Kinh tế hòa nhạc: Việt Nam làm nổi không?

Thứ Sáu, 08/03/2024, 15:09

Nói nôm na về kinh tế hòa nhạc, chúng ta có thể hình dung ra ở quy mô nhỏ hơn là Đà Lạt. Từ khi các tụ điểm tổ chức các hòa nhạc nở rộ ở thành phố cao nguyên này, sức hút của nó đã không chỉ còn tồn tại ở chỗ là một địa điểm du lịch có khí hậu đa dạng trong ngày nữa. Bắt đầu nhiều ngành nghề dịch vụ tại Đà Lạt được phát triển hơn, từ nghỉ dưỡng tới ẩm thực...

Trong nhiều cơn sốt giải trí khuấy động cộng đồng trẻ Việt Nam thời gian gần đây, “The Eras Tour” của nghệ sĩ Mỹ Taylor Swift là một trong những cơn sốt đáng chú ý nhất. Nó không bùng nổ tới mức cả cộng đồng phải nhắc tới nhưng xu hướng quan tâm lại kéo dài, kể từ khi bộ phim ca nhạc cùng tên ra rạp và cho tới hôm nay, những ngày mà cô chuẩn bị cho 6 đêm công diễn “The Eras Tour” tại Singapore. Điều đáng chú ý là 6 đêm diễn này không phải do ê-kíp của Taylor Swift lên kế hoạch mà nó được đặt hàng bởi chính phủ đảo quốc sư tử, thông qua Tổng cục Du lịch nước này.

Kinh tế hòa nhạc: Việt Nam làm nổi không? -0
Taylor Swift biểu diễn trong đêm nhạc The Eras Tour. (Nguồn: Getty Images)

Được biết, Chính phủ Singapore đã chi 4 triệu USD cho mỗi đêm để Taylor Swift lựa chọn Singapore là điểm diễn độc quyền tại Đông Nam Á. 6 đêm, nghệ sĩ biểu tượng đương đại nước Mỹ bỏ túi 24 triệu USD, chưa kể các doanh thu từ phần trăm bán vé, phần trăm bán vật phẩm thương mại cũng như nhiều doanh thu khác.

Trong khi đó, Chính phủ Singapore ước tính mang lại từ 400 đến 500 triệu USD sau 6 đêm diễn này. Doanh thu kỳ vọng ấy không đến từ bán vé hay các sản phẩm dịch vụ du lịch cơ bản đơn thuần. Phần lớn nó đến từ việc tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm hơn, phát triển được nhiều ngành nghề dịch vụ hơn. Song, cái lợi lớn hơn nữa chính là hình ảnh của Singapore, một quốc gia được xem là đi đầu trong kỷ nguyên “kinh tế hòa nhạc”.

Nói nôm na về kinh tế hòa nhạc, chúng ta có thể hình dung ra ở quy mô nhỏ hơn là Đà Lạt. Từ khi các tụ điểm tổ chức các hòa nhạc nở rộ ở thành phố cao nguyên này, sức hút của nó đã không chỉ còn tồn tại ở chỗ là một địa điểm du lịch có khí hậu đa dạng trong ngày nữa. Bắt đầu nhiều ngành nghề dịch vụ tại Đà Lạt được phát triển hơn, từ nghỉ dưỡng tới ẩm thực... Cái lợi của những chương trình hòa nhạc hấp dẫn nằm ở chỗ đó và nó bắt đầu đánh thức nhiều người quan tâm ở Việt Nam về câu hỏi “Tại sao Việt Nam không phát triển kinh tế hòa nhạc và rộng hơn là kinh tế giải trí?”.

Câu hỏi này thực ra không khó trả lời. Việt Nam có nhiều địa phương lý tưởng để thực hiện kinh tế hòa nhạc nói riêng và kinh tế giải trí nói chung. Một trong những ví dụ về thành công chính là Lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng. Song, để phát triển kinh tế hòa nhạc tầm vóc quốc tế, chúng ta còn thiếu quá nhiều. Muốn cạnh tranh với Singapore, chúng ta cần cải thiện gấp những điểm còn thiếu đó và đặt ra ưu đãi nhất định cho các bên tham gia.

Thứ nhất là địa điểm. So với Singapore, Thái Lan, Việt Nam thiếu các địa điểm hòa nhạc đại chúng có sức chứa lên tới hàng chục ngàn người. Trừ các sân vận động, nhà thi đấu, các quảng trường, có thể nói, chúng ta chưa có một địa điểm nào để tạm thời sử dụng như khán phòng hòa nhạc có sức chứa trên 10 ngàn người. Cái thiếu này cần thời gian bù đắp nếu có kế hoạch nghiêm túc, bởi xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng cần tính bằng năm chứ không thể chỉ là chuyện của tháng và ngày.

Thứ hai là trang thiết bị. Các nghệ sĩ quốc tế bao giờ cũng có đòi hỏi kỹ thuật (tech rider) rất cao, ở tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới (world class). Ở Việt Nam chưa có nhà thầu nào đủ cung cấp trang thiết bị như thế. Muốn thực hiện các concert quốc tế tầm cỡ, ta thường tạm nhập tái xuất và điều đó đội chi phí rất cao. Để đầu tư, không hẳn các doanh nghiệp ngạch này ở Việt Nam thiếu tiền. Cái họ thiếu là cơ chế ưu đãi như thuế là một điển hình. Và, cơ bản hơn, họ cần nhìn thấy đầu ra, tức là phải có đơn vị đặt hàng các show tầm vóc hằng tháng, thậm chí hằng tuần... để đầu tư lớn ấy có cơ hội tạo ra doanh thu tương xứng.

Khắc phục hai điểm yếu ấy, đặc biệt là điểm thứ hai, có khó không? Xin thưa là không khó chút nào, nếu có một kế hoạch thống nhất và đường dài từ quản lý nhà nước cấp cao. Cách làm của Tổng cục Du lịch Singapore có thể là một hình mẫu. Thực hiện được như vậy, đó cũng chính là đã làm tốt một việc lớn trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Văn Đoàn
.
.