ bảo, tận tình, giờ chúng tôi quay lại dìu dắt cho mai sau. Những người có thực tài sẽ tận dụng được điều ấy. Cá nhân tôi quan niệm, mình là người đi trước, không giúp được thì thôi, còn chắc chắn không gây phiền nhiễu.
Một cảnh trong phim “Mỹ nhân kế”. |
Để theo đuổi và thành công ở lĩnh vực này cần 3 thứ: tài năng, say mê và chịu khó. Làm hết mình còn chưa chắc đã thành công nên có tài, say mê mà không chịu khó không làm được. Người đi trước có sự công bằng, vun vén, chi chút thì còn tốt nữa. Truyền thống nước mình là thế, ông bà bao giờ cũng yêu con cháu. Đồng nghiệp thấy nhau có tác phẩm hay đều ngưỡng mộ, tự hào... Cái ấy làm nên sự tử tế của người Việt. Mình không khụng khiệng, chảnh chọe được vì rồi cuối cùng, công việc này cũng do các em gánh vác. Mình ở vị trí này đến khi nào thì cố gắng giúp đỡ các em ít đấy.
- Là người nhiều năm công tác trong lĩnh vực điện ảnh, bà có nhận xét gì về những người trẻ hiện nay?
+ Tôi theo dõi chủ yếu ở lĩnh vực phim truyện nhựa. Các em rất say mê và chịu khó tìm tòi tiếng nói riêng. Phim là người. Phim của đạo diễn Lưu Trọng Ninh phải khác phim của Nguyễn Thanh Vân vì mang cá tính riêng của anh ấy. Các em trẻ đang đi những phim đầu tay. Họ cố gắng thể hiện mình. Nhưng để thành công nó là thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Khi các em có kinh phí, có kịch bản hay, làm phim đúng thị hiếu rồi được giải thì chắc chắn là thành công. Tôi có hướng dẫn mấy em biên kịch tốt nghiệp, các em rất tự tin. Kịch bản của các em rất có văn. Công việc này bắt buộc mình phải đãi cát tìm vàng thôi. Ai chưa thành công cũng đừng quá sốt ruột. Tự các em sẽ học được. Cả hai thái độ chê bai hay khen vống lên đều không nên.
Tôi nhận thấy phía Nam có một số các em trẻ làm phim tốt nhưng các em lại hơi bị nhòa vào nhau, đặc biệt là tác phẩm có hơi hướng của điện ảnh Mỹ, Hàn Quốc... Tôi quan niệm, công nghệ làm phim có thể học hỏi các nước nhưng tính dân tộc không được phai nhạt. Tôi muốn các em làm được những bộ phim mang đậm bản sắc dân tộc để người xem biết ngay đấy là phim Việt Nam. Nếu ngay từ phim đầu tiên mà đã đánh mất bản sắc thì không nên. Tôi vẫn nhớ các anh Lưu Trọng Ninh, Nguyễn Thanh Vân, Lê Hoàng... làm phim đầu tay đều nói câu chuyện của người Việt và khẳng định được tên tuổi của mình.
Miền Bắc thì nhìn rất rõ có 2 nữ đạo diễn chịu khó đi vào những đề tài khó như Đặng Thái Huyền làm phim chiến tranh, Nguyễn Hoàng Điệp đi vào dòng phim tác giả, Phan Đăng Di cũng tìm tòi theo cách của một nhà làm phim tự do... Mỗi người là một cá tính làm nên bức tranh phong phú của điện ảnh Việt Nam. Nhìn các bạn trẻ phải nhìn bằng con mắt rộng rãi, vì công việc và vì cái chung là sự phát triển của điện ảnh, miễn là các bạn đừng làm phim dung tục, đi ngược lại thuần phong mỹ tục.
- Cho tới thời điểm này, Hội Điện ảnh có sự hỗ trợ gì với những người trẻ không ạ?
+ Bạn biết đấy, như bao Hội khác, Hội Điện ảnh hoạt động bằng ngân sách nhà nước mà ngân sách ngày càng eo hẹp. Trước đây chúng tôi còn giúp được Trung tâm Phát triển Điện ảnh trẻ như cho mượn máy móc, thiết bị, thậm chí hỗ trợ mỗi phim 1 triệu đồng nhưng gần đây không giúp được nữa. Giờ các em phải hoạt động theo cơ chế "mỡ nó rán nó", đóng học phí để trang trải. Có ý kiến bảo sao không giúp họ ngay từ kịch bản ban đầu. Nhưng cơ chế là hỗ trợ diện rộng cả nước: 1 triệu đồng/ hội viên. Dù rất muốn nhưng chúng tôi chỉ tạo điều kiện cho họ thôi, không giúp được.
