Cuộc chơi đã thay đổi

Thứ Sáu, 12/04/2024, 09:30

Có thể nhận ra cuộc chơi âm nhạc bắt đầu thay đổi khi thị trường đã đa dạng dòng nhạc hơn, được đa dạng khán giả tiếp nhận hơn. Chuyện một ca khúc của một nghệ sĩ không hát pop ballad hoặc nhạc điện tử sôi động đạt lượt nghe, xem trên hàng triệu đã không còn là kỳ tích nữa mà bắt đầu trở nên bình thường.

Mấy năm trước, khi nam ca sĩ Hà Lê công bố sự hợp tác của anh với Sony Music Việt Nam, không ít người trong ngành công nghiệp âm nhạc nội địa (music business) đã tỏ ra ngạc nhiên với thông tin này.Việc một tên tuổi tầm cỡ "lục đại gia" (big six, 6 hãng đĩa lớn nhất thế giới tính đến trước 1998 là Sony Music, Warner Music, EMI, BMG, PolyGram, Universal Music Group) ký kết với một ca sĩ Việt Nam, lại chưa phải là ca sĩ hạng A, khiến nhiều người hy vọng sẽ bắt đầu có nhiều thay đổi lớn cho Vpop.

Thực tế, cùng thời điểm Hà Lê kết hợp với Sony Music (SM), ca sĩ Vũ đã bắt tay với Warner Music Group (WMG) và sau đó, Universal Music Group (UMG) cũng tham gia thị trường Việt Nam để tránh chậm chân. Như vậy, sau khi thời đại của "lục đại gia" qua đi, do một số hãng đĩa đã rút lui khỏi thị trường vì không chống chọi lại "cơn hồng thủy" nhạc số, 3 đại gia lớn nhất thế giới ở lĩnh vực thu âm, xuất bản và phát hành đều đã bắt đầu khai thác thị trường Việt Nam, nơi có tiềm năng rất lớn với nguồn lực 100 triệu dân.

Sau cơn đại suy thoái kéo dài từ những năm 2000, dẫn tới việc CD đang từ sản phẩm chủ lưu lui về thị trường ngách, năm 2021 đánh dấu một bước lịch sử của ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu khi lần đầu tiên các hãng đĩa lớn (major record label) đạt đỉnh doanh thu từng có ngang bằng năm 1999. Và, đỉnh doanh thu ấy mới chỉ là kết quả của việc các hãng đĩa lớn ký kết được với 65% nghệ sĩ toàn cầu, một con số khiêm tốn nhất trong lịch sử âm nhạc hiện đại. Kỳ vọng ký kết thêm được những nghệ sĩ mới sẽ có thể giúp tăng doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc trong tương lai mà Việt Nam chắc chắn không nằm ngoài mạng lưới hấp dẫn này.

Điểm đáng lưu ý và có thể coi là điểm sáng của việc 3 đại gia hàng đầu khai thác thị trường Việt Nam chính là danh sách những nghệ sĩ mà họ ký kết. Đa số đều là những nghệ sĩ, ban nhạc trẻ trung, ngoại trừ vài trường hợp hiếm hoi như Hà Lê, phần còn lại đều là những nghệ sĩ trình diễn các tác phẩm tự mình sáng tác. Các ca sĩ vốn dĩ chỉ quen hát các bài mua lại của các nhạc sĩ không được ưu tiên lựa chọn, kể cả họ đang là ngôi sao hạng A chăng nữa.

Điều đó cho thấy, chắc chắn trong một vài năm tới, thị trường âm nhạc Việt Nam sẽ thay đổi tận bản chất. Thị trường nhạc Việt xưa nay chuộng pop ballad hoặc nhạc điện tử sôi động và định dạng luôn hai dòng nhạc ấy là chủ đạo. Ca sĩ lao vào chọn con đường dễ dãi ấy vì họ tin rằng nó có thể giúp họ tiếp cận khán giả tốt hơn, nhanh hơn. Song, từ SM, UMG cho tới WMG đã nhìn nhận lớp khán giả chủ đạo tương lai sẽ khác. Họ sẽ nghe nhạc đa dạng hơn, gần gu thưởng thức Anh - Mỹ hơn. Từ đó, họ ký kết với những nghệ sĩ trẻ trung, giàu sức sáng tạo mà điển hình gần nhất là ban nhạc Chillies ở TP Hồ Chí Minh và ban nhạc The Cassette ở Đà Nẵng. Số lượng các nghệ sĩ, ban nhạc hoạt động theo hướng này cũng đông đảo hơn với những cái tên bắt đầu quen với khán giả như Thịnh Suy, Minh Tốc & Lam, Vũ Thanh Vân, Giấy Gấp, 7uppercuts...

Với các tín hiệu như vậy, có thể nhận ra cuộc chơi âm nhạc bắt đầu thay đổi khi thị trường đã đa dạng dòng nhạc hơn, được đa dạng khán giả tiếp nhận hơn. Chuyện một ca khúc của một nghệ sĩ không hát pop ballad hoặc nhạc điện tử sôi động đạt lượt nghe, xem trên hàng triệu đã không còn là kỳ tích nữa mà bắt đầu trở nên bình thường. Có thể tin rằng, từ cơ sở này, chỉ 3-5 năm nữa, âm nhạc chủ đạo của thị trường sẽ khác và dẫn tới lựa chọn vào nghề của các nghệ sĩ cũng sẽ khác.

Văn Đoàn
.
.