Sự chuyển mình của Web Drama Việt

Thứ Năm, 06/01/2022, 08:15

Web drama, hiểu một cách đơn giản là phim trình chiếu trên các nền tảng mạng xã hội đang trở thành xu hướng tất yếu trong thời công nghệ số. Sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân khiến phim chiếu mạng trở thành “cứu cánh” cho các nhà sản xuất phim. Một số giải thưởng trong lĩnh vực phim ảnh đã có hạng mục riêng để tôn vinh web drama. Tuy nhiên, để có những tác phẩm web drama có giá trị đích thực vẫn là chặng đường dài ở phía trước.

Những tín hiệu tích cực

Tại lễ trao Giải thưởng “Ngôi sao xanh” năm 2021– giải thưởng tôn vinh những gương mặt, những bộ phim trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình do kênh truyền hình Today TV, Tạp chí Thế giới điện ảnh tổ chức hôm 19/12 vừa qua, hai bộ phim web drama được vinh danh là: “Về nhà ăn Tết” (nhà sản xuất Hồ Bích Trâm, giải thưởng “Phim Web drama được yêu thích nhất” do khán giả bình chọn) và “Chuyện xóm tui” phần 2 (nhà sản xuất Thu Trang, Tiến Luật, giải thưởng “Phim web drama hay nhất” do Hội đồng nghệ thuật bình chọn.

web drama 1.jpeg -0
Một cảnh trong “Chuyện xóm tui” phần 2 của nghệ sĩ Thu Trang, Tiến Luật.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, web drama “Chuyện xóm tui” phần 2 hấp dẫn người xem nhờ những câu chuyện đầy thú vị ở xóm lao động nghèo có cái tên hài hước – Xóm Lom Com. “Chuyện xóm tui” phần 2 mang đậm màu sắc Tết, không chỉ mang đến những khoảnh khắc “cười bung nóc” mà còn có những phút giây lắng đọng khiến khán giả rơi nước mắt cùng nhân vật. Phim gồm 3 tập và tất cả các tập đều thu hút hàng chục triệu lượt xem trên YouTube.

Mặc dù không có lượt xem “khủng” như “Chuyện xóm tui” của Thu Trang, Tiến Luật nhưng “Về nhà ăn Tết” được đánh giá là bước đột phá của Hồ Bích Trâm trong diễn xuất và với vai trò nhà đầu tư sản xuất phim. Phim kể về hành trình chạy trốn của hai anh em Mộc Đức (Khương Dừa đóng) và Thái Dương (Hồ Bích Trâm đóng). Mồ côi cha mẹ từ sớm, cuộc sống khó khăn, hai anh em quyết định rời quê hương lên Sài Gòn lập nghiệp. Biến cố xảy ra khi Mộc Đức vay tiền của xã hội đen để trang trải cuộc sống và Thái Dương cũng gặp khó khăn trong công việc. Từ đây, cuộc sống của hai anh em là chuỗi ngày trốn chạy và đối mặt với nhiều nguy hiểm. Phim có nhiều tình tiết kịch tính, gây xúc động cho người xem.

Trong danh sách các web drama đề cử tại Giải thưởng “Ngôi sao xanh” năm 2021 còn có rất nhiều phim được khán giả trẻ yêu mến như: “Chuyện trường chuyện lớp” (nhà sản xuất Pops và HT Star), “Gia đình cục súc” (nhà sản xuất Võ Tấn Phát), “Chị mẹ học yêu” (nhà sản xuất Galaxy Play), “Tâm sắc Tấm” (nhà sản xuất Ngọc Thanh Tâm), “Bí mật 69” (nhà sản xuất Huy Khánh), “Chàng phi công của em” (nhà sản xuất Ưng Hoàng Phúc). Những bộ phim web drama tranh tài ở Giải thưởng “Ngôi sao xanh” năm nay đều nhận được phản hồi tích cực của khán giả, liên tục lọt top trending (xu hướng tìm kiếm nhiều), thu hút số lượng người xem, bình luận rất lớn trên YouTube và các mạng xã hội khác.

Một số web drama mới “trình làng” thời gian gần đây cũng được khán giả nhiệt tình đón nhận. Trước tiên phải kể đến “Trời ơi! Tức muốn chết” của NSND Hồng Vân. Đây là một web drama có sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng như NSND Hồng Vân, Hoàng Sơn, Thanh Thủy, Lê Giang, Hữu Tín, Lạc Hoàng Long, Lê Quốc Nam, Lê Lộc, Hữu Tín, Tuấn Dũng… “Trời ơi! Tức muốn chết” khai thác đề tài quen thuộc xoay quanh cuộc sống bình dị của những người lao động. Qua đó gửi gắm tiếng cười, nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc tới người xem.

Bên cạnh đó, ca sĩ Jang Mi vừa giới thiệu đến khán giả web drama “Công chúa bến xe”, ekip Hoài Tâm trình chiếu “Trừ yêu đại sư huynh” từ ngày 31/10/2021. Ekip Thu Trang, Tiến Luật với phim hài tình huống “Gia đình bá đạo”. Cùng chủ đề về tình yêu, gia đình có “Dịch vụ zụ zịt” của Nam Thư và ekip sản xuất…

web drama 2.jpeg -0
Web drama “Trời ơi! Tức muốn chết” của NSND Hồng Vân ra mắt thời gian gần đây nhận được phản hồi tích cực của khán giả.