- Đã từng trải qua công tác quản lý, bà có cho rằng cơ chế nhà nước hiện nay dường như chưa thật sự ưu tiên các bạn trẻ?
+ Nhà nước thì quá nhiều việc nên trước mắt phải tự mình giúp mình thôi. Các bạn còn trẻ, hãy cứ bơi đi đã. Các bạn hãy theo học một cách nghiêm túc, chính quy rồi đầu quân ở một cơ quan nào đó. Hơn nữa, cơ chế hiện nay thông thoáng hơn nhiều. Có kinh phí, có kịch bản, các bạn thoải mái làm phim. Thế hệ trẻ thuận lợi hơn chúng tôi được tiếp cận nhiều kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Nếu giỏi, các bạn sẽ được nhà sản xuất mời làm phim. Tuy cơ chế này cũng tạo trào lưu nhà nhà làm phim, người người làm phim nhưng nó cũng tạo sức cạnh tranh rất lớn mà chỉ thật sự có tài bạn mới tồn tại được.
- Xin cảm ơn bà!
Đạo diễn trẻ Nguyễn Hiền Anh: Mọi nghề nghiệp đều không dễ dàng khi bắt đầu
Tuấn Thành (ghi)
Những giải thưởng mà "Dành tặng ông Điều" đã nhận được từ năm 2015 cho tới gần đây nhất là giải thưởng Cánh diều có thể nói là một sự công nhận không chỉ với bản thân mình mà còn tới tất cả những người mong muốn làm bộ phim tài liệu của riêng mình. Không ai có thể ngờ được sau khi kết thúc một khóa học làm phim không chuyên ngắn, mình lại có thể nhận được Cánh diều vào ngày hôm đó.
Mình bắt đầu thực hiện "Dành tặng ông Điều" từ giữa khóa học làm phim tài liệu. Nửa khóa đầu, mình không thể nghĩ ra đề tài nào khả quan để thực hiện và rồi hình ảnh của ông Điều hiện lên trong đầu mình. Không như những nhân vật khác, nhân vật của mình có lối sống rất khác biệt. Ông hiếm khi đi đâu, một phần vì đã đi quá nhiều với cương vị đại sứ cho cao ủy Liên Hợp Quốc thời trẻ, phần khác có lẽ vì con người ấy đã tìm ra lẽ sống cho cuộc đời và đang ngày ngày hoàn thiện nó tại căn nhà nhỏ của mình. Vì vậy, bối cảnh quay của mình chỉ xoay quanh căn nhà “bí ẩn” đó mà thôi.
Khi khởi đầu một điều gì đó, khó khăn là không thể tránh khỏi. Đây là lần đầu của mình đối với mọi thứ trong điện ảnh. Với chiếc Canon 500D từ một người bạn, lần đầu cầm máy, cảnh quay rung của mình đến chóng mặt. Lần đầu dựng phim, mình không biết dùng phần mềm, ghép đoạn lộn xộn. Lần đầu phải học cách không nhìn thấy những ánh mắt hiếu kì từ những người hàng xóm và mình phải học cách mỉm cười với câu hỏi “Cháu quay làm gì? Có được cái gì đâu? Sao cháu quay suốt thế?” từ họ. Và mình phải học cách vui vẻ đợi chờ xuất phim rất nhiều lần… Mỗi lần gặp trở ngại, mình đều được các anh chị trên TPD và bạn bè giúp đỡ rất nhiệt tình.
Với mình, làm phim tài liệu là một trải nghiệm rất thú vị. Đây là thể loại khiến cho chính người đạo diễn và cả khán giả đều không biết diễn biến của bộ phim. Cảm giác hiếu kì muốn xem kết quả cuối cùng đã hối thúc mình suốt quá trình làm phim. Mình muốn được trải qua hành trình ấy lần nữa. Mình muốn được thỏa mãn trí tò mò về sự vật xung quanh.
