Điện ảnh Việt Nam và đấu trường quốc tế

Thứ Hai, 04/05/2015, 08:39
Đạo diễn Việt kiều Lê Lâm, Giáo sư Trường Điện ảnh IDHEC- Pháp, nổi tiếng với nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế từng đưa ra nhận xét: "Tôi có cảm tưởng, các phim do Nhà nước (Việt Nam - NV) chính thức cử đi dự LHP quốc tế đều theo những tiêu chuẩn ít liên quan đến ngôn ngữ điện ảnh. Tôi cũng muốn tìm hiểu tiêu chuẩn đó là gì mà chưa tìm ra". Và câu hỏi đâu là tiêu chí của điện ảnh Việt Nam trên đấu trường quốc tế một lần nữa như bài toán phương trình có nhiều ẩn số...

Trên thế giới hiện tại có hơn 550 Liên hoan phim quốc tế. Nhiều như vậy, nhưng tầm cỡ và giá trị thực sự của các Liên hoan phim này chỉ đếm trên đầu ngón tay, có thể kể: Cannes (Pháp), Venice (Ý), Berlin (Đức), Toronto (Canada), Sundance (Mỹ), Rotterdam (Hà Lan)… được xếp vào hạng A theo xếp loại Liên hoan phim của Hiệp hội điện ảnh quốc tế. Riêng khu vực Châu Á hiện có gần 50 Liên hoan phim - trong đó riêng Ấn Độ có 10, Trung Quốc (tính cả Hong Kong), Nhật Bản, Hàn Quốc, và Philippines mỗi nước có 4, và  đều nổi tiếng. Còn Việt Nam bắt đầu từ năm 2010 có 1 Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, tổ chức 2 năm/ lần.

Cho đến nay, phim Việt Nam được chọn tham dự Oscar và các Liên hoan phim quốc tế (hạng A) đếm trên đầu ngón tay, với những tiêu chí "không giống ai" vì thật sự chẳng có một tiêu chí nào để "định hình" cho điện ảnh Việt Nam.

Phim Việt trên đấu trường quốc tế

Lâu nay cứ phim Việt ra nước ngoài, kể cả tham dự những Liên hoan phim không biết nó thuộc của tổ chức nào, ở đâu, uy tín ra sao, giám khảo là ai, thậm chí cả những Liên hoan phim mang tính chất giao lưu địa phương kiểu như  Liên hoan phim Ficat TP.Tours (Pháp) cuối tháng 3/2015, hay như  Liên hoan phim Việt Nam lần đầu tiên diễn ra tại thành phố biển Saint Malo, Pháp tháng 7/2014…, cũng được tung hô và gắn mác Liên hoan phim quốc tế. Tuy nhiên, Liên hoan phim quốc tế hạng A có thể xem như một kênh thẩm định, đánh giá, và giải thưởng là sự "định giá" chất lượng để xem xét sự phát triển hay lớn mạnh của một nền điện ảnh quốc gia.

Trong khi nền điện ảnh của một số nước trong khu vực Đông Nam Á bước chân rất chắc vào đấu trường phim quốc tế ở các Liên hoan phim hạng A như Thái Lan, Campuchia, Singapore, Philippine.., thì con đường của điện ảnh Việt Nam đến với thế giới vẫn còn xa xôi và mờ nhạt.

Poste phim "Đập cánh giữa không trung" của dạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đoạt  giải thưởng tại LHP Fribourg Thụy Sĩ ngày 28/3/2015.

Không kể thời gian từ năm 2000 trở về trước, phim Việt Nam tham dự các Liên hoan phim quốc tế gần như chỉ trong phạm vi hẹp ở các nước Đông Âu hay một số quốc gia trong khu vực, hoàn toàn vắng mặt ở các Liên hoan phim quốc tế danh giá (hạng A) và Oscar. Mãi cho đến năm 2006, phim Việt Nam đầu tiên "Mùa len trâu" được gửi đi tham dự  Oscar tranh giải phim nói tiếng nước ngoài hay nhất thì đến nay, điện ảnh Việt Nam đã có thêm 5 phim nữa tham dự sân chơi đẳng cấp này: "Áo lụa Hà Đông", "Chuyện của Pao", "Đừng đốt", "Khát vọng Thăng Long", "Mùi cỏ cháy", và bị loại ngay từ vòng ngoài. Liên tiếp trong 3 năm trở lại đây không có phim Việt Nam nào được chọn tham dự.

