Để không bị hút vào các drama

Thứ Năm, 01/09/2022, 16:36

Tôi chắc rằng hiếm có món ăn nào lại có chỗ đứng vững vàng như "lòng xào dưa" trong mấy ngày qua. Bạn có thể tìm thấy hơn 11.000.000 kết quả trên thanh công cụ google với chủ đề này. Dĩ nhiên, đó là với cái nghĩa phái sinh bóng bẩy của nó chứ còn trong thực tế món ăn này hẳn vẫn chẳng tăng được giá nào. Thế mới biết, "mồi nhậu" của cư dân mạng đáng giá đến thế nào.

Nhưng đằng sau "mồi nhậu" hot đó là gì, đâu là nhân vật chính mà họ hướng đến? Đang băn khoăn thì người viết gặp được sự lí giải từ bài báo của tác giả Lê Giang (nhan đề: Từ chuyện "lòng xào dưa" xôn xao cõi mạng, nghĩ về phụ nữ ngoại tình) trên Báo Dân trí, có đoạn viết: "Đàn ông ngoại tình, vợ của họ sẽ cho rằng lỗi lớn nhất vẫn là do "tiểu tam". Phụ nữ ngoại tình, chồng của họ sẽ cho rằng vợ của mình là đồ trắc nết hư hỏng. Đàn ông ngoại tình, vợ của họ sẽ cho rằng do có kẻ muốn cướp chồng của họ. Phụ nữ ngoại tình, chồng họ sẽ cho rằng vợ "theo trai". Ngay cả tên gọi "con giáp thứ 13" cũng chỉ để dành gọi riêng cho phụ nữ". Loáng cái, sang tuần đã lại có vụ "cá mập" và "búp bê" gì đó, rồi sau những ồn ào qua đi, lại sẽ nổ ra những cuộc tranh luận về phụ nữ thời nay.

Để không bị hút vào các drama -0
Nhiều trường học tổ chức các chương trình giúp học sinh biết cách ứng xử trên mạng xã hội sao cho chuẩn mực.

Theo dõi nhiều "vụ" drama như thế trên Facebook, người viết nhận ra các sân khấu vô hình này căng thẳng và chia phe theo kiểu võ đài. Bạn bước vào mạng xã hội, bạn đọc tin và bạn sẽ theo phe nào? Tuỳ vào sự lựa chọn của bạn mà dư luận sẽ ủng hộ hay lập tức block ngay bạn. Có một sự nghiệt ngã đối với các góc nhìn như thế đó, thử hỏi mấy ai dám bênh vực, dám đưa ra chính kiến của mình?

Trở lại với món "lòng xào dưa" trên mạng xã hội, người viết từng đọc lại những dòng tin chụp màn hình điện thoại được cho là của cặp "gian phu, dâm phụ" đó. Khỏi cần bàn đến góc độ pháp luật hay đạo đức xã hội. Nhưng, nếu thử ngẫm ra vẫn có điều gì đó đau đớn, ngậm ngùi. Vì sao người phụ nữ (được cho là một giáo viên mầm non) ấy lại đến nông nỗi này? Vì sao những nồng nàn, say đắm kia không dành cho tình yêu chính chuyên?

Thực ra, việc quan hệ nam nữ bất chính trong xã hội xưa nay không hiếm, có điều nó có trở thành một pha kinh điển trên mạng xã hội hay không còn phụ thuộc vào độ quái lạ của nó. Người dùng Facebook, Youtube, TikTok ngày nay đang chuộng cái quái lạ. Vì cái lạ, hơn là sự phê phán, người ta có thể cùng nhau tạo ra các trend, một thứ tâm lý mạng đôi khi còn cay nghiệt hơn cả những gì chúng ta thường nói về chế độ phong kiến trong xã hội cũ. Cái quái lạ nhanh chóng áp đặt được lên suy nghĩ nhiều người.

Để không bị hút vào các drama -0
“Lòng xào dưa” và những từ khóa từng gây bão mạng xã hội.

Đã bao giờ chúng ta tự hỏi: Pháp luật quy định về mức độ xử phạt như thế nào đối với tội danh ấy? Và, một điều chắc chắn rằng ở mức phạt nặng đến đâu cũng chỉ dành cho nạn nhân chứ không hề cay nghiệt như cách mà cư dân mạng "chu di" cả người thân của họ bằng đủ các kiểu bình luận. Ngỡ là đang bênh vực người vợ "chính thất" nhưng thực ra bạn đang đi qua giới hạn từ lúc nào không hay.

Nhưng tại sao chuyện "lòng xào dưa" chẳng hay ho gì lại trở nên hot trên mạng xã hội hơn là những việc làm, ứng xử cao thượng, tử tế. Nguyên nhân chính từ hiệu ứng chia sẻ (share), thổi phồng những tin tức từ chính những người đang sử dụng mạng xã hội. Cụ thể như: "theo kết quả khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) rằng trên mạng xã hội, tỉ lệ thông tin nói xấu, phỉ báng là 61,7%; vu khống, bịa đặt thông tin là 46,6%." (theo Báo Tuổi trẻ). Một con số không hề nhỏ cho thấy khả năng "bùng nổ" từ chính người sử dụng chứ không phải từ tin gốc.