Khi tìm thấy ý tưởng thì mình sẽ bắt đầu lại một lần nữa. Mình nghĩ rằng mọi nghề nghiệp đều không dễ dàng khi bạn mới bắt đầu. Với điện ảnh, kiến thức của mình còn sơ sài và nhiều thiếu sót. Vì vậy, để nhận được điều kiện thuận lợi từ mọi người, trước hết nên hoàn thiện chính bản thân mình. Mình hứng thú với loại phim khoa học vũ trụ. Mình thích cảm giác được xem các bộ phim mà khởi đầu không hề hay biết về tác giả hay người thực hiện nó. Có lẽ điều khiến mình thích ở các bộ phim là xúc cảm mà nó mang lại. Chính vì vậy mà mình thật sự mong muốn thực hiện được những thước quay chạm tới xúc cảm của người xem.
Trong quá trình làm nghề, mình đã chứng kiến nhiều anh chị nỗ lực để quay được những thước phim của riêng mình. Có người phải lên những nơi xa xôi trong nhiều tháng để thực hiện, lại có người phải dũng cảm đưa những thước phim chân thật nhất về bạo lực gia đình của mình đi công chiếu, hay làm phim tài liệu với bối cảnh trong tù… Họ đều có những câu chuyện của riêng mình muốn được kể. Và có lẽ lòng dũng cảm hay tình yêu với câu chuyện hay nhân vật của mình đã khiến họ tiếp tục.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc Lợi: Sự bảo thủ có thể làm thui chột tài năng
Thảo Duyên (thực hiện)
- Thưa đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc Lợi, không chỉ là đạo diễn của những bộ phim nổi tiếng, ông còn là người tâm huyết với sự nghiệp giảng dạy, là thầy của nhiều đạo diễn, biên kịch tên tuổi. Chắc hẳn ông có nhiều trăn trở về những người làm điện ảnh trẻ hiện nay?
+ Tôi vẫn nhớ khi còn học điện ảnh ở Nga, một thầy giáo đã nói với chúng tôi rằng, cứ 10 năm, điện ảnh sẽ thay đổi một lần. Và điều này vô cùng chính xác khi chúng tôi trải qua mấy chục năm làm phim rồi quan sát thực tế đời sống điện ảnh. Chính yếu tố con người đã làm nên sự thay đổi quan trọng ấy.
Tôi rất mừng là mấy chục năm giảng dạy, tôi có được những học trò ưu tú. Lớp đầu tiên tôi dạy chính khóa có một số em sau này đã trở thành những đạo diễn có tiếng trong điện ảnh như Nguyễn Thanh Vân, Phạm Nhuệ Giang, Lưu Trọng Ninh, Đinh Đức Liêm... Tiếp sau nữa thì có Đỗ Thanh Hải, Vũ Trường Khoa... rồi gần đây nhất là Đặng Thái Huyền. Ngay cả khi các em đi làm, tôi vẫn dõi theo quá trình làm nghề của các em. Tôi vẫn nhớ, khi Đỗ Thanh Hải mới về Trung tâm sản xuất phim Truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) khi tình cờ gặp anh Khải Hưng, tôi có hỏi: "Mấy đứa học trò của tôi làm việc thế nào?". Anh Khải Hưng vui vẻ: "Chúng nó làm được anh ạ".
Rồi với Đặng Thái Huyền, ngay từ khi đi học, Huyền đã bộc lộ tài năng và yêu nghề. Khi làm đạo diễn phim "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Koong", tôi đã thuyết phục Hãng phim Hội Nhà văn cho Huyền đi sang Trung Quốc với tư cách trợ lý đạo diễn. Chứng kiến Huyền làm việc ở trường quay, tôi tin nó sẽ làm được việc. Sau này về Điện ảnh Quân đội, trước khi bắt tay vào làm phim "Mười ba bến nước", Huyền có đưa kịch bản cho tôi đọc. Tôi có "cảnh báo": "Phim này làm rất khó đấy. Kịch bản đầu tiên được giao mà thất bại, sau này người ta sẽ không giao phim cho nữa". Huyền về chỉnh sửa lại và rất mừng là phim đã thành công ngoài mong đợi.
- Là thầy của nhiều thế hệ học trò, vậy tố chất nào ở học trò khiến ông có sự đặc biệt ấn tượng, quan tâm hơn?
