Văn nghệ sĩ với đề tài biển đảo, biên giới

Thứ Năm, 03/12/2020, 15:47
Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức trao giải Cuộc thi “Sáng tác về biên giới, biển đảo đợt 1” dành cho các tác phẩm từ năm 1974 trở lại đây. Gần 2 tháng phát động với hơn 100 tác phẩm được xét tặng trong đợt đầu, Ban tổ chức đã trao 39 giải thưởng và 12 giải tôn vinh cho những tác phẩm xuất sắc về đề tài đặc biệt này.


Đây là cuộc thi thu hút nhiều cây viết của nhiều vùng miền, lứa tuổi, đặc biệt là các cây bút trẻ ở các thể loại thơ, văn xuôi quan tâm sâu sắc đến đề tài biển, đảo.

Phát biểu tại buổi lễ, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định vai trò của văn học nghệ thuật trong công tác tuyên truyền về biên giới, biển đảo, đồng thời nhấn mạnh về tấm lòng tri ân bao thế hệ cha ông ta đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tinh thần ấy được lan tỏa, tiếp nối trong nhiều thế hệ người Việt và giới văn nghệ sĩ để cho ra đời những tác phẩm đầy tính hiện thực và xúc động. Các tác phẩm được tôn vinh, trao giải thưởng đợt 1 có chất lượng nội dung tốt, cách tiếp cận tinh tế, sâu sắc. Nhiều tác phẩm đã chinh phục được bạn đọc, đoạt nhiều giải thưởng văn chương uy tín của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Hội Nhà văn Việt Nam…

Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh nhấn mạnh: “Các nhà văn của chúng ta ý thức rất sớm ý nghĩa thiêng liêng trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền của đất nước. Các nhà văn lặng lẽ viết, lặng lẽ đi, lặng lẽ sáng tạo... Sự bám sát đời sống, trách nhiệm của nhà văn đi trước quyết định của ban chấp hành. Đấy là điều hết sức đặc biệt”. 

Việc trao giải có ý nghĩa hơn bởi phần lớn các tác phẩm đã có thời gian kiểm chứng, đánh giá, xác định. Và chính thời gian là ban giám khảo cao nhất giám định các tác phẩm, cho nên ý nghĩa của giải thưởng mang tính tổng kết.

Các tác giả đạt giải. Từ trái qua: Nguyễn Xuân Thủy, Đoàn Văn Mật, Lữ Mai, Nguyễn Quang Hưng.   

Hội đồng Chung khảo đã trao 12 giải Tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc về đề tài biên giới, biển đảo. Đây là những tác phẩm đã xuất bản, được công chúng đón nhận, trong đó có những tác phẩm:“Tổ quốc nhìn từ biển”(Nguyễn Việt Chiến);“Đảo chìm và hơi thở rừng hồi”(Vương Trọng);“Hạ thủy những giấc mơ”(Nguyễn Hữu Quý),“Sóng trầm biển dựng”(Đoàn Văn Mật)...

Bên cạnh giải Tôn vinh, Hội Nhà văn Việt Nam cũng trao Giải thưởng sáng tác về biên giới, biển đảo cho 32 tác phẩm. Giải Nhất thuộc về 4 tác phẩm:“Đảo chìm Trường Sa”(Trần Đăng Khoa),“Mình và họ”(Nguyễn Bình Phương),“Ba phần tư trái đất”(Thi Hoàng),“Từ biển mà đi”, “Thơ viết về biển”, “Mộ gió” (Trịnh Công Lộc). Ban tổ chức cũng trao 10 giải Nhì, 18 giải Ba và 7 giải thưởng cho các tập thể.

Nhà thơ Lữ Mai:  

“Đề tài biển đảo luôn có mặt trong các cuộc thi, từ cuộc thi của Bộ Quốc phòng cho đến những giải thưởng của Bộ Tư lệnh Hải quân, giải thưởng của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Tôi nhận ra rằng, trong thời gian gần đây, lượng tác giả trẻ tham gia viết về người lính càng đông hơn trước. 

Trước đây, nói đến đề tài biển đảo người ta thường nhớ đến tác phẩm của nhà thơ Hữu Thỉnh, trường ca của nhà thơ Thanh Thảo, những bài thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến... Nhưng càng gần đây thì số lượng tác giả tham gia thuộc thế hệ 7X, 8X rất đông. Đây là một lực lượng sáng tác mới, đang có một nguồn cảm hứng mới để khắc họa về hình ảnh người lính hôm nay. Họ sẽ nối tiếp mạch cảm hứng dồi dào ấy để khắc họa, tạo hình mới về người lính, về vùng biển đảo thiêng liêng. 

Cuộc thi lần này tôi may mắn đạt giải 3 với trường ca “Ngang qua bình minh” sau 2 tác phẩm là “Nơi đầu sóng” và “Mắt trùng khơi”. Đây là những tác phẩm tôi đi công tác Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2019. Nội dung viết về hình tượng người chiến sĩ Hải quân trong thời bình. Tôi đã chọn hình tượng những con tàu và các thủy thủ ngày đêm bám biển trời quê hương. Đó là sợi dây nối đất liền với đảo xa, nhà giàn. 