Đã có lúc điện ảnh Việt Nam mừng rỡ tưởng chừng sắp chạm vào những biểu tượng danh giá của những Venice, Cannes, Toronto, Berlin, Bafta… khi "Bi, đừng sợ!" đoạt 2 giải tại Cannes 2010, "Chơi vơi" đoạt giải ở Venice 2009, "Đập cánh giữa không trung" ở Venice 2014, trong các hạng mục nhỏ dành cho các nhà phê bình phim.

Khi "Nước" được chọn chiếu khai mạc chương trình Toàn cảnh tại Liên hoan phim Berlin 2014, và gần nhất là "Cha, con và…" được tranh giải chính thức Gấu vàng của Liên hoan phim Berlin 2015 thì cũng chỉ là "giọt nước giữa đại dương" của điện ảnh Việt Nam… Nhưng dù sao những giọt nước này cũng đã góp phần nâng tầm uy tín của diện mạo điện ảnh Việt Nam khởi sắc so với tình hình ảm đạm như hiện nay. Và Điện ảnh Việt Nam rất cần những giọt nước để làm nên biển lớn như thế này.

Một bộ phim được tham dự vài Liên hoan phim lớn không đồng nghĩa với việc điện ảnh Việt Nam đã được thăng hạng lên đẳng cấp quốc tế. Đó chỉ là sự "an ủi" trong chốc lát để lấp đi cả một khoảng trống rộng lớn những thiếu hụt khiếm khuyết của điện ảnh Việt Nam, bởi như một câu cửa miệng mặc định, khi "mang chuông đi đánh xứ người", có "đánh" mà không có "tiếng", nên đi "để học hỏi kinh nghiệm làm phim với các cường quốc điện ảnh, là để điện ảnh Việt Nam được nước ngoài biết đến, là có dịp tiếp cận các thị trường điện ảnh thế giới…".

Tiêu chí nào để được chọn làm đại diện phim Việt?

"Có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và hướng tới hiệu quả xã hội tích cực", là tiêu chí cơ bản của các Liên hoan phim Việt Nam hay giải Cánh diều. Nhưng xem ra phim Việt được chọn ra đấu trường quốc tế không đạt tiêu chí này một cách toàn diện và đầy đủ.

Quay trở lại với một thắc mắc về điện ảnh Việt Nam của đạo diễn Lê Lâm, một đạo diễn có uy tín của điện ảnh Pháp, và ông cũng đã về Việt Nam làm giám khảo trong Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 3/11.2014: "…Nhưng tới giờ này tôi có cảm tưởng, các phim do Nhà nước chính thức cử đi dự Liên hoan phim quốc tế đều theo những tiêu chuẩn ít liên quan đến ngôn ngữ điện ảnh. Tôi cũng muốn tìm hiểu tiêu chuẩn đó là gì mà chưa tìm ra".

Một nền điện ảnh quốc gia được gọi là phát triển và được thế giới "để mắt" đến, ít nhất phải hội đủ ba yếu tố cơ bản: 1- Chất lượng phim thông qua những giải thưởng điện ảnh quốc tế và các Liên hoan phim quốc gia, khu vực. 2 - Số lượng phim sản xuất và phát hành hàng năm. 3 - Số lượng rạp chiếu phim tính trên đầu người.

Nhưng nhìn lại điện ảnh Việt Nam cả ba yếu tố này đều thuộc diện "có vấn đề".

Chỉ xét riêng tiêu chí 1, rõ ràng phim Việt Nam đoạt giải thưởng quốc tế ít và chỉ là giải nhỏ, phụ bên lề của các Liên hoan phim hạng A, hay ở các Liên hoan phim quốc tế khu vực không nằm trong hạng A.