+ Dù trên lớp hay ngoài trường quay tôi luôn chia sẻ mọi kinh nghiệm làm nghề của mình. Tận tình chỉ bảo nếu các em hỏi. Cái này nói ra có thể khó tin nhưng tôi hay nhìn người bằng linh cảm. Nhưng tất nhiên, linh cảm ấy cũng xuất phát từ những gì tôi nhìn thấy, chứng kiến các bạn ấy học tập, làm việc trong cả một quá trình. Ví dụ như trong quá trình học tập tại trường, Lưu Trọng Ninh là một người bộc lộ tư chất đạo diễn rất sớm. Ninh thường có những góp ý thẳng thắn và chính xác về cấu trúc cốt truyện, chi tiết kịch bản. Sau này, những phim của Ninh rất mạnh về chi tiết, tính cách nhân vật. Ngay từ khi vào trường, chúng tôi đã có sự kiểm tra đầu vào. Ai tinh ý, có đầu óc sáng tạo là nhìn thấy ngay. Trong quá trình làm phim cũng bộc lộ ngay ai là người có khả năng hay không. Tuy nhiên, đó cũng là một quá trình rất dài.
- Sau nửa thế kỷ cống hiến cho điện ảnh, giờ lui về nghỉ ngơi, ông có yên tâm về thế hệ kế tiếp không?
+ Khi giảng dạy tại trường Sân khấu Điện ảnh, tôi thường tập trung khơi gợi đầu óc sáng tạo của các em và không bắt ép các em phải theo một khuôn mẫu nào. Nghệ thuật là sáng tạo mang dấu ấn cá nhân. Mỗi em có một thế mạnh riêng và cố gắng khai thác những thế mạnh ấy ở các em. Điều quan trọng nhất tôi nhắc các em là phải yêu nghề. Làm được chăng hay chớ thì không làm được nghề này đâu.
Ở trường quay, quyền của anh đạo diễn to lắm. Đạo diễn tưởng như không làm gì vì mỗi bộ phận đều có người trực tiếp làm nhưng anh lại phải là người kết hợp được những yếu tố ấy một cách hoàn hảo. Nói thật, tôi thấy nhiều bạn trẻ không yêu nghề bằng chúng tôi ngày xưa nhưng chưa bao giờ tôi bi quan về các bạn trẻ. Mỗi năm ra trường khá nhiều đạo diễn nhưng chỉ cần 1- 2 người trụ được với nghề, thành danh trong nghề là vui lắm rồi.
- Theo ông thì điều gì quan trọng để những bạn trẻ có thể làm nghề và tồn tại với nghề?
+ Với điện ảnh thì nhà trường chỉ cung cấp cho anh kiến thức còn thực tế công việc sẽ cho anh kinh nghiệm. Khi tôi làm phim "Bức tường không xây", tôi chọn một cô diễn viên đoàn chèo về đóng vai vợ ông chủ nhiệm. Khi diễn cảnh cô vợ đi làm về, đặt chiếc cuốc xuống đất, động tác của cô ấy trông như đang múa quạt. Tôi mới giật mình: "Chết rồi, đấy là hành động của diễn viên chèo chứ không phải điện ảnh". Sân khấu có thể ước lệ, tượng trưng nhưng điện ảnh càng thật, càng gần đời sống càng tốt.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, để những người trẻ kế thừa được những người đi trước thì hãy cho họ cơ hội. Ví dụ như cần có một thái độ cởi mở, thông thoáng khi xét duyệt phim của các bạn trẻ. Trong một lần ngồi duyệt phim ở hội đồng duyệt phim Cục Điện ảnh, tôi rất thích cách làm phim mới, sự táo bạo phá vỡ đi cấu trúc thông thường lâu nay của một bộ phim nhưng một số thành viên khác lại không đồng tình. Tất nhiên mỗi người một quan niệm nhưng theo tôi nên tôn trọng cá tính, sự sáng tạo của đạo diễn. Ở vị trí là người cầm cân nảy mực hay xét duyệt, bản thân mình cũng phải thường xuyên cập nhật để không bị lạc hậu. Sự bảo thủ và hẹp hòi, định kiến có thể làm thui chột tài năng. Điều đó rất nguy hiểm.
- Xin cảm ơn đạo diễn!