Nhiều năm quan sát, đọc và cảm nhận các tác phẩm về biển đảo, tôi cũng thấy rằng trường ca và tiểu thuyết là những thể loại dài hơi, đây là một thách thức rất lớn đối với người cầm bút. Khi chúng ta rung động trước biển, rung động trước người lính, chúng ta có thể làm một bài thơ, hoặc có thể viết một truyện ngắn, nhưng để ra được một trường ca hay tiểu thuyết thì không đơn giản. Nguồn cảm xúc đó cần có sự cộng hưởng bằng sự trải nghiệm thực tế, phải có độ lùi về thời gian, phải thực sự lắng đọng thì mới có thể viết được. 

Trở lại với những tác phẩm được giải có thể kể đến tiểu thuyết “Biển xanh màu lá” của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy; thì nhà văn phải bám trụ nơi tiền tiêu của Tổ quốc với vai trò là một người lính Hải quân. Hay như trường ca “Sóng trầm biển dựng” của nhà thơ Đoàn Văn Mật cũng vậy, tác giả phải tới nơi đầu sóng ngọn gió mới có những câu thơ viết nên từ thực tế biển đảo. 

Tất cả các tác phẩm ra đời đều có lý do của nó và rõ ràng, để viết được trường ca, tiểu thuyết thì cần có sự trải nghiệm dày dặn và phải sống với nó trong suốt một quãng thời gian rất dài thì mới có thể viết được một tác phẩm như mong muốn. 

Có thể nói rằng, số lượng tác giả, tác phẩm tham gia các cuộc thi gần đây rất phong phú về đề tài, thể loại, cho thấy các tác giả trẻ đã thực sự nhập cuộc. Mảng đề tài về biển đảo quả thực bấy lâu nay vẫn được xem là một địa hạt khó, đặc biệt là với người viết trẻ như chúng tôi. 

Là người viết đồng thời cũng là người đọc rất kỹ các tác phẩm của các bạn trẻ, tôi luôn dành tình cảm trân quý họ, có những tác phẩm thực sự ấn tượng như tiểu thuyết “Biển xanh màu lá” của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy. 

Khi tôi đặt chân đến Trường Sa, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc thì tôi mới cảm nhận được sự thẳm sâu, tuyệt đẹp của biển xanh màu lá là như thế nào. Thực sự chỉ có những ai trải nghiệm như nhà văn Nguyễn Xuân Thủy – một người lính Trường Sa đã từng bám trụ nơi tiền tiêu của Tổ quốc thì mới có được một tiểu thuyết ấn tượng như vậy. Đây chỉ là một ví dụ trong vô số những tác phẩm về Trường Sa. 

Hay như trường ca “Nước non mặt biển” của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, tôi cũng rất yêu mến và thích thú. Mỗi một tác giả đều có một góc độ riêng, một sắc thái riêng nhưng họ đều đong đầy trong đó một tình yêu, một niềm đam mê và một lòng tự hào đối với biển đảo Tổ quốc mình”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng:

“Tôi rất vui mừng được nhận giải thưởng này. Giải thưởng cho thấy tinh thần cổ vũ, sẵn sàng đồng hành với người sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam trong các đề tài thời sự và hệ trọng của đất nước. 

Mong rằng từ sự tôn vinh này, sẽ có các chương trình, hoạt động sáng tác khác nữa với sự phối hợp của Hội và các bộ, ngành như Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, các địa phương có biển đảo, biên giới… nhằm tạo điều kiện cho các nhà văn, nhà thơ tăng cường thực tế và sáng tác thêm nhiều tác phẩm mới có giá trị về đề tài bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo, phát triển kinh tế, xã hội vùng sâu, vùng xa, giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống các đồng bào dân tộc Việt Nam ở những vùng trọng yếu của Tổ quốc”.

Nhà thơ Vân Anh:

“Tôi đã có những chuyến đi thực tế ở các đồn biên phòng miền Tây Nghệ An, ở các cửa biển và tôi nhận ra rằng, dẫu trong thời bình nhưng người lính vẫn còn bao vất vả, hi sinh. Tập thơ “Tìm trầm” của tôi đã có những bài thơ viết về người lính ấy. 

Có thể nói mảng đề tài biên giới, biển đảo luôn có sức hút mạnh mẽ đối với mỗi người cầm bút. Bởi ở đó không chỉ để chúng ta khẳng định phần cương lãnh thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là xương máu của biết bao thế hệ cha ông đã ngã xuống nơi này. Bởi ở đó đang hàng ngày hàng giờ những người lính, những người con dân nước Việt phải đối mặt với bao hiểm nguy, gian khó mà “gánh sông núi trên vai”, mà gìn giữ và “tôn cao” đất nước. Đó chính là một trong những nguồn cảm xúc sâu lắng để mỗi người cầm bút viết nên tác phẩm cho mình”.

Vân Khánh
.
.