Có thể nói rằng, so với một vài năm về trước, web drama ngày càng được đầu tư bài bản, công phu về mọi mặt. Nếu như trước đây, mảng đề tài về xã hội đen, gây cười bằng những màn giả gái, nhại giọng được khai thác triệt để trên web drama thì giờ đây, đề tài phim được mở rộng theo hướng đa dạng và gần gũi hơn với đời sống. Những câu chuyện tình bạn, tình yêu, gia đình, cuộc sống những người lao động nghèo… được khai thác giúp web drama có chiều sâu, chạm gần hơn đến cảm xúc của người xem.

Bên cạnh nội dung phim, các yếu tố khác như bối cảnh, đạo cụ, trang phục, kỹ thuật dựng phim cũng được chú trọng hơn. Thời gian gần đây, sự tham gia sản xuất web drama của các nghệ sĩ có tên tuổi trong showbiz đã góp phần nâng cao chất lượng phim, điểm những gam màu tươi sáng cho bức tranh web drama Việt.

Chờ đợi những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống, trong đó có lĩnh vực nghệ thuật. Phim điện ảnh gần như “đóng băng” không thể ra rạp. Chính vì vậy, phim chiếu mạng được coi là hướng đầu tư thông minh, vừa phù hợp với thời đại công nghệ 4.0, vừa thể hiện sự nhanh nhạy, thích ứng với diễn biến của tình hình thực tế. Bên cạnh đó, làm web drama cũng là cách để nghệ sĩ Việt duy trì sức hút, kết nối khán giả trong thời gian tạm xa sân khấu.

Ưu điểm của web drama là thời lượng ngắn, việc quay, dựng, kiểm duyệt phim không phức tạp như khi phát hành ngoài rạp. Bên cạnh đó, kinh phí để đầu tư web drama chắc chắn “tiết kiệm” hơn nhiều so với sản xuất phim thông thường. Tuy nhiên, nếu thành công, web drama cũng có thể mang lại lợi nhuận và danh tiếng lớn. Nhìn ở một góc độ khác, web drama cũng là “phép thử” sức hấp dẫn của phim cho các nhà sản xuất. Thực tế cho thấy, đã có tác phẩm từ web drama bước ra rạp chiếu và đạt được thành công vang dội, trong đó “Bố già” (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, Trấn Thành) là một ví dụ.

Những ưu điểm của web drama đã thu hút nhà sản xuất phim từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Không ít diễn viên, ca sĩ cũng bắt tay sản xuất web drama. Đây là vấn đề có tính hai mặt: tốt và không tốt. Mặt tốt thể hiện ở chỗ, thành phần tham gia sản xuất web drama đa dạng, điều đó đồng nghĩa với mảng đề tài được khai thác sẽ phong phú hơn. Khán giả sẽ được lựa chọn, thưởng thức nhiều món ăn tinh thần đa dạng hơn. Sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất cũng chính là động lực để web drama phát triển.

Tuy nhiên, khi tất cả mọi người đều có thể sản xuất phim và đưa lên mạng thì web drama cũng là nơi mà “vàng thau lẫn lộn”. Trên mạng, hiệu ứng thành công không hẳn xuất phát từ chất lượng tác phẩm. Đôi khi, những tác phẩm được đầu tư bài bản, nghiêm túc, chỉn chu cả về nội dung và hình thức thể hiện lại không bắt được “gu”, “trend” của cư dân mạng.

Hiện nay, hài hước vẫn là tình tiết được các nhà sản xuất web drama “cài cắm” để mang lại những giây phút thư giãn cho khán giả. Tuy nhiên, không ít khán giả cho rằng, nhiều khi tình tiết hài hước lại bị khai thác quá đà, rơi vào tình trạng “tự nhiên chủ nghĩa”,  khiên cưỡng. Ngay cả như web drama rất được yêu thích như “Gia đình cục súc” cũng không ít lần gây cảm giác phản cảm khi chọc đùa bằng chuyện giả gái, chuyện phòng the… Chiều theo thị hiếu đơn thuần của khán giả vẫn đang là cách làm phổ biến của các nhà sản xuất web drama và điều này chính là rào cản khiến web drama khó “vượt qua định kiến” là sản phẩm giải trí đơn thuần.

Vợ chồng nghệ sĩ Thu Trang, Tiến Luật chia sẻ rằng, web drama được xem là hướng đi tốt cho các nghệ sĩ trong mùa dịch này nhưng khi cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì các nghệ sĩ cần phải có sự đầu tư nghiêm túc, sáng tạo hơn nữa mới có thể “giữ chân” khán giả và được giới chuyên môn đánh giá cao. Nhận định này hoàn toàn có lý bởi nghệ thuật là lĩnh vực của sáng tạo và người nghệ sĩ phải không ngừng sáng tạo để mang đến những giá trị nghệ thuật mới.

Web drama, xét cho cùng cũng là một sản phẩm nghệ thuật và để trở thành một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, nó phải là sự kết tinh của lao động nghệ thuật chân chính.

Tường Phạm
.
.