Ví dụ như "Lạc giới" vừa tham gia Liên hoan phim Ficat - Tour (Pháp), đạo diễn Lê Lâm rất thẳng thắn chỉ ra tại sao thất bại, dù chỉ là tham gia một Liên hoan phim tầm địa phương: "Lạc giới là phim do nhà sản xuất đặt hàng chứ không phải là phim của đạo diễn. Có phải vì vậy mà tôi có cảm giác là thiếu cái "tôi" của tác giả hay đạo diễn trong phim?...

Phần quay, nghệ thuật, diễn xuất không kém gì phim quốc tế khác nhưng họ tự hỏi tại sao thổ dân vùng Bình Thuận - nơi là trường quay - lại vắng mặt suốt trong phim? Họ có cảm tưởng là câu chuyện này xảy ra ở một nước xa lạ nào không phải là Việt Nam....". Nhìn lại trước đó, ngay như những phim được cho là chất lượng và gửi đi tham dự Liên hoan phim hạng A như: "Chơi vơi", "Bi, đừng sợ", "Đập cánh giữa không trung", "Cha, con và…" thì nó vẫn là một câu chuyện mà "hồn cốt Việt" ở tận đâu. "Hội nhập ngôn ngữ điện ảnh các nước khác vào văn hóa ta là làm nghệ thuật ta giàu và tiến bộ hơn, chứ "chép và dán" chỉ làm mình nghèo đi, làm mất tâm hồn dân tộc..."- Đạo diễn Lê Lâm nhận định.

Hay trong một nhận xét về phim "Cha, con và…" dự tranh giải Gấu vàng Liên hoan phim Berlin 2015 vừa diễn ra, sau buổi chiếu đầu tiên, ông Anderson Le - Giám đốc chương trình Liên hoan phim Quốc tế Hawaii, không biết là khen hay chê cho hay: "Anh ấy (đạo diễn phim) có thể nắm bắt những lát cắt cuộc sống thông qua âm nhạc, âm thanh, mùi vị và cả bụi bẩn thường ngày, nhưng cũng tạo ra một thế giới ngầm đầy tính chủ nghĩa hiện thực ma mị, làm gợi nhớ đến lăng kính nghệ thuật của Penek Ratanurang thời kỳ đầu, Trần Anh Hùng, và ngay cả Garin Nugroho".

Cứ nhìn vào danh mục phim được chọn gửi tham dự giải Oscar - Mỹ, phim nói tiếng nước ngoài hay nhất của điện ảnh Việt Nam cũng thật khó hiểu với tiêu chí: Từ phim đầu tiên là "Mùa len trâu" của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh, một phim thấm đẫm tính văn hóa bản địa vùng sông nước Nam Bộ, Việt Nam, đoạt giải thưởng ở các Liên hoan phim quốc tế ở Amazonas (Brazil), Locarno (Thụy Sĩ), Amiens (Pháp), Chicago (Bắc Mỹ), Asian Marine, Namur, Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 50.., nhưng khi tham dự giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam thì chỉ được xếp vào hạng mục tự phát là "Cánh diều đặc biệt". Còn những phim sau rất khó nắm bắt tiêu chí nào được chọn của điện ảnh Việt Nam: "Áo lụa Hà Đông", "Chuyện của Pao", "Đừng đốt", "Khát vọng Thăng Long", "Mùi cỏ cháy"?

Vậy đâu là tiêu chí của điện ảnh Việt khi lựa chọn phim mang ra đấu trường quốc tế? Ngày 25/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt "Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", theo đó ngành điện ảnh Việt Nam sẽ phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại và hội nhập, mang đậm bản sắc dân tộc… Nhưng cho đến giờ này, tiêu chí cho một phim Việt Nam mang ra đấu trường quốc tế vẫn như bài toán phương trình có nhiều ẩn số.

Để chạm tay vào tượng vàng Oscar hay các biểu tượng danh giá của các Liên hoan phim quốc tế hạng A khi ngay cả việc tìm ra tiêu chí nghệ thuật điện ảnh Việt Nam như một "chuẩn" còn chưa định hình, thì những biểu tượng vàng….còn mơ về nơi xa lắm.

Hoài Hương
.
.