Có một thời, khi Internet và mạng xã hội chưa phát triển, chúng ta đã thấy những mặt trái của việc lan truyền những tin tức "cướp-giết-hiếp" trên báo in. Một sự bất công không hề nhỏ nếu biểu thị tỉ lệ tin tức đó trên biểu đồ so với các tin tích cực, các việc làm tử tế. Còn hôm nay vẫn có không ít người hóng biến, hít drama đến quên cả nấu cơm cho con, trở thành nạn nhân của chính mình lúc nào không hay.

Trong cuộc sống này, khi bạn chưa có chính kiến riêng, bạn chỉ sống dựa vào hiện tượng đang nổi như cồn, bất luận đó là hiệu ứng tốt hay xấu. Theo nhà nghiên cứu J.Rappoport (Mỹ) cho rằng: Người dùng mạng xã hội "bận tâm với việc đăng tải hình ảnh bản thân, phát ngôn thiển cận và nông cạn, hoặc đang bị biến thành đối tượng bị thôi miên, bị cuốn vào ống hút khổng lồ có quy mô toàn cầu, tiếp nhận các tin tức giả đã được nhào nặn làm ra vẻ quan trọng, chắc chắn, như thật. Tâm trí thụ động sẽ càng thụ động hơn với các thông tin giả tạo ra đời từ một thế giới ảo lại được coi như là thực tế". (theo Báo Nhân dân). "Tâm trí thụ động" đang đè nặng lên quan điểm, cảm quan của chúng ta. Suy cho cùng, xã hội cũng như thế giới hôm nay ở góc độ nào đó đang được gom vào mạng xã hội. Sự thụ động vô hình chung là một sự thừa nhận bất kể tính xác thực của nó như thế nào.

Để không bị hút vào các drama -0
Khi bị mắc kẹt quá lâu trong một drama thì cái giới quan của con người cũng dần trở nên phiến diện đi.

Sắp bước vào tháng 9, mùa tựu trường, hẳn các bậc phụ huynh lại đang đau đầu với một thứ drama có tên là "năm học mới". Những "tình tiết" có tên gọi sách giáo khoa, tiền xây dựng, tiền đồng phục, điều hòa… đẩy kịch tính lên cao đến mức "nghẹt thở" với nhiều phụ huynh. Nói về một trong số các yếu tố đó, Tiến sĩ, chuyên gia Nghiên cứu và Phát triển Võ Nhật Vinh từng lo ngại: "Đến mức này, đồng phục không còn giữ nguyên ý nghĩa "hòa đồng, không phân biệt" học sinh với nhau, mà thậm chí có thể khoét sâu thêm cách biệt giàu nghèo. Thay vì hướng tới mang lại lợi ích cho học sinh, đồng phục có thể trở thành công cụ phục vụ lợi ích của nhà trường và các thành viên ban giám hiệu" (Theo vnexpress.net). Một chuyện rất thiết thực ấy lại chẳng mấy ai quan tâm để cùng bàn bạc với nhà trường tìm phương hướng tháo gỡ hay chính nhiều người trong số chúng ta cũng đang mải hóng drama mà quên đi "bi kịch" của chính mình?

 Sống trong xã hội ngày nay nếu đủ bản lĩnh văn hoá, bạn sẽ vượt thoát ra được những làn sóng phong trào ồn ào kiểu "mùa nào thức ấy", như: Tháng ba thì đổ xô đi tặng hoa, tháng bảy thì ồn ào báo hiếu… Tác giả Thu Hà trong bài "Xã hội báo hiếu" không đợi Vu Lan" trên Báo Dân Việt cho rằng: "Làn sóng báo hiếu dịp rằm tháng bảy hình như cũng làm con người ta bớt hối hả, xã hội như chậm lại một nhịp so với những xô bồ thường nhật, ngoái lại với những tình cảm gia đình, và với người già. Nhưng bên dưới làn sóng hiếu thảo đó, những thân phận cô độc tuổi già, những nỗi niềm bất lực vì không thể báo hiếu của tuổi trẻ và cả tuổi không còn trẻ, càng ngấm ngầm càng cuộn lên không kém phần dữ dội". Đã bao giờ bạn tự hỏi cuối cùng thì mình có được gì sau những drama này, phong trào kia khi mà trong lòng mình chưa hề có chủ kiến?

Bận bịu với drama của người khác mà quên rằng mình đang đắm chìm vào những bi kịch do chính mình tạo ra. Bận bịu tranh cãi về hạnh phúc mà quên mất việc chăm chút cho hạnh phúc của mình. Một chuyện không mới nhưng vẫn lấy đi tâm trí và thời gian cho rất nhiều người. Nếu chúng ta coi hệ sinh thái số là một môi trường sống của tâm hồn, nếu chúng ta coi những câu chuyện đẹp là nguồn dinh dưỡng tinh thần thì hãy thật sự tỉnh táo với cả cộng đồng mạng xã hội. Khi đó, bạn sẽ thấy không cần phải "hóng" theo để sống, để bàn, để tranh luận, để điều chính nghĩa. Hãy lặng lẽ sống với những chuẩn mực đạo đức chính là cách bạn tự bảo vệ mình và thoát ra khỏi những vòng xoáy drama kia…

Kiến Văn
.
.